Liên kết website

Phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại Lễ công bố Ngày Pháp luật nước cộng hòa XHCN Việt Nam năm 2013

01/11/2017

Thưa các đồng chí Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam
Thưa đồng chí và các quý vị đại biểu
Thưa đồng chí, đồng bào,
          Hôm nay, tôi rất vui mừng tới dự Lễ công bố “Ngày Pháp luật nước Cộng hòa XHCN Việt Nam” lần đầu tiên được tổ chức với chủ đề “Toàn dân xây dựng, thi hành và bảo vệ Hiến pháp vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Việc Quốc hội thông qua Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật, trong đó quy định ngày 9 tháng 11 hàng năm là Ngày Pháp luật nhằm động viên toàn dân nâng cao nhận thức, ý thức thượng tôn pháp luật, tự giác chấp hành, tích cực tham gia bảo vệ Hiến pháp và pháp luật. Thay mặt Chính phủ, tôi nhiệt liệt chào mừng các đồng chí, các vị đại biểu, các vị khách quý đã tham dự buổi Lễ rất có ý nghĩa hôm nay.
          Thưa đồng chí, thưa Quý vị đại biểu,
          Trước Cách mạng tháng Tám năm 1945, dưới ách cai trị hà khắc, tàn bạo của thực dân, phong kiến, nước ta không có Hiến pháp, nhân dân ta không có tự do, dân chủ. Ngay từ khi chưa giành được chính quyền, tại Hội nghị trung ương 7 tháng 11 năm 1940, Đảng ta đã chủ trương khi giành được chính quyền cần “Ban bố Hiến pháp dân chủ; ban bố những quyền tự do dân chủ cho nhân dân”.
          Một ngày sau khi đọc bản "Tuyên ngôn độc lập" khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, tại phiên họp đầu tiên của Chính phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề ra nhiệm vụ cấp bách là xây dựng một bản Hiến pháp dân chủ. Người khẳng định: "Trước chúng ta đã bị chế độ quân chủ chuyên chế cai trị, rồi đến chế độ thực dân không kém phần chuyên chế nên nước ta không có Hiến pháp, nhân dân ta không được hưởng quyền tự do, dân chủ. Chúng ta phải có một Hiến pháp dân chủ".  
          Ngày 09/11/1946, Quốc hội đã thông qua bản Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Hiến pháp năm 1946 thấm đẫm tư tưởng dân chủ pháp quyền của Chủ tịch Hồ Chí Minh coi trọng các giá trị quyền con người, quyền công dân, đã trở thành tiền đề pháp lý đặc biệt quan trọng cho việc thiết lập một chính quyền dân chủ, mạnh mẽ và sáng suốt.
Thưa đồng chí, đồng bào, vào thời điểm lịch sử đó, Hiến pháp năm 1946 là bản Hiến pháp dân chủ, tiến bộ của một nước Việt Nam dân chủ - cộng hòa, không kém bất kỳ bản Hiến pháp nào trên thế giới. Từ năm 1946 đến nay, nước ta đã ba lần sửa đổi Hiến pháp (các năm 1959, 1980 và 1992) gắn với những bước ngoặt lịch sử quan trọng của đất nước, thể hiện tầm nhìn chiến lược của Đảng ta về con đường phát triển của dân tộc. Mặc dù ra đời trong những hoàn cảnh lịch sử khác nhau nhưng tư tưởng lập hiến Hồ Chí Minh, những giá trị dân chủ, quyền con người, quyền công dân, tư tưởng và mô hình tổ chức nhà nước của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân của Hiến pháp năm 1946 luôn là sợi chỉ đỏ xuyên suốt tất cả các bản Hiến pháp sửa đổi và toàn bộ hệ thống pháp luật của đất nước.
          Thưa các đồng chí, các quý vị đại biểu,
          Hiến pháp là đạo luật cơ bản, là hình thức pháp lý cao nhất thể hiện tư tưởng, đường lối, cương lĩnh của Đảng, ý chí, nguyện vọng và những lợi ích cơ bản của nhân dân. Vì vậy, các tổ chức của Đảng, các cơ quan nhà nước, các tổ chức kinh tế, xã hội, các đơn vị vũ trang và mọi công dân, mọi cán bộ đảng viên phải nghiêm chỉnh chấp hành Hiến pháp, pháp luật.
          Xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa đòi hỏi Nhà nước ta phải xây dựng hệ thống pháp luật dân chủ, công bằng, khách quan, tạo động lực thúc đẩy xã hội phát triển vì hạnh phúc của mọi người và mỗi người. Để làm tốt điều đó, Nhà nước phải được tổ chức, hoạt động theo Hiến pháp, pháp luật và phải được kiểm soát bằng chính Hiến pháp và pháp luật.. Xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa chỉ thành công khi các quy định của Hiến pháp và pháp luật được nghiêm chỉnh chấp hành, từng bước trở thành nhu cầu tự thân của mỗi ngư­ời. Do đó, ý thức pháp luật có thể được coi là tiền đề tư tưởng cho sự củng cố và phát triển nền pháp chế, là cơ sở để xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.
          Thưa đồng chí, đồng bào,
          Sau gần ba mươi năm đổi mới, dưới sự lãnh đạo của Đảng, công tác xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật đã có những tiến bộ quan trọng. Nhiều bộ luật, luật, pháp lệnh được ban hành đã tạo khuôn khổ pháp lý ngày càng hoàn chỉnh hơn để Nhà nước quản lý bằng pháp luật trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng, đối ngoại; đồng thời tạo cơ sở pháp lý vững chắc bảo đảm các quyền con người, quyền tự do dân chủ của công dân... Nguyên tắc pháp quyền xã hội chủ nghĩa từng bước được đề cao và phát huy trên thực tế. Công tác phổ biến và giáo dục pháp luật được tăng cường đáng kể. Những tiến bộ đó đã góp phần thể chế hoá, đưa đường lối của Đảng vào cuộc sống, nâng cao hiệu lực hiệu quả quản lý điều hành của Nhà nước, đẩy mạnh phát triển toàn diện trên các lĩnh vực, giữ vững ổn định chính trị - xã hội và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa thân yêu của chúng ta.
Tuy nhiên, nhìn chung hệ thống pháp luật của nước ta chưa thực sự đồng bộ. Chất lượng các văn bản pháp luật chưa cao. Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật còn hạn chế. Thiết chế bảo đảm thi hành pháp luật còn thiếu và yếu.
Để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, chủ động hội nhập quốc tế thì cần phải khẩn trương xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật đồng bộ, thống nhất, khả thi, công khai, minh bạch, trọng tâm là hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân; đổi mới căn bản cơ chế xây dựng và thực hiện pháp luật; phát huy vai trò và hiệu lực của pháp luật để góp phần quản lý xã hội, giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế, hội nhập quốc tế, xây dựng Nhà nước trong sạch, vững mạnh, thực hiện quyền con người, quyền tự do, dân chủ của nhân dân.
          Việc nâng cao hiệu quả thi hành pháp luật, tôn trọng trật tự kỷ cương là một trong những vấn đề cấp bách hiện nay, vì vậy cần phải coi trọng cả việc xây dựng và tổ chức thực thi và tổ chức thi hành pháp luật. Việc tổ chức Ngày pháp luật để tuyên truyền, phổ biến pháp luật, nâng cao ý thức trách nhiệm, nghĩa vụ công dân, ý thức pháp luật, tự giác chấp hành thực thi pháp luật vì tương lai của mỗi người và tiền đồ của đất nước. Đây chính là yếu tố tạo nên sự bền vững của ý thức pháp luật, của kỷ cương, phép nước. Mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức phải gương mẫu chấp hành Hiến pháp, pháp luật, nêu gương sáng về đạo đức cần kiệm liêm chính, chí công vô tư như Bác Hồ đã dạy.
          Với ý nghĩa to lớn, thiết thực và rất nhân văn trên đây, thay mặt Chính phủ, tôi long trọng công bố: Ngày 09/11 là Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
          Thưa các đồng chí, thưa quý vị đại biểu, thưa đồng chí, đồng bào,
          Nhân Ngày Pháp luật Việt Nam, Thay mặt Chính phủ, tôi ghi nhận, biểu dương những nỗ lực, thành tích của Bộ Tư pháp, cũng như các Bộ, ngành, địa phương trong việc tích cực triển khai nhiệm vụ hoàn thiện hệ thống pháp luật, nhất là thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, tái cơ cấu nền kinh tế, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô; tham mưu đề xuất cho Chính phủ những nội dung sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992. Nhân dịp này, tôi yêu cầu các đồng chí tập trung ưu tiên thực hiện, tập trung lưu ý thực hiện một số nội dung sau:
          Thứ nhất, Ngày Pháp luật Việt Nam phải được tổ chức thiết thực, phù hợp trong từng ngành, từng cấp để phục vụ tích cực cho phát triển kinh tế - xã hội, phục vụ nhu cầu pháp lý của các tổ chức, cá nhân. Không phô trương, hình thức.
Thứ hai, tiếp tục xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật về tổ chức và hoạt động của các thiết chế trong hệ thống chính trị phù hợp với yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. Không ngừng đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, bảo đảm hoạt động của Đảng phù hợp với Hiến pháp và pháp luật, tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước và xã hội, đồng thời nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành của Nhà nước. Xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa; nâng cao hiệu lực, hiệu quả thi hành pháp luật. Thể chế hoá nguyên tắc dân chủ trong hoạt động của các cơ quan dân cử, bảo đảm để nhân dân tích cực tham gia vào các hoạt động xây dựng pháp luật.
          Thứ ba, tiếp tục xây dựng và hoàn thiện pháp luật về bảo đảm quyền con người, quyền tự do, dân chủ của nhân dân. Củng cố cơ sở pháp lý về trách nhiệm của các cơ quan nhà nước trong việc xây dựng, ban hành kịp thời, đồng bộ và tổ chức thực thi các pháp luật, các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên về quyền con người, quyền công dân trong các lĩnh vực dân sự, chính trị, kinh tế, văn hoá - xã hội.
          Thứ tư, tiếp tục xây dựng và hoàn thiện pháp luật về dân sự, kinh tế, trọng tâm là hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, đáp ứng kịp thời yêu cầu công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, hội nhập kinh tế quốc tế. Tạo cơ sở pháp luật để mọi công dân tích cực huy động nguồn lực vào phát triển sản xuất, kinh doanh, nâng cao chất lượng cuộc sống của bản thân, gia đình và góp phần làm giàu cho đất nước.
          Thứ năm, nâng cao năng lực quản lý nhà nước, siết chặt kỷ luật kỷ cương công vụ, tăng cường trách nhiệm, đạo đức nghề nghiệp của cán bộ, công chức, kiên quyết loại bỏ tham nhũng, các hành vi tiêu cực trong hoạt động của bộ máy nhà nước; nâng cao vai trò của các cơ quan bảo vệ pháp luật, bảo đảm mọi vi phạm pháp luật đều được xử lý kịp thời, công bằng, nghiêm minh, thống nhất.
          Thứ sáu, cung cấp đầy đủ, tiện ích các dịch vụ pháp lý phục vụ nhu cầu về luật sư, tư vấn pháp luật, công chứng, hộ tịch và các dịch vụ pháp lý khác để hỗ trợ các tổ chức, cá nhân trong việc bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình.
           Thứ bảy, phát huy dân chủ, vận động, thu hút quần chúng nhân dân tham gia hoạt động xây dựng, thực hiện và bảo vệ pháp luật; xây dựng môi trường văn hoá; cố kết lòng tin, tạo đồng thuận xã hội; xây dựng bộ máy, nền hành chính nhà nước trong sạch, vững mạnh.
          Thưa các đồng chí, các vị đại biểu
          Ngày pháp luật được tổ chức tốt sẽ có ý nghĩa quan trọng trong đời sống xã hội, góp phần xây dựng và củng cố văn hóa lập hiến, văn hóa pháp luật dựa trên các nền tảng “đại đoàn kết toàn dân, không phân biệt giống nòi, gái trai, giai cấp, tôn giáo; đảm bảo các quyền tự do, dân chủ; thực hiện chính quyền mạnh mẽ và sáng suốt của nhân dân” như Hiến pháp năm 1946 quy định.
          Ngày pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam cũng là thông điệp gửi đến nhân dân thế giới, các nhà đầu tư nước ngoài, đồng bào ta đang sinh sống, đang định cư sinh sống ở nước ngoài hình ảnh một nước Việt Nam đang đổi mới và xây dựng một đất nước thượng tôn Hiến pháp, pháp luật.
          Nhân dịp này, thay mặt Chính phủ, tôi chân thành chúc Ngày pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam sẽ trở thành sự kiện chính trị, pháp lý hàng năm của cả nước nhằm tôn vinh Hiến pháp, pháp luật.
Xin chúc đồng chí, đồng bào, các Quý vị đại biểu sức khỏe, hạnh phúc, thành đạt.
Xin trân trọng cảm ơn./.
Các tin đã đưa ngày: