Liên kết website

Những thành tựu nỗi bật sau 15 năm thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW trên địa bàn tỉnh Quảng Bình

09/12/2019

Qua 15 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW, cấp ủy và chính quyền các cấp trên địa bàn tỉnh đã nhận thức rõ hơn vị trí, vai trò và tầm quan trọng của công tác phổ biến giáo dục pháp luật (PBGDPL), do đó đã có sự chỉ đạo tích cực, quan tâm về bố trí nhân lực, đầu tư kinh phí, trang thiết bị tuyên tuyền, tài liệu cơ bản đảm bảo vì vậy hầu hết cán bộ lãnh đạo các sở, ban, ngành, địa phương đã ý thức được vai trò, trách nhiệm của mình trong công tác PBGDPL, coi công tác PBGDPL là một bộ phận của công tác giáo dục chính trị tư tưởng cho cán bộ, đảng viên nên đã thường xuyên quan tâm đổi mới phương thức lãnh đạo, chỉ đạo, phát huy vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền và tổ chức đoàn thể trong tổ chức thực hiện.

Với việc ban hành các văn bản, cụ thể hóa chính sách về PBGDPL đã tạo nên những hiệu quả tích cực, trọng tâm là đã ban hành văn bản có tính chất định hướng trong quá trình thực hiện tuyên truyền, PBGDPL trên cơ sở chỉ đạo, hướng dẫn của Trung ương và có sự vận dụng phù hợp với điều kiện kinh tế, xã hội của tỉnh. Bên cạnh đó, tỉnh cũng đã ban hành văn bản quy định chi và mức chi cho công tác tuyên truyền PBGDPL, qua đó kịp thời khuyến khích đội ngũ làm công tác PBGDPL, nhất là hòa giải viên ở cơ sở phát huy tinh thần, trách nhiệm, tận tâm, nhiệt tình thực hiện nhiệm vụ.
Công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật đã bám sát mục tiêu, yêu cầu đáp ứng nhu cầu tìm hiểu của từng nhóm đối tượng. Hình thức, biện pháp tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật có nhiều đổi mới, cơ bản phù hợp, thiết thực đối với các tầng lớp nhân dân. Các hình thức tuyên truyền đa dạng, phong phú, phù hợp với từng đối tượng; bên cạnh các hình thức truyền thống, đã áp dụng các hình thức mới, ứng dụng công nghệ thông tin để nâng cao hiệu quả.
Năm 2012, Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật được ban hành, nhận thức, ý thức trách nhiệm của các cấp ủy, chính quyền, cơ quan, tổ chức, cán bộ và nhân dân trong thi hành pháp luật đã được nâng lên rõ rệt; tạo cơ sở pháp lý và giúp cơ quan quản lý nhà nước thực hiện công tác quản lý trong phổ biến, giáo dục pháp luật được chặt chẽ hơn; góp phần thực hiện mục tiêu hạn chế, tiến tới đẩy lùi các hành vi vi phạm pháp luật; giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh; thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; tác động tích cực vào quá trình xây dựng, thực thi pháp luật và bảo vệ pháp luật... Sau khi Luật PBDGPL có hiệu lực đến nay, toàn tỉnh đã tổ chức 6.236 hội nghị, cuộc họp, giao ban cho hơn 685.960 lượt người; in ấn, phát hành 432.530 tài liệu; tuyên truyền 54.895 tin, bài trên phương tiện thông tin đại chúng; thực hiện 68 chuyên mục “Pháp luật và đời sống”... Hiệu quả là công tác PBGDPL đã kịp thời, nhạy bén trong nắm bắt những vấn đề được Nhân dân quan tâm để tuyên truyền pháp luật như giữ vững chủ quyền biển đảo, bầu cử, vận đồng người dân không tụ tập, cản trở các dự án lớn của tỉnh, sự cố môi trường biển. Các cấp, các ngành đã thường xuyên tổ chức kiểm tra, giám sát chuyên đề, qua đó phát hiện nhiều vấn đề bất cập, hạn chế, vướng mắc trong triển khai thi hành pháp luật, đồng thời tăng cường tuyên truyền, giải thích, giải quyết kịp thời, nghiêm túc những kiến nghị, phản ánh của Nhân dân, tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn.
Cùng với đó, việc lựa chọn nội dung, hình thức phù hợp với từng địa bàn, nhóm đối tượng, nhiệm vụ chính trị, kinh tế, xã hội ở địa phương và yêu cầu của từng cấp, ngành, cơ quan, đơn vị vừa thể hiện sự đồng bộ, rộng khắp vừa có chiều sâu, trọng tâm, trọng điểm, thực sự hướng về cơ sở. Sau 15 năm thực hiện Chỉ thị số 32/CT/TW, thông qua tuyên truyền miệng, các cơ quan, đơn vị, địa phương đã tổ chức trên 67.383 hội nghị phổ biến, quán triệt hoặc tập huấn văn bản pháp luật cho khoảng 6.974.800 lượt người là đội ngũ công chức, viên chức, người lao động, báo cáo viên pháp luật cấp tỉnh, huyện, tuyên truyền viên pháp luật cấp xã và Nhân dân trên địa bàn; mua và biên soạn hơn 1.300.000 bộ tài liệu tuyên truyền liên quan đến nhiều lĩnh vực pháp luật khác nhau. Thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, thực hiện trên 58.138 giờ tuyên truyền PBGDPL. Ngoài ra, các cơ quan, đơn vị, địa phương đã tích cực hưởng hứng, tham gia trên 1.250 cuộc thi, hội thi với nhiều hình thức phong phú có nội dung tuyên tuyền PBGDPL. Thông qua các cuộc thi, hội thi, văn bản pháp luật trên các lĩnh vực đã được tuyên truyền phổ biến rộng rãi đến cán bộ, Nhân dân, đây thực sự là hoạt động bổ ích, mang lại hiệu quả cao đối với công tác PBGDPL, góp phần đưa pháp luật vào cuộc sống. Tại các buổi tiếp xúc cử tri, các đại biểu Quốc hội và HĐND ngoài việc giới thiệu nội dung dự án luật, pháp lệnh, nghị quyết còn ghi nhận và trực tiếp giải đáp thắc mắc của cử tri liên quan đến chính sách pháp luật hiện hành, động viên cử tri chấp hành quy định pháp luật của Nhà nước. Hoạt động tư vấn pháp luật và trợ giúp pháp lý được các cấp, các ngành quan tâm thực hiện, góp phần củng cố niềm tin pháp luật, giáo dục ý thức tôn trọng pháp luật cho cán bộ, Nhân dân. Đến nay, hoạt động trợ giúp pháp lý trên toàn tỉnh đã thực hiện hơn 25.052 vụ việc cho hơn 25.347 đối tượng thuộc diện trợ giúp pháp lý miễn phí ở các lĩnh vực dân sự, hình sự, hôn nhân - gia đình, đất đai - nhà ở, lao động, việc làm... Hình thức sinh hoạt câu lạc bộ (CLB) pháp luật và mô hình PBGDPL thu hút đông đảo thành viên tham gia, góp phần tích cực cho công tác PBGDPL. Hiện nay, trên địa bàn có 614 CLB đang hoạt động, nổi bật là “Tuổi trẻ phòng chống tội phạm”, “CLB thanh niên”, “CLB tiền hôn nhân”, “CLB trợ giúp pháp lý”, “Nông dân với pháp luật”... Bên cạnh đó, hoạt động hòa giải ở cơ sở đã góp phần giải quyết các tranh chấp, vi phạm nhỏ trong cộng đồng dân cư, hạn chế tình trạng đơn thư khiếu nại, tố cáo, nhất là khiếu nại, tố cáo vượt cấp. Tính đến thời điểm hiện tại, toàn tỉnh có 1.334 tổ hòa giải với 9.111 hòa giải viên và tỷ lệ hòa giải thành đạt trung bình trên 80%.
Trong quá trình thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật đã có sự đổi mới trong lựa chọn nội dung và hình thức. Cụ thể, nội dung và hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật được đổi mới theo hướng đáp ứng nhu cầu kiến thức cơ bản về pháp luật, đáp ứng yêu cầu thực tiễn để nâng cao trình độ, nhận thức cho các đối tượng, giúp họ có khả năng vận dụng sáng tạo vào cuộc sống. Các báo cáo viên, cán bộ được phân công thực hiện nhiệm vụ tích cực biên soạn nội dung tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, phù hợp với đặc điểm, điều kiện, trình độ nhận thức, tính chất công việc của từng đối tượng. Hình thức, phương pháp phổ biến, giáo dục pháp luật được đa dạng hóa, sử dụng linh hoạt như tổ chức hội nghị, lớp bồi dưỡng, tọa đàm, buổi nói chuyện, hoạt cảnh tình huống, sân khấu hóa, phiên tòa giả định, tài liệu trực quan sinh động, chuyên mục trên sóng phát thanh, truyền hình, website...; lồng ghép việc phổ biến, giáo dục pháp luật tại các buổi sinh hoạt cộng đồng; đã chú trọng nâng cao hiệu quả hình thức thi tìm hiểu pháp luật;mở rộng phạm vi hoạt động tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý, không chỉ tư vấn tại trụ sở mà còn đến các làng, xã, bản tư vấn lưu động hoặc thông qua các câu lạc bộ trợ giúp pháp lý...
Đến nay, Hội đồng phối hợp, phổ biến giáo dục các cấp đã được tăng cường cả về số lượng, chất lượng, hoạt động ngày càng nền nếp, cấp ủy và lãnh đạo các đơn vị đã có sự cân nhắc, tuyển chọn những người có phẩm chất, năng lực, trình độ, có khả năng tuyên truyền giáo dục, nhiệt tình, trách nhiệm để làm báo cáo viên, tuyên truyền viên và công chức pháp chế là đầu mối tham mưu giúp lãnh đạo cơ quan, đơn vị thực hiện nhiệm vụ PBGDPL. Các cơ quan chuyên môn, tổ chức pháp chế của các sở, ngành, địa phương đã chủ động trong việc tham mưu cho cấp ủy lãnh đạo triển khai thực hiện công tác PBGDPL, có sự phối hợp chặt chẽ giữa các ngành trong việc tổ chức, triển khai thực hiện. Công tác tuyên truyền từng bước được đổi mới với nhiều hình thức đa dạng, phong phú, có chiều sâu, trọng tâm, trọng điểm, thực sự hướng về cơ sở. Các sở, ban, ngành, Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể chính trị - xã hội đã chủ động xây dựng kế hoạch phối hợp trong công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật.
Sau 15 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật mang lại hiệu quả thiết thực, nâng cao hiểu biết và ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, đảng viên, Nhân dân, hạn chế vi phạm pháp luật, tạo thuận lợi để đưa đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước vào cuộc sống, góp phần quan trọng vào việc phát triển kinh tế - xã hội, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh. Để tôn vinh, ghi nhận những đóng góp tích cực của các tập thể và cá nhân trong 15 năm thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW ngày 09/12/2003 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa IX) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, Nhân dân, đã có 08 tập thể, 08 cá nhân được Ban Thường vụ Tỉnh ủy tặng Bằng khen và 04 tập thể, 02 cá nhân Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen cho 04 tập thể, 02 cá nhân vì có nhiều thành tích xuất sắc trong 15 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW.
Thời gian tới, để tiếp tục tổ chức thực hiện tốt Chỉ thị số 32-CT/TW ngày 09/12/2003 của Ban Bí thư Trung ương Đảng, các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương trong tỉnh tập trung chỉ đạo đối với công tác tuyên truyền, PBGDPL; không ngừng đổi mới phương thức hoạt động của Hội đồng Phối hợp PBGDPL các cấp, bảo đảm có chất lượng, hiệu quả trong việc tham mưu, chỉ đạo, định hướng công tác PBGDPL; phát huy tốt tinh thần trách nhiệm, tính chủ động sáng tạo của cơ quan chuyên trách và sự phối hợp chặt chẽ, thường xuyên của các cấp, ngành trong quá trình thực hiện nhiệm vụ PBGDPL. Các sở, ngành và địa phương chú trọng lựa chọn nội dung phù hợp, sát thực với từng nhóm đối tượng tuyên truyền; hình thức phổ biến phong phú, đa dạng, vận dụng linh hoạt, phù hợp với từng đối tượng, thời điểm; kết hợp công tác PBGDPL với giáo dục tư tưởng, đạo đức lối sống, văn hóa, truyền thống của dân tộc./.
Đoàn Hòa
Các tin đã đưa ngày: