Liên kết website

Triển khai Đề án tăng cường công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cho thanh thiếu niên giai đoạn 2011 - 2015:

09/12/2011

Kỳ I: Chính sách phù hợp với thanh thiếu niên

Trước tình hình tội phạm trong thanh, thiếu niên diễn biến phức tạp, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 2160/QĐ-TTg ngày 26/11/2010 phê duyệt Đề án tăng cường công tác phổ biến, giáo dục pháp luật nhằm nâng cao ý thức pháp luật cho thanh, thiếu niên giai đoạn 2011 – 2015. Mục tiêu chính của Đề án là tổ chức tuyên truyền, phổ biến để trang bị kiến thức pháp luật trong các lĩnh vực liên quan đến đời sống, học tập, công việc của thanh thiếu niên, ạo sự chuyển biến rõ rệt về ý thức pháp luật của thanh thiếu niên, đồng thời nâng cao nhận thức, hành động, trách nhiệm của gia đình, nhà trường và cộng đồng xã hội trong việc giáo dục thanh thiếu niên chấp hành pháp luật.

Chỉ vì thất học

Thống kê của Bộ Công an cho thấy, tình hình phạm tội do người chưa thành niên gây ra có chiều hướng gia tăng. Cụ thể, năm 2007 toàn quốc có 10.361 vụ, gồm 15.589 em, 6 tháng đầu năm 2008 đã xảy ra 5.746 vụ, với 9.000 em (tăng 2% số vụ)… Hàng năm các cơ quan thi hành pháp luật bắt giữ truy tố hơn 115.000 người, trong đó có 16-18 nghìn trẻ vị thành niên... Số vụ án do người chưa thành niên gây ra là một con số rất lớn, chiếm khoảng 15-18% tổng số vụ vi phạm hình sự.

Một vấn đề dễ nhận thấy là tất cả những trường hợp tuổi teen phạm tội đều có một điểm chung là có hoàn cảnh đặc biệt. Thứ trưởng thường trực Bộ Tư pháp Hoàng Thế Liên cho biết, có nhiều nguyên nhân của thực trạng đáng buồn trên như gia đình nghèo, học vấn thấp, bạo hành gia đình, thiếu tự trọng, thiếu khả năng chịu đựng để vượt qua các vấn đề của mình, bị bạn bè lôi kéo, áp lực trong học tập, xã hội....

Còn theo một kết quả điều tra xã hội học, có tới 38,8% người chưa thành niên vi phạm pháp luật xuất thân từ những gia đình có cha mẹ làm nghề buôn bán; trong đó có hơn 40% số trẻ em được trực tiếp phỏng vấn cho biết đang sống trong hoàn cảnh gia đình không bình thường như 12% chỉ sống với mẹ, 4% chỉ sống với bố, 3,1% sống với cha mẹ kế, còn lại sống với người khác. Trong số người chưa thành niên vi phạm pháp luật có tới 17% là những trẻ lang thang, vô gia cư; 71,37% số trẻ vị thành niên vi phạm pháp luật trả lời không nhận được sự quan tâm, chăm sóc đầy đủ của cha mẹ và gia đình.

Ban hành chính sách hợp với thanh thiếu niên

Nhưng nguyên nhân sâu xa vẫn là thiếu các dịch vụ hỗ trợ cộng đồng (như trung tâm tham vấn kỹ năng sống, kỹ năng làm cha mẹ...) và thiếu các chương trình bảo vệ xã hội (như chính sách trợ cấp, chính sách tăng thu nhập gia đình, giới thiệu việc làm...) để hỗ trợ người chưa thành niên và gia đình vượt qua khó khăn, phòng ngừa tội phạm và tái phạm. Hầu hết các đối tượng trong nhóm người chưa thành niên có nguy cơ đều cho biết họ không tham gia vào một chương trình phòng ngừa nào tại cộng đồng.

Song có thể không quá khi nói rằng, công tác giáo dục, phòng ngừa và cải tạo cho người chưa thành niên phạm tội hiện nay còn nhiều hạn chế và yếu kém. Công tác chống tội phạm nặng về mặt chống và trừng trị, chưa chú ý đến công tác phòng ngừa. Trách nhiệm của các cá nhân và tổ chức chưa rõ ràng, khó quy trách nhiệm khi có vụ việc xảy ra. Hệ thống văn bản pháp luật liên quan đến việc phòng ngừa, xử lý các vi phạm pháp luật trong lứa tuổi chưa thành niên cũng còn nhiều quy định chưa phù hợp, thiếu cơ chế phối hợp cụ thể.

Từ những phát hiện trên có thể thấy người chưa thành niên rất cần hỗ trợ của cộng đồng. Và Đề án tăng cường công tác phổ biến, giáo dục pháp luật nhằm nâng cao ý thức pháp luật cho thanh thiếu niên giai đoạn 2011 – 2015 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chính là một “mắt xích” quan trọng thể hiện sự quan tâm của cộng đồng. Bởi Đề án đã nhấn mạnh: “Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cho thanh thiếu niên là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, các tổ chức kinh tế và của mọi tầng lớp nhân dân, huy động mọi nguồn lực và tổ chức triển khai mạnh mẽ công tác này”.

Mục tiêu chung của Đề án tăng cường công tác phổ biến, giáo dục pháp luật nhằm nâng cao ý thức pháp luật cho thanh thiếu niên giai đoạn 2011 – 2015 là đến hết năm 2015, nhận thức về pháp luật, ý thức chấp hành pháp luật, kỹ năng ứng xử pháp luật trong đời sống của thanh thiếu niên được nâng cao rõ rệt. Còn một trong những mục tiêu cụ thể là giảm từ 10% trở lên số người vi phạm pháp luật là thanh thiếu niên, số vụ vi phạm pháp luật có thanh thiếu niên tham gia.

Cẩm Vân

Các tin đã đưa ngày: