Liên kết website

Ghi nhận 03 năm thực hiện Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên

25/10/2016

Thực hiện các văn kiện của Đảng và pháp luật của Nhà nước về phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL), thời gian qua, các cấp uỷ Đảng, chính quyền, các cơ quan, đơn vị và địa phương trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên đã lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện Luật phổ biến, giáo dục pháp luật và tổ chức các hoạt động PBGDPL có trọng tâm, trọng điểm, gắn với việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội và chức năng, nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị, địa phương.

            Qua 3 năm thực hiện Luật phổ biến, giáo dục pháp luật có thể thấy công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trên địa bàn tỉnh có nhiều chuyển biến tích cực, cụ thể:
            Công tác xây dựng, củng cố tổ chức và đội ngũ người làm công tác phổ biến, giáo dục pháp luật luôn được quan tâm, Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật từ tỉnh đến xã luôn được củng cố, kiện toàn kịp thời và hoạt động có hiệu quả, đội ngũ Báo cáo viên, tuyên truyền viên được xây dựng đầy đủ và đáp ứng đủ các yêu cầu của Luật phổ biến, giáo dục pháp luật, hiện nay, cấp tỉnh có tổng số 66 Báo cáo viên pháp luật, trình độ từ đại học trở lên; Cấp huyện có tổng cộng 245 báo cáo viên pháp luật và 1071 tuyên truyền viên cấp xã. Các tổ hòa giải ở cơ sở được thành lập 5.800 hòa giải viên; 102 câu lạc bộ trợ giúp lý được duy trì và hoạt động thường xuyên.
            Các cơ quan, đơn vị, địa phương tổ chức trên 5.700 cuộc tuyên truyền miệng pháp luật cho hơn 460.000 lượt người tham gia; biên soạn và phát hành hằng trăm nghìn tài liệu PBGDPL dưới dạng sách, đề cương, tờ gấp, băng đĩa tuyên truyền, phổ biến pháp luật; tổ chức trên 50 cuộc thi tìm hiểu pháp luật cho hơn 90.000 lượt người tham gia; tổ chức tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý cho hơn 2.000 cuộc; tổ chức xét xử lưu động 538 cuộc với trên 20.000 người tham gia; tiến hành hòa giải thành 1.506/1.773 vụ việc; đăng tải, phát sóng 2.923 tin, bài, phóng sự tuyên truyền, phổ biến pháp luật trên các phương tiện thông tin, đại chúng và nhiều hình thức tuyên truyền, phổ biến hiệu quả khác…
            Hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật trong các cơ sở giáo dục được các cấp, các ngành quan tâm thực hiện. Nội dung pháp luật được đưa vào chương trình giáo dục một cách phù hợp, hiệu quả thông qua môn học giáo dục công dân, các hoạt động sinh hoạt ngoại khóa, thi tìm hiểu pháp luật,… đã góp phần phổ biến, giáo dục nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật cho học sinh, sinh viên trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó, việc phối hợp giữa các ban, ngành, đoàn thể trong việc phổ biến, giáo dục pháp luật cho học sinh, sinh viên được đẩy mạnh, đặc biệt là việc phối hợp giữa ngành Công an – Giáo dục và Đào tạo trong việc phổ biến, giáo dục pháp luật về an toàn giao thông, …
            Hoạt động  phổ biến, giáo dục pháp luật cho các đối tượng đặc thù được đặc biệt quan tâm, các cơ quan Tư pháp, Công an, Lao động – Thương binh và Xã hội, Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Hội luật gia, Hội Liên hiệp phụ nữ,… đẩy mạnh các hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật cho các đối tượng đặc thù thông qua các hình thức như: tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý miễn phí; phát hành tài liệu tuyên truyền; tổ chức tuyên truyền miệng trực tiếp… đã mang lại hiệu quả tích cực trong việc tiếp cận thông tin pháp luật và hạn chế vi phạm pháp luật do thiếu hiểu biết.
            Song song với việc triển khai các hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật, trong 3 năm qua tỉnh Thái Nguyên còn chú trọng hoạt động xây dựng thể chế đảm bảo cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật như nhằm tạo cơ sở cho việc bảo đảm nguồn kinh phí thực hiện công tác PBGDPL trên địa bàn tỉnh, Hội đồng nhân dân tỉnh đã thông qua Nghị quyết quy định cụ thể mức chi thực hiện công tác PBGDPL trên địa bàn tỉnh, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Quyết định số 29/2014/QĐ-UB quy định mức chi cho công tác phổ biến giáo dục pháp luật, hòa giải và chuẩn tiếp cận pháp luật ở cơ sở. Tuy nhiên, kinh phí thực hiện PBGDPL chủ yếu là nguồn kinh phí do nhà nước cấp, chưa đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của công tác trong tình hình mới.
            Nhìn lại thời gian 3 năm thực hiện Luật phổ biến, giáo dục  pháp luật trên địa bàn tỉnh có thể thấy việc triển khai, thực hiện Luật PBGDPL đã nâng tầm nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương về vị trí, vai trò của công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trong giai đoạn hiện nay. Tạo cơ sở pháp lý để việc triển khai, thực hiện công tác PBGDPL có hiệu quả, đặc biệt trong việc xác định trách nhiệm, cơ chế phối hợp giữa các cơ quan, huy động nguồn lực thực hiện công tác PBGDPL. Các tổ chức, nguồn nhân lực thực hiện công tác PBGDPL được củng cố, kiện toàn trên địa bàn toàn tỉnh. Nội dung, hình thức tuyên truyền, phổ biến pháp luật được đa dạng, góp phần quan trọng tạo sự chuyển biến trong nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật cho cán bộ, Nhân dân.
            Tuy nhiên để đảm bảo cho Luật phổ biến, giáo dục pháp luật có tác động mạnh mẽ hơn nữa đến công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, thiết nghĩ trong thời gian tới Chính phủ cần sớm nghiên cứu trình Quốc hội xem xét sửa đổi, bổ sung quy định về Báo cáo viên pháp luật cho phù hợp theo hướng có chế độ hỗ trợ thường xuyên. Đồng thời quy định chính sách hỗ trợ, hướng dẫn hoạt động xã hội hóa công tác phổ biến, giáo dục pháp luật; chế độ cho đội ngũ người làm công tác PBGDPL và quan tâm đầu tư kinh phí phục vụ cho công tác PBGDPL, xây dựng cơ chế, chính sách cho đội ngũ thực hiện công tác PBGDPL. Hỗ trợ kinh phí, phương tiện, cơ sở bảo đảm thực hiện công tác PBGDPL ở địa phương./.
Sở Tư pháp Thái Nguyên
 
Các tin đã đưa ngày: