Kết quả tổ chức cuộc thi “Tìm hiểu pháp luật trực tuyến” năm 2017 lần thứ nhất (13/09/2017)

Thực hiện Kế hoạch số 1835/KH-BTP ngày 31/5/2017 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp về việc tổ chức cuộc thi “Tìm hiểu pháp luật trực tuyến năm 2017” (sau đây gọi là Cuộc thi), Bộ Tư pháp đã tổ chức Cuộc thi lần thứ nhất năm 2017 với chủ đề “Quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015”. Ban Tổ chức Cuộc thi báo cáo kết quả Cuộc thi như sau:

1. Công tác tổ chức, phát động Cuộc thi  
Sau khi Kế hoạch tổ chức Cuộc thi được ban hành, Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã ban hành Quyết định số 484/QĐ-BTP ngày 15/6/2017 thành lập Ban Tổ chức và Tổ Thư ký giúp việc Ban Tổ chức Cuộc thi “Tìm hiểu pháp luật trực tuyến” năm 2017. Ban Tổ chức cuộc thi đã ban hành Thể lệ số 2506/TL-BTC ngày 19/7/2017; xây dựng, thẩm định Bộ câu hỏi trắc nghiệm, tình huống liên quan đến các quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015 và đáp án phục vụ Cuộc thi.
Để kịp thời hướng dẫn, phát động hưởng ứng cuộc thi, Ban Tổ chức Cuộc thi đã ban hành các Công văn số 2678/BTP-PBGDPL ngày 02/8/2017 về việc hưởng ứng cuộc thi “Tìm hiểu pháp luật trực tuyến” năm 2017 gửi Sở Tư pháp các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Theo đó, đề nghị Sở Tư pháp các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương giới thiệu, động viên, khích lệ toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong cơ quan, đơn vị và nhân dân tích cực tham gia hưởng ứng Cuộc thi. Đồng thời đăng tải đường link về Cuộc thi trên Cổng, Trang thông tin điện tử của Sở Tư pháp.
2. Kết quả và trao thưởng cuộc thi
Cuộc thi được diễn ra từ ngày 09/8 đến ngày 31/8/2017 thu hút 3213 lượt người tham gia; trong đó có 190 lượt người trả lời đúng 09 câu hỏi trắc nghiệm, chiếm 5.9%); có 491 lượt người trả lời đúng 8 câu (chiếm 15.3%); có 676 người trả lời đúng 7 câu (chiếm 21%); có 04 người không trả lời đúng câu nào (chiếm tỷ lệ 0.12%).
Căn cứ kết quả thi, Ban Tổ chức cuộc thi đã ban hành Quyết định số1461                 /QĐ-BTC ngày 13/9/2017 công nhận kết quả thi và trao giải thưởng cuộc thi cho 04 cá nhân đạt giải và dự kiến gửi giải thưởng cho các cá nhân đạt giải.
3. Đánh giá chung
a) Ưu điểm và tác động, hiệu quả
Sau gần 01 tháng triển khai, Cuộc thi cơ bản đạt được mục tiêu, yêu cầu, nhiệm vụ đề ra, tạo hiệu ứng xã hội tích cực. Cuộc thi đã góp phần nâng cao nhận thức pháp luật, cung cấp các quy định cơ bản của Bộ luật Dân sự; bồi dưỡng kỹ năng xử lý tình huống pháp lý; xây dựng, hình thành thói quen chủ động học tập, tìm hiểu pháp luật.
Cuộc thi được tổ chức nghiêm túc, từ ban hành Kế hoạch đến Quyết định thành lập Ban Tổ chức và Tổ Thư ký giúp việc; đã xây dựng được Bộ câu hỏi, Đáp án, Thể lệ, Quyết định công nhận và trao giải thưởng; phần mềm tổ chức Cuộc thi. Đây là cơ sở, điều kiện tốt để phục vụ các Cuộc thi tiếp theo.
Kết quả của Cuộc thi cho thấy vai trò, tầm quan trọng của việc ứng dụng công nghệ thông tin; khẳng định tính đúng đắn cho hướng đi mới trong hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật.
b) Tồn tại, hạn chế
- Công tác chỉ đạo, hướng dẫn còn chậm; công tác thông tin, truyền thông chưa rộng rãi; tỷ lệ tham gia thi chưa cao. Cuộc thi được tổ chức dưới hình thức trực tuyến, có nhiều điểm mới, khâu tổ chức, hướng dẫn còn lúng túng.
- Số lượng người trả lời đúng 9 câu hỏi còn thấp đã cho thấy thực trạng nắm bắt và vận dụng các quy định pháp luật của người dân chưa đầy đủ, cần tiếp tục đẩy mạnh trong thời gian tới.
- Kinh phí bảo đảm cho Cuộc thi rất hạn hẹp; việc thực hiện giải pháp xã hội hoá gặp nhiều khó khăn do không có nguồn tài trợ nên chưa kịp thời động viên, khích lệ người dân, nhất là giá trị thưởng cho người đạt giải.
c) Nguyên nhân thành công và hạn chế
- Sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sát sao, kịp thời của Lãnh đạo Bộ Tư pháp, Ban Tổ chức Cuộc thi, lãnh đạo Sở Tư pháp các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và sự tích cực tham gia của cán bộ, công chức, viên chức và người dân.
- Đây là lần đầu tiên Cuộc thi được tổ chức trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Tư pháp nên quá trình tổ chức triển khai còn thiếu kinh nghiệm; chưa phát huy đầy đủ trách nhiệm của các bên phối hợp tổ chức cuộc thi.
4. Giải pháp
4.1. Bám sát và tranh thủ triệt để sự lãnh đạo, chỉ đạo của Lãnh đạo Bộ Tư pháp; Ban Tổ chức Cuộc thi.
4.2. Tăng cường các hoạt động truyền thông để thông tin, phổ biến giới thiệu về cuộc thi trên các phương tiện thông tin đại chúng, báo chí.
4.3. Tiếp tục hoàn thiện phần mềm phục vụ Cuộc thi.
4.4. Cần chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng nội dung thi, nhất là Bộ câu hỏi, đáp án; dự liệu đầy đủ các tình huống mới phát sinh để có giải pháp tháo gỡ kịp thời.
4.5. Tiếp tục nhận diện đầy đủ, đánh giá toàn diện kết quả, hiệu ứng tích cực và tác động của Cuộc thi, nhất là những thành công để xem xét, đề xuất nhân rộng mô hình, gắn với đổi mới cách thức triển khai các hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật.
File đính kèm