Liên kết website

Sở Tư pháp Đồng Nai triển khai Luật Lâm nghiệp và Thông tư liên tịch số 10/2018/TTLT-BTP-BQP-BTC-TANDTC-VKSNDTC

23/05/2019

Thực hiện Kế hoạch số 376/KH-UBND ngày 11/01/2019 của Chủ tịch UBND tỉnh về công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, hòa giải ở cơ sở, xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật năm 2019, định kỳ hàng quý Sở Tư pháp tổ chức Hội nghị tập huấn Báo cáo viên pháp luật để triển khai những văn bản pháp luật mới, văn bản pháp luật quan trọng nhằm góp phần nâng cao nhận thức và hiệu quả trong hoạt động của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức các cấp trên địa bàn tỉnh.

Tỉnh Đồng Nai của chúng ta hiện nay có 170.000 ha diện tích rừng với tỷ lệ che phủ đạt 29%, độ che phủ này so với cả nước là ở mức thấp. Nhằm tuyên truyền đến cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân về rừng, góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ, phát triển và sử dụng rừng, tăng tỷ lệ che phủ của rừng trong thời gian tới. Bên cạnh đó, hoạt động trợ giúp pháp lý nhà nước là một trong những hoạt động mang tính xã hội rất ý nghĩa của ngành tư pháp, nhằm để nâng cao hiệu quả công tác phối hợp trong hoạt động trợ giúp pháp lý, góp phần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các đối tượng yếu thế trong xã hội.
Với những lý do trên, ngày 22/5/2019, Sở Tư pháp tổ chức Hội nghị tập huấn báo cáo viên pháp luật quý II/2019. Hội nghị được tổ chức tại Trung tâm thông tin Công tác Tuyên giáo – Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy do đồng chí Ngô Văn Toàn – Phó Giám đốc Sở Tư pháp chủ trì. Tham dự Hội nghị có hơn 100 đại biểu là các Báo cáo viên pháp luật cấp tỉnh, cán bộ pháp chế các sở, ban, ngành; trợ giúp viên pháp lý, đại diện Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh; lãnh đạo Phòng Tư pháp, Hội Liên hiệp phụ nữ các huyện, thị xã Long Khánh và thành phố Biên Hòa.
Tại Hội nghị, các đại biểu đã nghe Báo cáo viên của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Báo cáo viên của Sở Tư pháp giới thiệu một số nội dung cơ bản quan trọng và điểm mới của Luật Lâm nghiệp năm 2018, nội dung cơ bản của Thông tư liên tịch số 10/2018/TTLT-BTP-BCA-BQP-BTC-TANDTC-VKSNDTC.
Báo cáo viên trình bày tại Hội nghị
Luật Lâm nghiệp năm 2017 được Quốc hội khóa XIV tại Kỳ họp thứ 4 thông qua ngày 15/11/2017, Luật gồm có 12 chương, 108 điều. Luật Lâm nghiệp năm 2017 ra đời nhằm cụ thể hóa những chủ trương, quan điểm của Đảng và quy định mới của Hiến pháp năm 2013. Đồng thời thiết lập khung pháp lý điều chỉnh các quan hệ xã hội trong lâm nghiệp là ngành kinh tế - xã hội bao gồm các hoạt động về quản lý, bảo vệ, phát triển, sử dụng rừng, kinh doanh, chế biến và thương mại lâm sản theo định hướng thị trường và hội nhập quốc tế; có cơ cấu quản lý, sản xuất kinh doanh hợp lý, ổn định theo hướng hiện đại, phát triển bền vững cả về kinh tế, xã hội, môi trường; góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống người làm nghề rừng và công cuộc xây dựng nông thôn mới, ứng phó với biến đổi khí hậu và quốc phòng, an ninh.
Thông tư liên tịch số 10/2018/TTLT-BTP-BCA-BQP-BTC-TANDTC-VKSNDTC (Thông tư liên tịch số 10) quy định về phối hợp thực hiện trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng thay thế Thông tư liên tịch số 11/2013/ TTLT-BTP-BCA-BQP-BTC-VKSNDTC-TANDTC. Thông tư liên tịch số 10 có một số điểm mới như bổ sung một số chủ thể trong trách nhiệm phối hợp thực hiện trợ giúp pháp lý, quy định rõ về việc giải thích, thông báo, thông tin trợ giúp pháp lý, bổ sung của Trung tâm và Chi nhánh, trách nhiệm của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng, cơ sở giam giữ và người có thẩm quyền.

Quang cảnh tại Hội nghị
Thông qua Hội nghị, các đại biểu đã nắm rõ hơn các quy định của Luật Lâm nghiệp năm 2017 và Thông tư liên tịch số 10 để thực hiện việc tuyên truyền, phổ biến cho công chức, viên chức của cơ quan, đơn vị, địa phương và nhân dân nhằm góp phần nâng cao hiệu quả công  tác phổ biến, giáo dục pháp luật trên địa bàn tỉnh./.
Đồng Hoa, Sở Tư pháp tỉnh Đồng Nai
Các tin đã đưa ngày: