Liên kết website

TRƯỚC GIỜ HỌP TỔ HÒA GIẢI

30/12/2016

Pháp luật về hòa giải ở cơ sở

    NHÂN VẬT
          Ông Nghiễn: Trưởng thôn, Tổ trưởng Tổ hòa giải
          Ông Long: Trưởng Ban công tác Mặt trận thôn
          Bà Mến: Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ thôn
          Anh Thiện: Đại diện Đoàn Thanh niên thôn
          [19 giờ tối, tại nhà văn hóa, Tổ hòa giải thôn M đang chuẩn bị tổ chức họp để trao đổi, thảo luận các giải pháp để tiến hành hòa giải những vụ việc tranh chấp, mâu thuẫn thuộc phạm vi hòa giải trên địa bàn. Ông Long – Trưởng Ban công tác Mặt trận thôn, ông Nghiễn – Trưởng thôn, Tổ trưởng Tổ hòa giải và bà Mến – Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ của thôn đã có mặt từ sớm tại nhà văn hóa. Anh Thiện – đại diện Đoàn Thanh niên của thôn cũng đã đến sớm để chuẩn bị trà nước cho buổi họp Tổ]
          Ông Nghiễn: Còn 30 phút nữa mới đến giờ họp mà mọi người đã có mặt gần hết thế này rồi.
          Bà Mến: Hôm nay, con dâu tôi về cơm nước sớm nên xong xuôi cái tôi sang đây ngay. Đợt này, nhiều vụ cần hòa giải quá các ông nhỉ?
          Ông Long: Âu cũng đúng thôi, thôn làng ta ngày càng phát triển hơn, kinh tế xã hội đủ đầy, các dịch vụ, hoạt động văn hóa tăng lên rầm rộ, dân cư cũng phát triển, điều đấy không tránh khỏi việc đụng độ, mâu thuẫn lẫn nhau.
          Ông Nghiễn: Thiện, cháu pha ấm trà nóng sẵn, đợi mọi người đến đầy đủ thì chúng ta bàn chuyện.
          Anh Thiện: Dạ vâng, ông ạ. Cháu đang pha trước một tích cho các ông và hai bác đây dùng trước ạ. Gì chứ, bàn chuyện mà không có chén trà nóng thì không xong đâu ạ.
          Ông Nghiễn: Xong rồi, cháu xem gọi mọi người trong Tổ hòa giải đến sớm, đông đủ nhá.
          Anh Thiện: Cháu gọi liền đây ông.
          [Anh Thiện rót trà vào chén mời mọi người. Ông Long đưa chén trà lên uống một ngụm rồi đặt xuống, nói tiếp câu chuyện]
          Ông Long: Mặc dù nhiều vụ việc mâu thuẫn đưa lên Tổ hòa giải thôn giải quyết, nhưng tôi nhìn lại, thấy phần lớn các vụ ta hòa giải đều thành công đó thôi. Điều này, thực sự mà nói rất đáng tự hào.
          Bà Mến: Đúng thế, nhưng tôi vẫn thích thôn mình chẳng có ai tranh cãi, mâu thuẫn gì với nhau để đỡ phải đưa lên tổ hòa giải làm gì.
          [Anh Thiện vừa nhắc điện thoại ra định gọi cho mọi người đến họp thì cũng tham gia vào câu chuyện cùng các bác hòa giải viên]
          Anh Thiện: Điều bác Mến mong hơi khó đấy ạ. Xã hội ngày nay không những nhiều vụ việc tranh chấp, vi phạm pháp luật mà tính chất của nó còn phức tạp hơn ấy chứ bác. Cháu học triết học rồi, chân lý là ở đâu có phát triển ở đó có mâu thuẫn, bác nhỉ?
          Bà Mến: Cháu Thiện đã nói thì chỉ có trên chân lý thôi, ông Tổ trưởng nhỉ?
          [Mọi người bật cười với sự hóm hỉnh của anh Thiện. Sau đó, anh Thiện ra ngoài gọi điện thoại cho mọi người đến họp đầy đủ]
          Bà Mến: Từ ngày tham gia công tác hòa giải đến nay, tôi thật lúc nào cũng vui trẻ thế đấy các ông ạ, chỉ trừ những lúc tiến hành hòa giải cho các bên thôi.
          Ông Long: Tôi cũng nghĩ như bà, hòa giải không những đem lại tiếng cười, hạnh phúc cho mọi nhà, là nhịp cầu nối những bình yên, mà còn góp phần phòng ngừa tội phạm, giảm tải chi phí, thời gian, công sức cũng như công việc cho các cơ quan nhà nước có công quyền. Ai chưa từng là hòa giải viên, chưa biết chứ đã làm rồi, tôi tin chắc ai cũng xem đây là một công việc đáng để được tôn vinh.
          Bà Mến: Chứ lại không à, là người hòa giải viên, dành thời gian, công sức, đến tận nhà các bên để hóa giải mâu thuẫn, hàn gắn tình cảm giữa họ. Đôi khi, người trong cuộc còn chẳng hiểu, họ cứ nghĩ mình ham hố điều gì mà cố hòa giải cho thành công. Ấy thế mà, chúng ta được gì đâu nào. Hiện nay, Luật hòa giải ở cơ sở và Thông tư liên tịch số 100/2014/TTLT-BTC-BTP ngày 30/7/2014 của Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp quy định mức chi thù lao cho hòa giải viên trực tiếp tham gia vụ, việc hòa giải tối đa là 200.000 đồng/vụ, việc/tổ hòa giải. Ở tỉnh ta, do nguồn ngân sách hạn chế nên mức chi thù lao cho 01 vụ việc là 150.000 đồng.
          [Ông Nghiễn vừa xem sổ theo dõi hòa giải mới nghe bà Mến nói đến mức chi thù lao cho hòa giải viên đã bật cười]
          Ông Nghiễn: Tham gia công tác hòa giải mà vì được 150.000 đồng tiền chi thù lao cho một vụ việc thì làm làm gì nữa. Làm hòa giải viên là vì hạnh phúc của mọi người, mọi nhà thôi các ông bà ạ.
          Ông Long: Thôi thì, gọi là Nhà nước hỗ trợ chúng ta làm kinh phí mua gói trà, cái bánh hay mua quyển sổ, bút viết thôi.
          Bà Mến: Chắc ông Long chưa nắm rõ rồi, ngoài tiền chi thù lao cho hòa giải viên trực tiếp tham gia vụ, việc hòa giải, Luật và các văn bản hướng dẫn như Điều 13 Nghị định 15/2014/NĐ-CP có quy định nội dung hỗ trợ mua văn phòng phẩm, tài liệu, tổ chức các cuộc họp, sơ kết,tổng két hoạt động của tổ nữa.
          Ông Long: Cái đó thì tôi biết, nhưng hình như tỉnh ta không bố trí được kinh phí thì phải?
          Ông Nghiễn: Ủy ban mới có văn bản về việc chi hỗ trợ tổ chức họp và văn phòng phẩm cho tổ hòa giải của xã rồi đấy. Tôi mới nhận được sáng nay thôi, lát nữa trong cuộc họp tôi sẽ thông báo đến cho mọi người.
          Ông Long: Vậy thì mừng quá. Ít nhất, thì chúng ta cũng không phải mang trà nhà mình đi vác tù nhà hàng tổng rồi.
          [Cả ba ông bà đều rất vui vẻ khi nhận được thông tin hỗ trợ của Ủy ban cho hoạt động của tổ hòa giải. Vừa lúc đó, anh Thiện cũng đã gọi mọi người đến đông đủ để chuẩn bị họp]
          Anh Thiện: Thưa các bác, cháu đã gọi cho hết mọi người rồi, ông Lanh đang đến còn bà Khang thì còn 10 phút nữa bà sẽ ra ạ. Cháu vừa nghe ông và các bác bàn chuyện gì mà xôm vậy, cháu nghe với được không ạ?
          Ông Nghiễn: Cháu cũng là thành viên tổ hòa giải thì tất nhiên rồi, chúng ta đang nói đến chế độ hỗ trợ và chi thù lao cho hòa giải viên đây.
          Bà Mến: Sắp tới sơ kết tổ hòa giải ta có tiền mua giấy bút rồi cháu Thiện ạ, bác không phải mượn bút của cháu nội nữa rồi.
          [Bà Mến phấn khởi khoe chuyện với anh Thiện]
          Anh Thiện: À, cái này, cháu cũng mới tìm hiểu trên mạng, theo Thông tư liên tịch số 100/2014/TTLT-BTC-BTP ngày 30/7/2014 của Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp các nội dung chi cho tổ hòa giải và hòa giải viên bao gồm: Chi tổ chức bầu hòa giải viên như Chi mua văn phòng phẩm, sao chụp tài liệu phục vụ việc bầu hòa giải viên; Chi nước uống cho người tham dự cuộc họp bầu hòa giải viên, Mức chi tối đa 10.000 đồng/người/buổi; Chi bồi dưỡng thành viên Ban tổ chức bầu hòa giải viên tham gia họp chuẩn bị cho việc bầu hòa giải viên, Mức chi tối đa là 70.000 đồng/người/buổi.,. Nội dung chi hỗ trợ cho hòa giải viên và tổ hòa giải, bao gồm: Chi thù lao cho hòa giải viên theo vụ, việc; Chi hỗ trợ cho hòa giải viên khi gặp tai nạn hoặc rủi ro ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng trong khi thực hiện hoạt động hòa giải; Chi hỗ trợ hoạt động của tổ hòa giải gồm: chi mua văn phòng phẩm, sao chụp tài liệu, nước uống phục vụ các cuộc họp của tổ hòa giải với Mức chi tối đa 100.000 đồng/tổ hòa giải/tháng và các khoản chi khác có liên quan trực tiếp đến công tác hòa giải ở cơ sở (nếu có).
          Ông Long: Thanh niên có khác, chúng nó cứ thuộc vanh vách từng câu từng chữ một.
          Anh Thiện: Hì, ông cứ quá khen. Bây giờ công nghệ hiện đại, ông cứ seach trên điện thoại về là có hết ông ạ.
          Bà Mến: Cháu tìm hiểu cho bà xem đoạn cho hỗ trợ cho hòa giải viên khi gặp tai nạn hoặc rủi ro là như thế nào cho thật cụ thể nhá.
          [Anh Thiện mở điện thoại vào mạng, gõ tìm kiếm ra văn bản pháp luật quy định có liên quan]
          Anh Thiện: Đây rồi ạ. Điều 17 Nghị Nghị định số 15/2014/NĐ-CP ngày 27/2/2014 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật hòa giải ở cơ sở quy định các khoản được hỗ trợ khi hòa giải viên gặp tai nạn hoặc rủi ro ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng trong khi thực hiện hòa giải, bao gồm: Chi phí cần thiết, hợp lý cho việc cứu chữa, phục hồi sức khỏe và chức năng bị mất hoặc giảm sút; Thu nhập thực tế bị mất hoặc giảm sút; nếu thu nhập thực tế của hòa giải viên không ổn định hoặc không thể xác định được thì áp dụng cách tính theo thu nhập bình quân hàng ngày của người làm công ăn lương chia theo khu vực thành thị, nông thôn, loại hình kinh tế ngoài nhà nước trong thời gian cứu chữa, phục hồi sức khỏe và chức năng bị mất hoặc giảm sút. Ngoài ra, gia đình của hòa giải viên bị thiệt hại về tính mạng trong khi thực hiện hoạt động hòa giải ở cơ sở được hỗ trợ một lần bằng tiền để chi phí cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, chăm sóc hòa giải viên trước khi chết; người tổ chức mai táng được hỗ trợ chi phí cho việc mai táng.
          Bà Mến: Vậy là tốt quá rồi. Như vậy, sau này, chúng ta có hòa giải vụ việc phức tạp, khó khăn ảnh hưởng đến tính mạng, sức khỏe của mình thế nào thì cũng yên tâm hơn rồi.
          Ông Long: Đấy, như vụ hòa giải cho vợ chồng thằng Bình trên xóm 2, gặp được chúng nó cứ phải tối mịt mới gặp được. mà đường lên trên đó tối tăm, khó đi. Mấy ông bà già chúng mình đi hòa giải trường hợp này cũng an ủi được phần nào ông bà nhỉ?
          Ông Nghiễn: Nhờ Đảng và Nhà nước đã quan tâm đến đội ngũ hòa giải viên chúng ta. Giả sử Nhà nước không bố trí, hỗ trợ được cho công tác hòa giải ở cơ sở thì những người lão thành như chúng ta đây cũng không vơi bớt đi sự nhiệt thành với công việc, mong muốn hòa giải thành công để đem niềm vui tới mọi nhà, mọi xóm làng, quê hương. Nay nhà nước tạo điều kiện như vậy, cũng xuất phát từ mục đích muốn nâng cao hiệu quả thực sự của công tác này mà thôi. Vì vậy, hòa giải viên chúng ta phải thực sự cố gắng, dùng kinh nghiệm sống, kỹ năng hòa giải và kiến thức pháp luật của mình hòa giải thành công các vụ việc trên địa bàn.
          Ông Long: Có kinh phí, nói thật là cao mừng hơn ông nhỉ?
          [Mọi người đều nhất trí với quan điểm của ông Nghiễn, Tổ trưởng Tổ hòa giải. Đúng lúc đó, các thành viên khác của tổ đã đến đông đủ. Tổ hòa giải tiến hành cuộc họp Tổ như thường niên]
 
Các tin đã đưa ngày: