Liên kết website

Thông cáo báo chí văn bản quy phạm pháp luật do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành trong tháng 6 năm 2017

10/07/2017

Thực hiện khoản 2, khoản 3 Điều 12 Luật phổ biến, giáo dục pháp luật, Bộ Tư pháp ra Thông cáo báo chí về văn bản quy phạm pháp luật do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành trong tháng 6 năm 2017 như sau:

I. SỐ LƯỢNG VĂN BẢN QUY PHẠM PHÁP LUẬT ĐƯỢC BAN HÀNH 
Trong tháng 6 năm 2017, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 13 văn bản quy phạm pháp luật, gồm 07 Nghị định của Chính phủ và 06 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Cụ thể:
Các Nghị định của Chính phủ:
1. Nghị định số 70/2017/NĐ-CP ngày 06 tháng 6 năm 2017 của Chính phủ quy định mức trợ cấp, phụ cấp ưu đãi đối với người có công với cách mạng;
2. Nghị định số 71/2017/NĐ-CP ngày 06 tháng 6 năm 2017 của Chính phủ hướng dẫn về quản trị công ty áp dụng đối với công ty đại chúng;
3. Nghị định số 72/2017/NĐ-CP ngày 13 tháng 6 năm 2017 của Chính phủ quy định về nội dung chi hoạt động của Hội đồng quản lý Bảo hiểm xã hội Việt Nam;
4. Nghị định số 73/2017/NĐ-CP ngày 14 tháng 6 năm 2017 của Chính phủ về thu thập, quản lý, khai thác và sử dụng thông tin, dữ liệu tài nguyên và môi trường;
5. Nghị định số 74/2017/NĐ-CP ngày 20 tháng 6 năm 2017 của Chính phủ quy định cơ chế, chính sách đặc thù đối với Khu Công nghệ cao Hòa Lạc;
6. Nghị định số 75/2017/NĐ-CP ngày 20 tháng 6 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Y tế;
7. Nghị định số 76/2017/NĐ-CP ngày 30 tháng 6 năm 2017 của Chính phủ điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hàng tháng.
Các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ:
1. Quyết định số 19/2017/QĐ-TTg ngày 05 tháng 6 năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ ban hành cơ chế tài chính áp dụng thí điểm đối với các chương trình, dự án sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi ngành y tế;
2. Quyết định số 20/2017/QĐ-TTg ngày 12 tháng 6 năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ quy định về hoạt động của chương trình, dự án tài chính vi mô của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức phi chính phủ;
3. Quyết định số 21/2017/QĐ-TTg ngày 15 tháng 6 năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ về hạn mức trả tiền bảo hiểm;
4. Quyết định số 22/2017/QĐ-TTg ngày 22 tháng 6 năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ về tổ chức và hoạt động của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia và Ban An toàn giao thông các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
5. Quyết định số 23/2017/QĐ-TTg ngày 22 tháng 6 năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 246/2006/QĐ-TTg ngày 27 tháng 10 năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập Quỹ Hỗ trợ phát triển hợp tác xã và ban hành Quy chế hoạt động bảo lãnh tín dụng, hỗ trợ lãi suất sau đầu tư của Quỹ Hỗ trợ phát triển hợp tác xã;
6. Quyết định số 24/2017/QĐ-TTg ngày 30 tháng 6 năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ quy định về cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân.
II. HIỆU LỰC THI HÀNH, SỰ CẦN THIẾT, MỤC ĐÍCH BAN HÀNH VÀ NỘI DUNG CHỦ YẾU CỦA CÁC VĂN BẢN QUY PHẠM PHÁP LUẬT
1. Nghị định số 70/2017/NĐ-CP ngày 06 tháng 6 năm 2017 của Chính phủ quy định mức trợ cấp, phụ cấp ưu đãi đối với người có công với cách mạng
a) Hiệu lực thi hành: Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 25 tháng 7 năm 2017.
Các mức trợ cấp, phụ cấp ưu đãi quy định tại Nghị định này được thực hiện từ ngày 01 tháng 7 năm 2017.
Nghị định số 20/2015/NĐ-CP ngày 14 tháng 02 năm 2015 của Chính phủ quy định mức trợ cấp, phụ cấp ưu đãi đối với người có công với cách mạng hết hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2017.
b) Sự cần thiết, mục đích ban hành: Nghị định được ban hành nhằm triển khai thi hành các quy định sau: (1) Nghị quyết số 27/2016/QH14 ngày 11 tháng 11 năm 2016 của Quốc hội về dự toán ngân sách nhà nước năm 2017; (2) Điều 3, Điều 4, Điều 48 của Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng; (3) Khoản 2 Điều 1, khoản 6 Điều 3 của Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng.
c) Nội dung chủ yếu: Nghị định gồm 04 điều, quy định mức trợ cấp, phụ cấp ưu đãi đối với người có công với cách mạng, cụ thể: (1) Mức chuẩn để xác định các mức trợ cấp, phụ cấp ưu đãi đối với người có công với cách mạng và mức trợ cấp, phụ cấp; (2) Kinh phí thực hiện; (3) Trách nhiệm thi hành.
Ban hành kèm theo Nghị định là 03 phụ lục, bao gồm: Phụ lục I về mức trợ cấp, phụ cấp ưu đãi đối với người có công với cách mạng; Phụ lục II về mức trợ cấp thương tật đối với thương binh, người hưởng chính sách như thương binh; Phụ lục III về mức trợ cấp thương tật đối với thương binh loại B.
2. Nghị định số 71/2017/NĐ-CP ngày 06 tháng 6 năm 2017 của Chính phủ hướng dẫn về quản trị công ty áp dụng đối với công ty đại chúng
a) Hiệu lực thi hành: Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 8 năm 2017.
Quy định tại khoản 2 Điều 12 Nghị định này có hiệu lực sau 03 năm và khoản 3 Điều 12 Nghị định này có hiệu lực sau 02 năm từ ngày Nghị định này có hiệu lực.
Thông tư số 121/2012/TT-BTC ngày 26 tháng 7 năm 2012 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định về quản trị công ty áp dụng cho các công ty đại chúng bị bãi bỏ từ ngày Nghị định này có hiệu lực.
b) Sự cần thiết, mục đích ban hành: Nghị định được ban hành nhằm đảm bảo thống nhất, đồng bộ với hệ thống pháp luật; phù với Luật chứng khoán và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật chứng khoán năm 2006; tạo cơ sở pháp lý trong việc ưu tiên áp dụng đối với trường hợp các Nghị định hướng dẫn Luật doanh nghiệp năm 2014, Luật Đầu tư năm 2014, Luật quản lý sử dụng vốn nhà nước và các Nghị định khác của Chính phủ có liên quan quy định về cùng một vấn đề. 
c) Nội dung chủ yếu: Nghị định gồm 08 chương, 38 điều, quy định, hướng dẫn các vấn đề liên quan đến quản trị công ty đối với công ty đại chúng, cụ thể:
(1) Quyền và nghĩa vụ của cổ đông; nghĩa vụ của cổ đông lớn; Điều lệ công ty; quy chế nội bộ về quản trị công ty; cuộc họp Đại hội đồng cổ đông; báo cáo hoạt động của Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát tại cuộc họp Đại hội đồng cổ đông thường niên;
(2) Ứng cử, đề cử thành viên Hội đồng quản trị; tư cách thành viên Hội đồng quản trị; thành phần Hội đồng quản trị; quyền và trách nhiệm của thành viên Hội đồng quản trị; trách nhiệm và nghĩa vụ của Hội đồng quản trị; cuộc họp Hội đồng quản trị; các tiểu ban thuộc Hội đồng quản trị của công ty niêm yết; người phụ trách quản trị công ty;
(3) Ứng cử, đề cử Kiểm soát viên; quyền và nghĩa vụ của Kiểm soát viên, Ban kiểm soát; cuộc họp của Ban kiểm soát;
(4) Trách nhiệm trung thực và tránh các xung đột về quyền lợi của người quản lý doanh nghiệp; giao dịch với người có liên quan; giao dịch với cổ đông, người quản lý doanh nghiệp và người có liên quan của các đối tượng này; đảm bảo quyền hợp pháp của người có quyền lợi liên quan đến công ty;
(5) Nghĩa vụ công bố thông tin; công bố thông tin về mô hình tổ chức quản lý công ty, quản trị công ty, thu nhập của Giám đốc (Tổng giám đốc); trách nhiệm về báo cáo và công bố thông tin của thành viên Hội đồng quản trị, Kiểm soát viên, Giám đốc (Tổng giám đốc); tổ chức công bố thông tin;
(6) Giám sát về quản trị công ty; xử lý vi phạm về quản trị công ty;
(7) Quy định chuyển tiếp.
          Nghị định này áp dụng đối với: (1) Công ty đại chúng; (2) Cổ đông công ty đại chúng và tổ chức, cá nhân là người có liên quan của cổ đông; (3) Thành viên Hội đồng quản trị, Kiểm soát viên, người điều hành doanh nghiệp của công ty đại chúng và tổ chức, cá nhân là người có liên quan của các đối tượng này; (4) Tổ chức và cá nhân có quyền lợi liên quan đến công ty đại chúng.
3. Nghị định số 72/2017/NĐ-CP ngày 13 tháng 6 năm 2017 của Chính phủ quy định về nội dung chi hoạt động của Hội đồng quản lý Bảo hiểm xã hội Việt Nam
a) Hiệu lực thi hành: Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 8 năm 2017.
Bãi bỏ quy định: “Thành viên Hội đồng quản lý được hưởng chế độ thù lao do Thủ tướng Chính phủ quy định” tại khoản 9 Điều 4 của Nghị định số 01/2016/NĐ-CP ngày 05 tháng 01 năm 2016 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bảo hiểm xã hội Việt Nam.
b) Sự cần thiết, mục đích ban hành: Nghị định được ban hành nhằm đảm bảo phù hợp với Luật bảo hiểm xã hội năm 2014; bảo đảm công khai, minh bạch trong quản lý tài chính, đồng thời để Bảo hiểm xã hội Việt Nam có căn cứ thực hiện chi cho các hoạt động của Hội đồng quản lý Bảo hiểm xã hội Việt Nam.
c) Nội dung chủ yếu: Nghị định gồm 06 điều, quy định về nội dung chi hoạt động của Hội đồng quản lý Bảo hiểm xã hội Việt Nam, cụ thể: (1) Nội dung chi bao gồm: Chi chế độ bồi dưỡng hàng tháng đối với các thành viên Hội đồng; chi tổ chức các cuộc họp, hội nghị của Hội đồng; chi chế độ công tác phí đối với các thành viên Hội đồng khi đi giám sát, kiểm tra việc thực hiện kế hoạch thu, chi, quản lý và sử dụng các quỹ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế theo phân công của Hội đồng; (2) Nguồn kinh phí thực hiện; (3) Trách nhiệm thi hành.
Nghị định này áp dụng đối với: (1) Các thành viên Hội đồng quản lý Bảo hiểm xã hội Việt Nam; (2) Bảo hiểm xã hội Việt Nam; (3) Cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan.
4. Nghị định số 73/2017/NĐ-CP ngày 14 tháng 6 năm 2017 của Chính phủ về thu thập, quản lý, khai thác và sử dụng thông tin, dữ liệu tài nguyên và môi trường
a) Hiệu lực thi hành: Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 8 năm 2017.
Nghị định này thay thế Nghị định số 102/2008/NĐ-CP ngày 15 tháng 9 năm 2008 của Chính phủ về việc thu thập, quản lý, khai thác và sử dụng dữ liệu tài nguyên và môi trường.
b) Sự cần thiết, mục đích ban hành: Nghị định được ban hành nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập trong thực tiễn triển khai thi hành Nghị định số 102/2008/NĐ-CP; đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước trong công tác thu thập, quản lý, khai thác sử dụng thông tin, dữ liệu về tài nguyên và môi trường.
c) Nội dung chủ yếu: Nghị định gồm 08 chương, 33 điều, quy định về: (1) Việc thu thập, quản lý, khai thác và sử dụng thông tin, dữ liệu về đất đai, tài nguyên nước, địa chất và khoáng sản, môi trường, khí tượng thủy văn, biến đổi khí hậu, đo đạc và bản đồ, viễn thám, tài nguyên môi trường biển và hải đảo; (2) Cơ chế phối hợp, kết nối, chia sẻ thông tin, dữ liệu tài nguyên và môi trường; (3) Trách nhiệm và quyền hạn của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc thu thập, quản lý, khai thác và sử dụng thông tin, dữ liệu tài nguyên và môi trường; (4) Bảo vệ quyền sở hữu thông tin, dữ liệu tài nguyên và môi trường.
Ban hành kèm theo Nghị định là Phụ lục về các mẫu: (1) Thông báo cung cấp thông tin, dữ liệu tài nguyên và môi trường; (2) Mẫu văn bản, phiếu yêu cầu cung cấp thông tin, dữ liệu tài nguyên và môi trường; (3) Mẫu phiếu yêu cầu cung cấp thông tin, dữ liệu tài nguyên và môi trường đối với cá nhân nước ngoài tại Việt Nam; (4) Hợp đồng cung cấp, khai thác, sử dụng thông tin, dữ liệu tài nguyên và môi trường; (5) Báo cáo tình hình cung cấp thông tin, dữ liệu tài nguyên và môi trường.
Nghị định này áp dụng đối với cơ quan nhà nước, tổ chức, cá nhân có hoạt động thu thập, quản lý, khai thác và sử dụng thông tin, dữ liệu tài nguyên và môi trường trên lãnh thổ nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
5. Nghị định số 74/2017/NĐ-CP ngày 20 tháng 6 năm 2017 của Chính phủ quy định cơ chế, chính sách đặc thù đối với Khu Công nghệ cao Hòa Lạc
a) Hiệu lực thi hành: Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 05 tháng 8 năm 2017.
b) Sự cần thiết, mục đích ban hành: Nghị định được ban hành nhằm khắc phục những hạn chế, vướng mắc của các cơ chế, chính sách hiện hành, giúp Khu Công nghệ cao Hòa Lạc phát triển theo đúng định hướng, thu hút đầu tư của các doanh nghiệp trong và ngoài nước.
c) Nội dung chủ yếu: Nghị định gồm 06 chương, 22 điều, quy định một số cơ chế, chính sách đặc thù đối với Khu Công nghệ cao Hòa Lạc, cụ thể: (1) Đầu tư xây dựng và phát triển hạ tầng Khu Công nghệ cao; giải phóng mặt bằng và tái định cư; đầu tư phát triển khoa học và công nghệ; quản lý quy hoạch và xây dựng; quản lý và khai thác các công trình hạ tầng kỹ thuật; (2) Xác định tiền thuê đất, xử lý tiền bồi thường giải phóng mặt bằng và ưu đãi về đất đai trong Khu Công nghệ cao; bảo đảm thực hiện dự án đầu tư; quản lý đất đai đối với các khu chức năng có chủ đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng; (3) Ưu đãi về thuế; chính sách phát triển nhà ở cho người lao động làm việc tại Khu Công nghệ cao; xuất nhập cảnh và quản lý người lao động nước ngoài; chính sách ưu đãi, hỗ trợ khác; (4) Quản lý nhà nước đối với Khu Công nghệ cao; vốn đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật và giải phóng mặt bằng Khu Công nghệ cao; thu, nộp và sử dụng tiền thuê đất; tiền bồi thường, giải phóng mặt bằng hoàn trả; tiền sử dụng hạ tầng; tiền xử lý nước thải; tiền ký quỹ bảo đảm thực hiện dự án trong trường hợp nhà đầu tư vi phạm; (5) Quy định chuyển tiếp; (6) Trách nhiệm thi hành.
Nghị định này áp dụng đối với: (1) Tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài đầu tư, làm việc tại Khu Công nghệ cao Hòa Lạc; (2) Ban Quản lý Khu công nghệ cao Hòa Lạc; (3) Các cơ quan quản lý nhà nước và cơ quan chuyên môn có liên quan.
6. Nghị định số 75/2017/NĐ-CP ngày 20 tháng 6 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Y tế
a) Hiệu lực thi hành: Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 20 tháng 6 năm 2017.
Nghị định này thay thế Nghị định số 63/2012/NĐ-CP ngày 31 tháng 8 năm 2012 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Y tế.
b) Sự cần thiết, mục đích ban hành: Nghị định được ban hành nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập trong thực tiễn triển khai thi hành Nghị định số 63/2012/NĐ-CP; đảm bảo phù hợp với các luật mới được ban hành, như: Luật tổ chức Chính phủ, Luật an toàn, vệ sinh lao động, Luật bảo vệ môi trường, Luật sửa đổi, bổ sung Luật bảo hiểm y tế… và Nghị định số 123/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 9 năm 2016 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ, cơ quan ngang Bộ.
c) Nội dung chủ yếu: Nghị định gồm 05 điều, quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Y tế
Theo Nghị định, Bộ Y tế là cơ quan của Chính phủ, thực hiện chức năng quản lý nhà nước về y tế, bao gồm các lĩnh vực: Y tế dự phòng; khám bệnh, chữa bệnh, phục hồi chức năng; giám định y khoa, pháp y, pháp y tâm thần; y, dược cổ truyền; sức khỏe sinh sản; trang thiết bị y tế; dược, mỹ phẩm; an toàn thực phẩm; bảo hiểm y tế; dân số; quản lý nhà nước các dịch vụ công trong lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của bộ.
Cơ cấu tổ chức của Bộ Y tế gồm có 23 đơn vị trực thuộc, trong đó có 20 đơn vị giúp Bộ trưởng thực hiện chức năng quản lý nhà nước và 03 đơn vị sự nghiệp phục vụ chức năng quản lý nhà nước của Bộ.
7. Nghị định số 76/2017/NĐ-CP ngày 30 tháng 6 năm 2017 của Chính phủ điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hàng tháng
a) Hiệu lực thi hành: Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 15 tháng 8 năm 2017.
Các chế độ quy định tại Nghị định này được thực hiện kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2017.
b) Sự cần thiết, mục đích ban hành: Nghị định được ban hành nhằm điều chỉnh mức lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hàng tháng, đảm bảo phù hợp với thực tiễn và tình hình phát triển kinh tế - xã hội hiện nay.
c) Nội dung chủ yếu: Nghị định gồm 02 chương, 06 điều, quy định về:
(1) Việc điều chỉnh mức lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hàng tháng đối với: (i) Cán bộ, công chức, công nhân, viên chức và người lao động (kể cả người có thời gian tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, người nghỉ hưu từ quỹ bảo hiểm xã hội nông dân Nghệ An chuyển sang theo Quyết định số 41/2009/QĐ-TTg ngày 16 tháng 3 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ); quân nhân, công an nhân dân và người làm công tác cơ yếu đang hưởng lương hưu hàng tháng; (ii) Cán bộ xã, phường, thị trấn quy định tại Nghị định số 92/2009/NĐ-CP ngày 22 tháng 10 năm 2009, Nghị định số 121/2003/NĐ-CP ngày 21 tháng 10 năm 2003 và Nghị định số 09/1998/NĐ-CP ngày 23 tháng 01 năm 1998 của Chính phủ đang hưởng lương hưu và trợ cấp hàng tháng; (iii) Người đang hưởng trợ cấp mất sức lao động hàng tháng theo quy định của pháp luật; người đang hưởng trợ cấp hàng tháng theo Quyết định số 91/2000/QĐ-TTg ngày 04 tháng 8 năm 2000 và Quyết định số 613/QĐ-TTg ngày 06 tháng 5 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ; công nhân cao su đang hưởng trợ cấp hàng tháng; (iv) Cán bộ xã, phường, thị trấn đang hưởng trợ cấp hàng tháng theo Quyết định số 130/CP ngày 20 tháng 6 năm 1975 của Hội đồng Chính phủ và Quyết định số 111-HĐBT ngày 13 tháng 10 năm 1981 của Hội đồng Bộ trưởng; (v) Quân nhân đang hưởng chế độ trợ cấp hàng tháng theo Quyết định số 142/2008/QĐ-TTg ngày 27 tháng 10 năm 2008, Quyết định số 38/2010/QĐ-TTg ngày 06 tháng 5 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ; (vi) Công an nhân dân đang hưởng trợ cấp hàng tháng theo Quyết định số 53/2010/QĐ-TTg ngày 20 tháng 8 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ; (vii) Quân nhân, công an nhân dân, người làm công tác cơ yếu hưởng lương như đối với quân nhân, công an nhân dân đang hưởng trợ cấp hàng tháng theo Quyết định số 62/2011/QĐ-TTg ngày 09 tháng 11 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ; (viii) Người đang hưởng trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hàng tháng;
(2) Thời điểm và mức điều chỉnh;
(3) Kinh phí thực hiện;
(4) Tổ chức thực hiện và trách nhiệm thi hành.
8. Quyết định số 19/2017/QĐ-TTg ngày 05 tháng 6 năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ ban hành cơ chế tài chính áp dụng thí điểm đối với các chương trình, dự án sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi ngành y tế
a) Hiệu lực thi hành: Quyết định này có hiệu lực thi hành từ ngày 20 tháng 7 năm 2017.
Các chương trình, dự án sử dụng vốn ODA và vay ưu đãi mà cơ chế tài chính đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt trước ngày Quyết định này có hiệu lực tiếp tục áp dụng cơ chế tài chính đã được phê duyệt.
b) Sự cần thiết, mục đích ban hành: Quyết định được ban hành nhằm khắc phục các hạn chế của các cơ chế hiện hành; tạo điều kiện thực hiện chủ trương xã hội hóa trong các lĩnh vực sự nghiệp, trước hết là sự nghiệp y tế quy định tại Nghị định số 85/2012/NĐ-CP ngày 15 tháng 10 năm 2012 của Chính phủ về cơ chế hoạt động, cơ chế tài chính đối với các đơn vị sự nghiệp y tế công lập và giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh của các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh công lập; Nghị định số 16/2015/NĐ-CP ngày 14 tháng 02 năm 2015 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập và Nghị quyết số 93/NQ-CP ngày 15 tháng 12 năm 2014 của Chính phủ về một số cơ chế, chính sách phát triển y tế, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được vay vốn, liên doanh, liên kết để đầu tư xây dựng, nâng cấp cơ sở vật chất, thành lập mới cơ sở khám bệnh.
c) Nội dung chủ yếu: Quyết định gồm 03 điều, quy định cơ chế tài chính áp dụng thí điểm đối với các chương trình, dự án sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi ngành y tế.
Theo Quyết định, cơ chế tài chính trong nước đối với các chương trình, dự án sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi ngành y tế được áp dụng như sau:
1. Đối với các chương trình, dự án đầu tư cơ sở hạ tầng, phúc lợi xã hội hoặc các lĩnh vực khác không có khả năng thu hồi vốn trực tiếp thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách trung ương: Cấp phát 100% vốn ODA và vốn vay ưu đãi. 
2. Đối với các chương trình, dự án đầu tư cơ sở hạ tầng, phúc lợi xã hội hoặc các lĩnh vực khác không có khả năng thu hồi vốn trực tiếp thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách địa phương:
a) Cấp phát 100% vốn ODA viện trợ không hoàn lại;
b) Ngân sách Trung ương hỗ trợ cấp phát một phần, cho vay lại một phần với tỷ lệ cho vay lại vốn vay ODA và vốn vay ưu đãi theo quy định pháp luật về cho vay lại nguồn vốn vay nước ngoài của Chính phủ đối với Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
3. Đối với các chương trình, dự án có khả năng thu hồi vốn toàn bộ hoặc một phần:
a) Đối với các chương trình, dự án do cơ sở khám bệnh, chữa bệnh công lập thực hiện: Cấp phát 100% vốn ODA viện trợ không hoàn lại; Cho vay lại 20% vốn vay ODA và 50% vốn vay ưu đãi;
b) Đối với các chương trình, dự án do cơ sở khám bệnh, chữa bệnh ngoài công lập thực hiện: Cho vay lại 100% vốn nước ngoài.
4. Trong trường hợp cần thiết phải áp dụng cơ chế tài chính khác cơ chế này, Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định”.
Quyết định này áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan đến quản lý và thực hiện các chương trình, dự án ODA và vay ưu đãi ngành y tế.
9. Quyết định số 20/2017/QĐ-TTg ngày 12 tháng 6 năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ quy định về hoạt động của chương trình, dự án tài chính vi mô của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức phi chính phủ
a) Hiệu lực thi hành: Quyết định này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 8 năm 2017.
b) Nội dung chủ yếu: Quyết định gồm 06 chương, 23 điều, quy định về hoạt động của chương trình, dự án tài chính vi mô của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức phi chính phủ, cụ thể: (1) Điều kiện, hồ sơ đăng ký chương trình, dự án tài chính vi mô; cơ quan, thẩm quyền và trình tự cấp, thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký đối với chương trình, dự án tài chính vi mô; thay đổi các thông tin trong Giấy chứng nhận đăng ký; triển khai thực hiện và cơ cấu tổ chức của chương trình, dự án tài chính vi mô; quy định nội bộ; (2) Địa bàn, thời hạn, nội dung hoạt động của chương trình, dự án tài chính vi mô; chế độ tài chính, hạch toán, kế toán và báo cáo; (3) Trường hợp và thời hạn thực hiện chuyển đổi thành tổ chức tài chính vi mô; (4) Quản lý nhà nước về hoạt động của chương trình, dự án tài chính vi mô; (5) Quy định chuyển tiếp.
Ban hành theo Quyết định là Phụ lục về các mẫu: (1) Đơn đăng ký chương trình, dự án tài chính vi mô; (2) Giấy chứng nhận đăng ký chương trình, dự án tài chính vi mô; (3) Báo cáo tình hình hoạt động của chương trình, dự án tài chính vi mô; (4) Báo cáo tình hình hoạt động của chương trình, dự án tài chính vi mô trên địa bàn.
Quyết định này áp dụng đối với: (1) Tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức phi chính phủ; (2) Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động của chương trình, dự án tài chính vi mô của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức phi chính phủ.
10. Quyết định số 21/2017/QĐ-TTg ngày 15 tháng 6 năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ về hạn mức trả tiền bảo hiểm
a) Hiệu lực thi hành: Quyết định này có hiệu lực thi hành từ ngày 05 tháng 8 năm 2017.
b) Sự cần thiết, mục đích ban hành: Quyết định được ban hành nhằm triển khai thi hành khoản 2 Điều 24 Luật Bảo hiểm tiền gửi về việc giao Thủ tướng Chính phủ quy định hạn mức trả tiền bảo hiểm theo đề nghị của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trong từng thời kỳ; đảm bảo phù hợp với năng lực tài chính của tổ chức bảo hiểm tiền gửi, thực trạng tình hình kinh tế vĩ mô ở Việt Nam, quy mô tiền gửi; tiến dần tới thông lệ quốc tế nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền; góp phần duy trì sự ổn định của hệ thống các tổ chức tín dụng, bảo đảm sự phát triển an toàn, lành mạnh của hoạt động ngân hàng.
c) Nội dung chủ yếu: Quyết định gồm 05 điều, quy định về hạn mức trả tiền bảo hiểm theo quy định tại khoản 2 Điều 24 Luật bảo hiểm tiền gửi.
Theo Quyết định, số tiền bảo hiểm được trả cho tất cả các khoản tiền gửi được bảo hiểm theo quy định của Luật bảo hiểm tiền gửi (gồm cả gốc và lãi) của một cá nhân tại một tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi tối đa là 75.000.000 đồng (bảy mươi lăm triệu đồng).
Quyết định này áp dụng đối với: (1) Người được bảo hiểm tiền gửi; (2) Tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi; (3) Tổ chức bảo hiểm tiền gửi; (4) Cơ quan, tổ chức và cá nhân khác có liên quan đến hoạt động bảo hiểm tiền gửi.
11. Quyết định số 22/2017/QĐ-TTg ngày 22 tháng 6 năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ về tổ chức và hoạt động của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia và Ban An toàn giao thông các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương
a) Hiệu lực thi hành: Quyết định này có hiệu lực thi hành từ ngày 10 tháng 8 năm 2017.
Quyết định này thay thế Quyết định số 57/2011/QĐ-TTg ngày 18 tháng 10 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc kiện toàn Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia và Ban An toàn giao thông các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
b) Sự cần thiết, mục đích ban hành: Quyết định được ban hành nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập trong thực tiễn triển khai thi hành Quyết định số 57/2011/QĐ-TTg; góp phần nâng cao hiệu quả công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông và giảm tai nạn giao thông trong tình hình mới.
c) Nội dung chủ yếu: Quyết định gồm 03 chương, 12 điều, quy định về: (1) Vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia; cơ quan thường trực và Văn phòng Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia; chế độ làm việc của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia; (2) Vị trí, chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của Ban An toàn giao thông tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; thành phần, cơ quan giúp việc Ban An toàn giao thông tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Ban An toàn giao thông cấp huyện; chế độ làm việc của Ban An toàn giao thông tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; (3) Kinh phí hoạt động.
Theo Quyết định, Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia là tổ chức phối hợp liên ngành, có chức năng giúp Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương thực hiện các chiến lược, đề án quốc gia về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông và triển khai các giải pháp liên ngành nhằm bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trong phạm vi cả nước.
Ban An toàn giao thông tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương là tổ chức phối hợp liên ngành, có chức năng giúp Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo việc phối hợp thực hiện các biện pháp bảo đảm trật tự, an toàn giao thông và khắc phục ùn tắc giao thông trên địa bàn.
12. Quyết định số 23/2017/QĐ-TTg ngày 22 tháng 6 năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 246/2006/QĐ-TTg ngày 27 tháng 10 năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập Quỹ Hỗ trợ phát triển hợp tác xã và ban hành Quy chế hoạt động bảo lãnh tín dụng, hỗ trợ lãi suất sau đầu tư của Quỹ Hỗ trợ phát triển hợp tác xã
a) Hiệu lực thi hành: Quyết định này có hiệu lực thi hành từ ngày 15 tháng 8 năm 2017.
b) Sự cần thiết, mục đích ban hành: Quyết định được ban nhằm triển khai thi hành Nghị định số 193/2013/NĐ-CP ngày 21 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật hợp tác xã và Chỉ thị số 19/CT-TTg ngày 24 tháng 7 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc đẩy mạnh triển khai thi hành Luật hợp tác xã.
c) Nội dung chủ yếu: Quyết định gồm 04 điều, sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 246/2006/QĐ-TTg ngày 27 tháng 10 năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập Quỹ Hỗ trợ phát triển hợp tác xã và ban hành Quy chế hoạt động bảo lãnh tín dụng, hỗ trợ lãi suất sau đầu tư của Quỹ Hỗ trợ phát triển hợp tác xã, cụ thể:
- Sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 246/2006/QĐ-TTg với các nội dung chủ yếu liên quan đến các quy định về: (1) Thành lập Quỹ Hỗ trợ phát triển hợp tác xã trực thuộc Liên minh Hợp tác xã Việt Nam; (2) Phương thức hỗ trợ hoạt động của các hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã; (3) Phạm vi hỗ trợ của Quỹ Hỗ trợ phát triển hợp tác xã; (4) Vốn điều lệ của Quỹ Hỗ trợ phát triển hợp tác xã; (5) Nguyên tắc tài chính đối với hoạt động của Quỹ Hỗ trợ phát triển hợp tác xã; (6) Trách nhiệm của các Bộ, ngành, địa phương có liên quan trong việc triển khai thi hành Quyết định.
- Ban hành Quy chế hoạt động bảo lãnh tín dụng, hỗ trợ lãi suất sau đầu tư của Quỹ Hỗ trợ phát triển hợp tác xã với 04 chương, 32 điều, quy định hoạt động bảo lãnh tín dụng và hỗ trợ lãi suất sau đầu tư của Quỹ Hỗ trợ phát triển hợp tác xã đối với các hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, cụ thể: (1) Đối tượng, điều kiện để được bảo lãnh tín dụng; phạm vi, thời hạn, giới hạn bảo lãnh tín dụng; phí của hoạt động bảo lãnh tín dụng; hồ sơ đề nghị, trình tự, thủ tục, hợp đồng bảo lãnh tín dụng; chứng thư bảo lãnh; biện pháp bảo đảm cho hoạt động bảo lãnh vay vốn; quyền và nghĩa vụ của bên bảo lãnh, bên nhận bảo lãnh, bên được bảo lãnh; thực hiện cam kết bảo lãnh; nhận nợ và bồi hoàn bảo lãnh; chấm dứt nghĩa vụ bảo lãnh tín dụng; phân loại nợ, trích khoản dự phòng rủi ro và xử lý rủi ro; (2) Đối tượng, điều kiện để được hỗ trợ lãi suất sau đầu tư; nguyên tắc xác định và cấp hỗ trợ lãi suất sau đầu tư; mức lãi suất hỗ trợ sau đầu tư; nguồn thực hiện hỗ trợ lãi suất sau đầu tư; quản lý hoạt động hỗ trợ lãi suất sau đầu tư; (3) Trách nhiệm thi hành.
Quy chế này áp dụng đối với: (1) Liên minh Hợp tác xã Việt Nam; (2) Quỹ Hỗ trợ phát triển hợp tác xã; (3) Các tổ chức tín dụng được thành lập và hoạt động theo quy định tại Luật các tổ chức tín dụng; (4) Các hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã được thành lập và hoạt động theo quy định tại Luật hợp tác xã; (5) Các cơ quan, tổ chức và cá nhân có liên quan trong quá trình thực hiện Quy chế này.
13. Quyết định số 24/2017/QĐ-TTg ngày 30 tháng 6 năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ quy định về cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân
a) Hiệu lực thi hành: Quyết định này có hiệu lực thi hành từ ngày 15 tháng 8 năm 2017.
Quyết định này thay thế Quyết định số 69/2013/QĐ-TTg ngày 19 tháng 11 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ quy định cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân.
b) Sự cần thiết, mục đích ban hành: Quyết định được ban hành khắc phục những hạn chế, bất cập trong thực tiễn triển khai thi hành Quyết định số 69/2013/QĐ-TTg; đảm bảo phù hợp với tình hình thực tiễn hiện nay.
c) Nội dung chủ yếu: Quyết định gồm 09 điều, quy định về cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân, cụ thể: (1) Nguyên tắc điều chỉnh giá bán điện bình quân; (2) Phương pháp lập giá bán điện bình quân hàng năm; (3) Cơ chế điều chỉnh giá bán điện bình quân hàng năm; (4) Cơ chế điều chỉnh giá bán điện bình quân trong năm; (5) Kiểm tra, giám sát; (6) Trách nhiệm của các cơ quan liên quan.
Quyết định này áp dụng đối với tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động điện lực và sử dụng điện.
Trên đây là Thông cáo báo chí văn bản quy phạm pháp luật do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành trong tháng 6 năm 2017, Bộ Tư pháp xin thông báo./.
Các tin đã đưa ngày: