Liên kết website

Kết quả nổi bật của công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk năm 2019

09/12/2019

Phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) là nhiệm vụ chính trị quan trọng ngày càng được các cấp ủy Đảng, chính quyền trên địa bàn tỉnh quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, góp phần lớn vào việc nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của Nhân dân trên địa bàn tỉnh. Trong năm 2019, trên cơ sở bám sát Kế hoạch triển khai công tác PBGPL của UBND tỉnh, Kế hoạch hoạt động của Hội đồng phối hợp PBGDPL của tỉnh, cơ quan Thường trực của Hội đồng cùng với chính quyền các cấp và các cơ quan, đơn vị có liên quan triển khai thực hiện với nhiều kết quả tích cực đáng khích lệ.

Về việc tham mưu, chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện công tác PBGDPL
Với tinh thần chủ động, khẩn trương trong việc tham mưu, chỉ đạo, định hướng về công tác PBGDPL, ngay từ cuối năm 2018, cơ quan Thường trực Hội đồng đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 11462/KH-UBND ngày 27/12/2018 về triển khai công tác PBGDPL năm 2019 trên địa bàn tỉnh làm cơ sở thực hiện thống nhất trong toàn tỉnh. Trên cơ sở đó, các sở, ban, ngành, đoàn thể, địa phương đã ban hành Kế hoạch triển khai công tác PBGDPL hoặc lồng ghép nội dung công tác PBGDPL trong kế hoạch hoạt động trong năm 2019 của cơ quan, đơn vị[1]. Ngoài ra, Hội đồng phối hợp PBGDPL của tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 10/KH-HĐPH ngày 04/4/2019 để đảm bảo thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ của Hội đồng, góp phần tham mưu, giúp UBND tỉnh chỉ đạo thống nhất, đồng bộ công tác PBGDPL của toàn tỉnh.  
Một số kết quả nổi bật trong năm 2019
Đối với nhiệm vụ tuyên truyền, phổ biến các văn bản pháp luật, cơ quan Thường trực Hội đồng đã chủ động tham mưu, giúp UBND tỉnh tổ chức 02 hội nghị tuyên truyền, phổ biến các luật mới ban hành tại kỳ họp thứ 6, thứ 7 - Quốc hội khóa XIV[2] cho lãnh đạo chủ chốt các sở, ban, ngành, đoàn thể ở tỉnh; thành viên Hội đồng phối hợp PBGDPL tỉnh; báo cáo viên pháp luật tỉnh; lãnh đạo HĐND, UBND và cơ quan, đơn vị của các huyện, thị xã, thành phố. Ngoài ra, đã thực hiện tuyên truyền, phổ biến pháp luật với nhiều hình thức khác như: phát hành Bản tin Tư pháp hàng tháng với số lượng 3.500 cuốn/số/tháng (tổng số phát hành trong năm là 42.000 cuốn); biên soạn và phát hành 320 cuốn Đề cương giới thiệu các luật mới ban hành tại kỳ họp thứ 6, thứ 7 - Quốc hội khóa XIV; 2.350 cuốn tài liệu “Trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại”; 1.500 cuốn tài liệu “Tìm hiểu các nội dung cơ bản của Bộ luật Hình sự năm 2015 được sửa đổi, bổ sung năm 2017”; 5.000 cuốn Sổ tay “Hỏi - đáp về Luật phòng, chống tác hại của rượu, bia”…; thường xuyên đăng thông tin, bài viết, tài liệu pháp luật trên Trang thông tin điện tử của cơ quan; duy trì phối hợp cùng Báo Đắk Lắk thực hiện chuyên mục “Giải đáp pháp luật” trên số báo cuối tuần,...
Đối với nhiệm vụ tổ chức Cuộc thi viết “Tìm hiểu Bộ luật Hình sự năm 2015”, ngay từ đầu năm 2019, cơ quan Thường trực Hội đồng đã tham mưu UBND tỉnh ban hành và tổ chức thực hiện Kế hoạch số 2323/KH-UBND ngày 25/3/2019 về việc tổ chức Cuộc thi viết “Tìm hiểu Bộ luật Hình sự năm 2015” nhằm tuyên truyền, phổ biến sâu rộng trong học sinh, sinh viên, cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang, người lao động và Nhân dân trên địa bàn tỉnh về những nội dung cơ bản của Bộ luật Hình sự năm 2015 (được sửa đổi, bổ sung năm 2017).
Cuộc thi đã nhận được sự quan tâm, hưởng ứng, tham gia của đông đảo cán bộ, công chức, viên chức và Nhân dân trên địa bàn tỉnh với số lượng bài tham gia dự thi khá lớn là 105.524 bài thi. Nhiều giải thưởng có giá trị đã được các Ban Tổ chức Cuộc thi cấp huyện, cấp tỉnh trao cho các tập thể, cá nhân xuất sắc. Theo đó, ở cấp huyện có tổng số 456 giải được trao cho các tập thể, cá nhân với tổng giá trị là 407 triệu đồng; ở cấp tỉnh có tổng cộng là 47 gỉải thưởng được trao với tổng giá trị là 63.500.000 đồng. Đây là thành quả xứng đáng dành cho các tập thể, cá nhân đã “dày công” đầu tư, nghiên cứu tham gia, thực hiện xuyên suốt trong quá trình diễn ra Cuộc thi.
Đối với nhiệm vụ tổ chức hưởng ứng Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2019 trên địa bàn tỉnh: như mọi năm, cơ quan Thường trực Hội đồng đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch[3] tổ chức Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam trên địa bàn tỉnh năm 2019 nhằm chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan, đơn vị, địa phương triển khai thực hiện. Tuy nhiên, điểm khác biệt là việc tổ chức Lễ Mít tinh hưởng Ngày pháp luật đã được tổ chức ở cấp huyện (thay vì chỉ tổ chức ở cấp tỉnh như các năm trước), nhờ đó đã chuyển tải tốt hơn, hiệu quả hơn các thông điệp về Ngày pháp luật đến với Nhân dân trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó, Cơ quan Thường trực của Hội đồng Phối hợp PBGDPL của tỉnh đã kịp thời hỗ trợ lắp đặt nhiều Panô hưởng ứng Ngày Pháp luật trên các tuyến đường chính của 15 huyện, thị xã, thành phố để cùng chính quyền cấp huyện tổ chức thực hiện đa dạng các hoạt động hưởng ứng Ngày pháp luật, tạo sự lan tỏa lớn trong cộng đồng dân của trên địa bàn tỉnh.
Đối với nhiệm vụ xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, các địa phương của tỉnh đã sớm hoàn thành việc đánh giá, công nhận xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật năm 2018 (ngay đầu năm 2019). Kết quả, có 164/184 đơn vị cấp xã trên địa bàn tỉnh đã tiến hành đánh giá đạt chuẩn tiếp cận pháp luật năm 2018, trong đó 133 đơn vị được công nhận đạt chuẩn tiếp cận pháp luật năm 2018 (đạt tỷ lệ 72,3%). Danh sách các đơn vị cấp xã đạt chuẩn và chưa đạt chuẩn tiếp cận pháp luật năm 2018 đều đã được công khai trên Cổng thông tin điện tử của tỉnh và trang web của Sở Tư pháp.
Không dừng ở đó, cơ quan Thường trực Hội đồng phối hợp PBGDPL của tỉnh đã tổ chức 06 cuộc kiểm tra công tác xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật tại các địa phương (huyện Cư Mgar, hyện Lắk, huyện Buôn Đôn); thực hiện hỗ trợ 01 tủ sách pháp luật và tổ chức 02 hội nghị tập huấn về công tác này cho cán bộ và nhân dân tại các xã được chọn làm mô hình điểm cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật (xã Ea Đrơng của huyện Cư Mgar, xã Đắk Phơi của huyện Lắk).
Đối với nhiệm vụ hòa giải ở cơ sở, bên cạnh việc duy trì chỉ đạo, tổ chức thực hiện tốt công tác hòa giải cơ sở tại các địa phương, cơ quan Thường trực của Hội đồng tỉnh cùng với chính quyền các cấp huyện, xã đã hoàn thành tổng kết 05 năm thi hành Luật Hòa giải ở cơ sở (Báo cáo số 99/BC-UBND ngày 18/4/2019); đồng thời đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 6247/KH-UBND ngày 05/8/2019 triển khai Đề án “Nâng cao năng lực đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở giai đoạn 2019 - 2022” trên địa bàn tỉnh. Hiện nay, toàn tỉnh có 2.508 tổ hoà giải với 15.217 hòa giải viên; trong năm 2019 các tổ hòa giải đã tiếp nhận 2.064 vụ việc, trong đó hòa giải thành 1.671 vụ việc (đạt tỷ lệ trên 80%).
Đối với nhiệm vụ tổng kết 15 năm thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa IX): có thể nói việc tổng kết kết 15 năm thực hiện Chỉ thị này là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của công tác PBGDPL năm 2019. Đây là nhiệm vụ được được Ban Chỉ đạo Trung ương về việc tổng kết 15 năm thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW chỉ đạo thực hiện thống nhất, đồng bộ trên phạm vi toàn tỉnh. Đối với tỉnh ta, cơ quan Thường trực Hội đồng đã kịp thời giúp Ban cán sự Đảng UBND tỉnh tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Kế hoạch[4] tổng kết 15 năm thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW trên địa bàn tỉnh và đã được các cơ quan Đảng, các cấp ủy, chính quyền các cấp khẩn trường tổ chức tổng kết một cách nghiêm túc. Kết quả, Tỉnh ủy Đắk Lắk đã có Báo cáo số 506-BC/TU ngày 21/8/2019 gửi Ban cán sự Đảng Bộ Tư pháp đúng tiến độ; đồng thời nhiều tập thể, cá nhân[5] đã được tặng Bằng khen biểu dương thành tích đặc biệt trong việc tham mưu, chỉ đạo triển khai thực hiện Chỉ thị này trong 15 năm qua.
Đối với hoạt động PBGDPL khác, nhiều sở, ngành, đoàn thể ở tỉnh cũng đã chủ động tham mưu, triển khai thực hiện nhiều hoạt động thiết thực, như: Ban Dân tộc đã tổ chức 15 hội nghị tuyên truyền về tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong đồng bào dân tộc thiểu số; lắp đặt 13 áp phích tuyên truyền tại trụ sở UBND 13 xã có tỷ lệ tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống cao trên địa bàn tỉnh; tổ chức 02 lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho 150 người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số; biên soạn và cấp phát hơn 69.000 tài liệu tuyên truyền pháp luật bằng tiếng phổ thông và tiếng dân tộc thiểu số; Sở Giáo dục và Đào tạo đã chỉ đạo các Phòng giáo dục và Đào tạo, trường học trực thuộc Sở tổ chức các hội nghị tuyên truyền, giới thiệu pháp luật mới ban hành; lồng ghép tuyên truyền pháp luật vào các buổi chào cờ, sinh hoạt lớp, sinh hoạt ngoại khóa; phối hợp với Ban An toàn giao thông tỉnh tổ chức Cuộc thi “Giao lưu tìm hiểu an toàn giao thông cho học sinh cấp tiểu học” trên địa bàn tỉnh thu hút được 28.320 bài dự thi; Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh đã tham mưu Bộ Quốc phòng tổ chức thành công Hội nghị rút kinh nghiệm công tác tuyên truyền, PBGDPL cho cán bộ, Nhân dân vùng biên giới khu vực miền Trung - Tây nguyên năm 2019; phối hợp với Sở Ngoại vụ cấp phát 550 tờ rơi, 154 sách, đĩa DVD có nội dung về biên giới đất liền Việt Nam – Campuchia cho các Đồn biên phòng và 04 xã biên giới; Công an tỉnh đã tổ chức 445 buổi phát động Phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, 28 diễn đàn “ Công an lắng nghe ý kiến Nhân dân”; sản xuất 26 chuyên mục truyền hình, nhiều tin, bài viết, phóng sự liên quan đến an ninh, trật tự xã hội cho các cơ quan truyền thông, báo chí... Tính đến nay, các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh đã tổ chức 1.423 cuộc tuyên truyền pháp luật trực tiếp cho 134.508 lượt người; biên soạn, cấp phát miễn phí 179.829 bản tài liệu PBGDPL; đăng tải 7.846 tin, bài, tài liệu về pháp luật trên internet,...
Tuy nhiên, vẫn còn không ít khó khăn, bất cập và cần tiếp tục nổ lực!
Nhìn chung, công tác PBGDPL của tỉnh trong năm 2019 đã kết thúc với nhiều kết quả nổi bật, đáng khích lệ. Song, công tác này của tỉnh vẫn còn nhiều khó khăn, bất cập, như: việc triển khai công tác PBGDPL ở một số cơ quan, đơn vị, địa phương chỉ dừng lại ở việc ban hành kế hoạch, văn bản chỉ đạo, hướng dẫn chung, chứ chưa chú trọng khâu tổ chức thực hiện các hoạt động cụ thể, có trọng tâm, trong điểm trên thực tế; việc tham mưu của một số Hội đồng phối hợp PBGDPL cấp huyện chưa rõ nét, chưa phát huy hết vai trò, trách nhiệm trong tham mưu, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc triển khai công tác PBGDPL; kinh phí bảo đảm cho công tác PBGDPL còn hạn chế, chưa tương xứng với yêu cầu nhiệm vụ trong thời kỳ mới; chính sách xã hội hóa trong công tác PBGDPL chưa được triển khai rộng rãi, chưa thu hút được các nguồn lực xã hội tham gia, hỗ trợ cho hoạt động PBGDPL... Những bất cập, khó khăn đó tuy không dễ dàng giải quyết trong “ngày một ngày hai”, nhưng có lẽ cũng là động lực lớn để chúng ta cùng suy ngẫm, nỗ lực và phấn đấu thực hiện tốt hơn công tác PBGDPL của tỉnh trong những năm tới.
Diễm Hằng
 
[1] Gồm các đơn vị: Sở Tư pháp, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Y tế, Sở Nội vụ, Sở Tài chính, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Xây dựng, Sở Giao thông vận tải, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Ngoại vụ, Sở Công thương, Thanh tra tỉnh, Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, Hội Cựu chiến binh tỉnh, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh, Tỉnh đoàn, Cục Thống kê tỉnh, Cục Hải quan tỉnh và UBND các huyện, thị xã, thành phố.
[2] - Ngày 21/3/2019, UBND tỉnh tổ chức tuyên truyền, giới thiệu các luật mới ban hành tại kỳ họp thứ 6 - Quốc hội khóa XIV trong Hội nghị tổng kết công tác PBGDPL năm 2018 trên địa bàn tỉnh.
   - Ngày 06/11/2019, UBND tỉnh tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn tỉnh phổ biến, quán triệt các luật mới ban hành tại kỳ họp thứ 7 - Quốc hội khóa XIV với điểm cầu chính UBND tỉnh và điểm cầu UBND các huyện, thị xã, thành phố.
[3] Kế hoạch số 6900/KH-UBND ngày 23/8/2019
[4] Kế hoạch số 117-KH/TU ngày 20/6/2019
[5] Theo Quyết định số 1677-QĐ/TU ngày 26/9/2019 của Tỉnh ủy Đăk Lắk, có 8 tập thể và 14 cá nhân đã được tặng Bằng khen.
Các tin đã đưa ngày: