Hưởng ứng Cuộc thi tìm hiểu pháp luật trực tuyến về Công ước Luật biển năm 1982 và Luật Biển Việt Nam năm 2012 (28/09/2017)

Thực hiện Kế hoạch số 1835/KH-BTP ngày 31/5/2017 của Ban Tổ chức Cuộc thi về việc tổ chức “Tìm hiểu pháp luật trực tuyến” năm 2017 (Sau đây gọi tắt là Cuộc thi), Bộ Tư pháp tổ chức Cuộc thi lần thứ hai với chủ đề “Công ước Luật Biển năm 1982 và Luật Biển Việt Nam năm 2012”.

Sau 9 năm đàm phán, ngày 10/12/1982 Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật biển (gọi tắt là Công ước Luật biển 1982) tên tiếng anh là United Nations Convention on the law of the Sea hay thường được gọi tắt là UNCLOS 1982,ngay trong ngày mở ký đầu tiên đã có 107 quốc gia, trong đó có Việt Nam. Công ước được ký tại Montego Bay, Jamaica (tính đến nay số quốc gia ký là 157), đánh dấu thành công của Hội nghị LHQ về Luật biển lần thứ 3, với sự tham gia của 168 quốc gia và nhiều tổ chức quốc tế, kể cả các tổ chức quốc tế phi chính phủ, cùng xây dựng nên một Công ước mới về Luật biển, được nhiều quốc gia, kể cả những quốc gia không có biển, cùng chấp nhận.
Sau Hiến chương LHQ, Công ước Luật biển 1982 được đánh giá là văn kiện pháp lý quốc tế quan trọng nhất kể từ sau chiến tranh thế giới thứ hai, được nhiều quốc gia ký kết và tham gia.
Với 320 điều khoản và 9 phụ lục, Công ước Luật biển 1982 được coi là bản hiến pháp về biển của cộng đồng quốc tế, không chỉ bao gồm các điều khoản kế thừa từ các điều ước quốc tế trước đó về biển mà còn pháp điển hóa các quy định mang tính tập quán quốc tế, tồn tại qua một thời gian dài trong thực tiễn của các quốc gia, cũng như những xu hướng phát triển mới trong thực tiễn sử dụng,khai thác biển và đại dương.
Ngày 23/6/1994, Quốc hội Việt Nam đã ra nghị quyết về việc phê chuẩn Công ước Luật biển, trong đó khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với các vùng nội thủy, lãnh hải, quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam trên cơ sở các quy định của Công ước và các nguyên tắc của pháp luật quốc tế, yêu cầu các nước khác tôn trọng các quyền nói trên của Việt Nam.
Ngày 21/6/2012, Việt Nam đã ban hành Luật biển nhằm thống nhất quản lý việc hoạch định, sử dụng, thăm dò, khai thác, bảo quản các vùng biển, thềm lục địa và hải đảo của Việt Nam tại một văn bản có giá trị hiệu lực cao. Đây được coi là bước tiến quan trọng trong việc nội luật hóa các quy định của Công ước Luật biển vào pháp luật Việt Nam, tạo thuận lợi cho Nhà nước Việt Nam quản lý thống nhất về biển và phát triển nền kinh tế biển của Việt Nam. Điều này cũng thể hiện sự cam kết thực tế của Việt Nam đối với việc tôn trọng và thực thi các quy định của Công ước Luật biển 1982.
Xuất phát từ ý nghĩa quan trọng của Công ước Luật biển 1982 và Luật biển Việt Nam 2012, Bộ Tư pháp tổ chức Cuộc thi tìm hiểu pháp luật trực tuyến với chủ đề này dưới sự tư vấn về mặt nội dung của Tổ Công pháp, Khoa Pháp luật quốc tế, Trường Đại học Luật Hà Nội nhằm thông tin một số nội dung cơ bản, tạo cơ hội để cán bộ, công chức và nhân dân cùng tìm hiểu các quy định của Công ước Luật biển 1982 và Luật biển Việt Nam 2012. Cuộc thi diễn ra từ ngày 29/9-29/10/2017.
Ban Tổ chức mong đông đảo cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân hưởng ứng tham gia cuộc thi tại địa chỉ: http://pbgdpl.moj.gov.vn/qt/cuocthi/Pages/home.aspx.