Liên kết website

Thái Bình: Kết quả 09 năm thực hiện Chương trình phối hợp số 1258/CTPH-BTP-BTTUBTƯMTTQVN về tăng cường thực hiện công tác hòa giải ở cơ sở.

09/11/2018

Thực hiện Chương trình phối hợp số 1258/CTPH-BTP-BTTUBTƯMTTQVN ngày 24/4/2009 giữa Bộ Tư pháp và Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam về tăng cường thực hiện công tác hòa giải ở cơ sở; ngày 06/8/2009, Sở Tư pháp và BTTUBMTTQVN tỉnh Thái Bình đã kí kết Chương trình phối hợp số 03/CTPH-STP-BTTUBMTTQVN tỉnh về tăng cường thực hiện công tác hòa giải ở cơ sở (Chương trình phối hợp) trên địa bàn tỉnh. Trong thời gian qua, công tác hòa giải ở cơ sở đã có những chuyển biến cơ bản, góp phần giữ vững an ninh trật tự, hạn chế đơn thư khiếu nại, tố cáo.

Để nâng cao chất lượng của hoạt động hòa giải ở cơ sở, từ  2009 đến năm 2018, Sở Tư pháp chủ trì, phối hợp với MTTQ tỉnh tổ chức 127 buổi tập huấn kiến thức pháp luật cho đội ngũ cán bộ, công chức của tổ chức chính trị - xã hội được giao nhiệm vụ theo dõi, hướng dẫn công tác PBGDPL, TGPL và hòa giải ở cơ sở. Nội dung tập trung tuyên truyền Pháp lệnh về tổ chức và hoạt động hòa giải ở cơ sở năm 1998, Luật Hòa giải ở cơ sở năm 2013, Luật Phòng chống bạo lực gia đình, Luật Bình đẳng giới, Luật Bảo vệ môi trường, Bộ Luật Dân sự, Bộ Luật Hình sự… Điển hình như hội nghị tập huấn Luật Bảo vệ môi trường cho các hội, đoàn đoàn thể của MTTQ tại huyện Tiền Hải; hội nghị tập huấn Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, Luật Bình đẳng giới, Luật Hôn nhân gia đình, Bộ Luật Dân sự, Luật Đất đai, Luật Hòa giải ở cơ sở cho hòa giải viên các xã, thị trấn của huyện Đông Hưng, Hưng Hà, Quỳnh Phụ, Thái Thụy …
Phối hợp với Hội Nông dân, Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh tổ chức hội nghị tuyên truyền Luật Hòa giải ở cơ sở tại 2 huyện Quỳnh Phụ và Đông Hưng. Tổ chức 31 buổi tập huấn kiến thức pháp luật cho đội ngũ cán bộ hội phụ nữ, nông dân làm công tác PBGDPL, TGPL và hòa giải ở cơ sở các nội dung Luật Hôn nhân và gia đình, Luật Trợ giúp pháp lý, Luật Bình đẳng giới; Luật Phòng, chống ma túy; Luật Phòng, chống mua bán người; Luật Bảo vệ môi trường, Hiến pháp, Luật Đất đai, các văn bản pháp luật về phòng chống tội phạm, dân sự, hình sự…. Phối hợp với MTTQVN tỉnh, Hội Nông dân tỉnh, Hội Phụ nữ tỉnh triển khai nội dung Bộ luật dân sự 2015 tới toàn thể hội viên.
Tổ chức 75 lớp tuyên truyền, tập huấn kiến thức nghiệp vụ hoà giải ở cơ sở, Pháp lệnh thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn tại các xã Tân Phong, Trung An, Song An (huyện Vũ Thư); xã Vũ An, Vũ Bình, Vũ Ninh, Trà Giang, Vũ Thắng, Lê Lợi (huyện Kiến Xương); xã Phú Xuân, Đông Thọ, phường Trần Hưng Đạo (thành phố Thái Bình); xã Quỳnh Sơn, An Bài Quỳnh Minh (huyện Quỳnh Phụ) ; xã Đông Phong, Đông Hải, Đông Minh, Nam Thắng, Tây Sơn, Thị trấn Tiền Hải (huyện Tiền Hải); thị trấn Hưng Nhân, xã Tân Hòa (huyện Hưng Hà)… cho 10.051 đại biểu là cán bộ, hội viên MTTQ và các tổ chức đoàn thể, hòa giải viên tại các địa phương.
Việc phối hợp tuyên truyền pháp luật về hòa giải ở cơ sở qua việc khai thác Tủ sách pháp luật, phát hành tài liệu được duy trì thường xuyên. Đã biên tập và phát hành 5.000 cuốn tài liệu giới thiệu nội dung của Pháp lệnh tổ chức và hoạt động hoà giải ở cơ sở, 2.500 cuốn sách bồi dư­ỡng nghiệp vụ cho đội ngũ hoà giải viên cấp phát tới tất cả các tổ hoà giải trong toàn tỉnh; in 20.000 tờ rơi, tờ gấp giới thiệu những quy định của pháp luật liên quan đến công tác hoà giải để làm tài liệu tuyên truyền. Năm 2015 cấp phát cho các huyện, thành phố 400 cuốn sổ tay hòa giải ở cơ sở; 1500 cuốn Luật Hôn nhân gia đình 2014, Luật Phòng chống bạo lực gia đình, Luật Hòa giải ở cơ sở cho 8 huyện, thành phố và tủ sách pháp luật 286 xã, phường, thị trấn.
Mạng lưới tổ hòa giải ở cơ sở đã được thành lập rộng khắp ở các thôn, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh để thực hiện việc hòa giải theo quy định của Pháp lệnh về tổ chức và hoạt động hòa giải ở cơ sở và sau này là Luật Hòa giải ở cơ sở. Sở Tư pháp đã phối hợp với MTTQ tỉnh, Hội phụ nữ, Hội nông dân, Đoàn thanh niên, Hội Cựu chiến binh tỉnh tổ chức đợt khảo sát ở 16 xã, phường, thị trấn để đánh giá kết quả thực tế hoạt động hoà giải, sự phối hợp của các tổ chức với ngành Tư pháp trong việc chỉ đạo thực hiện Pháp lệnh tổ chức và hoạt động hoà giải ở cơ sở. Các tổ hoà giải được kiện toàn trên cơ sở Ban Tư­ pháp phối hợp với MTTQVN cấp xã, trư­ởng thôn, tổ trư­ởng dân phố tiến hành rà soát đảm bảo đủ về số lư­ợng, trình độ, chuyên môn nghiệp vụ và khả năng đáp ứng nhu cầu công tác, số ngư­ời cần bổ sung hoặc thôi không làm hoà giải viên. Ban công tác mặt trận các thôn, tổ dân phố và cụm dân cư lựa chọn, giới thiệu những người có uy tín, trách nhiệm với công việc, hiểu biết pháp luật để công chức Tư pháp-Hộ tịch lập danh sách bầu hòa giải viên, trình Chủ tịch UBND cấp xã ra quyết định công nhận kết quả bầu tổ viên tổ hòa giải ở cơ sở.
Thực hiện quy định của Luật Hòa giải ở cơ sở, đội ngũ hòa giải viên thường xuyên được củng cố, kiện toàn. Tính đến ngày 31/12/2017, Thái Bình có 2.058  tổ hoà giải ở cơ sở với 14.358 hòa giải viên (trong đó nam 9.963 người, nữ 4.395 người). Từ năm 2009 đến 2018, các tổ hoà giải đã hoà giải 118.432 vụ, việc. Trong đó  lĩnh vực dân sự 42.278 vụ, việc; hôn nhân gia đình 30.382 vụ, việc; đất đai 25.617 vụ, việc; môi trường 1.997 vụ, việc, các lĩnh vực khác 18.158 vụ, việc. Kết quả đã hoà giải thành 99.790 vụ, việc (đạt 84,2%). Có nhiều tổ hòa giải và hoà giải viên xuất sắc.
Qua 09 năm thực hiện chương trình phối hợp giữa Sở Tư pháp và BTTUBMTTQ  tỉnh Thái Bình về tăng cường thực hiện công tác hòa giải ở cơ sở, các tổ hoà giải và đội ngũ hoà giải viên trong tỉnh thường xuyên được kiện toàn và bồi dưỡng về kỹ năng, kiến thức, nắm vững chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước nên rất tích cực trong việc hòa giải những mẫu thuẫn, tranh chấp trong cộng đồng dân cư. Nhận thức của các cấp, các ngành, đoàn thể, cán bộ và nhân dân đối với công tác hòa giải ở cơ sở được nâng cao. Hoạt động hòa giải ở cơ sở đã khẳng định được vị trí, vai trò quan trọng trong đời sống xã hội; tăng cường khối đại đoàn kết trong cộng đồng dân cư, giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc; ngăn ngừa hành vi vi phạm pháp luật; thúc đẩy phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”. 
                                                              
                                                                                 Hạnh Nga
                                                                      Sở Tư pháp Thái Bình
 
Các tin đã đưa ngày: