Liên kết website

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong phổ biến, giáo dục pháp luật.

23/02/2017

Đó là chỉ đạo của Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long tại buổi làm việc với tập thể Vụ Phổ biến giáo dục pháp luật (PBGDPL) về dự thảo Chương trình PBGDPL của Chính phủ giai đoạn 2017 - 2021; Đề án đổi mới công tác PBGDPL ngày 22/2. Cùng dự có Thứ trưởng Phan Chí Hiếu, nguyên Thứ trưởng, Chuyên gia cao cấp Đinh Trung Tụng.

Đó là chỉ đạo của Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long tại buổi làm việc với tập thể Vụ Phổ biến giáo dục pháp luật (PBGDPL) về dự thảo Chương trình PBGDPL của Chính phủ giai đoạn 2017 - 2021; Đề án đổi mới công tác PBGDPL ngày 22/2. Cùng dự có Thứ trưởng Phan Chí Hiếu, nguyên Thứ trưởng, Chuyên gia cao cấp Đinh Trung Tụng.
Nội dung, hình thức PBGDPL còn theo “lối mòn”
Trình bày Dự thảo Quyết định Ban hành Chương trình phổ biến, giáo dục pháp luật giai đoạn 2017-2021 của Thủ tướng Chính phủ và đề án đổi mới công tác PBGDPL, Vụ trưởng Đỗ Xuân Lân cho biết, sau hơn 3 năm thực hiện Luật PBGDPL đã đạt nhiều kết quả quan trọng. Thể chế, chính sách về PBGDPL được hoàn thiện; công tác PBGDPL đã khẳng định vị trí, vai trò quan trọng trong việc nâng cao nhận thức pháp luật, giáo dục ý thức tuân thủ, chấp hành pháp luật trong toàn xã hội; nội dung, hình thức được đổi mới, đa dạng, phong phú hơn với nhiều mô hình, cách làm mới, thiết thực, hiệu quả; chất lượng, hiệu quả được nâng lên; bám sát hơn với công tác xây dựng, thi hành, bảo vệ pháp luật.

Công tác lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn, triển khai thực hiện được chú trọng; các cấp, các ngành nhận thức đầy đủ, toàn diện hơn về vị trí, vai trò của pháp luật trong quản lý đất nước và kiến tạo sự phát triển xã hội cũng như vị trí, vai trò của công tác PBGDPL trong xây dựng, thi hành và bảo vệ pháp luật và trong bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan; tổ chức; Các nguồn lực bảo đảm cho công tác PBGDPL được quan tâm hơn, nhất là từ nguồn bảo đảm triển khai thực hiện các Chương trình, Đề án về PBGDPL và triển khai thi hành các luật, pháp lệnh, quy định, chính sách mới; các vấn đề dư luận xã hội quan tâm hoặc cần định hướng dư luận xã hội
Tuy nhiên, các Chương trình, đề án về PBGDPL rất nhiều dẫn đến trùng lắp trong khi nguồn lực rất hạn chế, nhất là đối với các địa bàn chưa cân đối được ngân sách. PBGDPL được lồng ghép trong nhiều chương trình, đề án nên bên cạnh những địa phương có cách làm hay, sáng tạo, nhiều địa phương do khối lượng công việc nhiều nên dẫn đến hình thức. Nội dung, hình thức PBGDPL còn theo lối mòn, việc phát hiện để nhân rộng các mô hình hay, cách làm mới chưa kịp thời thường xuyên; vai trò của Hội đồng PBGDPL và tính chủ động của một số địa phương còn hạn chế.

Phó Tổng biên tập Báo Pháp luật Việt Nam Đặng Ngọc Luyến cho rằng, việc xây dựng Chương trình và Đề án nêu trên là rất cần thiết. Hiện nay, nhận thức của nhiều Bộ, ngành, địa phương về công tác PBGDPL là rất tốt, do đó đã ban hành các văn bản đẩy mạnh công tác PBGDPL tuy nhiên, dẫn ra những ví dụ cụ thể, Phó Tổng biên tập cho rằng từ chủ trương đến việc thực hiện còn có khoảng cách. Chính vì vậy, việc xây dựng Chương trình và đề án đổi mới cần phải nghiên cứu kỹ để đảm bảo tính khả thi.
Ông Nguyễn Văn Cương, Quyền Viện trưởng Viện Khoa học pháp lý, Bộ Tư pháp chỉ ra thực tế của công tác PBGDPL “có khi ta nói cái người dân không cần” nên cho rằng, đổi mới PBGDPL là phải đi thẳng vào nhu cầu, mà không nên phổ biến pháp luật tràn lan. Quan trọng theo ông Cương: “cán bộ trong bộ máy nhà nước cần gương mẫu trước để tạo sức lan tỏa, PBGDPL là phải bám dân, dân dùng công nghệ thông tin thì mình cũng phải ứng dụng công nghệ thông tin, kể cả việc mạnh dạn sử dụng mạng xã hội. Đặc biệt, ở đâu có “điểm nóng” thì phải tập trung”.
Chuyên gia cao cấp Đinh Trung Tụng, nguyên Thứ trưởng Bộ Tư pháp, cũng dẫn ra nhiều vụ vi phạm pháp luật để cho thấy “ý thức chấp hành pháp luật của một bộ phận người dân rất kém”. Đồng chí cho rằng, Chương trình phải có những điểm nhấn mang tính đột phá, thiết thực, khả thi, đồng thời, làm rõ hơn và phát huy hơn vai trò của các Bộ, ngành trong công tác phối hợp.
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu đồng tình với nhiều ý kiến phát biểu và nêu rõ quan điểm: Chính phủ rất quan tâm đến công tác PBGDPL, Bộ Tư pháp cũng xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm. Tuy nhiên, việc xây dựng Chương trình, Đề án phải bảo đảm tính khả thi, PBGDPL phải làm thường xuyên, tập trung địa bàn trọng điểm, đối tượng đặc thù. Cần lựa chọn những lĩnh vực trọng tâm để dành sự ưu tiên. Riêng việc phân công trách nhiệm phải rõ ràng, cụ thể. Cần cố gắng xử lý khó khăn về kinh phí nhất là đối với địa phương không bố trí được ngân sách.

Riêng đối với Đề án đổi mới, Thứ trưởng nhấn mạnh phải giải quyết 4 vấn đề lớn: đó là việc áp dụng CNTT; xử lý mối quan hệ phối kết hợp giữa các Bộ, ngành trong đó có vai trò điều phối của Bộ Tư pháp, của Hội đồng PBGDPL; kết nối các hoạt động PBGDPL với Trợ giúp pháp lý, tư vấn pháp luật, hòa giải…và xử lý vướng mắc về vấn đề kinh phí.
Phát biểu kết luận, Bộ trưởng Lê Thành Long yêu cầu dự thảo Chương trình phải được hoàn thiện với các nhóm giải pháp cụ thể, đưa vào có thể triển khai ngay trên thực tiễn. Vấn đề kinh phí, phải tiếp cận một cách thực tế để đạt được sự đồng thuận cao nhất.
“PBGDPL phải nâng tầm ý thức, hướng về địa phương, nâng cao vai trò của các Sở Tư pháp”. Bộ trưởng nói và yêu cầu phải rà soát lại các chương trình, đề án đã ban hành trước đây để tránh trùng lắp, tạo điều kiện cho các cơ quan liên quan trong triển khai thực hiện. Riêng trong vấn đề về tài chính, phải làm rõ những khó khăn để có giải pháp tháo gỡ cụ thể. Bộ trưởng Lê Thành Long đặc biệt nhấn mạnh, cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác PBGDPL để tạo “kênh” đa dạng, đổi mới nội dung, hình thức PBGDPL.
Thu Hằng
Dự thảo Chương trình xác định 11 nhóm nhiệm vụ và giải pháp cần triển khai thực hiện bao gồm: Về khảo sát, đánh giá nhu cầu, lựa chọn trọng tâm, trọng điểm cần ưu tiên nguồn lực thực hiện phổ biến, giáo dục pháp luật; Về thể chế, chính sách; Về lãnh đạo, chỉ đạo, quán triệt, phổ biến; Về tổ chức bộ máy cán bộ và nguồn nhân lực; Về bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ;  Về biên soạn, phát hành và chia sẻ tài liệu tuyên truyền, phổ biến; Về công tác phối hợp;  Đổi mới nội dung, hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật gắn với ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin, kỹ thuật số; Về huy động nguồn lực xã hội theo chủ trương xã hội hóa; Nâng cao hiệu quả công tác giáo dục pháp luật trong nhà trường và xi); Về kiểm tra, sơ kết, tổng kết và hợp tác quốc tế.
Các tin đã đưa ngày: