Liên kết website

Một số kết quả trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật năm 2018 trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế

03/01/2019

Kết thúc năm 2018, công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế đã có những nét khởi sắc, tạo bước tiến vững vàng để đưa công tác này tiếp tục tiến xa hơn

Những “con đường” đưa pháp luật đi vào cuộc sống
Nét nổi bật trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật năm 2018 chính là cấp ủy, chính quyền các cấp đã rất quan tâm đếncông tác phổ biến, giáo dục pháp luật. Chỉ riêng Ủy ban nhân dân tỉnh và Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh ban hành hơn 20 văn bản chỉ đạo, hướng dẫn, triển khai, đôn đốc công tác này, một số lượng văn bản được ban hành nhiều nhất từ trước đến nay. Với sự thúc đẩy tích cực đó, các cơ quan, ban, ngành, địa phương đã phải vào cuộc hết sức quyết liệt. những biện pháp, mô hình thực hiện có hiệu quả được xây dựng, nhân rộng, tạo nên những “con đường” đưa pháp luật đi vào cuộc sống nhanh hơn, thuận lợi hơn.
 Một trong những “đường đi” đến với doanh nghiệp chính là mô hình đối thoại Hải quan - Doanh nghiệp. Trung bình mỗi năm đơn vị tổ chức từ 02 – 03 cuộc đối thoại doanh nghiệp (quy mô cấp Cục và Chi cục). Nội dung đối thoại với doanh nghiệp xoay quanh chủ đề: Tuyên truyền, phổ biến các văn bản pháp luật mới có liên quan đến hoạt động xuất nhập khẩu của doanh nghiệp; giải quyết những vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện; ghi nhận những vướng mắc, kiến nghị của doanh nghiệp và trao đổi, giải đáp trong phạm vi thẩm quyền; tổng hợp những kiến nghị vượt thẩm quyền giải quyết của Cục để báo cáo Tổng cục Hải quan theo đúng quy định. Ngoài những nội dung này, tại Chi cục Hải quan Thủy An, khi tổ chức đối thoại với doanh nghiệp, các bên tham gia hội nghị cùng thảo luận, đánh giá, phân tích những lỗi vi phạm doanh nghiệp thường gặp khi thực hiện thủ tục hải quan, đưa ra giải pháp để hạn chế đến mức thấp nhất việc xảy ra các hành vi vi phạm do không nắm hết các quy định của pháp luật, dẫn đến phải xử lý vi phạm hành chính, ảnh hưởng đến việc đánh giá chấp hành pháp luật của doanh nghiệp. Qua các lần tổ chức Hội nghị đối thoại Hải quan – Doanh nghiệp đã mang lại những kết quả thiết thực cho cả phía, cơ quan hải quan lẫn doanh nghiệp.
Làm thế nào để đưa chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước tiếp cận đối với người nước ngoài ở Việt Nam hoặc người Việt Nam ở nước ngoài? Với chức năng, đặc thù của mình, Sở Ngoại vụ tích cực phổ biến, giáo dục pháp luật cho nhóm người này thông qua nhiều hoạt động: Tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức Hội nghị giao ban với các tổ chức phi chính phủ nước ngoài đang hoạt động trên địa bàn tỉnh, qua đó kết hợp tuyên truyển, phổ biến các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước có liên quan cho các tổ chức, cá nhân là người nước ngoài đến hoạt động tại tỉnh. Tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh thành lập đoàn công tác sang nước bạn Lào để nắm bắt tình hình kiều bào đang sinh sống và làm việc tại Lào, đồng thời vận động bà con tăng cường đóng góp xây dựng quê hương; qua công tác này, đã tuyên truyền, phổ biến một số chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước đến các kiều bào tại Lào (Dự kiến, mô hình này sẽ tiếp tục thực hiện đối với các nước khác trong thời gian tới). Nhằm đảm bảo công tác an ninh chính trị trên địa bàn, qua hoạt động thanh tra của Sở, luôn nâng cao cảnh giác trong việc một số tổ chức, cá nhân nước ngoài thông qua hình thức tài trợ để tham gia vào quá trình xây dựng dự thảo Luật của nước ta một cách không hợp pháp, đã kịp thời ngăn chặn 02 cuộc Hội thảo lấy ý kiến về dự thảo Luật không tuân thủ quy định của pháp luật. Hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho người Việt Nam ở nước ngoài và người nước ngoài ở Việt Nam được chú trọng và phát huy  thông qua việc thực hiện chức năng bảo hộ công dân, nhiều trường hợp được Sở thực hiện chức năng này và qua đó, tuyên truyền, hướng dẫn pháp luật một cách cụ thể, trực tiếp cho các cá nhân (trường hợp 02 ngư dân tại Phú Lộc bị bắt ở người nước ngoài). Ngoài thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Sở, các cá nhân là công chức, viên chức Sở Ngoại vụ đã thực hiện tốt vai trò của mình với tư cách là thành viên của các Hội (Hội hữu nghị Việt – Nhật, Hội hữu nghị Việt – Pháp,…), đóng góp tích cực vào công tác thông tin, tuyên truyền pháp luật cho các thành viên thuộc các Hội này. Với vai trò là cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo Công tác biên giới tỉnh, định kỳ hằng năm, Sở Ngoại vụ phối hợp với Ủy ban Biên giới Quốc gia (Bộ Ngoại giao) tổ chức khóa tập huấn, phổ biến, tuyên truyền pháp luật về biên giới đất liền và biển đảo cho các địa phương có vùng biên giới như A Lưới, Phú Lộc, Phú Vang; lồng ghép tuyên truyền pháp luật biên giới thông qua công tác biên giới.
Đối với bà con dân tộc miền núi, nơi có đời sống kinh tế còn nhiều khó khăn cũng như tồn tại một số phong tục lạc hậu, ảnh hưởng trực tiếp đến việc chấp hành pháp luật của bà con nơi đây. Chính quyền các địa phương huyện miền núi phối hợp với ban, ngành liên quan, tăng cường vận động bà con thông qua các hoạt động (hỗ trợ người dân làm nhà, làm kinh tế,...) nhằm hạn chế, tiến đến xóa bỏ một số phong tục lạc hậu (nối dây, hôn nhận cận huyết thống...), góp phần nâng cao hiệu quả tuyên truyền, phổ biến pháp luật.
Ngoài ra, trước sức ảnh hưởng của cuộc cách mạng 4.0, các cuộc thi tìm hiểu pháp luật trực tuyến do Bộ Tư pháp tổ chức đã được cán bộ, nhân dân hưởng ứng tích cực, tạo nên không khí pháp luật sôi nổi, nhất là trong các bạn học sinh sinh viên... Những mô hình phổ biến, giáo dục pháp luật cho thanh thiếu niên trên địa bàn tỉnh cũng được chỉ rõ qua bài dự thi của các thí sinh tỉnh Thừa Thiên Huế, khơi gợi những ý tưởng để triển khai cho đối tượng này một cách sâu sắc hơn.
Có thể nói, năm 2018 thật sự là năm của “bước tiến dài” trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật.
Còn đó những trăn trở
Với chủ trương “không để ai bị bỏ lại phía sau”, công tác phổ biến, giáo dục pháp luật vẫn còn đó những vấn đề cần phải giải quyết. Qua thực tế cũng như kiểm tra công tác phổ biến, giáo dục pháp luật năm 2018 tại một số địa phương, còn nổi lên một số vấn đề như: Nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, Nhân dân nhìn chung đã có những chuyển biến nhất định, song chưa đồng đều. Một số lĩnh vực còn diễn biến phức tạp (môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm, tranh chấp đất đai…). Công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho đồng bào dân tộc thiểu số còn khó khăn do đời sống kinh tế khó khăn, nhận thức của bà con đa phần chưa cao, ảnh hưởng nặng nề bởi các phong tục lạc hậu. Tình trạng tảo hôn có lúc giảm lúc tăng, bạo lực gia đình còn xảy ra, bạo lực học đường chưa có dấu hiệu “hạ nhiệt”...
   Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, trong đó nguyên nhân từ công tác phổ biến, giáo dục pháp luật được xác định do khách quan và chủ quan. Về khách quan, hệ thống các văn bản pháp luật nước ta đang trong quá trình xây dựng và hoàn thiện nên còn xảy ra tình trạng quy định pháp luật chồng chéo, mâu thuẩn; văn bản dưới luật nhiều. Vấn đề này ảnh hưởng đến chất lượng, hiệu quả tuyên truyền, phổ biến pháp luật cũng như khó khăn cho Báo cáo viên trong tìm hiểu, nghiên cứu, đồng thời hạn chế trong quá trình áp dụng, thực hiện pháp luật. Các phương tiện, thiết bị hỗ trợ, kinh phí bảo đảm cho công tác phổ biến pháp luật còn hạn chế; trong khi yêu cầu đối với công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, ý thức tìm hiểu pháp luật của một số người dân, doanh nghiệp, hộ kinh doanh chưa cao. Đời sống của đa số bà con đồng bào dân tộc thiểu số còn khó khăn; một số phong tục tập quán lạc hậu chưa thể vận động xóa bỏ hết. Chủ quan, cán bộ phụ trách công tác phổ biến, giáo dục pháp luật tại các cơ quan, đơn vị chủ yếu là kiêm nhiệm nên việc triển khai công tác phổ biến, giáo dục pháp luật đôi lúc còn thụ động; sự phối hợp giữa các ban, ngành, đơn vị trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật thiếu thường xuyên, chặt chẽ; một số báo cáo viên pháp luật cấp huyện, Tuyên truyền viên pháp luật thiếu kỹ năng tuyên truyền…
Từ thực tiễn đó, công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trên địa bàn tỉnh cần tiếp tục tìm ra những “con đường” đưa pháp luật vào cuộc sống “ngắn” hơn, nhanh hơn, vững chắc hơn, đồng thời củng cố lại những “con đường” hiện có một cách quy mô, bài bản hơn để có thể tiến nhanh, tiến xa, đáp ứng nhu cầu, mong muốn của người dân cũng như mục tiêu xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nước ta trong tình hình mới./.
Nguyễn Thị Đào
Các tin đã đưa ngày: