Liên kết website

Vĩnh Phúc: Kết quả 9 năm phối hợp giữa Sở Tư pháp với Ủy ban Mặt trận tổ quốc tỉnh trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và hòa giải ở cơ sở

12/03/2019

Trong những năm qua, tỉnh Vĩnh Phúc luôn xác định công tác phổ biến giáo dục pháp luật (PBGDPL) là một bộ phận của công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng, do vậy đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo triển khai toàn diện các mặt công tác PBGDPL nhằm nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân các dân tộc trong tỉnh, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, quản lý xã hội bằng pháp luật tại địa phương. Do có sự nhận thức đầy đủ về tầm quan trọng, ý nghĩa của công tác PBGDPL, trong thời gian qua cấp ủy chính quyền tỉnh Vĩnh Phúc đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo công tác PBGDPL. Trên cơ sở đó, hàng năm Sở Tư pháp ký các kế hoạch, chương trình phối hợp với các sở, ban, ngành, đoàn thể liên quan, nổi bật là việc phối hợp với MTTQ tỉnh trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và hòa giải ở cơ sở đã đạt được những kết quả quan trọng.

Sở Tư pháp đã chủ động phối hợp với Ủy Ban mặt trận tổ quốc tỉnh thường xuyên  chỉ đạo triển khai gắn chặt công tác PBGDPL với hoạt động hòa giải ở cơ sở. Tập trung phổ biến tuyên truyền những quy định pháp luật mới ban hành có ảnh hưởng đến quyền, lợi ích của người dân, về pháp luật hòa giải cơ sở đến cán bộ MTTQ cơ sở, đội ngũ hoà giải viên và nhân dân. Hoạt động hòa giải ở cơ sở luôn  được MTTQ tỉnh chú trọng triển khai đồng bộ, gắn với thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn. MTTQ các  xã, phường, thị trấn đã phát huy vị trí, vai trò của mình trong việc triển khai, hướng dẫn hoạt động của tổ hòa giải ở cơ sở để giải quyết những mâu thuẫn ngay từ cơ sở, hạn chế được những mâu thuẫn phức tạp kéo dài gây khiếu kiện đông người, vượt cấp ảnh hưởng đến tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội của địa phương. Đặc biệt, ngày 14/3/2018, Ủy ban MTTQ tỉnh và Sở Tư pháp ký Chương trình phối hợp số 253/CT-STP-UBMTTQ về việc nâng cao chất lượng hoạt động hòa giải ở cơ sở; hướng dẫn xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước ở thôn, làng, bản khu dân cư trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2018-2019.
Theo đó, Sở Tư pháp đã phối hợp với Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh Vĩnh Phúc hướng dẫn Ủy ban MTTQ các cấp phối hợp với UBND cấp huyện, cơ sở  và cơ quan tư pháp cùng cấp chỉ đạo, hướng dẫn việc rà soát, đánh giá về tổ chức, hoạt động của tổ hòa giải, kịp thời kiện toàn các thành viên của tổ hòa giải khi có sự thay đổi. Đến hết năm 2018, trên địa bàn tỉnh có 1.429 tổ hoà giải với gần 9.349 hoà giải viên, trung bình mỗi tổ hòa giải có từ 5-7 hòa giải viên; 100% thôn, tổ dân phố có tổ hoà giải, một số thôn, tổ dân phố có 2 tổ hoà giải. Các tổ hoà giải được củng cố, kiện toàn theo quy định. Thành phần mỗi tổ hoà giải gồm: Đại diện ban công tác Mặt trận, Bí thư chi bộ hoặc phó bí thư chi bộ, Trưởng thôn (Tổ trưởng Tổ dân phố), Chi hội Phụ nữ, Chi hội Nông dân, Chi hội Cựu chiến binh, Chi hội Người cao tuổi, Chi đoàn thanh niên, các già làng, trưởng bản, một số chức sắc tôn giáo ở cơ sở và những người có hiểu biết pháp luật, uy tín ở khu dân cư, được công nhận theo quy định, được thông báo công khai ở thôn, tổ dân phố, khu dân cư, các tổ hòa giải ở cơ sở hoạt động theo đúng quy định của Luật hòa giải ở cơ sở.
Bên cạnh đó, hàng năm, Sở Tư pháp phối hợp với Ủy ban MTTQ tỉnh hướng dẫn Phòng tư pháp, Ủy ban MTTQ cấp huyện đề nghị UBND cấp xã quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động tổ hòa giải; thực hiện cấp kinh phí đảm bảo theo quy định của Nghị quyết số 21/2017/NQ-HĐND để phục vụ hoạt động hòa giải ở cơ sở.
Thực hiện Chương trình phối hợp số 253/CT-STP-UBMTTQ  ngày 14/3/2018 giữa Ủy ban MTTQ tỉnh với Sở Tư pháp về việc nâng cao chất lượng công tác hòa giải ở cơ sở; hướng dẫn xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước ở thôn, làng, bản, khu dân cư trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2018-2019, Ban Thường trực MTTQ đã xây dựng và chỉ đạo 09 mô hình điểm công tác hòa giải ở cơ sở tại 09 huyện, thành phố. Tại mỗi đơn vị chỉ đạo điểm, MTTQ tỉnh đã tập huấn kỹ năng, nghiệp vụ, cấp phát tài liệu đến các hòa giải viên, đồng thời hướng dẫn MTTQ các huyện, thành phố xây dựng mỗi đơn vị xây dựng tổ hòa giải điểm, qua đó để cung cấp kỹ năng, nghiệp vụ hòa giải và nhân rộng mô hình trên toàn tỉnh...
Thực hiện Nghị quyết 209/2015/NQ-HĐND của HĐND tỉnh về tăng cường công tác phổ biến giáo dục pháp luật giai đoạn 2016-2020, hàng năm, Sở Tư pháp phối hợp với Ủy ban MTTQ tỉnh tổ chức các hội nghị tập huấn trang bị kiến thức pháp luật, kỹ năng, kinh nghiệm hòa giải cho hòa giải viên ở cơ sở. Tổ chức 650 lớp tập huấn với sự tham gia trên 50.000 lượt người, đối tượng là cán bộ công chức, người lao động trong các cơ quan nhà nước và người dân cơ sở trong đó có thành phần là Tổ trưởng tổ hòa giải, các hòa giải viên, cán bộ chuyên trách MTTQ của 137 xã, phường, thị trấn, Trưởng Ban công tác mặt trận và thành viên Ban công tác mặt trận ở  khu dân cư, nội dung tập huấn tập trung vào các chuyên đề chủ yếu: Pháp luật về đất đai; Pháp luật về hôn nhân gia đình, bình đẳng giới, phòng, chống bạo lực gia đình; Pháp luật về khiếu nại, tố cáo; xử lý vi phạm hành chính; Pháp luật về hoà giải ở cơ sở… Năm 2016, Sở Tư pháp đã phối hợp với Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh xây dựng kế hoạch, hướng dẫn cấp huyện và cơ sở tổ chức thành công Hội thi hòa giải viên giỏi lần thứ III tỉnh Vĩnh Phúc do Bộ Tư pháp tổ chức. Hội thi được triển khai từ cơ sở, lựa chọn các đơn vị tiêu biểu tham gia dự thi của cấp tỉnh, Hội thi đã mang lại hiệu quả thiết thực trong công tác tuyên truyền vận động nhân dân thực hiện pháp luật nói chung và luật hòa giải ở  cơ sở nói riêng.
Có thể khẳng định rằng,  được sự quan tâm lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, sự phối hợp chặt chẽ giữa chính quyền, MTTQ, các tổ chức thành viên và ngành Tư pháp, công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật và hòa giải ở cơ sở tại cộng đồng dân cư đã huy động được sự tham gia các cấp, các ngành, các tổ chức đoàn thể, sự hưởng ứng của toàn dân, phát huy vai trò tích cực của hệ thống chính trị ở cơ sở trong việc tham gia phổ biến giáo dục pháp luật, vận động cán bộ nhân dân chấp hành pháp luật. Việc thực hiện chương trình được gắn với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” và nhiều phong trào thi đua yêu nước khác đã tạo lên phong trào chấp hành pháp luật sâu rộng trong từng gia đình, từng khu dân cư, góp phần từng bước ngăn chặn và hạn chế hành vi vi phạm pháp luật ở khu dân cư, động viên nhân dân phát huy quyền làm chủ, tham gia vào hoạt động quản lý nhà nước, quản lý xã hội. Ý thức tôn trọng, chấp hành pháp luật của nhân dân được nâng cao đã giúp cho chính sách pháp luật của Nhà nước được thực thi trong thực tiễn, người dân biết tự bảo vệ mình, xây dựng môi trường sống lành mạnh trong cộng đồng dân cư, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, góp phần ổn định và phát triển kinh tế xã hội của địa phương.
Lê Huyền
Các tin đã đưa ngày: