Liên kết website

Nâng cao hiệu quả công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc trong giai đoạn hiện nay

30/03/2018

Xác định vị trí quan trọng của doanh nghiệp đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, Ủy ban nhân dân tỉnh luôn quan tâm lãnh, chỉ đạo sát sao trong công tác tổ chức thực hiện các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp địa bàn tỉnh, trong đó có công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp. Trong thời gian qua, công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã được các sở, ban, ngành và Ủy ban nhân dân các huyện, thành, thị tổ chức triển khai thực hiện kịp thời và đã đạt được những kết quả quan trọng, cụ thể như sau:

Thứ nhất, trong công tác xây dựng và khai thác các cơ sở dữ liệu pháp luật phục vụ hoạt động của doanh nghiệp: Ủy ban nhân dân tỉnh thường xuyên duy trì, cập nhật cơ sở dữ liệu về văn bản VBQPPL do Hội đồng nhân dân (HĐND) và Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh ban hành và cập nhật bộ thủ tục hành chính có liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp để đăng tải trên Cổng thông tin - Giao tiếp điện tử của tỉnh, cụ thể: Hiện nay, UBND tỉnh đã cập nhật được 475 văn bản QPPL của tỉnh ban hành còn hiệu lực trên cơ sở dữ liệu pháp luật quốc gia và tích hợp trên Cổng thông tin điện tử của tỉnh (trong đó có 90 Nghị quyết của HĐND tỉnh, 324 Quyết định của UBND tỉnh và 61 Chỉ thị của UBND tỉnh); chuẩn hóa và công bố danh mục để giải quyết tại bộ phận một cửa, một cửa liên thông trên địa bàn tỉnh là 1.724 thủ tục hành chính (trong đó cấp tỉnh là 1.308 TTHC; cấp huyện 288 TTHC; cấp xã 128 TTHC). Nhằm tạo một cơ sở dữ liệu chung, thống nhất trên địa bàn tỉnh, phục vụ hoạt động xúc tiến, hỗ trợ đầu tư; cung cấp thông tin tới các nhà đầu tư và doanh nghiệp về chủ trương, chính sách, định hướng thu hút đầu tư, công khai minh bạch các thủ tục hành chính, các quy hoạch, tiềm năng, đối tác, cơ hội đầu tư của tỉnh, UBND tỉnh đã chỉ đạo Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư phối hợp với các cơ quan liên quan ở tỉnh để thu thập thông tin và triển khai xây dựng hệ thống dữ liệu bao gồm các thông tin về tất cả các lĩnh vực cơ bản mà nhà đầu tư quan tâm, kèm theo hệ thống văn bản pháp luật phục vụ nhà đầu tư tra cứu. Ngoài ra, tỉnh còn chỉ đạo các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành, thị đăng tải các văn bản QPPL do cơ quan, đơn vị mình tham mưu ban hành liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và cập nhật bộ thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của đơn vị trên Cổng thông tin - điện tử của ngành, địa phương để đảm bảo việc tra cứu, tìm kiếm văn bản của doanh nghiệp được nhanh chóng, thuận tiện, dễ dàng. 
Thứ hai, trong công tác tổ chức các lớp bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho doanh nghiệp: Công tác tổ chức các lớp bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho doanh nghiệp được các sở, ban, ngành và huyện, thành, thị của tỉnh chú trọng nhằm phổ biến các văn bản QPPL có liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp mới được ban hành và bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ cho cán bộ quản lý trong các doanh nghiệp. Trong năm 2017 các sở, ban, ngành và huyện, thành, thị của tỉnh đã tổ chức hơn 100 lớp bồi dưỡng với các hình thức phong phú, cụ thể: Sở Tư pháp phối hợp với Đài Phát thanh truyền hình tỉnh xây dựng chuyên mục hàng tuần, giới thiệu phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật trong các lĩnh vực công chứng, đất đai, bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm, dược,…; phối hợp các ngành tổ chức 08 lớp tập huấn pháp luật cho người lao động doanh nghiệp ở Khu công nghiệp Khai Quang, Khu công nghiệp Bình Xuyên, Khu công nghiệp Bá Thiện liên quan đến pháp luật về lao động, phòng cháy chữa cháy,…; và tổ chức 01 Hội nghị bồi dưỡng kiến thức về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp cho các cán bộ trực tiếp làm công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp tại các Sở, ban, ngành thuộc UBND tỉnh; UBND các huyện, thành, thị; Hội luật gia tỉnh; Liên đoàn lao động tỉnh; Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh, Hội Doanh nghiệp trẻ tỉnh, Liên minh Hợp tác xã tỉnh và gần 100 cán bộ làm công tác pháp chế, hành chính - nhân sự là đại diện của doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Bảo hiểm xã hội tỉnh đã phối hợp chặt chẽ với các ngành tổ chức 31 hội nghị, tọa đàm, tập huấn, đối thoại để tập trung tuyên truyền về Luật bảo hiểm xã hội năm 2014, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật bảo hiểm y tế 2014 đến người lao động, đơn vị sử dụng lao động trên địa bàn tỉnh. Chi cục Hải quan tỉnh Vĩnh Phúc tổ chức 01 hội nghị cho doanh nghiệp hướng dẫn việc khai thác, thực hiện các chức năng của Hệ thống dịch vụ công trực tuyến của Tổng cục Hải quan: đăng ký tài khoản, đăng nhập và nộp hồ sơ, quản lý hồ sơ, nhận kết quả xử lý. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức tập huấn tuyên truyền kiến thức pháp luật về đảm bảo chất lượng an toàn thực phẩm sản phẩm nông lâm thủy sản cho 95 doanh nghiệp với 277 học viên, đối tượng tham gia là chủ cơ sở và người lao động trực tiếp tại cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp; cơ sở sơ chế, chế biến, kinh doanh sản phẩm nông lâm thủy sản trên địa bàn các huyện, thành, thị; tổ chức 32 lớp tập huấn phổ biến, tuyên tuyền kiến thức pháp luật về ATTP cho 2.920 người là chủ cơ sở, người lao động tại cơ sở sản xuất, kinh doanh nông lâm thủy sản; tổ chức 16 lớp tập huấn hướng dẫn quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt VietGap trong sản xuất rau, chăn nuôi lợn, bò sữa và nuôi trồng thủy sản. Sở Kế hoạch và Đầu tư đã tổ chức 20 lớp khóa đào tạo ngắn hạn về khởi sự doanh nghiệp và quản trị doanh nghiệp, thu hút được gần 500 học viên tham dự. Sở Công thương đã tổ chức 04 lớp tập huấn kiến thức thương mại điện tử, 03 lớp hội nhập kinh tế quốc tế cho doanh nghiệp trên địa tỉnh; 01 lớp kiểm tra viên điện lực, an toàn điện cho cán bộ công nhân viên thuộc Công ty điện Vĩnh Phúc và mỗi lớp thu hút hơn 100 người tham dự….
Thứ ba, trong công tác giải đáp pháp luật cho doanh nghiệp: Hoạt động giải đáp pháp luật trên Cổng thông tin đối thoại Doanh nghiệp - Chính quyền của UBND tỉnh được các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đánh giá cao, các câu hỏi từ phía doanh nghiệp đều được trả lời đúng thời gian quy định, đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp. Từ khi đi vào hoạt động (năm 2013) đến trước thời điểm được nâng cấp, Cổng thông tin đối thoại Doanh nghiệp - Chính quyền đã thu hút được 222 thành viên tham gia, tiếp nhận và trả lời hơn 400 câu hỏi do các doanh nghiệp gửi đến và đạt 100% các câu hỏi trả lời đúng và trước hạn. Đến tháng 8/2017, Cổng đã mở rộng thêm phạm vi hỗ trợ, giải quyết phản ánh, kiến nghị cho mọi tổ chức, cá nhân, người dân trên địa bàn tỉnh và chuyển mọi câu hỏi sang Hệ thống tiếp nhận phản ánh, kiến nghị của tổ chức, cá nhân đối với chính quyền tỉnh (gọi tắt Hệ thống Đường dây nóng). Tính từ khi đi vào hoạt động đến nay, Hệ thống Đường dây nóng đã tiếp nhận 91 phản ánh, kiến nghị, chuyển cho 25 cơ quan, đơn vị và doanh nghiệp liên quan phúc đáp. Các cơ quan đơn vị phúc đáp phản ánh kiến nghị rất nhanh chóng, kịp thời, điển hình như: Sở Tài nguyên Môi trường, Cục Thuế tỉnh, Sở Lao động và Thương binh xã hội, Sở Tài chính, Bảo hiểm xã hội tỉnh,….
Thứ tư, trong việc tiếp nhận kiến nghị của doanh nghiệp: Công tác tiếp nhận kiến nghị của doanh nghiệp được Lãnh đạo UBND tỉnh quan tâm, tiến hành thường xuyên và nghiêm túc. Việc tiếp nhận kiến nghị của doanh nghiệp được thực hiện dưới nhiều hình thức: tiếp nhận trực tiếp thông qua hình thức tổ chức hội nghị, tiếp nhận bằng văn bản, tiếp nhận thông qua mạng điện tử hoặc thông qua các đợt thanh tra, kiểm tra…UBND tỉnh tổ chức và duy trì Chương trình Lãnh đạo UBND tỉnh gặp gỡ doanh nhân hàng tuần, để các nhà đầu tư và doanh nghiệp có cơ hội phản ánh trực tiếp các khó khăn, vướng mắc của mình đến trực tiếp Lãnh đạo UBND tỉnh phụ trách và các cơ quan chuyên môn để các vướng mắc của doanh nghiệp được giải đáp triệt để.
Tuy nhiên, qua thực tiễn thực hiện công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp cho thấy vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc như sau:
Một là, tính ổn định của hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, đặc biệt là văn bản liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp chưa cao, gây khó khăn cho doanh nghiệp trong việc nghiên cứu, tiếp cận và áp dụng vào hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Trong khi đó, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh rất cần chính sách, pháp luật có tính ổn định lâu dài.
Hai là, đội ngũ cán bộ trực tiếp làm công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp chưa được quan tâm, đầu tư đúng mức cả về số lượng và chất lượng. Hiện nay, đội ngũ làm công tác pháp chế tại sở, ban, ngành thuộc UBND tỉnh còn mỏng và chưa đồng đều về trình độ chuyên môn nghiệp vụ. Cán bộ được bố trí thực hiện công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp phải kiêm nhiệm thực hiện nhiều công tác chuyên môn khác. Do vậy, kinh nghiệm, trình độ chuyên môn của cán bộ thực hiện công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp còn hạn chế, nhất là kinh nghiệm thực tiễn nên tính chuyên nghiệp và phương pháp thực hiện hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp chưa cao.
Ba là, đa số các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Các doanh nghiệp chưa nhận thức được vai trò của công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nên khi cơ quan nhà nước tổ chức các hoạt động hỗ trợ pháp lý thì số doanh nghiệp tham gia hạn chế.
Bốn là về cơ chế tiếp nhận kiến nghị của doanh nghiệp và hoàn thiện hệ thống pháp luật, thực tế triển khai còn gặp nhiều khó khăn, một phần do doanh nghiệp chưa chủ động đề xuất nội dung còn vướng mắc, cần hoàn thiện.
Để khắc phục những hạn chế, khó khăn trong quá trình thực hiện, đề nghị Bộ Tư pháp phối hợp với các Bộ, ngành liên quan:
Thứ nhất, kịp thời cập nhật và tổ chức phổ biến, hướng dẫn cho doanh nghiệp các quy định pháp luật trong các lĩnh vực liên quan đến quá trình đầu tư, sản xuất, kinh doanh và đăng tải đầy đủ các văn bản pháp luật mới lên website của các cơ quan chuyên môn để doanh nghiệp tra cứu và thực hiện.
Thứ hai, tiến hành rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp, tạo cơ sở pháp lý thống để doanh nghiệp thuận tiện áp dụng và thực hiện.
Thứ ba, nhanh chóng trả lời các nội dung liên quan đến dự án đầu tư mà cấp tỉnh phải xin ý kiến; giúp tỉnh kết nối các cơ quan, tổ chức liên quan trong việc hỗ trợ phổ biến, tập huấn và bồi dưỡng các kiến thức pháp luật (nhất là quy định pháp luật mới trong điều kiện Việt Nam đang đẩy mạnh hội nhập quốc tế) để giúp nhà đầu tư tiếp cận, đầu tư có hiệu quả tại tỉnh Vĩnh Phúc theo đúng quy định của pháp luật Việt Nam và pháp luật quốc tế.
Thứ tư, cần định kỳ tiến hành sơ kết, đánh giá kết quả triển khai thực hiện các chương trình, đề án của trung ương, địa phương trong tổ chức thực hiện các nhiệm vụ hỗ trợ pháp lý doanh nghiệp qua đó điều chỉnh, bổ sung các chương trình, đề án mới phù hợp với tình hình phát triển kinh tế, xã hội của đất nước và địa phương đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp.
Thứ năm, đề nghị Bộ Tư pháp thường xuyên tổ chức và lựa chọn nội dung chuyên đề đưa vào chương trình bồi dưỡng cho các đối tượng là cán bộ pháp chế làm công tác hỗ trợ pháp lý tại các địa phương nhằm tạo sự chuyển biến tích cực về chất lượng các lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng cho đội ngũ cán bộ pháp chế của địa phương.
Thứ sáu, sửa đổi, bổ sung một số quy định tại Nghị định số 66/2008/NĐ-CP ngày 28/5/2008 của Chính phủ về hỗ trợ pháplý cho doanh nghiệp cho phù hợp với thực tiễn như: “việc giải đáp pháp luật không áp dụng đối với các yêu cầu giải đáp pháp luật của doanh nghiệp về những trường hợp cụ thể liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp”. Tuy nhiên, trong thực tiễn khi doanh nghiệp yêu cầu cơ quan nhà nước hỗ trợ pháp lý thì chủ yếu là những vướng mắc phát sinh từ thực tiễn hoạt động của doanh nghiệp. Do đó, để đảm bảo phù hợp với thực tiễn, đề nghị bỏ nội dung quy định tại Khoản 6, Điều 10 Nghị định số 66/2008/NĐ-CP.
Như vậy, để thực hiện có hiệu quả công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp thì bên cạnh sự nỗ lực từ phía các cơ quan nhà nước cần xây dựng mô hình chính quyền thân thiện thì cần có sự tham gia tích cực, chủ động đề xuất từ phía doanh nghiệp nếu có khó khăn, vướng mắc trong việc tiếp cận và hiểu các quy định pháp luật để cơ quan nhà nước giải đáp cụ thể giúp doanh nghiệp vận dụng đúng quy định, hạn chế được những rủi ro trong kinh doanh, thúc đẩy doanh nghiệp ổn định, phát triển, tạo được nhiều việc làm và thu nhập cho người lao động, góp phần thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.  
Nguyễn Thủy  - Phòng Quản lý XLVPHC &TDTHPL
Các tin đã đưa ngày: