Liên kết website

Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật Trung ương kiểm tra tại tỉnh Kon Tum và Gia Lai

23/12/2016

Thực hiện Kế hoạch công tác phổ biến, giáo dục pháp luật năm 2016 và Quyết định số 2365/Q Đ-BTP ngày 11/11/2016, Quyết định số 2366/QĐ-BTP ngày 11/11/2016 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp - Chủ tịch Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật Trung ương về việc thành lập Đoàn kiểm tra công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và thực hiện Đề án tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống tham nhũng, trong 02 ngày 14 và 15/12/2016 Đoàn kiểm tra của Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật Trung ương đã tổ chức kiểm tra công tác phổ biến, giáo dục pháp luật tại tỉnh Kon Tum và tỉnh Gia Lai. Đoàn kiểm tra gồm đại diện của Ủy ban Trung ương Mặt trận tổ quốc Việt Nam, Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, Bộ Tài chính, Ủy ban Dân tộc.

Để đánh giá toàn diện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật ở cơ sở, Đoàn kiểm tra đã tiến hành kiểm tra tại huyện Đắk Hà, tỉnh Kon Tum; huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai và Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum, tỉnh Gia Lai. Tại những nơi kiểm tra, Ủy ban nhân dân đã mời đầy đủ các sở, ngành, cơ quan, tổ chức trên địa bàn tỉnh, huyện tham dự để báo cáo kết quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trong lĩnh vực phụ trách, như: Giáo dục đào tạo, Công an, tư pháp, văn hóa thể thao và du lịch, thông tin truyền thông, phụ nữ, thanh niên, dân tộc, thanh tra, mặt trận tổ quốc…

Kết quả kiểm tra cho thấy, tại các địa phương đã tổ chức triển khai nghiêm túc Luật phổ biến, giáo dục pháp luật và các văn bản hướng dẫn thi hành và các văn bản cấp trên, Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật được quan tâm kiện toàn; việc triển khai các đề án về phổ biến giáo dục pháp luật được thực hiện, nhất là đề án “Tăng cường phổ biến, giáo dục pháp luật cho cán bộ, nhân dân vùng biên giới, hải đảo”, “Tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho người dân nông thôn và đồng bào dân tộc thiểu số” và Đề án "Nâng cao chất lượng công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trong nhà trường"; công tác phổ biến văn bản pháp luật mới được quan tâm, phổ biến pháp luật có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với đối tượng, đạt nhiều thành tựu trong công tác. Đây là 02 tỉnh thuộc khu vực Tây Nguyên, nhiều đồng bào dân tộc thiểu số (chiếm tới 50%) trình độ dân trí còn hạn chế, nhiều phần tử phản động, chống phá cách mạng hoạt động. Các cấp ủy, chính quyền địa phương đã sát sao, quan tâm đến công tác giáo dục đạo đức, tư tưởng cho bà con nên đã góp phần nâng cao nhận thức pháp luật của nhân dân, ổn định an ninh trật tự, an toàn trên địa bàn. Mặc dù nguồn kinh phí phục vụ công tác phổ biến, giáo dục pháp luật còn hạn chế, nhưng địa phương đã chủ động sử dụng nguồn nhân lực tại chỗ như tuyên truyền viên pháp luật, phát huy vai trò của người có uy tín trong cộng đồng dân cư, nhà trường, phương tiện thông tin đại chúng vào công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, đặc biệt sử dụng kênh dân tộc (VTV5) của Đài Phát thanh và truyền hình Việt Nam thường xuyên tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước cho nhân dân rất hiệu quả.

Tuy nhiên, các địa phương cũng cần lưu ý trong việc lập kế hoạch công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trung hạn và dài hạn; tiếp tục nghiên cứu mô hình phổ biến pháp luật mới phù hợp với địa bàn, dân cư và điều kiện của địa phương nhằm tạo sự đột phá căn bản trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật; tăng cường vai trò quản lý nhà nước, giám sát; gắn công tác phổ biến pháp luật với giáo dục tư tưởng, đạo đức, lối sống; tăng cường nâng cao chất lượng của báo cáo viên pháp luật, tuyên tryền viên pháp luật; cần huy động sự tham gia của luật sư, luật gia, các đoàn thể vào công tác phổ biến, giáo dục pháp luật.
Các tin đã đưa ngày: