Liên kết website

CHUẨN BỊ BẦU HÒA GIẢI VIÊN

30/12/2016

Pháp luật về hòa giải ở cơ sở

NHÂN VẬT
Ông Thạch: Trưởng Ban công tác Mặt trận thôn
Ông Linh: Trưởng thôn
Bà Nguyệt: Chi hội trưởng chi hội phụ nữ kiêm Hội Nông dân
Ông Thường: Đại diện Hội cựu chiến binh
Anh Lý: Đại diện đoàn thanh niên
[Sau khi nhận được thông báo về việc rà soát, kiện toàn tổ hòa giải thôn X, tranh thủ trên đường từ Ủy ban nhân dân xã về nhà, ông Thạch – Trưởng ban công tác Mặt trận thôn đi một vòng qua nhà ông Linh - trưởng thôn, bà Nguyệt – Chi hội trưởng chi hội phụ nữ kiêm Hội Nông dân, anh Lý – đại diện đoàn thanh niên, ông Thường – đại diện Hội cựu chiến binh, thông báo 8 giờ tối nay họp tại nhà văn hóa thôn. 7h45’ ông Thạch đã ra mở cửa, bật đèn, chuẩn bị trà nước cho buổi họp tối. 8h05’ mới thấy ông Linh trưởng thôn đến]
Bà Nguyệt: Chào ông, chiều ra đồng về thấy con cháu nói ông qua nhà báo tối nay họp. Họp việc chi vậy bác, đang mùa màng thu hoạch thế này.
Ông Thạch: Thì tôi cũng biết thế, nhưng việc nước việc làng, tranh thủ họp thống nhất một lúc thôi bà ạ.
Bà Nguyệt: Vâng, mà còn có ai dự họp nữa không ông?
Ông Thạch: Còn ông Linh, anh Lý, ông Thường nữa bà ạ.
[Vừa hay lúc đấy, cả ba người cùng đến]
Ông Linh: Chào ông Thạch, bà Nguyệt. Tối nay họp về nội dung gì vậy ông Thạch?
Ông Thạch: Các ông bà đã đến đủ. Ta bắt đầu họp luôn được rồi chứ nhỉ?
Ông Thường: Vâng, có nội dung gì ông triển khai luôn. Đang nông vụ chí kỳ thế này.
Ông Thạch: Vâng, như ông, bà đã biết. Tháng trước, bà Hòa tổ viên tổ hòa giải thôn mình mất. Thành viên trong tổ hòa giải không còn ai là nữ. Theo quy định, thì chúng ta phải bầu bổ sung cho đủ thành phần các ông bà ạ.
Ông Thường: Thì ông cứ thực hiện bầu hòa giải viên như trước đây thôi.
Ông Thạch: Ấy, ấy, không được. Trước đây là ta bầu theo quy định của Pháp lệnh cũ, còn bây giờ đã có Luật hòa giải ở cơ sở năm 2013. Do khi Luật và các văn bản hướng dẫn thi hành có hiệu lực, tổ hòa giải thôn đã được thành lập theo Pháp lệnh về tổ chức và hoạt động hòa giải ở cơ sở, nhưng  đủ thành phần, số lượng theo quy định mới nên không phải bầu bổ sung hòa giải viên theo trình tự, thủ tục mới. Nay phát sinh sự việc của bà Hòa nên phải bầu bổ sung mới ông ạ.
 Ông  Linh: Ông Thạch nói đúng đấy ông Thường ạ. Đây, Điều 12 của Luật Hòa giải ở cơ sở quy định rõ, mỗi tổ hòa giải có từ 03 hòa giải viên trở lên, trong đó có hòa giải viên nữ. Đối với vùng có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số, tổ hòa giải phải có hòa giải viên là người dân tộc thiểu số. Hiện tại, tổ hòa giải thôn ta có 4 thành viên, mặc dù đủ về số lượng nhưng lại thiếu thành phần nữ hòa giải viên ông ạ.
Ông Thường: Thế à, ông xem luôn thủ tục bầu bổ sung thế nào để triển khai luôn.
Ông Thạch: vâng, tôi đã tìm hiểu kỹ quy định của Luật và các văn bản hướng dẫn thi hành thì việc bầu hòa giải viên được quy định tại Điều 8 Luật hòa giải ở cơ sở, Điều 12 Nghị quyết liên tịch số 01/2014/NQLT/CP-UBTWMTTQVN ngày 18/11/2014 giữa Chính phủ và Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam hướng dẫn phối hợp thực hiện một số quy định của pháp luật về hòa giải ở cơ sở. Tôi đã đánh dấu trong văn bản cả rồi, các ông bà xem đi.
[Sau khi đọc quy định của pháp luật, anh Lý đăm chiêu rồi nói]
Anh Lý: Úi chà, bầu hòa giải viên mà phức tạp thế này cơ hả các bác. Sao không chỉ định như trước đây cho đơn giản nhỉ?
Ông Thạch: Dân chủ ngày càng mở rộng, mà hòa giải viên chỉ định như  Pháp lệnh cũ thì cũng không nên. Hơn nữa, hòa giải viên do chính người dân ở cộng đồng bầu ra, được chính quyền xã công nhận để có địa vị pháp lý làm việc với dân. Hòa giải viên được bầu chính danh ngôn thuận như thế thì hoạt động sẽ thuận lợi hơn nhiều anh Lý ạ.
Bà Nguyệt: Thì cũng biết dân bầu trực tiếp là tốt nhưng mà đang mùa màng tối mặt tối mũi thế này thì làm sao triệu tập dân họp được hả bác?
Ông Thạch: Vấn đề bà Nguyệt nói là một trong các nội dung mà tôi đề xuất chúng tôi bàn bạc, trao đổi tối nay đấy ạ. Thứ nhất là chúng ta phải dự kiến những người được bầu làm hòa giải viên; tiếp đến là thống nhất thời gian bầu hòa giải viên cũng như hình thức bầu hòa giải viên.
Ông Thường: Vâng, để tiết kiệm thời gian, tôi giới thiệu bà Nguyệt, cô giáo Thanh, con dâu nhà ông bà Hoạch. Tuy mới về làm dâu được mấy năm thôi nhưng cô giáo Thanh cũng là người rất gương mẫu, nếp sống hòa nhã, tôi thấy mọi người trong thôn rất quý mến đấy.
Ông Linh: Đầu năm ngoái ấy. Bà Thủy mà được bầu vào tổ hòa giải, thì tổ hòa giải sẽ hiệu quả hơn rất nhiều đấy. Các cụ nói “Một trăm cái lý không bằng một tý cái tình”, nhưng mà theo tôi quan sát thấy, hiểu biết của người dân bây giờ được nâng nên rất nhiều so với trước đây. Chúng ta hòa giải mà không có cơ sở pháp lý thì thuyết phục người dân cũng khó đấy ông ạ.
Ông Thạch: Vậy là chúng ta có 03 ứng cử viên nữ. Ý kiến bà Nguyệt thế nào?
Bà Nguyệt: Tôi thấy danh sách như vậy là hợp lý đấy. Tuy nhiên, chúng ta phải trao đổi với cô giáo Thanh, bà Thủy xem họ có đồng ý không đã.
Ông Linh: Bà Nguyệt nói đúng đấy. Hòa giải viên là người ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng nên rất cần có sự nhiệt tình, tâm huyết với công việc. Mà chắc gì họ đã đồng ý tham gia. Pháp luật cũng quy định rõ rồi đây này: danh sách bầu hòa giải viên chỉ được lập sau khi đã trao đổi, động viên và nhận được sự đồng ý của những người được giới thiệu bầu làm hòa giải viên.
Ông Thường: Đó, về vấn đề này, xin giao bà Nguyệt gặp gỡ, động viên cô giáo Thanh, bà Thủy được không ạ. Phụ nữ với nhau cả, nói chuyện nó dễ hơn bà ạ.
Bà Nguyệt : Vâng.
Ông Thạch: Vậy, ngày mai bà tranh thủ triển khai giúp luôn để tôi lập danh sách bầu.
Bà Nguyệt : Vâng, mai tôi sẽ làm.
Ông Linh: Còn về hình thức bầu, theo tôi nên phát phiếu đến tận gia đình ông ạ. Anh em mình vất vả phải đến từng nhà nhưng được cái thuận cho người dân khi đang trong mùa vụ. Các ông, bà thấy thế nào?
[Tất cả đều đồng thanh: Nhất trí]
Ông Thạch: Như vậy, chúng ta đã thống nhất được các nội dung họp hôm nay. Đợi kết quả “thương lượng” của bà Nguyệt, tôi sẽ lập danh sách và chuẩn bị các thủ tục tiếp theo để bầu bổ sung hòa giải viên nữ mới.
Ông Thường: Vâng, nhanh gọn nhưng đúng pháp luật các ông bà ạ. Nói thật chứ cũng là hòa giải viên, tôi chỉ mong được thất nghiệp dài dài thôi.
Ông Thạch: Này có hai khía cạnh thất nghiệp đấy: thất nghiệp do dân làng sống hòa thuận, yên vui thì còn tốt, chứ thất nghiệp mà do chúng ta làm việc không nhiệt tình, hết trách nhiệm, để mâu thuẫn cứ âm ỉ mãi thì lại là mối lo đấy ông ạ.
Ông Thường: Cái ông này, lại mắc bệnh cũ, động một tý là lại chẻ chữ. Tôi mà mong như khía cạnh hai như ông nói thì đã không được dân làng tin tưởng bầu làm hòa giải viên gần 2 chục năm nay.
[Mặc dù, nội dung họp đã xong, công việc mùa màng ngày mai vẫn còn đó, nhưng mọi người vẫn ngồi hàn huyên, nói chuyện cho đến gần 10 giờ mới ra về]
Các tin đã đưa ngày: