Liên kết website

Thông cáo báo chí văn bản quy phạm pháp luật do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành trong tháng 9 năm 2017

02/11/2017

Thực hiện khoản 2, khoản 3 Điều 12 Luật phổ biến, giáo dục pháp luật, Bộ Tư pháp ra Thông cáo báo chí về văn bản quy phạm pháp luật do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành trong tháng 9 năm 2017 như sau:

I. SỐ LƯỢNG VĂN BẢN QUY PHẠM PHÁP LUẬT ĐƯỢC BAN HÀNH 
Trong tháng 9 năm 2017, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 14 văn bản quy phạm pháp luật, gồm 09 Nghị định của Chính phủ và 05 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Cụ thể:
Các Nghị định của Chính phủ:
1. Nghị định số 101/2017/NĐ-CP ngày 01 tháng 9 năm 2017 của Chính phủ về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức;
2. Nghị định số 102/2017/NĐ-CP ngày 01 tháng 9 năm 2017 của Chính phủ về đăng ký biện pháp bảo đảm;
3. Nghị định số 103/2017/NĐ-CP ngày 12 tháng 9 năm 2017 của Chính phủ quy định về thành lập, tổ chức, hoạt động, giải thể và quản lý các cơ sở trợ giúp xã hội;
4. Nghị định số 104/2017/NĐ-CP ngày 14 tháng 9 năm 2017 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng, chống thiên tai; khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi; đê điều;
5. Nghị định số 105/2017/NĐ-CP ngày 14 tháng 9 năm 2017 của Chính phủ về kinh doanh rượu;
6. Nghị định số 106/2017/NĐ-CP ngày 14 tháng 9 năm 2017 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 67/2013/NĐ-CP ngày 27 tháng 6 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật phòng, chống tác hại của thuốc lá về kinh doanh thuốc lá;
7. Nghị định số 107/2017/NĐ-CP ngày 15 tháng 9 năm 2017 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 193/2013/NĐ-CP ngày 21 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật hợp tác xã;
8. Nghị định số 108/2017/NĐ-CP ngày 20 tháng 9 năm 2017 của Chính phủ về quản lý phân bón;
9. Nghị định số 109/2017/NĐ-CP ngày 21 tháng 9 năm 2017 của Chính phủ quy định về bảo vệ và quản lý Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới ở Việt Nam.
Các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ:
1. Quyết định số 39/2017/QĐ-TTg ngày 15 tháng 9 năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc áp dụng cơ chế tài chính đối với Cục Viễn thông;
2. Quyết định số 40/2017/QĐ-TTg ngày 15 tháng 9 năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc áp dụng cơ chế tài chính đối với Cục Tần số vô tuyến điện;
3. Quyết định số 41/2017/QĐ-TTg ngày 15 tháng 9 năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ quy định trình tự, thủ tục điều chuyển công trình điện được đầu tư bằng vốn nhà nước sang Tập đoàn Điện lực Việt Nam quản lý;
4. Quyết định số 42/2017/QĐ-TTg ngày 20 tháng 9 năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 27/2013/QĐ-TTg ngày 19 tháng 5 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ quy định về thành phần và nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật;
5. Quyết định số 43/2017/QĐ-TTg ngày 26 tháng 9 năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ quy định trách nhiệm thực hiện thủ tục đối với tàu bay xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh thông qua Cơ chế một cửa quốc gia.
II. HIỆU LỰC THI HÀNH, SỰ CẦN THIẾT, MỤC ĐÍCH BAN HÀNH VÀ NỘI DUNG CHỦ YẾU CỦA CÁC VĂN BẢN QUY PHẠM PHÁP LUẬT
1. Nghị định số 101/2017/NĐ-CP ngày 01 tháng 9 năm 2017 của Chính phủ về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức
a) Hiệu lực thi hành: Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 21 tháng 10 năm 2017.
Nghị định này: (1) Thay thế Nghị định số 18/2010/NĐ-CP ngày 05 tháng 3 năm 2010 của Chính phủ về đào tạo, bồi dưỡng công chức; (2) Bãi bỏ các Điều 32, 33, 34, 35 và 36 của Nghị định số 29/2012/NĐ-CP ngày 12 tháng 4 năm 2012 của Chính phủ về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức.
b) Sự cần thiết, mục đích ban hành: Nghị định được ban hành nhằm khắc phục các hạn chế, bất cập trong thực tiễn triển khai thi hành Nghị định số 18/2010/NĐ-CP ngày 05 tháng 3 năm 2010 của Chính phủ về đào tạo, bồi dưỡng công chức, Nghị định số 29/2012/NĐ-CP ngày 12 tháng 4 năm 2012 của Chính phủ về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức; tạo hành lang pháp lý khoa học, hợp lý, góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức chuyên nghiệp, liêm chính, đủ khả năng vận hành và xây dựng nền hành chính tiên tiến, xây dựng Chính phủ kiến tạo, phục vụ nhân dân, phát triển đất nước.
c) Nội dung chủ yếu: Nghị định gồm 07 chương, 46 điều, quy định về nội dung, chương trình, hình thức và quản lý đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức, cụ thể: (1) Mục tiêu, nguyên tắc, yêu cầu trong đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức; (2) Đối tượng, điều kiện đào tạo trình độ trung cấp, cao đẳng, đại học, sau đại học; đền bù chi phí đào tạo; chi phí đền bù và cách tính chi phí đền bù; điều kiện được giảm chi phí đền bù; thành lập Hội đồng xét đền bù; cuộc họp của Hội đồng xét đền bù; quyết định đền bù; trả và thu hồi chi phí đền bù trong đào tạo cán bộ, công chức, viên chức; (3) Hình thức, nội dung, chương trình, chứng chỉ bồi dưỡng; (4) Tổ chức bồi dưỡng; bồi dưỡng ở nước ngoài bằng nguồn ngân sách nhà nước; (4) Tiêu chuẩn, nhiệm vụ, chế độ, chính sách của giảng viên và của người được mời thỉnh giảng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức; tiêu chuẩn, nhiệm vụ, chế độ, chính sách của người được mời thỉnh giảng; (5) Kinh phí, quyền lợi, trách nhiệm của cán bộ công chức, viên chức được cử đi đào tạo, bồi dưỡng; (6) Quản lý công tác đào tạo, bồi dưỡng; (7) Điều khoản thi hành.
          Nghị định này áp dụng đối với: (1) Cán bộ trong các cơ quan nhà nước; (2) Công chức trong các cơ quan của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội ở Trung ương; ở tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; ở huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương; công chức xã, phường, thị trấn; công chức trong bộ máy lãnh đạo, quản lý đơn vị sự nghiệp công lập; (3) Viên chức trong đơn vị sự nghiệp công lập.
2. Nghị định số 102/2017/NĐ-CP ngày 01 tháng 9 năm 2017 của Chính phủ về đăng ký biện pháp bảo đảm
a) Hiệu lực thi hành: Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 15 tháng 10 năm 2017.
Nghị định này thay thế Nghị định số 83/2010/NĐ-CP ngày 23 tháng 7 năm 2010 của Chính phủ về đăng ký giao dịch bảo đảm.
Bãi bỏ Điều 1 Nghị định số 05/2012/NĐ-CP ngày 02 tháng 02 năm 2012 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định về đăng ký giao dịch bảo đảm, trợ giúp pháp lý, luật sư, tư vấn pháp luật.
b) Sự cần thiết, mục đích ban hành: Nghị định được ban hành nhằm bảo đảm sự phù hợp, thống nhất, đồng bộ với các các văn bản mới được ban hành như Bộ luật dân sự năm 2015, Luật đất đai năm 2013, Luật nhà ở năm 2014, Luật kinh doanh bất động sản năm 2014, Luật xây dựng năm 2014…; góp phần hoàn thiện các quy định của pháp luật về đăng ký biện pháp bảo đảm, khắc phục các hạn chế, bất cập trong quản lý nhà nước, cũng như trong hoạt động đăng ký biện pháp bảo đảm cho các tổ chức, doanh nghiệp và người dân.
c) Nội dung chủ yếu: Nghị định gồm 05 chương, 70 điều, quy định thủ tục đăng ký biện pháp bảo đảm, cung cấp thông tin về biện pháp bảo đảm bằng tài sản; quản lý nhà nước về đăng ký biện pháp bảo đảm, cụ thể: (1) Các trường hợp đăng ký; (2) Thời điểm có hiệu lực và thời hạn có hiệu lực của đăng ký biện pháp bảo đảm; nguyên tắc đăng ký, cung cấp thông tin về biện pháp bảo đảm; (3) Người yêu cầu đăng ký, nghĩa vụ và trách nhiệm của người yêu cầu đăng ký; (4) Cơ quan có thẩm quyền đăng ký, cung cấp thông tin về biện pháp bảo đảm; nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của cơ quan đăng ký, cung cấp thông tin về biện pháp bảo đảm; (5) Phí đăng ký, cung cấp thông tin về biện pháp bảo đảm, cấp mã số sử dụng cơ sở dữ liệu về biện pháp bảo đảm; (6) Giấy tờ chứng minh trường hợp không phải nộp phí khi thực hiện đăng ký biện pháp bảo đảm; (7) Các quy định chung về hồ sơ, thủ tục đăng ký biện pháp bảo đảm bằng tàu bay, tàu biển; quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất; tài sản là động sản khác; (8) Đăng ký trực tuyến biện pháp bảo đảm; (9) Cung cấp thông tin, công bố thông tin và trao đổi thông tin về biện pháp bảo đảm; (10) Quản lý nhà nước về đăng ký biện pháp bảo đảm; (11) Quy định chuyển tiếp và điều khoản thi hành.
Nghị định này áp dụng đối với: (1) Cá nhân, pháp nhân có yêu cầu đăng ký biện pháp bảo đảm, tìm hiểu thông tin về biện pháp bảo đảm; (2) Hộ gia đình có yêu cầu đăng ký biện pháp bảo đảm, tìm hiểu thông tin về biện pháp bảo đảm theo quy định của Bộ luật dân sự; (3) Cơ quan có thẩm quyền đăng ký, cung cấp thông tin về biện pháp bảo đảm; cơ quan có thẩm quyền quản lý nhà nước về đăng ký biện pháp bảo đảm; (4) Cá nhân, pháp nhân khác có liên quan.
3. Nghị định số 103/2017/NĐ-CP ngày 12 tháng 9 năm 2017 của Chính phủ quy định về thành lập, tổ chức, hoạt động, giải thể và quản lý các cơ sở trợ giúp xã hội
a) Hiệu lực thi hành: Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 11 năm 2017.
Các quy định sau hết hiệu lực từ ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành: (1) Nghị định số 68/2008/NĐ-CP ngày 30 tháng 5 năm 2008 của Chính phủ quy định điều kiện, thủ tục thành lập, tổ chức, hoạt động và giải thể cơ sở bảo trợ xã hội; (2) Điều 1 Nghị định số 81/2012/NĐ-CP ngày 08 tháng 10 năm 2012 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 68/2008/NĐ-CP ngày 30 tháng 5 năm 2008 của Chính phủ quy định điều kiện, thủ tục thành lập, tổ chức, hoạt động và giải thể cơ sở bảo trợ xã hội và Nghị định số 109/2002/NĐ-CP ngày 27 tháng 12 năm 2002 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 195/CP ngày 31 tháng 12 năm 1994 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật lao động về thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi; (3) Điều 28, Điều 30, Điều 31 Nghị định số 136/2013/NĐ-CP ngày 21 tháng 10 năm 2013 của Chính phủ quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội; (4) Chương V Nghị định số 28/2012/NĐ-CP ngày 10 tháng 4 năm 2012 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật người khuyết tật; (5) Chương II Nghị định số 06/2011/NĐ-CP ngày 14 tháng 01 năm 2011 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật người cao tuổi.
b) Sự cần thiết, mục đích ban hành: Nghị định được ban hành nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập trong thực tiễn triển khai thi hành Nghị định số 68/2008/NĐ-CP ngày 30 tháng 5 năm 2008 của Chính phủ quy định điều kiện, thủ tục thành lập, tổ chức, hoạt động và giải thể cơ sở bảo trợ xã hội và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan; đảm bảo phù hợp với tình hình thực tiễn và xu hướng quốc tế. 
c) Nội dung chủ yếu: Nghị định gồm 08 chương, 53 điều, quy định về thành lập, tổ chức, hoạt động, giải thể và quản lý các cơ sở trợ giúp xã hội, cụ thể: (1) Chính sách khuyến khích xã hội hóa; tư cách pháp nhân, con dấu, tài khoản, tên, biểu tượng và trụ sở của cơ sở trợ giúp xã hội; các loại hình cơ sở trợ giúp xã hội; (2) Nhiệm vụ, quyền hạn của cơ sở trợ giúp xã hội; (3) Thành lập, tổ chức lại và giải thể cơ sở trợ giúp xã hội công lập và ngoài công lập; (4) Hoạt động của cơ sở trợ giúp xã hội công lập và ngoài công lập; (5) Điều kiện đăng ký, thẩm quyền đăng ký, hồ sơ đăng ký; trình tự, thủ tục đăng ký, thu hồi giấy chứng nhận đăng ký hoạt động trợ giúp xã hội dưới 10 đối tượng có hoàn cảnh khó khăn; (6) Thẩm quyền và trách nhiệm quản lý nhà nước của các Bộ, ngành, địa phương; (7) Điều khoản thi hành.
Ban hành kèm theo Nghị định này Phụ lục về các mẫu: (1) Tờ trình đề nghị, Đề án thành lập cơ sở trợ giúp xã hội công lập; (2) Quy chế hoạt động của cơ sở trợ giúp xã hội công lập và ngoài công lập; (3) Tờ trình tổ chức lại, giải thể cơ sở trợ giúp xã hội công lập; đơn đề nghị giải thể cơ sở trợ giúp xã hội ngoài công lập; (4) Đề án tổ chức lại, giải thể cơ sở trợ giúp xã hội; (5) Tờ khai đăng ký thành lập và Giấy chứng nhận đăng ký thành lập cơ sở trợ giúp xã hội ngoài công lập; (6) Tờ khai đề nghị cấp giấy phép và Giấy phép hoạt động của cơ sở trợ giúp xã hội; (7) Đơn đề nghị được tiếp nhận vào cơ sở trợ giúp xã hội; (8) Biên bản của Hội đồng xét duyệt; (9) Hợp đồng cung cấp dịch vụ trợ giúp xã hội; (10) Đơn đề nghị dừng trợ giúp xã hội; (11) Tờ khai đăng ký và Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động trợ giúp xã hội đối với cơ sở trợ giúp xã hội dưới 10 đối tượng có hoàn cảnh khó khăn.
          Nghị định này áp dụng đối với: (1) Cơ sở trợ giúp xã hội công lập do cơ quan nhà nước thành lập, quản lý, đầu tư xây dựng cơ sở vật chất và bảo đảm kinh phí cho các nhiệm vụ của cơ sở trợ giúp xã hội; (2) Cơ sở trợ giúp xã hội ngoài công lập do các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư xây dựng cơ sở vật chất và bảo đảm kinh phí cho các nhiệm vụ của cơ sở trợ giúp xã hội.
4. Nghị định số 104/2017/NĐ-CP ngày 14 tháng 9 năm 2017 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng, chống thiên tai; khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi; đê điều
a) Hiệu lực thi hành: Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 11 năm 2017.
Nghị định này thay thế Nghị định số 139/2013/NĐ-CP ngày 22 tháng 10 năm 2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi; đê điều; phòng, chống lụt, bão.
b) Sự cần thiết, mục đích ban hành: Nghị định được ban hành nhằm đảm bảo phù hợp với các quy định của Luật phòng, chống thiên tai; khắc phục những hạn chế, bất cập trong thực tiễn triển khai thi hành Nghị định số 139/2013/NĐ-CP ngày 22 tháng 10 năm 2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi; đê điều; phòng, chống lụt, bão; đáp ứng yêu cầu công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực phòng, chống thiên tai, khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi, đê điều trong giai đoạn hiện nay.
c) Nội dung chủ yếu: Nghị định gồm 06 chương, 35 điều, quy định về: (1) Hành vi vi phạm hành chính, hình thức xử phạt, mức xử phạt và biện pháp khắc phục hậu quả đối với hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng, chống thiên tai; (2) Hành vi vi phạm hành chính, hình thức xử phạt, mức xử phạt và biện pháp khắc phục hậu quả đối với hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi; (3) Hành vi vi phạm hành chính, hình thức xử phạt, mức xử phạt và biện pháp khắc phục hậu quả đối với hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực đê điều; (4) Thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp; cơ quan Thanh tra và Thủ trưởng cơ quan được giao chức năng thanh tra chuyên ngành khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi, đê điều; Kiểm ngư; cơ quan Thanh tra và Thủ trưởng cơ quan được giao chức năng thanh tra chuyên ngành về phòng, chống thiên tai; Công an nhân dân; Bộ đội biên phòng; Cảnh sát biển và thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính; (5) Điều khoản thi hành.
          Nghị định này áp dụng đối với: (1) Cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng, chống thiên tai; khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi; đê điều trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; (2) Người có thẩm quyền xử phạt; (3) Cá nhân, tổ chức khác có liên quan.
5. Nghị định số 105/2017/NĐ-CP ngày 14 tháng 9 năm 2017 của Chính phủ về kinh doanh rượu
a) Hiệu lực thi hành: Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 11 năm 2017.
Nghị định số 94/2012/NĐ-CP ngày 12 tháng 11 năm 2012 của Chính phủ về sản xuất, kinh doanh rượu hết hiệu lực kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực.
b) Sự cần thiết, mục đích ban hành: Nghị định được ban hành để đảm bảo phù hợp với các luật mới được ban hành, như: Luật đầu tư năm 2014, Luật doanh nghiệp năm 2014, khắc phục các hạn chế, bất cập trong thực tiễn triển khai thi hành Nghị định số 94/2012/NĐ-CP ngày 12 tháng 11 năm 2012 của Chính phủ về sản xuất, kinh doanh rượu; tăng cường hiệu lực, hiệu quả của quản lý nhà nước, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh rượu.
c) Nội dung chủ yếu: Nghị định gồm 05 chương, 41 điều, quy định về hoạt động kinh doanh rượu, bao gồm: Hoạt động sản xuất, nhập khẩu, phân phối, bán buôn, bán lẻ rượu; hoạt động bán rượu tiêu dùng tại chỗ, cụ thể: (1) Nguyên tắc quản lý rượu; chất lượng và an toàn thực phẩm; dán tem và ghi nhãn hàng hóa rượu; các hành vi vi phạm quy định của pháp luật về kinh doanh rượu; (2) Điều kiện kinh doanh rượu; quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân kinh doanh rượu; hồ sơ đề nghị cấp giấy phép kinh doanh rượu; thẩm quyền và thủ tục cấp giấy phép kinh doanh rượu; nhập khẩu rượu; (3) Chế độ báo cáo và thu hồi giấy phép; (4) Trách nhiệm của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong việc thực hiện/phối hợp thực hiện quản lý nhà nước về kinh doanh rượu; (5) Quy định chuyển tiếp và điều khoản thi hành.
Ban hành kèm theo Nghị định này Phụ lục về: (1) Các mẫu đơn về việc đề nghị cấp; cấp sửa đổi, bổ sung, cấp lại giấy phép; (2) Giấy đăng ký sản xuất rượu thủ công để bán cho doanh nghiệp có giấy phép sản xuất rượu công nghiệp để chế biến lại; (3) Giấy phép và Giấy phép cấp sửa đổi, bổ sung, cấp lại; (4) Các mẫu báo cáo về tình hình sản xuất, phân phối rượu/bán buôn rượu/bán lẻ rượu/bán rượu tiêu dùng tại chỗ; tình hình sản xuất rượu thủ công để bán cho các doanh nghiệp có giấy phép sản xuất rượu công nghiệp trên địa bàn; tình hình sản xuất kinh doanh rượu trên địa bàn
Nghị định này áp dụng đối với: (1) Thương nhân kinh doanh rượu; (2) Các tổ chức, cá nhân có liên quan đến kinh doanh rượu.
6. Nghị định số 106/2017/NĐ-CP ngày 14 tháng 9 năm 2017 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 67/2013/NĐ-CP ngày 27 tháng 6 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật phòng, chống tác hại của thuốc lá về kinh doanh thuốc lá
a) Hiệu lực thi hành: Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 11 năm 2017.
Bãi bỏ điểm a khoản 3 Điều 9điểm e khoản 1, điểm e khoản 2 và điểm c khoản 3 Điều 26; điểm g khoản 1, điểm g khoản 2 Điều 27; khoản 3 Điều 46 của Nghị định số 67/2013/NĐ-CP ngày 27 tháng 6 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật phòng, chống tác hại của thuốc lá về kinh doanh thuốc lá.
Giấy phép mua bán sản phẩm thuốc lá đã được cấp cho thương nhân theo Nghị định số 67/2013/NĐ-CP vẫn tiếp tục duy trì hiệu lực cho đến khi hết thời hạn theo Giấy phép đã cấp.
b) Sự cần thiết, mục đích ban hành: Nghị định được ban hành nhằm đảm bảo phù hợp với các quy định của Luật đầu tư, Luật doanh nghiệp; khắc phục các hạn chế, bất cập trong thực tiễn triển khai thi hành Nghị định số 67/2013/NĐ-CP ngày 27 tháng 6 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật phòng, chống tác hại của thuốc lá về kinh doanh thuốc lá; góp phần đơn giản hóa các thủ tục hành chính có liên quan; đáp ứng yêu cầu của thực tiễn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh thuốc lá.
c) Nội dung chủ yếu: Nghị định gồm 04 điều, sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 67/2013/NĐ-CP ngày 27 tháng 6 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật phòng, chống tác hại của thuốc lá về kinh doanh thuốc lá liên quan đến các quy định về: (1) Giải thích từ ngữ của các cụm từ được sử dụng trong Nghị định, gồm: “Sợi thuốc lá”, “thương nhân phân phối sản phẩm thuốc lá”, “thương nhân bán lẻ sản phẩm thuốc lá”, “thương nhân mua bán sản phẩm thuốc lá”; (2) Nguyên tắc quản lý kinh doanh thuốc lá; (3) Hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện đầu tư trồng cây thuốc lá và Giấy phép mua bán nguyên liệu thuốc lá; (4) Điều kiện cấp Giấy phép; hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép; thẩm quyền, trình tự thủ tục cấp Giấy phép mua bán sản phẩm thuốc lá; quyền và nghĩa vụ của thương nhân được cấp Giấy phép mua bán sản phẩm thuốc lá; (5) Nhập khẩu thuốc lá nhằm mục đích phi thương mại; (6) Phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại; (7) Trách nhiệm của Bộ Công thương và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong việc thực hiện chức năng quản lý nhà nước về kinh doanh thuốc lá.
7. Nghị định số 107/2017/NĐ-CP ngày 15 tháng 9 năm 2017 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 193/2013/NĐ-CP ngày 21 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật hợp tác xã
a) Hiệu lực thi hành: Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 15 tháng 9 năm 2017.
Bãi bỏ điểm d khoản 3 Điều 16 của Nghị định số 193/2013/NĐ-CP ngày 21 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật hợp tác xã.
b) Sự cần thiết, mục đích ban hành: Nghị định được ban hành nhằm khắc phục các hạn chế, bất cập trong thực tiễn triển khai thi hành Nghị định số 193/2013/NĐ-CP ngày 21 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật hợp tác xã; thúc đẩy hợp tác xã phát triển hiệu quả, qua đó góp phần ổn định kinh tế, chính trị, xã hội tại địa bàn cơ sở; đóng góp tích cực cho sự phát triển chung kinh tế, xã hội của đất nước.
c) Nội dung chủ yếu: Nghị định gồm 02 điều, sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 193/2013/NĐ-CP ngày 21 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật hợp tác xã liên quan đến các quy định về: (1) Cung ứng sản phẩm dịch vụ cho khách hàng không phải thành viên; (2) Xử lý tài sản không chia của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã khi giải thể, phá sản; (3) Chế độ báo cáo về tình hình hoạt động của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã; (4) Chính sách hỗ trợ, ưu đãi đối với hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, diêm nghiệp; (5) Tổ chức thực hiện chính sách hỗ trợ, ưu đãi; (6) Trách nhiệm của các Bộ, cơ quan ngang Bộ trong việc thực hiện chức năng quản lý nhà nước đối với hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã.
8. Nghị định số 108/2017/NĐ-CP ngày 20 tháng 9 năm 2017 của Chính phủ về quản lý phân bón
a) Hiệu lực thi hành: Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 20 tháng 9 năm 2017.
Nghị định này thay thế Nghị định số 202/2013/NĐ-CP ngày 27 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ về quản lý phân bón.
Bãi bỏ các quy định sau: (1) Chương IV Nghị định số 77/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 7 năm 2016 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số quy định về điều kiện đầu tư buôn bán trong lĩnh vực mua bán hàng hóa quốc tế, hóa chất, vật liệu nổ công nghiệp, phân bón, buôn bán khí, buôn bán thực phẩm thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Công thương; (2) Thông tư số 41/2014/TT-BNNPTNT ngày 13 tháng 11 năm 2014 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn một số điều của Nghị định số 202/2013/NĐ-CP; (3) Thông tư số 29/2014/TT-BCT ngày 30 tháng 9 năm 2014 của Bộ trưởng Bộ Công thương quy định cụ thể và hướng dẫn thực hiện một số điều về phân bón vô cơ, hướng dẫn việc cấp phép sản xuất vô cơ đồng thời sản xuất phân bón hữu cơ và phân bón khác của Nghị định số  202/2013/NĐ-CP ngày 27 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ về quản lý phân bón; (4) Điều 27, Điều 28 và Phụ lục mẫu số 05/TT, mẫu số 06/TT Thông tư số 04/2015/TT-BNNPTNT ngày 12 tháng 02 năm 2015 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn thực hiện một số nội dung của Nghị định số 187/2013/NĐ-CP ngày 20 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật thương mại về hoạt động mua bán hàng hóa quốc tế và các hoạt động đại lý, mua, bán, gia công và quá cảnh hàng hóa với nước ngoài trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản; (5) Điều 15 Thông tư số 11/2017/TT-BNNPTNT ngày 29 tháng 5 năm 2017 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sửa đổi, bổ sung một số điều của các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của các đơn vị thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
b) Sự cần thiết, mục đích ban hành: Nghị định được ban hành để triển khai thi hành khoản 6 Điều 7 của Luật đầu tư năm 2014 và Luật sửa đổi, bổ sung Điều 6 và Phục lục 4 về Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện của Luật đầu tư năm 2014; góp phần thể chế hóa quan điểm của Đảng về nông nghiệp, nông thôn, cơ cấu lại nông nghiệp nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới.
c) Nội dung chủ yếu: Nghị định gồm 08 chương, 49 điều, quy định quản lý nhà nước về phân bón, bao gồm: Công nhận; khảo nghiệm; sản xuất; buôn bán; xuất khẩu; nhập khẩu; quản lý chất lượng; ghi nhãn; quảng cáo, hội thảo và sử dụng phân bón ở Việt Nam, cụ thể: (1) Phân loại phân bón; chính sách của Nhà nước về phân bón; (2) Công nhận phân bón lưu hành tại Việt Nam; khảo nghiệm phân bón; (3) Điều kiện sản xuất buôn bán phân bón; hồ sơ, trình tự, thủ tục, thẩm quyền cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất, buôn bán phân bón; (4) Xuất khẩu, nhập khẩu phân bón; (5) Quản lý chất lượng; đặt tên, nhãn phân bón; quảng cáo, hội thảo phân bón; (6) Tập huấn về khảo nghiệm, lấy mẫu, sử dụng phân bón; bồi dưỡng chuyên môn về phân bón; (7) Trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực phân bón; (8) Quy định chuyển tiếp và điều khoản thi hành.
Nghị định này áp dụng đối với tổ chức, cá nhân trong nước và tổ chức, cá nhân nước ngoài có hoạt động liên quan đến lĩnh vực phân bón tại Việt Nam.
9. Nghị định số 109/2017/NĐ-CP ngày 21 tháng 9 năm 2017 của Chính phủ quy định về bảo vệ và quản lý Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới ở Việt Nam
a) Hiệu lực thi hành: Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 10 tháng 11 năm 2017.
b) Sự cần thiết, mục đích ban hành: Nghị định được ban hành nhằm đảm bảo phù hợp với các quy định của pháp luật hiện hành và tình hình phát triển kinh tế - xã hội hiện nay; khắc phục những hạn chế, bất cập trong công tác bảo vệ, quản lý di sản thế giới ở Việt Nam; tăng cường năng lực của cơ quan có thẩm quyền bảo vệ, quản lý di sản thế giới và nâng cao vị thế của Việt Nam trong lĩnh vực bảo vệ, quản lý di sản thế giới tại UNESCO và cộng đồng quốc tế.
c) Nội dung chủ yếu: Nghị định gồm 04 chương, 24 điều, quy định về bảo vệ và quản lý Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới ở Việt Nam; trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức trong việc bảo vệ và quản lý Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới ở Việt Nam, cụ thể: (1) Bảo vệ khu vực di sản thế giới và vùng đệm của khu vực di sản thế giới; (2) Chỉ số giám sát định kỳ tình trạng bảo tồn yếu tố gốc của di sản thế giới; (3) Quy hoạch tổng thể di sản thế giới; (4) Nguyên tắc lập, thời hạn, nội dung cơ bản của kế hoạch quản lý di sản thế giới; thẩm quyền lập, thẩm định, phê duyệt kế hoạch quản lý di sản thế giới; thủ tục thẩm định, phê duyệt kế hoạch quản lý di sản thế giới; điều chỉnh kế hoạch quản lý di sản thế giới; (5) Nguyên tắc xây dựng quy chế, nội dung quy chế, thẩm quyền xây dựng và phê duyệt quy chế bảo vệ di sản thế giới; (6) Tổ chức được giao, nhiệm vụ của tổ chức được giao quản lý, sử dụng di sản thế giới; (7) Nguồn tài chính phục vụ cho hoạt động bảo vệ và quản lý di sản thế giới; (8) Trách nhiệm của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia trong việc bảo vệ và quản lý di sản thế giới; (9) Quy định chuyển tiếp và điều khoản thi hành.
          Nghị định này áp dụng đối với cơ quan nhà nước, tổ chức, cá nhân có liên quan đến bảo vệ và quản lý Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới ở Việt Nam.
10. Quyết định số 39/2017/QĐ-TTg ngày 15 tháng 9 năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc áp dụng cơ chế tài chính đối với Cục Viễn thông
a) Hiệu lực thi hành: Quyết định này có hiệu lực thi hành từ ngày 15 tháng 11 năm 2017 và áp dụng từ năm ngân sách 2017.
Quyết định này thay thế Quyết định số 35/2011/QĐ-TTg ngày 27 tháng 6 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cục Viễn thông trực thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông.
b) Sự cần thiết, mục đích ban hành: Quyết định được ban hành nhằm đảm bảo phù hợp với các văn bản quy phạm pháp luật mới được ban hành về phí, lệ phí và cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập, như: Nghị định số 16/2015/NĐ-CP ngày 14 tháng 02 năm 2015 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập, Nghị định số 141/2016/NĐ-CP ngày 10 tháng 10 năm 2016 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực kinh tế và sự nghiệp khác, Nghị định số 120/2016/NĐ-CP ngày 23 tháng 8 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật phí và lệ phí…
c) Nội dung chủ yếu: Quyết định gồm 03 điều, quy định về việc áp dụng cơ chế tài chính đối với Cục Viễn thông thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông.
Theo Quyết định, Cục Viễn thông được áp dụng cơ chế tự chủ tài chính như đơn vị sự nghiệp kinh tế, sự nghiệp khác tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư theo quy định tại Nghị định số 16/2015/NĐ-CP ngày 14 tháng 02 năm 2015 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập và Nghị định số 141/2016/NĐ-CP ngày 10 tháng 10 năm 2016 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực kinh tế và sự nghiệp khác và các văn bản hướng dẫn thi hành Nghị định này.
Cục Viễn thông được sử dụng nguồn thu phí được để lại để chi cho các hoạt động của Cục, trong đó có: Chi đầu tư; chi mua sắm, sửa chữa lớn tài sản, máy móc, thiết bị; chi bổ sung thu nhập cho người lao động; chi các nhiệm vụ đặc thù theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Cục Viễn thông.
11. Quyết định số 40/2017/QĐ-TTg ngày 15 tháng 9 năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc áp dụng cơ chế tài chính đối với Cục Tần số vô tuyến điện
a) Hiệu lực thi hành: Quyết định này có hiệu lực thi hành từ ngày 15 tháng 11 năm 2017 và áp dụng từ năm ngân sách 2017.
Quyết định này thay thế Quyết định số 88/2008/QĐ-TTg ngày 04 tháng 7 năm 2008 của Thủ tướng Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cục Tần số vô tuyến điện thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông.
b) Sự cần thiết, mục đích ban hành: Quyết định được ban hành nhằm đảm bảo phù hợp với các văn bản quy phạm pháp luật mới được ban hành về phí, lệ phí và cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập, như: Nghị định số 16/2015/NĐ-CP ngày 14 tháng 02 năm 2015 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập, Nghị định số 141/2016/NĐ-CP ngày 10 tháng 10 năm 2016 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực kinh tế và sự nghiệp khác, Nghị định số 120/2016/NĐ-CP ngày 23 tháng 8 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật phí và lệ phí…
c) Nội dung chủ yếu: Quyết định gồm 03 điều, quy định về việc áp dụng cơ chế tài chính đối với Cục Tần số vô tuyến điện thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông.
Theo Quyết định, Cục Tần số vô tuyến điện được thực hiện cơ chế tự chủ tài chính như đơn vị sự nghiệp kinh tế, sự nghiệp khác tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư theo quy định tại Nghị định số 16/2015/NĐ-CP ngày 14 tháng 02 năm 2015 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập và Nghị định số 141/2016/NĐ-CP ngày 10 tháng 10 năm 2016 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực kinh tế và sự nghiệp khác và các văn bản hướng dẫn thi hành Nghị định này.
Cục Tần số vô tuyến điện được sử dụng nguồn thu phí được để lại để chi cho các hoạt động của Cục, trong đó có: Chi đầu tư; chi mua sắm; sửa chữa lớn tài sản, máy móc, thiết bị; chi bổ sung thu nhập cho người lao động; chi các nhiệm vụ đặc thù theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Cục Tần số vô tuyến điện.
12. Quyết định số 41/2017/QĐ-TTg ngày 15 tháng 9 năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ quy định trình tự, thủ tục điều chuyển công trình điện được đầu tư bằng vốn nhà nước sang Tập đoàn Điện lực Việt Nam quản lý
a) Hiệu lực thi hành: Quyết định này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 11 năm 2017.
b) Sự cần thiết, mục đích ban hành: Quyết định được ban hành nhằm đảm bảo thống nhất, đồng bộ trong quá trình thực hiện việc điều chuyển công trình điện được đầu tư bằng vốn nhà nước sang Tập đoàn Điện lực Việt Nam quản lý; phù hợp với quy định tại khoản 4 Điều 16 của Nghị định số 52/2009/NĐ-CP ngày 03 tháng 6 năm 2009 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật quản lý, sử dụng tài sản nhà nước; đồng thời, đáp ứng yêu cầu thực tiễn đặt ra.
c) Nội dung chủ yếu: Quyết định gồm 03 chương, 13 điều, quy định về:  (1) Trình tự, thủ tục điều chuyển công trình điện được đầu tư bằng vốn nhà nước sang Tập đoàn Điện lực Việt Nam quản lý; (2) Thực hiện bàn giao, tiếp nhận công trình điện; (3) Hồ sơ bàn giao, tiếp nhận công trình điện; (4) Trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, đơn vị có công trình điện bàn giao và Tập đoàn Điện lực Việt Nam; (5) Xác định giá trị công trình điện giao, nhận; (5) Xử lý các khoản chi phí phát sinh trong quá trình bàn giao, tiếp nhận tài sản; (6) Phương thức điều chuyển công trình điện; (7) Xử lý đất gắn liền với công trình điện được bàn giao; (8) Xử lý chuyển tiếp và tổ chức thực hiện.
Quyết định này áp dụng đối với: (1) Cơ quan, tổ chức, đơn vị có công trình điện bàn giao (bao gồm: Cơ quan nhà nước; đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân; đơn vị sự nghiệp công lập; tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội; Ban quản lý dự án sử dụng vốn nhà nước; doanh nghiệp được giao làm chủ đầu tư hoặc quản lý công trình điện mà giá trị công trình không được tính thành phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp); (2) Tập đoàn Điện lực Việt Nam; (3) Các tổ chức, cá nhân khác có liên quan.
13. Quyết định số 42/2017/QĐ-TTg ngày 20 tháng 9 năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 27/2013/QĐ-TTg ngày 19 tháng 5 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ quy định về thành phần và nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật
a) Hiệu lực thi hành: Quyết định này có hiệu lực thi hành từ ngày 04 tháng 11 năm 2017.
Bãi bỏ điểm e khoản 1 Điều 2; khoản 5 Điều 3 Quyết định số 27/2013/QĐ-TTg ngày 19 tháng 5 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ quy định về thành phần và nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật.
b) Sự cần thiết, mục đích ban hành: Quyết định được ban hành nhằm khắc phục các hạn chế, bất cập trong thực tiễn triển khai thi hành Quyết định số 27/2013/QĐ-TTg ngày 19 tháng 5 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ quy định về thành phần và nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật; góp phần nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả và phát huy đầy đủ vai trò của Hội đồng trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật; đáp ứng yêu cầu của thực tiễn hiện nay, nhất là trong bối cảnh triển khai thực hiện Chương trình phổ biến, giáo dục pháp luật giai đoạn 2017 - 2021
c) Nội dung chủ yếu: Quyết định gồm 02 điều, sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 27/2013/QĐ-TTg ngày 19 tháng 5 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ quy định về thành phần và nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật liên quan đến các quy định về: (1) Thành phần của Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật; (2) Trách nhiệm của Phó Chủ tịch Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật; (3) Trách nhiệm của Ủy viên Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật.
14. Quyết định số 43/2017/QĐ-TTg ngày 26 tháng 9 năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ quy định trách nhiệm thực hiện thủ tục đối với tàu bay xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh thông qua Cơ chế một cửa quốc gia
a) Hiệu lực thi hành: Quyết định này có hiệu lực thi hành từ ngày 15 tháng 11 năm 2017.
b) Sự cần thiết, mục đích ban hành: Quyết định được ban hành nhằm đảm bảo đảm bảo phù hợp với các luật mới được ban hành như: Luật hải quan năm 2014, Luật nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam năm 2014...; khắc phục các hạn chế, bất cập trong thực tiễn xử lý các thủ tục hành chính tại cảng hàng không; góp phần hướng tới việc quản lý theo phương thức hiện đại, phù hợp với chuẩn mực chung của thế giới.
c) Nội dung chủ yếu: Quyết định gồm 03 chương, 13 điều, quy định về trách nhiệm thực hiện, trình tự thực hiện thủ tục đối với tàu bay xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh tại cảng hàng không quốc tế thông qua Cơ chế một cửa quốc gia, cụ thể: (1) Trách nhiệm thực hiện thủ tục đối với tàu bay xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh; (2) Trách nhiệm của doanh nghiệp cảng hàng không; (3) Địa điểm tiếp nhận, xử lý thông tin chứng từ; (4) Quản lý người sử dụng; (5) Tổ chức thực hiện.
Ban hành kèm theo Quyết định này Phụ lục về các chỉ tiêu thông tin của các chứng từ khai báo theo phương thức điện tử qua cổng thông tin một cửa quốc gia.
Quyết định này áp dụng đối với: (1) Cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến thực hiện thủ tục tàu bay xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh tại cảng hàng không quốc tế thông qua Cơ chế một cửa quốc gia; (2) Các cơ quan quản lý nhà nước tại cảng hàng không.
Trên đây là Thông cáo báo chí văn bản quy phạm pháp luật do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành trong tháng 9 năm 2017, Bộ Tư pháp xin thông báo./. 
Các tin đã đưa ngày: