Liên kết website

Hội nghị tập huấn nghiệp vụ và giải đáp khó khăn, vướng mắc về xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật tại Đắk Nông

18/09/2019

Thực hiện Kế hoạch số 707/KH-BTP ngày 05/3/2019 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp về việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và nhiệm vụ xây dựng xã, phường, thị trấn (cấp xã) đạt chuẩn tiếp cận pháp luật năm 2019, sáng ngày 14/9/2019, tại thị xã Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông, Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật, Bộ Tư pháp đã phối hợp với Sở Tư pháp tỉnh Đắk Nông tổ chức Hội nghị tập huấn nghiệp vụ và giải đáp khó khăn, vướng mắc về xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật cho gần 170 đại biểu là công chức của Phòng Tư pháp, đại diện Lãnh đạo Ủy ban nhân dân và công chức Tư pháp - Hộ tịch của 71 đơn vị cấp xã trên địa bàn tỉnh. Đồng chí Phan Hồng Nguyên, Phó Vụ trưởng Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật - Bộ Tư pháp chủ trì Hội nghị. Về phía địa phương có sự tham dự của đồng chí Hoàng Hùng - Phó Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Đắk Nông.

Tại Hội nghị, các đại biểu đã nghe đồng chí Phan Hồng Nguyên - Phó Vụ trưởng Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật, Bộ Tư pháp trình bày các chuyên đề: (i) Giới thiệu nội dung cơ bản của Quyết định số 14/2019/QĐ-TTg ngày 13/3/2019 của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng, quản lý, khai thác Tủ sách pháp luật; (ii) Hướng dẫn nghiệp vụ xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật (tập trung hướng dẫn nội dung, cách tính điểm các tiêu chí, chỉ tiêu tiếp cận pháp luật; trách nhiệm của Ủy ban nhân dân các cấp, cơ quan, đơn vị…), nhất là những vấn đề các địa phương còn gặp khó khăn, vướng mắc trong thời gian vừa qua.

Đồng chí Phan Hồng Nguyên, Phó Vụ trưởng Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật, Bộ Tư pháp
trình bày các chuyên đề
Hội nghị đã dành nhiều thời gian để các đại biểu thảo luận, trao đổi những khó khăn, vướng mắc về công tác PBGDPL, hòa giải ở cơ sở, xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, trong đó tập trung vào khó khăn về kinh phí cho công tác PBGDPL, hòa giải ở cơ sở; một số chỉ tiêu có khó khăn khi chấm điểm trên thực tế như: chỉ tiêu về không có trọng án xảy ra trong năm đánh giá, chỉ tiêu không có khiếu nại, tố cáo kéo dài; về điều kiện công nhận cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật trong trường hợp năm đánh giá có cán bộ, công chức bị xử lý kỷ luật từ hình thức cảnh cáo trở lên trong khi thi hành công vụ tại điểm d khoản 1 Điều 6 của Quyết định số 619/QĐ-TTg; chỉ tiêu về đánh giá sự hài lòng của người dân khi thực hiện thủ tục hành chính; vấn đề tài liệu kiểm chứng khi đánh giá cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật…
Các đại biểu thảo luận, trao đổi những khó khăn, vướng mắc tại Hội nghị
Một số đại biểu đề xuất trong thời gian tới cần tập trung xây dựng, phát huy mô hình Tủ sách pháp luật điện tử quốc gia để tạo điều kiện cho địa phương trong công tác PBGDPL và phù hợp với sự phát triển của công nghệ thông tin; có ý kiến đề nghị có phương án xử lý Công báo ở cấp xã để tránh lãng phí nguồn lực.
Tại Hội nghị, đồng chí báo cáo viên cũng định hướng một số nhiệm vụ trọng tâm công tác PBGDPL, hòa giải ở cơ sở, xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật trong thời gian tới và gợi mở những giải pháp để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác này. Đồng chí báo cáo viên đề nghị Sở Tư pháp cần phối hợp với các sở, ngành liên quan có văn bản hướng dẫn các đơn vị cấp huyện, cấp xã thực hiện tốt công tác lập kế hoạch, xác định nhiệm vụ, nội dung pháp luật cần tập trung PBGDPL phù hợp với nhu cầu của đối tượng và nhiệm vụ chính trị của địa phương từ đầu năm và dự toán kinh phí đảm bảo hoạt động; tiếp tục quan tâm chỉ đạo, hướng dẫn, tổ chức tập huấn nghiệp vụ PBGDPL chuyên sâu gắn với giải đáp khó khăn, vướng mắc cho đội ngũ công chức làm công tác PBGDPL, báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên pháp luật./.
Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật
Các tin đã đưa ngày: