Liên kết website

Kết quả 03 năm thực hiện Luật Hòa giải ở cơ sở trên địa bàn thành phố Hải Phòng

02/03/2017

Luật hòa giải ở cơ sở (HGOCS) được Quốc hội khóa XIII thông qua ngày 20-6-2013, có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2014. Nhằm tiếp tục đẩy mạnh triển khai thực hiện Luật Hòa giải ở cơ sở và các văn bản hướng dẫn thi hành, trong 03 năm qua Uỷ ban nhân dân thành phố đã tích cực chỉ đạo các sở, ban, ngành, địa phương tổ chức thực hiện có hiệu quả công tác hòa giải ở cơ sở trên địa bàn thành phố.

Hải Phòng hiện có 2.508 tổ hòa giải với 14.127 hòa giải viên, trong đó, nhiều hòa giải viên là các cán bộ nghỉ hưu. Đa số các hòa giải viên đều có trình độ học vấn từ trung học cơ sở trở lên, một số hòa giải viên có trình độ đại học, chuyên môn luật, đây là điều kiện thuận lợi đối với công tác hoà giải. Trong 3 năm kể từ khi Luật Hòa giải ở cơ sở có hiệu lực thi hành, toàn thành phố đã tổ chức 120 lớp tập huấn, bồi dưỡng chuyên sâu về kiến thức pháp luật và nghiệp vụ, kỹ năng hòa giải ở cơ sở cho hơn 40000 lượt người.
Đội ngũ công chức được phân công thực hiện quản lý nhà nước về hoà giải ở cơ sở luôn được quan tâm củng cố, kiện toàn. Toàn thành phố có 242 chuyên viên trực tiếp thực hiện công tác quản lý nhà nước về hòa giải ở cơ sở; trong đó, cấp thành phố có 05 chuyên viên, cấp huyện có 14 chuyên viên và cấp xã có 223 chuyên viên. Công tác bồi dưỡng, hướng dẫn nghiệp vụ, kỹ năng thực hiện công tác quản lý nhà nước về hòa giải ở cơ sở luôn được Sở Tư pháp và UBND các cấp quan tâm.
Trong ba năm qua, UBND thành phố đã chỉ đạo các sở, ban, ngành, quận, huyện in và phát hành hàng trăm nghìn bộ tài liệu tuyên truyền về các lĩnh vực: hình sự, dân sự, hôn nhân, gia đình, khiếu nại tố cáo gửi tới báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên pháp luật, hòa giải viên và nhân dân trên địa bàn thành phố, cụ thể: 20.000 tờ gấp pháp luật về lĩnh vực Hôn nhân và Gia đình; 30.000 tờ gấp về phòng, chống tham nhũng, khiếu nại, tố cáo, tiếp công dân; 30.000 tờ gấp về kiểm soát thủ tục hành chính; 10.000 tờ gấp phòng, chống ma túy, 10.000 tờ gấp về trật tự an toàn giao thông; 20.000 tờ gấp "Tìm hiểu về Luật Tổ chức chính quyền địa phương"; 20.000 tờ gấp “Một số điều cần biết về Luật Bầu cử đại biểu quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân”; 75.000 tờ gấp pháp luật với các nội dung: “Những điều cần biết về Luật An toàn, vệ sinh lao động”, “Một số điều cần biết về hợp đồng lao động và xử phạt vi phạm trong lĩnh vực lao động”, “Những điều cần biết về chính sách pháp luật đối với lao động nữ”; biên soạn, in và phát hành miễn phí 1420 cuốn “Sổ tay pháp luật về an toàn,vệ sinh lao động", 1000 cuốn "Sổ tay hòa giải viên cơ sở"...
Đặc biệt, trong năm 2016, hưởng ứng tham gia Hội thi Hòa giải viên giỏi lần thứ  III do Bộ Tư pháp tổ chức, Sở Tư pháp đã tham mưu UBND thành phố tổ chức Hội thi Hòa giải viên giỏi thành phố Hải Phòng lần thứ III,  lựa chọn đội thi đạt giải nhất Vòng chung khảo, đại diện cho thành phố Hải Phòng tham dự Hội thi hòa giải viên giỏi toàn quốc. Đội thi của Hải Phòng đã đạt giải nhất khu vực phía Bắc, giải nhất chung kết Hội thi toàn quốc.
Để hỗ trợ kinh phí, cơ sở vật chất bảo đảm cho công tác hòa giải ở cơ sở, UBND thành phố ban hành Quyết định số 2014/QĐ-UBND về chế độ chi cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, chuẩn tiếp cận của người dân tại cơ sở và công tác hòa giải ở cơ sở trên địa bàn thành phố Hải Phòng. Theo đó, hòa giải viên tham gia hòa giải được hỗ trợ 140.000đ/vụ hòa giải, tạo nguồn động viên, khích lệ cho hòa giải viên trong hoạt động mang tính tự nguyện vì cộng đồng. Quyết định của UBND thành phố là cơ sở pháp lý cho việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí ngân sách nhà nước thực hiện công tác HGOCS trên địa bàn.
Theo thống kê, từ năm 2014 đến năm 2016, các tổ hoà giải đã thụ lý 9276 vụ việc, tỷ lệ hòa giải thành đạt 75%, đã góp phần giảm các vụ việc phải chuyển đến Tòa án hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết, tiết kiệm thời gian, kinh phí cho Nhà nước; động viên người dân mạnh dạn tham gia vào việc giám sát quản lý Nhà nước ở địa phương, dũng cảm đấu tranh bảo vệ lợi ích Nhà nước, quyền lợi chính đáng của công dân.
Công tác HGOCS ở thành phố đã được Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp quan tâm, phối hợp chặt chẽ với cơ quan Tư pháp cùng cấp đồng thời chỉ đạo, hướng dẫn Ủy ban MTTQ cấp dưới thực hiện việc lồng ghép hoạt động hòa giải trong các phong trào, cuộc vận động tại cộng đồng dân cư, đặc biệt là cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư”, nhằm gắn công tác HGOCS với nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội của địa phương, đưa kết quả thực hiện công tác HGOCS thành một tiêu chí trong đánh giá thực hiện cuộc vận động, góp phần động viên, tôn vinh, nhân rộng các mô hình, điển hình về HGOCS.
Trong thời gian tới, để quản lý nhà nước về công tác HGOCS có hiệu quả, đúng thực chất, cần tiếp tục tăng cường sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền, của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội; vấn đề bố trí kinh phí cho công tác HGOCS cần được lãnh đạo cấp huyện và xã quan tâm đúng mức. Cần có biện pháp theo dõi chặt chẽ việc quản lý và ghi chép vào Sổ theo dõi hoạt động HGOCS, làm cơ sở cho việc quản lý nhà nước về công tác HGOCS và chi thù lao cho các hòa giải viên khi tham gia hoạt động hòa giải…
Thu Hương
Các tin đã đưa ngày: