Liên kết website

Kết quả 03 năm thực hiện Luật Hòa giải ở cơ sở trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long

08/02/2017

Ngày 20 tháng 6 năm 2013, tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIII đã thông qua Luật Hòa giải ở cơ sở. Ngày 05 tháng 7 năm 2013, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã ký Lệnh công bố Luật Hòa giải ở cơ sở. Luật có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2014. Trên cơ sở đó, Hội đồng phối hợp phổ biến giáo dục pháp luật tỉnh đã triển khai quán triệt Luật Hòa giải ở cơ sở cho Lãnh đạo các Sở ngành; Phòng Tư pháp các huyện, thị xã, thành phố được 01 cuộc, thu hút sự tham gia của 117 lượt người.

Thực hiện Quyết định số 2611/QĐ-BTP, ngày 04/11/2013 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Luật Hòa giải ở cơ sở, Sở Tư pháp tham mưu UBND tỉnh ban hành Quyết định số 1932/QĐ-UBND ngày 02/12/2013 ban hành Kế hoạch triển khai Luật Hòa giải ở cơ sở và triển khai cho nội bộ ngành tư pháp từ tỉnh đến cơ sở. Trên cơ sở đó, hàng năm Sở Tư pháp còn tham mưu HĐND-UBND tỉnh ban hành Nghị quyết, Quyết định triển khai Luật Hòa giải ở cơ sở như: Quyết định số 33/QĐ-UBND ngày 09/01/2014 ban hành Kế hoạch phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) năm 2014; Quyết định số 374/QĐ-UBND ngày 24/3/2014 ban hành Kế hoạch PBGDPL, hòa giải cơ sở và chuẩn tiếp cận pháp luật của người dân ở cơ sở năm 2014; Quyết định số 118/QĐ-UBND ngày 27/01/2015 ban hành Kế hoạch PBGDPL, hòa giải cơ sở và chuẩn tiếp cận pháp luật của người dân ở cơ sở năm 2015; Quyết định số 119/QĐ-UBND ngày 27/01/2015 ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình phối hợp giữa Ủy ban dân tộc và Bộ Tư pháp, giai đoạn 2015-2020; Quyết định số 361/QĐ-UBND ngày 22/02/2016 ban hành Kế hoạch PBGDPL, hòa giải cơ sở và chuẩn tiếp cận pháp luật của người dân ở cơ sở năm 2016; Nghị quyết số 134/2015/NQ-HĐND ngày 16/6/2015 quy định một số nội dung và mức chi thực hiện công tác hòa giải cơ sở trên địa bàn Vĩnh Long; Quyết định số 1077/QĐ-UBND ngày 12/5/2016 ban hành Kế hoạch kiểm tra việc thực hiện Luật Hòa giải cơ sở trên địa bàn tỉnh; Kế hoạch phối hợp số 42/KHPH-TCLVT-STPVL ngày 19/10/2016 về việc phối hợp tổ chức lớp bồi dưỡng kiến thức pháp luật, nghiệp vụ hòa giải ở cơ sở cho hòa giải viên. Ngoài ra, Sở Tư pháp còn ban hành nhiều công văn hướng dẫn phòng Tư pháp, Tư pháp cấp xã thực hiện công tác hòa giải cơ sở.
- Thực hiện Quyết định số 1932/QĐ-UBND của Chủ tịch UBND tỉnh về thực hiện Luật hòa giải ở cơ sở, các cơ quan, đơn vị đã tổ chức tuyên truyền Luật Hòa giải ở cơ sở trong cán bộ, công chức và ra ngoài nhân dân được 10.760 cuộc, có 471.214 lượt người tham dự, Tuyên truyền thông qua hệ thống loa truyền thanh cơ sở được 12.339 giờ; ngoài ra các ngành, các cấp còn tuyên truyền các văn bản pháp luật mới có nội dung liên quan đến công tác hòa giải cơ sở được 12.067 cuộc, có 313.678 lượt người tham dự, nội dung tuyên truyền: Nghị định 15/2014/NĐ-CP; Thông tư liên tịch số 100/2014/TTLT-BTC-BTP; Nghị quyết liên tịch số 01/2014/NQLT-CP-UBTƯMTTQVN; Bộ luật Dân sự, Luật Hôn nhân và gia đình, Luật Nuôi con nuôi, Luật Hộ tịch; Luật Phòng, chống bạo lực gia đình; Luật Tiếp công dân, Luật Đất đai; Luật Trợ giúp pháp lý; Luật Bảo vệ môi trường, Luật Khiếu nại.v.v.v…
- Hàng năm, Sở Tư pháp xây dựng Kế hoạch, chủ động biên soạn và cấp phát 5.800 quyển tài liệu pháp luật, 59.600 quyển tin tư pháp, tổ chức tập huấn nghiệp vụ công tác hòa giải cơ sở cho các hòa giải viên được 26 cuộc, có 3.226 lượt người tham dự. Riêng năm 2016 thực hiện Quyết định số 4077/QĐ-BTP ngày 31 tháng 12 năm 2014 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp về việc ban hành Chương trình khung bồi dưỡng kiến thức pháp luật, nghiệp vụ hòa giải ở cơ sở cho hòa giải viên, Sở Tư pháp phối hợp Trường Trung cấp Luật Vị Thanh xây dựng Kế hoạch tổ chức 02 lớp bồi dưỡng kiến thức pháp luật, nghiệp vụ hòa giải ở cơ sở và cấp Giấy chứng nhận cho gần 500 hòa giải viên đủ điều kiện.
Hiện nay, toàn tỉnh có 847 tổ hòa giải với 6.434 hòa giải viên, qua tập huấn đội ngũ hòa giải viên từng bước nâng cao về chất lượng và hiệu quả hoạt động. Qua 3 năm hoạt động, các tổ hòa giải đã nhận 6.164 đơn, đưa ra hòa giải 6.161 đơn, hòa giải thành 5.496 đơn đạt tỷ lệ 89,21% (đạt 111,51% so với chỉ tiêu Bộ Tư pháp giao), hòa giải không thành 665 đơn (chuyển cơ quan chức năng giải quyết); qua công tác hòa giải đã mang lại lợi ích vật chất về tiền 5.446.600.000 đồng, 1.302 chỉ vàng, 89.546m2 đất.
Công tác kiểm tra việc thực hiện luật hòa giải ở cơ sở: Sở Tư pháp tham mưu UBND tỉnh ban hành Quyết định số 1077/QĐ-UBND ngày 12/5/2016 về thực hiện kiểm tra việc thực hiện Luật Hòa giải ở cơ sở, theo đó Phòng Tư pháp các huyện, thị xã, thành phố tiến hành tự kiểm tra công tác Hòa giải cơ sở trên địa bàn; riêng đối với Sở Tư pháp phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh thành lập Đoàn kiểm tra, tiến hành kiểm tra công tác hòa giải cơ sở năm 2016 tại 06 đơn vị trên địa bàn huyện. Qua kiểm tra, các đơn vị cơ bản thực hiện tốt Luật Hòa giải cơ sở, tỷ lệ hòa giải thành đạt cao, đảm bảo mức chi cho công tác hòa giải, tuy nhiên vẫn còn một số đơn vị thực hiện chưa tốt đã ban hành văn bản hướng dẫn, chấn chỉnh kịp thời.
Kinh phí phục vụ cho công tác hòa giải cơ sở: Thực hiện Thông tư liên tịch số 100/2014/TTLT-BTC-BTP ngày 30/7/2014 của Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp quy định việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí ngân sách nhà nước thực hiện công tác hòa giải ở cơ sở, Sở Tư pháp đã tham mưu UBND tỉnh trình Hội đồng nhân dân ban hành Nghị quyết 134/2015/NQ-HĐND ngày 16/6/2015 của Hội đồng nhân dân tỉnh Vĩnh Long quy định một số nội dung và mức chi thực hiện công tác hòa giải cơ sở trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long
Bên cạnh những kết quả đạt được cũng còn một số khó khăn, hạn chế:
Một số cấp ủy, chính quyền chưa thật sự quan tâm đến công tác hòa giải cơ sở, thiếu kiểm tra, đôn đốc nhắc nhở dẫn đến công tác triển khai quán triệt thiếu tính kịp thời, thường xuyên, liên tục, hình thức tuyên truyền chưa phong phú.v.v.v...từ đó ảnh hưởng đến chất lượng công tác hòa giải cơ sở trên địa bàn.
Một số xã chưa thực hiện việc bầu hòa giải viên, tổ trưởng Tổ hòa giải theo tinh thần Nghị quyết liên tịch số 01/2014/NQLT/CP-UBTƯMTTQVN.
Trình độ, năng lực các Tổ hòa giải không đồng đều, chuyên môn nghiệp vụ còn hạn chế do hay thay đổi, trong hoạt động hòa giải đôi khi thiếu tính kiên trì, giải thích pháp luật chưa rõ ràng, còn chung chung gây khó hiểu cho các bên tranh chấp; việc ghi chép sổ sách chưa đầy đủ và không rõ ràng.
Còn một số xã không dự toán kinh phí phục vụ cho công tác hòa giải ngay từ đầu năm nên nguồn kinh phí phân bổ cho công tác hòa giải còn thấp, không đảm bảo cho mức chi bồi dưỡng cho hòa giải viên cũng như hoạt động Tổ hòa giải mặc dù Hội đồng nhân dân tỉnh đã ban hành nghị quyết hướng dẫn mức chi cụ thể cho công tác hòa giải cơ sở trên địa bàn tỉnh.
Còn một số trường hợp bị đơn vắng mặt không có lý do chính đáng gây khó khăn trong công tác hòa giải và thường kéo dài thời gian giải quyết./.
Các tin đã đưa ngày: