Liên kết website

Sở Tư pháp tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu ban hành kế hoạch phòng, chống tham nhũng năm 2012

15/03/2012

Thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng, Quyết định số 4061/QĐ-BTP ngày 14/10/2011 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp về phê duyệt Đề án Tuyên truyền, phổ biến pháp luật về phòng, chống tham nhũng, Công ước của Liên hợp quốc về chống tham nhũng trong cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân từ năm 2012 đến năm 2016, Kế hoạch số 05/KH-BCĐ ngày 12/01/2012 của Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu  năm 2012, ngày 06/02/2012, Sở Tư pháp tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 49/KH-STP về phòng, chống tham nhũng năm 2012.

Mục đích của Kế hoạch nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm và ý thức chấp hành pháp luật về phòng, chống tham nhũng của cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân, tạo sự đồng thuận trong xã hội về đấu tranh phòng, chống tham nhũng, góp phần đấu tranh phòng, chống tham nhũng trên địa bàn tỉnh có hiệu quả.

          Yêu cầu đặt ra là nâng cao trách nhiệm phòng ngừa những hành vi tham nhũng trong cán bộ, công chức, viên chức có thể xẩy ra trong cơ quan, củng cố lòng tin của nhân dân đối với cơ quan nhà nước, phát huy tinh thần dân chủ của cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân trong phát hiện và đấu tranh phòng, chống tham nhũng. Gắn việc đấu tranh phòng, chống tham nhũng với việc cải cách thủ tục hành chính, thực hành tiết kiệm chống lãng phí, học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, xây dựng cơ quan trong sạch, vững mạnh, đội ngũ cán bộ kỷ cương, liêm chính.

Về nội dung các hoạt động triển khai thực hiện Kế hoạch bao gồm tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng chống tham nhũng bằng việc tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật và học tập Nghị quyết Trung ương 3 khóa X và các văn bản pháp luật liên quan về phòng, chống tham nhũng gắn với việc cải cách thủ tục hành chính, thực hành tiết kiệm chống lãng phí, học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh đến toàn thể cán bộ, công chức, viên chức trong ngành Tư pháp nói riêng và trên địa bàn tỉnh nói chung thông qua các hình thức như: Chủ trì, phối hợp với các cơ quan, ban, ngành, địa phương tổ chức hội nghị tuyên truyền, hội thi, biên soạn tài liệu, qua các phương tiện thông tin đại chúng…

Công tác hoàn thiện thể chế về phòng, chống tham nhũng được thực hiện bằng việc phân công một cán bộ kiêm nhiệm giúp lãnh đạo Sở trong việc theo dõi, hướng dẫn, đôn đốc các phòng chuyên môn, đơn vị trực thuộc, thực hiện báo cáo về phòng chống tham nhũng của Sở với Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng tỉnh và cấp trên. Phối hợp với Công an tỉnh, Sở Nội vụ, các cơ quan liên quan tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh xây dựng dự thảo văn bản quy định các chính sách bảo vệ tổ chức, cá nhân phát hiện, tố cáo hành vi tham nhũng, tiêu cực, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật về hướng dẫn thực hiện quy định trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương do mình phụ trách xẩy ra tham nhũng theo quy định tại Nghị định số 107/2006/NĐ-CP ngày 22/9/2006 của Chính phủ.

          Phòng ngừa tham nhũng bằng các biện pháp như: Duy trì và thực hiện tốt việc niêm yết công khai các thủ tục hành chính, mức thu phí, lệ phí tại trụ sở làm việc, tổ chức đường dây nóng; Công khai, minh bạch trong hoạt động mua sắm công, xây dựng cơ bản, quản lý, sử dụng tài sản công, công tác tổ chức cán bộ; Nghiêm túc thực hiện việc luân chuyển, chuyển đổi vị trí công tác.

          Cùng với đó, phải xử lý kịp thời, đúng quy định đối với các tin báo, đơn thư khiếu nại, tố cáo có dấu hiệu tham nhũng trong nội bộ cơ quan theo thẩm quyền, giải quyết dứt điểm các vụ việc khiếu nại, tố cáo của nhân dân đối với các lĩnh vực do Sở quản lý, đặc biệt chú trọng các vụ việc khiếu nại, tố cáo liên quan đến tham nhũng, tiêu cực…

          Định kỳ hàng tháng, quý, sáu tháng, chín tháng, hàng năm, các phòng chuyên môn, đơn vị trực thuộc Sở có trách nhiệm báo cáo về Văn phòng Sở tổng hợp báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh, Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng tỉnh và cấp trên trong công tác phòng, chống tham nhũng.

Các tin đã đưa ngày: