Liên kết website

Hà Nội tổng kết 05 năm thi hành Luật Hòa giải ở cơ sở

22/04/2019

HNP - Chiều 22/4, UBND thành phố Hà Nội tổ chức Hội nghị tổng kết 05 năm thi hành Luật Hòa giải ở cơ sở năm 2013 trên địa bàn thành phố. Phó Chủ tịch UBND TP Lê Hồng Sơn chủ trì hội nghị.

Phó Chủ tịch UBND TP Lê Hồng Sơn trao tặng Bằng khen cho các tập thể


Sau 5 năm thực hiện Luật, công tác hòa giải ở Hà Nội đã đi vào nền nếp. Vị trí, vai trò của các tổ hòa giải, hòa giải viên trong đời sống xã hội ngày càng được khẳng định và được đón nhận trong cộng đồng dân cư. Tỷ lệ hòa giải thành của TP hàng năm đều tăng, tỷ lệ hòa giải thành trong 5 năm đạt 82%, đặc biệt năm 2018 tỷ lệ hòa giải tăng cao: 86,3%. Số vụ việc phát sinh hòa giải giảm. 
 
Theo báo cáo, hiện nay, TP Hà Nội có 5.444 tổ hòa giải với 35.053 hòa giải viên, trong đó, số hòa giải viên có trình độ chuyên môn Luật là 3.117 người (chiếm khoảng 8%). Số tổ hòa giải và số lượng hòa giải viên từ năm 2014-2018 đều ổn định.

Trong 5 năm (2014-2018), tổng số vụ tranh chấp, mâu thuẫn phát sinh phải hòa giải ở cơ sở toàn TP: 42.642 vụ, số vụ việc đang giải quyết là 197 vụ, số vụ hòa giải thành là 34.295 vụ, đạt tỷ lệ 82%. Nhiều đơn vị đạt tỷ lệ hòa giải thành cao (trong 5 năm) trên 85% như: Đống Đa, Long Biên, Hoàn Kiếm, Bắc Từ Liêm, Thanh Oai... 
 
Hà Nội cũng là một trong những địa phương đã dành nhiều quan tâm, đầu tư về nguồn lực tài chính cho công tác hòa giải. Trong 5 năm, TP cấp khoảng trên 50 tỷ đồng chi cho công tác hòa giải. Theo báo cáo của 29/30 quận, huyện thì hiện toàn TP có 481/563 xã chi cho các công tác hòa giải ở cơ sở (đạt tỷ lệ 85,4%), cao hơn so với thời điểm sơ kết 3 năm (2014-2016): 383/584 xã, phường, thị trấn, đạt 65%. Đáng chú ý, với 5 tiêu chí, đến nay, Hà Nội đã có 2.591/5.444 tổ hòa giải đạt “Tổ hòa giải 5 tốt” (đạt tỷ lệ 47,6%). Nhiều đơn vị vẫn tích cực duy trì mô hình hoạt động “Tổ hòa giải 5 tốt” như các quận, huyện: Hoàn Kiếm, Ba Đình, Thanh Xuân, Nam Từ Liêm, Hai Bà Trưng...
 
Phó Chủ tịch UBND TP Lê Hồng Sơn phát biểu tại hội nghị
 
Bên cạnh mô hình “Tổ hòa giải 5 tốt” thì trên địa bàn TP, các cấp, các ngành tích cực phối hợp nhiều mô hình hay để tuyên truyền pháp luật cũng như đẩy mạnh công tác hòa giải ở cơ sở, các biện pháp hòa giải bạo lực gia đình như Ủy ban Mặt trận Tổ quốc TP với mô hình “Nhóm nòng cốt”, Hội Nông dân TP mô hình “Câu lạc bộ nông dân với pháp luật”, Hội Liên hiệp Phụ nữ với mô hình “Câu lạc bộ phụ nữ với pháp luật”, “Địa chỉ tin cậy tại cộng đồng”...
 
Phát biểu tại hội nghị, Phó chủ tịch UBND TP Lê Hồng Sơn đã đánh giá cao những kết quả đạt được trong công tác thi hành Luật Hòa giải ở cơ sở trên địa bàn thành phố trong thời gian qua, đồng thời, nhấn mạnh các nhiệm vụ cần tập trung trong thời gian tới.
 
Theo Phó chủ tịch, việc hòa giải cơ sở là một trong những công việc khó, đòi hỏi sự đóng góp cống hiến nhiều nhiều cán bộ…Trong đó, các hòa giải viên đòi hỏi sự cần mẫn, nhẫn nại, có tâm huyết với làng xóm, có uy tín ở địa phương. Lãnh đạo thành phố chia sẻ, trong thời kỳ mới, "công tác hòa giải cơ sở phải đối mặt với nhiều vấn đề mới của xã hội, trong đó, nếu không chăm lo bồi dưỡng cho hòa giải viên sẽ làm cho công tác này đi xuống".

Phó Chủ tịch yêu cầu, trong thời gian tới: cần sự vào cuộc của nhiều sở, ngành, trong đó, thực hiện tốt Luật Hòa giải ở cơ sở, huy động sự vào cuộc của các ngành đoàn thể, các tổ chức chính trị khác. Chế độ chính sách cho người làm hòa giải còn thiếu và yếu, vì vậy, các đơn vị cần có đề xuất lên thành phố những cơ chế đặc thù giúp phát triển hệ thống hòa giải ở cơ sở.
 
Phó Chủ tịch UBND TP Lê Hồng Sơn yêu cầu: Đối với những khó về tài chính, Sở Tư pháp cần có đề xuất, giải pháp báo cáo thành phố để thành phố có cơ sở ban hành các chính sách hỗ trợ về kinh phí, đào tạo nguồn nhân lực giúp cho công tác này phát huy được hiệu quả./.
Các tin đã đưa ngày: