Liên kết website

Chương trình phối hợp tăng cường thực hiện công tác hòa giải ở cơ sở

28/04/2009

Để tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác hòa giải ở cơ sở theo quy định tại Pháp lệnh số 09/1998/PL-UBTVQH10 ngày 25 tháng 12 năm 1998 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, thực hiện các giải pháp đề ra tại Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm thực hiện Pháp lệnh về tổ chức và hoạt động hòa giải ở cơ sở, ngày 24/4/2009, Lãnh đạo Bộ Tư­ pháp và Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thống nhất ký ban hành chương trình phối hợp tăng cường thực hiện công tác hòa giải ở cơ sở.

Nội dung của Chương trình phối hợp tập trung vào 5 vấn đề sau:

1. Phối hợp xây dựng, củng cố, kiện toàn các Tổ hoà giải ở cơ sở

a) Củng cố, kiện toàn về tổ chức của các Tổ hòa giải ở cơ sở

          Để kiện toàn về tổ chức của các Tổ hòa giải ở cơ sở, Ủy ban nhân dân cấp xã phối hợp với Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc cùng cấp chỉ đạo Ban Công tác mặt trận, công chức Tư pháp – Hộ tịch và Tổ trưởng tổ dân phố, Trưởng thôn, xóm, bản, ấp, tổ dân phố và các cụm dân cư khác (gọi chung là Trưởng thôn) thực hiện một số nội dung công việc sau:

- Thường xuyên tiến hành rà soát tổ chức của các Tổ hòa giải ở cơ sở để thống kê số lượng Tổ hòa giải hiện có trên địa bàn xã, phường, thị trấn; số lượng tổ viên Tổ hòa giải đủ điều kiện trở thành hòa giải viên; số lượng hòa giải viên cần được bổ sung, thay thế;

- Ban Công tác mặt trận lựa chọn, giới thiệu những người có đủ tiêu chuẩn trở thành hòa giải viên theo quy định tại Điều 9 của Pháp lệnh về tổ chức và hoạt động hòa giải ở cơ sở để công chức Tư pháp – Hộ tịch lập danh sách tổ viên cần bổ sung cho các Tổ hòa giải ở cơ sở;

- Trưởng thôn phối hợp với Ban Công tác mặt trận tổ chức các cuộc họp nhân dân hoặc họp chủ hộ trên địa bàn để bầu bổ sung tổ viên Tổ hoà giải ở cơ sở hoặc tổ chức phát phiếu lấy ý kiến chủ hộ về việc bổ sung tổ viên Tổ hòa giải ở cơ sở. Thủ tục bầu tổ viên, tổ trưởng Tổ hòa giải thực hiện theo quy định tại Điều 8 của Nghị định số 160/1999/NĐ-CP ngày 18 tháng 10 năm 1999 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Pháp lệnh về tổ chức và hoạt động hoà giải cơ sở;

- Công chức Tư pháp – Hộ tịch căn cứ biên bản bầu tổ viên Tổ hoà giải ở cơ sở trong các cuộc họp nhân dân, họp chủ hộ, biên bản kết quả phiếu lấy ý kiến chủ hộ đề xuất Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã xem xét, công nhận kết quả bầu tổ viên Tổ hòa giải ở cơ sở.

b) Thành lập các Tổ hòa giải ở cơ sở tại những địa bàn chưa có Tổ hòa giải ở cơ sở

Công chức Tư pháp – Hộ tịch chủ động phối hợp với Ban Công tác mặt trận, Trưởng thôn căn cứ đặc điểm, tình hình cụ thể của cụm dân cư và kết quả cuộc họp nhân dân, kết quả cuộc họp chủ hộ hoặc kết quả phiếu lấy ý kiến chủ hộ đề xuất Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã quyết định số lượng các Tổ hòa giải ở cơ sở cần thành lập mới (kèm theo danh sách tổ viên dự kiến) trên cơ sở đảm bảo số lượng mỗi Tổ hoà giải ở cơ sở có từ 3 tổ viên trở lên.

2. Lồng ghép hoạt động hòa giải ở cơ sở trong thực hiện các phong trào, cuộc vận động ở cơ sở do Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát động

a) Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam chỉ đạo, hướng dẫn Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp thực hiện lồng ghép hòa giải ở cơ sở với các phong trào, cuộc vận động tại cộng đồng dân cư, đặc biệt là cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư” nhằm gắn công tác hòa giải ở cơ sở với nhiệm vụ phát triển văn hóa – xã hội của địa phương, đưa kết quả thực hiện công tác hòa giải ở cơ sở thành một tiêu chí trong đánh giá thực hiện cuộc vận động, góp phần động viên, tôn vinh, nhân rộng các mô hình, điển hình về hòa giải ở cơ sở.

b) Ủy ban Mặt trận Tổ quốc xã, Ban Công tác mặt trận trực tiếp thực hiện việc đưa hoạt động hòa giải ở cơ sở thành một hoạt động trong các cuộc vận động, phong trào; tích cực phối hợp với chính quyền vận động nhân dân giải quyết các tranh chấp, mâu thuẫn trong gia đình, khu dân cư bằng biện pháp hòa giải, khuyến khích những thành viên của mình và những cá nhân có uy tín, có chuyên môn và kỹ năng hòa giải tham gia Tổ hòa giải ở cơ sở.

3. Phối hợp tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động hoà giải ở cơ sở

a) Cơ quan Tư pháp các cấp, công chức Tư pháp – Hộ tịch cấp xã phải quan tâm thường xuyên tới hoạt động hòa giải ở cơ sở, phối hợp với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp phản ánh kịp thời những khó khăn, vướng mắc trong quá trình theo dõi, kiểm tra hoạt động của các Tổ hòa giải ở cơ sở và hòa giải viên tại cộng đồng dân cư để kiến nghị Ủy ban nhân dân cùng cấp có biện pháp giải quyết, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc đó.

b) Cơ quan Tư pháp các cấp phối hợp với Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp hỗ trợ về văn bản, tài liệu pháp luật cho các Tổ hòa giải ở cơ sở.

c) Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp ở địa phương xem xét, kiến nghị chính quyền cùng cấp quan tâm, đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi cho công tác hòa giải tại địa phương về kinh phí hoạt động, cơ sở vật chất khác.

d) Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã tạo điều kiện thuận lợi cho các thành viên của mình tham gia hoạt động hòa giải ở cơ sở.

4. Phối hợp biên soạn tài liệu hướng dẫn nghiệp vụ, tổ chức tập huấn cho đội ngũ hòa giải viên, cán bộ làm công tác hòa giải ở cơ sở về kiến thức pháp luật, chuyên môn, nghiệp vụ hòa giải; tổ chức thi hòa giải viên giỏi; thường xuyên tiến hành sơ kết, tổng kết, kiểm tra, khen thưởng trong công tác hoà giải ở cơ sở

a) Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam biên soạn, phát hành tài liệu hướng dẫn nghiệp vụ hòa giải ở cơ sở cho hòa giải viên.

b) Cơ quan Tư pháp các cấp phối hợp với Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp xây dựng và thực hiện kế hoạch bồi dưỡng nghiệp vụ hàng năm cho đội ngũ hòa giải viên, cán bộ tham gia công tác hòa giải về kiến thức pháp luật và kỹ năng hòa giải. Trong chương trình các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ hòa giải cần bố trí thời gian cần thiết để trao đổi kinh nghiệm về công tác hòa giải giữa các hòa giải viên.

c) Cơ quan Tư pháp các cấp chủ trì, phối hợp với Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp định kỳ thực hiện sơ kết, tổng kết, kiểm tra, khen thưởng trong công tác hòa giải ở cơ sở; tổ chức các cuộc thi hòa giải viên giỏi để tôn vinh những tập thể, cá nhân điển hình trong công tác hòa giải ở cơ sở tại địa phương.

5. Phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã trong việc tham gia trực tiếp vào hoạt động hòa giải các mâu thuẫn, tranh chấp tại cơ sở theo quy định của pháp luật

a) Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp hướng dẫn việc trực tiếp tham gia hòa giải của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã theo quy định của pháp luật, nhất là trong lĩnh vực giải quyết tranh chấp về đất đai.

b) Ủy ban nhân dân cấp xã tạo điều kiện thuận lợi, cung cấp văn bản, tài liệu pháp luật phục vụ việc tham gia hòa giải trực tiếp của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp, hướng dẫn các quy định pháp luật có liên quan đến vụ việc hòa giải, thủ tục hòa giải nhất là trong việc giải quyết các tranh chấp về đất đai.

Trên cơ sở nội dung Chương trình phối hợp này, cơ quan Tư pháp địa phương và Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp xây dựng chương trình phối hợp phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương. Định kỳ 6 tháng, hàng năm báo cáo kết quả thực hiện Chương trình phối hợp về cơ quan Tư pháp và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp trên.

Các tin đã đưa ngày: