Liên kết website

Thông cáo báo chí Văn bản quy phạm pháp luật do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành trong tháng 8 năm 2017

08/09/2017

Thực hiện khoản 2, khoản 3 Điều 12 Luật phổ biến, giáo dục pháp luật, Bộ Tư pháp ra Thông cáo báo chí về văn bản quy phạm pháp luật do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành trong tháng 8 năm 2017 như sau:

I. SỐ LƯỢNG VĂN BẢN QUY PHẠM PHÁP LUẬT ĐƯỢC BAN HÀNH 
Trong tháng 8 năm 2017, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 11 văn bản quy phạm pháp luật, gồm 09 Nghị định của Chính phủ và 02 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Cụ thể:
Các Nghị định của Chính phủ:
1. Nghị định số 92/2017/NĐ-CP ngày 07 tháng 8 năm 2017 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định liên quan đến kiểm soát thủ tục hành chính;
2. Nghị định số 93/2017/NĐ-CP ngày 07 tháng 8 năm 2017 của Chính phủ về chế độ tài chính đối với tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài và giám sát tài chính, đánh giá hiệu quả đầu tư vốn nhà nước tại tổ chức tín dụng do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ và tổ chức tín dụng có vốn nhà nước;
3. Nghị định số 94/2017/NĐ-CP ngày 10 tháng 8 năm 2017 của Chính phủ về hàng hóa, dịch vụ, địa bàn thực hiện độc quyền nhà nước trong hoạt động thương mại;
4. Nghị định số 95/2017/NĐ-CP ngày 16 tháng 8 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Khoa học và Công nghệ;
5. Nghị định số 96/2017/NĐ-CP ngày 16 tháng 8 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tư pháp;
6. Nghị định số 97/2017/NĐ-CP ngày 18 tháng 8 năm 2017 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 81/2013/NĐ-CP ngày 19 tháng 7 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật xử lý vi phạm hành chính;
7. Nghị định số 98/2017/NĐ-CP ngày 18 tháng 8 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công thương;
8. Nghị định số 99/2017/NĐ-CP ngày 18 tháng 8 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam;
9. Nghị định số 100/2017/NĐ-CP ngày 18 tháng 8 năm 2017 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 39/2017/NĐ-CP ngày 04 tháng 4 năm 2017 về quản lý thức ăn chăn nuôi, thủy sản.
Các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ:
1. Quyết định số 37/2017/QĐ-TTg ngày 17 tháng 8 năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc bãi bỏ Quyết định số 50/2006/QĐ-TTg ngày 07 tháng 3 năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Danh mục sản phẩm, hàng hóa phải kiểm tra về chất lượng;
2. Quyết định số 38/2017/QĐ-TTg ngày 18 tháng 8 năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ quy định việc chuyển cửa khẩu đối với hàng nhập khẩu về làm thủ tục hải quan tại cảng cạn ICD Mỹ Đình, thành phố Hà Nội.
II. HIỆU LỰC THI HÀNH, SỰ CẦN THIẾT, MỤC ĐÍCH BAN HÀNH VÀ NỘI DUNG CHỦ YẾU CỦA CÁC VĂN BẢN QUY PHẠM PHÁP LUẬT
1. Nghị định số 92/2017/NĐ-CP ngày 07 tháng 8 năm 2017 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định liên quan đến kiểm soát thủ tục hành chính
a) Hiệu lực thi hành: Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 25 tháng 9 năm 2017.
Nghị định này bãi bỏ: (1) Khoản 3a Điều 3, khoản 3a Điều 5, khoản 3a Điều 6 của Nghị định số 55/2011/NĐ-CP ngày 04 tháng 7 năm 2011 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của tổ chức pháp chế (đã được sửa đổi, bổ sung tại Điều 4 của Nghị định số 48/2013/NĐ-CP ngày 14 tháng 5 năm 2013 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định liên quan đến kiểm soát thủ tục hành chính); (2) Cụm từ “kiểm soát thủ tục hành chính” tại điểm c khoản 2 Điều 174 của Nghị định số 34/2016/NĐ-CP ngày 14 tháng 5 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
b) Sự cần thiết, mục đích ban hành: Nghị định được ban hành nhằm bảo đảm phù hợp, thống nhất, đồng bộ với Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 và các quy định của Nghị định số 150/2016/NĐ-CP ngày 11 tháng 11 năm 2016 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Văn phòng Chính phủ; tạo cơ sở pháp lý triển khai hiệu quả công tác kiểm soát thủ tục hành chính theo hướng tăng cường trách nhiệm, tạo tính chủ động, nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác kiểm soát thủ tục hành chính, cải cách thủ tục hành chính và thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính từ Trung ương đến địa phương theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
c) Nội dung chủ yếu: Nghị định gồm 08 điều, sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định liên quan đến kiểm soát thủ tục hành chính, cụ thể:
- Sửa đổi, bổ sung một số điều, khoản của Nghị định số 63/2010/NĐ-CP ngày 08 tháng 6 năm 2010 của Chính phủ về kiểm soát thủ tục hành chính liên quan đến các quy định về: (1) Nguyên tắc kiểm soát thủ tục hành chính; (2) Yêu cầu của việc quy định thủ tục hành chính; (3) Đánh giá tác động của thủ tục hành chính; (4) Thẩm quyền công bố và quyết định công bố thủ tục hành chính; (5) Hình thức công khai; nhập, đăng tải công khai thủ tục hành chính đã công bố; (6) Trách nhiệm quản lý Cơ sở dữ liệu quốc gia về thủ tục hành chính; (7) Nội dung rà soát, đánh giá thủ tục hành chính và các quy định có liên quan đến thủ tục hành chính được rà soát, đánh giá; (8) Thay thế các cụm từ “Tổ chức pháp chế ở Bộ, cơ quan ngang Bộ”, “Tổ chức pháp chế của Bộ, cơ quan ngang Bộ” và “Tổ chức pháp chế Bộ, cơ quan ngang Bộ” bằng cụm từ “Văn phòng Bộ, cơ quan ngang Bộ”; cụm từ “người đứng đầu tổ chức pháp chế” bằng cụm từ “Chánh Văn phòng Bộ, cơ quan ngang Bộ”; cụm từ “Sở Tư pháp” bằng cụm từ “Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương”; cụm từ “Giám đốc Sở Tư pháp” bằng cụm từ “Chánh văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương” tại Điều 5, Điều 9 và Điều 35a (đã được sửa đổi, bổ sung tại khoản 1, khoản 2, khoản 11 Điều 1 của Nghị định số 48/2013/NĐ-CP ngày 14 tháng 5 năm 2013 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định liên quan đến kiểm soát thủ tục hành chính) và cụm từ “dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật” bằng cụm từ “đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật và dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật”; cụm từ “dự án văn bản quy phạm pháp luật” bằng cụm từ “đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật và dự án văn bản quy phạm pháp luật”; cụm từ “dự thảo văn bản quy phạm pháp luật” bằng cụm từ “đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật và dự thảo văn bản quy phạm pháp luật” tại Điều 9, Điều 11 (đã được sửa đổi, bổ sung tại khoản 2, khoản 4 Điều 1 của Nghị định số 48/2013/NĐ-CP ngày 14 tháng 5 năm 2013 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định liên quan đến kiểm soát thủ tục hành chính).
- Sửa đổi, bổ sung một số điều, khoản của Nghị định số 20/2008/NĐ-CP ngày 14 tháng 02 năm 2008 của Chính phủ về tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức về quy định hành chính liên quan đến các quy định về: (1) Hình thức phản ánh, kiến nghị; (2) Yêu cầu đối với phản ánh, kiến nghị; (3) Quy trình tiếp nhận phản ánh, kiến nghị; (4) Trách nhiệm của cơ quan tiếp nhận phản ánh, kiến nghị; (5) Quy trình xử lý phản ánh, kiến nghị của cơ quan hành chính nhà nước; (6) Trách nhiệm của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ trong xử lý phản ánh, kiến nghị; (7) Công khai kết quả xử lý phản ánh, kiến nghị; (8) Xây dựng Hệ thống thông tin tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị về quy định hành chính.
- Sửa đổi, bổ sung chức năng, nhiệm vụ của Văn phòng Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và bãi bỏ cụm từ “kiểm soát thủ tục hành chính” quy định tại khoản 2 Điều 8 của Nghị định số 24/2014/NĐ-CP ngày 04 tháng 4 năm 2014 của Chính phủ quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
- Sửa đổi, bổ sung chức năng, nhiệm vụ của Văn phòng Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân và bãi bỏ cụm từ “kiểm soát thủ tục hành chính” quy định tại khoản 2 Điều 7 của Nghị định số 37/2014/NĐ-CP ngày 05 tháng 5 năm 2014 của Chính phủ quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh.
- Sửa đổi, bổ sung vị trí, chức năng, nhiệm vụ của Văn phòng thuộc Bộ quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 19 của Nghị định số 123/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 9 năm 2016 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ, cơ quan ngang Bộ.
2. Nghị định số 93/2017/NĐ-CP ngày 07 tháng 8 năm 2017 của Chính phủ về chế độ tài chính đối với tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài và giám sát tài chính, đánh giá hiệu quả đầu tư vốn nhà nước tại tổ chức tín dụng do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ và tổ chức tín dụng có vốn nhà nước
a) Hiệu lực thi hành: Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 25 tháng 9 năm 2017.
Nghị định này thay thế Nghị định số 57/2012/NĐ-CP ngày 20 tháng 7 năm 2012 của Chính phủ về chế độ tài chính đối với tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
b) Sự cần thiết, mục đích ban hành: Nghị định được ban hành để đảm bảo thống nhất với các văn bản quy phạm pháp pháp luật mới được ban hành, như Luật doanh nghiệp, Luật quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp, Luật hợp tác xã...; tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng có hành lang pháp lý thống nhất, làm cơ sở để tổ chức tín dụng chủ động trong quá trình điều hành, quản lý tài chính, bảo đảm an toàn vốn và hoạt động kinh doanh ổn định, hợp pháp.
c) Nội dung chủ yếu: Nghị định gồm 08 chương, 41 điều, quy định về chế độ tài chính đối với tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài; giám sát tài chính, đánh giá hiệu quả đầu tư vốn nhà nước tại tổ chức tín dụng do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ và tổ chức tín dụng có vốn nhà nước (đối với các tổ chức tín dụng thực hiện cơ cấu lại theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền, trong trường hợp pháp luật liên quan đến cơ cấu lại tổ chức tín dụng có quy định khác với nội dung quy định tại Nghị định này thì các tổ chức tín dụng cơ cấu lại thực hiện theo quy định của pháp luật liên quan đến cơ cấu lại tổ chức tín dụng, đối với các nội dung không được quy định tại pháp luật liên quan đến cơ cấu lại tổ chức tín dụng thì thực hiện theo quy định tại Nghị định này), cụ thể: (1) Nguyên tắc quản lý tài chính; (2) Quản lý và sử dụng vốn, tài sản; (3) Doanh thu, chi phí; (4) Phân phối lợi nhuận; (5) Kế hoạch tài chính, chế độ báo cáo, kiểm toán và giám sát tài chính, đánh giá hiệu quả đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp là tổ chức tín dụng do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ và tổ chức tín dụng về vốn nhà nước; (6) Trách nhiệm của hội đồng quản trị, hội đồng thành viên, tổng giám đốc, giám đốc, người đại diện tại tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài và trách nhiệm của cơ quan quản lý; (7) Điều khoản chuyển tiếp và tổ chức thực hiện.
          Nghị định này áp dụng đối với: (1) Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thành lập, tổ chức và hoạt động theo quy định của Luật các tổ chức tín dụng (không bao gồm ngân hàng chính sách); (2) Cơ quan đại diện chủ sở hữu; (3) Cơ quan tài chính; (4) Tổ chức, cá nhân khác có liên quan.
3. Nghị định số 94/2017/NĐ-CP ngày 10 tháng 8 năm 2017 của Chính phủ về hàng hóa, dịch vụ, địa bàn thực hiện độc quyền nhà nước trong hoạt động thương mại
a) Hiệu lực thi hành: Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 10 năm 2017.
b) Sự cần thiết, mục đích ban hành: Nghị định được ban hành nhằm tạo hành lang pháp lý cụ thể, minh bạch và thống nhất để Nhà nước cũng như các chủ thể khác kiểm tra giám sát việc thực hiện độc quyền nhà nước trong hoạt động thương mại phù hợp với các quy định pháp luật hiện hành và các cam kết quốc tế.
c) Nội dung chủ yếu: Nghị định gồm 03 chương, 10 điều, quy định việc thực hiện độc quyền nhà nước trong hoạt động thương mại, cụ thể: (1) Nguyên tắc thực hiện hoạt động thương mại độc quyền nhà nước; (2) Danh mục hàng hóa, dịch vụ, địa bàn thực hiện hoạt động thương mại độc quyền nhà nước; (3) Cơ chế sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ hàng hóa, dịch vụ, địa bàn thuộc Danh mục; (4) Trách nhiệm của các chủ thể thực hiện hoạt động thương mại độc quyền nhà nước; (5) Trách nhiệm kiểm tra, giám sát của các cơ quan quản lý nhà nước đối với các chủ thể thực hiện hoạt động thương mại độc quyền nhà nước.
Ban hành kèm theo Nghị định này Danh mục hàng hóa, dịch vụ, địa bàn thực hiện hoạt động thương mại độc quyền nhà nước.
Nghị định này áp dụng đối với các cơ quan nhà nước, tổ chức, cá nhân thực hiện hoạt động thương mại độc quyền nhà nước và các tổ chức, cá nhân khác có liên quan.
4. Nghị định số 95/2017/NĐ-CP ngày 16 tháng 8 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Khoa học và Công nghệ
a) Hiệu lực thi hành: Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 16 tháng 8 năm 2017.
Nghị định này thay thế Nghị định số 20/2013/NĐ-CP ngày 26 tháng 02 năm 2013 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Khoa học và Công nghệ.
b) Sự cần thiết, mục đích ban hành: Nghị định được ban hành nhằm đảm bảo phù hợp với các văn bản quy phạm pháp luật mới được ban hành, như: Luật tổ chức Chính phủ, Luật khoa học và công nghệ; Nghị định số 123/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 9 năm 2016 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ, cơ quan ngang Bộ...; khắc phục những hạn chế, bất cập trong thực tiễn triển khai thi hành Nghị định số 20/2013/NĐ-CP ngày 26 tháng 02 năm 2013 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Khoa học và Công nghệ.
c) Nội dung chủ yếu: Nghị định gồm 06 điều, quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Khoa học và Công nghệ.
Theo Nghị định, Bộ Khoa học và Công nghệ là cơ quan của Chính phủ, thực hiện chức năng quản lý nhà nước về khoa học và công nghệ, bao gồm: Hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, đổi mới sáng tạo; phát triển tiềm lực khoa học và công nghệ; sở hữu trí tuệ; tiêu chuẩn đo lường chất lượng; năng lượng nguyên tử, an toàn bức xạ và hạt nhân; quản lý nhà nước các dịch vụ công trong lĩnh vực thuộc Bộ quản lý theo quy định của pháp luật.
Cơ cấu tổ chức của Bộ Khoa học và Công nghệ gồm có 25 tổ chức trực thuộc, trong đó có 21 tổ chức hành chính giúp Bộ trưởng thực hiện chức năng quản lý nhà nước và 04 tổ chức sự nghiệp phục vụ quản lý nhà nước của Bộ.
5. Nghị định số 96/2017/NĐ-CP ngày 16 tháng 8 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tư pháp
a) Hiệu lực thi hành: Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 16 tháng 8 năm 2017.
Nghị định này thay thế Nghị định số 22/2013/NĐ-CP ngày 13 tháng 3 năm 2013 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tư pháp.
b) Sự cần thiết, mục đích ban hành: Nghị định được ban hành nhằm đảm bảo phù hợp với các văn bản quy phạm pháp luật mới được ban hành như: Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật; Luật hộ tịch; Nghị định số 123/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 9 năm 2016 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ, cơ quan ngang Bộ; Nghị định số 22/2015/NĐ-CP ngày 16 tháng 02 năm 2015 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật phá sản về Quản tài viên và hành nghề quản lý, thanh lý tài sản...; khắc phục những hạn chế, bất cập trong thực tiễn triển khai thi hành Nghị định số 22/2013/NĐ-CP ngày 13 tháng 3 năm 2013 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tư pháp; đáp ứng yêu cầu đổi mới tổ chức và hoạt động của Bộ, ngành Tư pháp.
c) Nội dung chủ yếu: Nghị định gồm 05 điều, quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tư pháp.
Theo Nghị định, Bộ Tư pháp là cơ quan của Chính phủ, thực hiện chức năng quản lý nhà nước về: Xây dựng và thi hành pháp luật, kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, phổ biến, giáo dục pháp luật, thi hành án dân sự, thi hành án hành chính, bổ trợ tư pháp, hành chính tư pháp, bồi thường nhà nước; quản lý công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính; quản lý nhà nước các dịch vụ sự nghiệp công trong các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ.
Cơ cấu tổ chức của Bộ Tư pháp gồm có 27 tổ chức trực thuộc, trong đó có 22 tổ chức hành chính giúp Bộ trưởng thực hiện chức năng quản lý nhà nước và 05 tổ chức sự nghiệp phục vụ quản lý nhà nước của Bộ.
6. Nghị định số 97/2017/NĐ-CP ngày 18 tháng 8 năm 2017 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 81/2013/NĐ-CP ngày 19 tháng 7 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật xử lý vi phạm hành chính
a) Hiệu lực thi hành: Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 05 tháng 10 năm 2017.
Nghị định này bãi bỏ: (1) Điểm g khoản 3 Điều 25 của Nghị định số 81/2013/NĐ-CP ngày 19 tháng 7 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật xử lý vi phạm hành chính; (2) Phụ lục về mẫu biên bản và mẫu quyết định được ban hành kèm theo Nghị định số 81/2013/NĐ-CP ngày 19 tháng 7 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật xử lý vi phạm hành chính.
b) Sự cần thiết, mục đích ban hành: Nghị định được ban hành nhằm khắc phục các hạn chế, bất cập trong thực tiễn triển khai thi hành Nghị định số 81/2013/NĐ-CP ngày 19 tháng 7 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật xử lý vi phạm hành chính.
c) Nội dung chủ yếu: Nghị định gồm 04 điều, sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 81/2013/NĐ-CP ngày 19 tháng 7 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật xử lý vi phạm hành chính liên quan đến các quy định về: (1) Đối tượng bị xử phạt vi phạm hành chính; (2) Xác định thẩm quyền xử phạt; thẩm quyền tịch thu tang vật, phương tiện đối với tổ chức vi phạm hành chính; (3) Lập biên bản và ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính; sửa đổi, bổ sung, đính chính quyết định về xử lý vi phạm hành chính; hủy bỏ, ban hành quyết định mới về xử lý vi phạm hành chính; thời hạn thực hiện việc sửa đổi, bổ sung, đính chính, hủy bỏ, ban hành quyết định mới về xử lý vi phạm hành chính; hiệu lực, thời hạn, thời hiệu thi hành của quyết định sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ, quyết định mới về xử lý vi phạm hành chính, văn bản đính chính quyết định về xử lý vi phạm hành chính; trách nhiệm và việc xem xét, xử lý trách nhiệm đối với người có thẩm quyền ban hành quyết định về xử lý vi phạm hành chính có sai sót; thủ trưởng trực tiếp của người có thẩm quyền đang giải quyết vụ việc; (4) Áp dụng hình thức xử phạt tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề; tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính; (5) Hình thức, thủ tục thu, nộp và chứng từ thu, nộp tiền phạt, tiền chậm nộp phạt vi phạm hành chính; (6) Xử lý tang vật, phương tiện bị chiếm đoạt, sử dụng trái phép để vi phạm hành chính thuộc trường hợp bị tịch thu; (7) Thủ tục chuyển giao tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tịch thu để bán đấu giá; (8) Xác định thẩm quyền xử phạt trong trường hợp tang vật vi phạm hành chính là hàng cấm; (9) Lập hồ sơ áp dụng biện pháp xử lý hành chính; (10) Xây dựng, hoàn thiện pháp luật, theo dõi thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính; kiểm tra việc thi hành pháp luật và báo cáo công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính; (11) Trách nhiệm của các Bộ, cơ quan ngang Bộ và Ủy ban nhân dân các cấp.
Ban hành kèm theo Nghị định này Phụ lục về mẫu biên bản và mẫu quyết định để sử dụng trong xử lý vi phạm hành chính.
7. Nghị định số 98/2017/NĐ-CP ngày 18 tháng 8 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công thương
a) Hiệu lực thi hành: Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 18 tháng 8 năm 2017.
Nghị định này thay thế Nghị định số 95/2012/NĐ-CP ngày 22 tháng 11 năm 2012 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công thương.
b) Sự cần thiết, mục đích ban hành: Nghị định được ban hành nhằm đảm bảo phù hợp với các văn bản quy phạm pháp luật mới được ban hành như: Luật tổ chức Chính phủ; Nghị định số 123/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 9 năm 2016 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ, cơ quan ngang Bộ; khắc phục các hạn chế, bất cập trong thực tiễn triển khai thi hành Nghị định số 95/2012/NĐ-CP ngày 22 tháng 11 năm 2012 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công thương.
c) Nội dung chủ yếu: Nghị định gồm 06 điều, quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công thương.
Theo Nghị định, Bộ Công thương là cơ quan của Chính phủ, thực hiện chức năng quản lý nhà nước về công nghiệp và thương mại, bao gồm các ngành và lĩnh vực: Điện, than, dầu khí, năng lượng mới, năng lượng tái tạo, hóa chất, vật liệu nổ công nghiệp, công nghiệp cơ khí, luyện kim, công nghiệp khai thác mỏ và chế biến khoáng sản, công nghiệp tiêu dùng, công nghiệp thực phẩm, công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp môi trường, công nghiệp công nghệ cao; cụm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, khuyến công; thương mại trong nước; xuất nhập khẩu, thương mại biên giới; phát triển thị trường ngoài nước; quản lý thị trường; xúc tiến thương mại; thương mại điện tử; dịch vụ thương mại; hội nhập kinh tế quốc tế; cạnh tranh, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, phòng vệ thương mại; các dịch vụ công trong các ngành, lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ.
Cơ cấu tổ chức của Bộ Công thương gồm có 30 tổ chức trực thuộc, trong đó có 26 tổ chức hành chính giúp Bộ trưởng thực hiện chức năng quản lý nhà nước và 04 tổ chức sự nghiệp phục vụ chức năng quản lý nhà nước của Bộ.
8. Nghị định số 99/2017/NĐ-CP ngày 18 tháng 8 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam
a) Hiệu lực thi hành: Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 18 tháng 8 năm 2017.
Nghị định này thay thế: (1) Nghị định số 109/2012/NĐ-CP ngày 26 tháng 12 năm 2012 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam; (2) Nghị định số 217/2013/NĐ-CP ngày 26 tháng 12 năm 2013 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 109/2012/NĐ-CP ngày 26 tháng 12 năm 2012 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam.
b) Sự cần thiết, mục đích ban hành: Nghị định được ban hành nhằm đảm bảo phù hợp với Luật tổ chức Chính phủ, Nghị định số 10/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 02 năm 2016 của Chính phủ quy định về cơ quan thuộc Chính phủ; khắc phục các hạn chế, bất cập trong thực tiễn triển khai thi hành Nghị định số 109/2012/NĐ-CP ngày 26 tháng 12 năm 2012 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam và Nghị định số 217/2013/NĐ-CP ngày 26 tháng 12 năm 2013 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 109/2012/NĐ-CP ngày 26 tháng 12 năm 2012 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam; tạo cơ sở pháp lý đồng bộ để đổi mới và nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam.
c) Nội dung chủ yếu: Nghị định gồm 05 điều, quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam.
Theo Nghị định, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam là cơ quan thuộc Chính phủ, thực hiện chức năng nghiên cứu những vấn đề cơ bản về khoa học xã hội; cung cấp luận cứ khoa học cho Đảng và Nhà nước trong việc hoạch định đường lối, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chính sách phát triển nhanh và bền vững của đất nước phục vụ phát triển kinh tế - xã hội theo định hướng xã hội chủ nghĩa; tư vấn về chính sách phát triển trong lĩnh vực khoa học xã hội; đào tạo nhân lực có trình độ cao về khoa học xã hội theo quy định của pháp luật.
Cơ cấu tổ chức của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam gồm có 42 đơn vị trực thuộc, trong đó có 05 đơn vị chuyên môn giúp việc cho Chủ tịch Viện; 33 tổ chức khoa học và công nghệ công lập và 04 đơn vị sự nghiệp công lập khác.
9. Nghị định số 100/2017/NĐ-CP ngày 18 tháng 8 năm 2017 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 39/2017/NĐ-CP ngày 04 tháng 4 năm 2017 về quản lý thức ăn chăn nuôi, thủy sản
a) Hiệu lực thi hành: Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 18 tháng 8 năm 2017.
b) Sự cần thiết, mục đích ban hành: Nghị định được ban hành nhằm khắc phục các hạn chế, bất cập trong thực tiễn triển khai thi hành Nghị định số 39/2017/NĐ-CP ngày 04 tháng 4 năm 2017 của Chính phủ về quản lý thức ăn chăn nuôi, thủy sản; tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp và công tác quản lý của các cơ quan có liên quan.
c) Nội dung chủ yếu: Nghị định gồm 03 điều, bổ sung khoản 5a sau khoản 5 Điều 29 của Nghị định số 39/2017/NĐ-CP ngày 04 tháng 4 năm 2017 của Chính phủ về quản lý thức ăn chăn nuôi, thủy sản; cụ thể như sau:
“Điều 29. Điều khoản chuyển tiếp
5a. Đối với các sản phẩm thức ăn chăn nuôi, thủy sản hết hiệu lực lưu hành trong khoảng thời gian từ ngày 20 tháng 11 năm 2016 đến hết ngày 20 tháng 11 năm 2017 thì được tiếp tục lưu hành không quá 18 tháng”.
10. Quyết định số 37/2017/QĐ-TTg ngày 17 tháng 8 năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc bãi bỏ Quyết định số 50/2006/QĐ-TTg ngày 07 tháng 3 năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Danh mục sản phẩm, hàng hóa phải kiểm tra về chất lượng
a) Hiệu lực thi hành: Quyết định này có hiệu lực thi hành từ ngày 05 tháng 10 năm 2017.
b) Sự cần thiết, mục đích ban hành: Quyết định được ban hành nhằm đảm bảo áp dụng thống nhất văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến sản phẩm, hàng hóa phải kiểm tra về chất lượng; đảm bảo phù hợp với Luật chất lượng sản phẩm, hàng hóa và Nghị định số 132/2008/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2008 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật chất lượng sản phẩm, hàng hóa.
c) Nội dung chủ yếu: Quyết định gồm 03 điều, bãi bỏ Quyết định số 50/2006/QĐ-TTg ngày 07 tháng 3 năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Danh mục sản phẩm, hàng hóa phải kiểm tra về chất lượng.
11. Quyết định số 38/2017/QĐ-TTg ngày 18 tháng 8 năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ quy định việc chuyển cửa khẩu đối với hàng nhập khẩu về làm thủ tục hải quan tại cảng cạn ICD Mỹ Đình, thành phố Hà Nội
a) Hiệu lực thi hành: Quyết định này có hiệu lực thi hành từ ngày 05 tháng 10 năm 2017.
b) Sự cần thiết, mục đích ban hành: Quyết định được ban hành nhằm đảm bảo hiệu lực, hiệu quả trong công tác quản lý nhà nước về xuất nhập khẩu; phù hợp với Luật hải quan và các văn bản hướng dẫn thi hành.
c) Nội dung chủ yếu: Quyết định gồm 09 điều, quy định về việc chuyển cửa khẩu đối với hàng nhập khẩu về làm thủ tục hải quan tại cảng cạn ICD Mỹ Đình, thành phố Hà Nội, cụ thể: (1) Hàng hóa nhập khẩu được chuyển cửa khẩu về cảng cạn ICD Mỹ Đình; (2) Tuyến đường, thời gian vận chuyển trên đường và thời gian lưu giữ hàng hóa tại cảng cạn ICD Mỹ Đình; (3) Trách nhiệm của doanh nghiệp kinh doanh vận chuyển; (4) Trách nhiệm của doanh nghiệp kinh doanh cảng cạn ICD Mỹ Đình; (5) Thủ tục hải quan đối với hàng nhập khẩu chuyển cửa khẩu về cảng cạn ICD Mỹ Đình.
Quyết định này áp dụng đối với: (1) Người khai hải quan là tổ chức, cá nhân thực hiện xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh hàng hóa và thực hiện thủ tục hải quan tại cảng cạn ICD Mỹ Đình; (2) Cơ quan hải quan, công chức hải quan; (3) Cơ quan khác của Nhà nước trong việc phối hợp quản lý nhà nước về hải quan; (4) Doanh nghiệp kinh doanh cảng cạn ICD Mỹ Đình; (5) Các doanh nghiệp kinh doanh vận chuyển đáp ứng quy định tại Điều 5 Quyết định này; (6) Các tổ chức, cá nhân khác có liên quan.
Trên đây là Thông cáo báo chí văn bản quy phạm pháp luật do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành trong tháng 8 năm 2017, Bộ Tư pháp xin thông báo./.
  
Các tin đã đưa ngày: