Liên kết website

Bộ Tư pháp tổ chức Hội thảo kinh nghiệm, mô hình phổ biến pháp luật về phòng, chống tham nhũng có hiệu quả

09/12/2016

Vừa qua, thực hiện Đề án tuyên truyền, phổ biến pháp luật về phòng, chống tham nhũng, Công ước của Liên hợp quốc về chống tham nhũng trong cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân, Bộ Tư pháp đã tổ chức Hội thảo “kinh nghiệm, mô hình phổ biến pháp luật về phòng, chống tham nhũng có hiệu quả”.

Tham dự Hội thảo có các đại diện đến từ các cơ quan, ban ngành ở Trung ương và địa phương, đặc biệt là các cơ quan mà dư luận cho rằng dễ nẩy sinh tham nhũng, tiêu cực như: Hải quan, Thi hành án dân sự, Ngân hàng, tài nguyên và môi trường, thuế…
 

Tại Hội thảo, các đại biểu đã sôi nổi thảo luận, đánh giá tình hình tham nhũng, nêu sự quyết tâm của Đảng và nhà nước với công tác phòng, chống tham nhũng. Nhiều ý kiến hay đã đưa ra các giải pháp, mô hình tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống tham nhũng hiệu quả, thiết thực. Theo Tiến sĩ Nguyễn Thắng Lợi, Vụ trưởng Vụ giải quyết khiếu nại, tố cáo. Tổng cục thi hành án dân sự, Bộ Tư pháp thì lĩnh vực thi hành án dân sự là lĩnh vực rất dễ nảy sinh tham nhũng. Để ngăn ngừa tham nhũng thì đòi hỏi pháp luật phải chặt chẽ, công khai minh bạch; phải xử lý nghiêm minh, nghiêm khắc với hành vi tham nhũng; hoặc phải nâng cao đời sống, thu nhập cho cán bộ, công chức, viên chức để không tham nhũng. Hàng tuần Tổng cục Thi hành án dân sự đều bố trí lãnh đạo của Tổng cục tiếp công dân, lãnh đạo Bộ thường xuyên sắp xếp lịch tiếp công dân hàng tháng.

Đại diện Sở Tư pháp tỉnh Bắc Ninh cho rằng: Đối tượng cần chú trọng phổ biến pháp luật về phòng, chống tham nhũng là cán bộ, công chức; người đứng đầu cơ quan, đơn vị, tổ chức là người trước hết cần được quán triệt các quy định pháp luật về phòng, chống tham nhũng. Để nâng cao hiệu quả phòng, chống tham nhũng, thì mỗi năm người đứng đầu cơ quan, đơn vị, tổ chức phải trực tiếp làm báo cáo viên tại lớp tập huấn pháp luật về phòng, chống tham nhũng; đồng thời đưa nội dung này vào chương trình đạo tạo, bồi dưỡng công chức hàng năm theo quy định. Đại điện Sở Tư pháp tỉnh Hà Nam cho rằng, nếu làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến thì công tác phòng, chống tham nhũng sẽ rất hiệu quả.

Kết luận Hội thảo, đồng chí Đỗ Xuân Lân, Vụ trưởng Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật nêu nhận định của Đảng là “tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên và tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí chưa bị đẩy lùi” (Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc XII) và “Mbộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trong đó có những đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý, kể cả một số cán bộ cao cấp, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống với những biểu hiện khác nhau về sự phai nhạt lý tưởng, sa vào chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, cơ hội, thực dụng, chạy theo danh lợi, tiền tài, kèn cựa địa vị, cục bộ, tham nhũng, lãng phí, tùy tiện, vô nguyên tắc...” (Nghị quyết  Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) - Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay). Một trong những giải pháp quan trọng là đẩy mạnh phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống tham nhũng hướng tới mục tiêu mọi người đều biết các quy định pháp luật để tự giác chấp hành.

Thời gian vừa qua đã có nhiều mô hình hay, cách làm mới nhưng hiệu quả chưa đạt được theo mục tiêu đề ra. Trong thời gian tới đòi hỏi pháp luật về phòng, chống tham nhũng phải thực thi nghiêm, tránh hiện tượng lợi dụng chức vụ, quyền hạn để trục lợi. Các đại biểu thống nhất cần ban hành bộ tài liệu chuẩn phục vụ công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về phòng, chống tham nhũng; phải phối hợp giữa giáo dục trong nhà trường, giáo dục tại gia đình, giáo dục về chính trị, đạo đức, lối sống, đề cao tính liêm sỉ, sự nêu gương.
Các tin đã đưa ngày: