Liên kết website

Kiểm tra, khảo sát liên ngành về công tác hòa giải ở cơ sở và xây dựng xã, phường, thị trấn tiếp cận pháp luật tại Bến Tre, Tiền Giang

26/10/2017

Từ ngày 17 đến ngày 20/10/2017, Đoàn kiểm tra, khảo sát liên ngành gồm đại diện đơn vị chức năng của Bộ Tư pháp (Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật), Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (Ban Dân chủ và Pháp luật) và Trung ương Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam (Ban Chính sách – Pháp luật) đã tổ chức kiểm tra, khảo sát tình hình thực hiện Luật Hòa giải ở cơ sở và nhiệm vụ xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật tại các tỉnh Bến Tre và Tiền Giang. Tại mỗi tỉnh, Đoàn liên ngành đã nắm bắt tình hình thực tế triển khai các mặt công tác này tại 01 đơn vị cấp xã (xã Tam Phước huyện Châu Thành – Bến Tre và xã Long Bình Điền huyện Chợ Gạo – Tiền Giang) và làm việc với Sở Tư pháp, đại diện của một số sở, ban, ngành có liên quan (Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Mặt trận, Phụ nữ, Nông dân, Luật gia, Hội Cựu chiến binh) và Phòng Tư pháp trên địa bàn tỉnh.

Về công tác hòa giải ở cơ sở, kể từ khi có Luật, việc triển khai thực hiện công tác hòa giải ở cơ sở tại các tỉnh đã có chuyển biến nhất định, được cấp ủy, lãnh đạo chính quyền các cấp quan tâm; các vụ, việc hòa giải thành đạt tỷ lệ cao; Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên đã phối hợp chặt chẽ với cơ quan Tư pháp và phát huy vai trò trong hoạt động hòa giải ở cơ sở. Kinh phí hỗ trợ cho Tổ hòa giải và hoạt động hòa giải cũng được quan tâm, đã ban hành Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh quy định nội dung chi, mức chi kinh phí ngân sách nhà nước thực hiện công tác hòa giải ở cơ sở; trên thực tế các địa phương đã bố trí kinh phí nhưng chủ yếu chi cho vụ, việc hòa giải thành, thù lao hòa giải viên, hỗ trợ bút, giấy cho hoạt động hòa giải; chú trọng triển khai thực hiện Chương trình bồi dưỡng kiến thức pháp luật và nghiệp vụ hòa giải ở cơ sở (Tiền Giang tổ chức 59 cuộc tập huấn cho 5.429 hòa giải viên; Bến Tre tổ chức 50 hội nghị tập huấn cho trên 8.000 lượt hòa giải viên)... Cơ quan Tư pháp đã phát huy vai trò  và trách nhiệm trong tham mưu, giúp Ủy ban nhân dân các cấp thực hiện quản lý, chỉ đạo, hướng dẫn công tác hòa giải ở cơ sở tại địa phương. Đã có một số cách làm phù hợp, sáng tạo của địa phương được Đoàn kiểm tra, khảo sát liên ngành đánh giá cao, như việc huy động đội ngũ luật gia tham gia, hỗ trợ tổ hòa giải, hòa giải viên ở cơ sở thực hiện hòa giải, góp phần giải quyết các mâu thuẫn, tranh chấp tại cơ sở trên địa bàn tỉnh Bến Tre; xây dựng các tổ hòa giải khu nhà trọ công nhận tự quản để kịp thời giải quyết, thực hiện hòa giải các mâu thuẫn phát sinh trong đời sống của các cặp vợ chồng lao động tại các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Tiền Giang.
Về xây dựng xã, phường, thị trấn (cấp xã) đạt chuẩn tiếp cận, tuy là nhiệm vụ lần đầu tiên được triển khai thực hiện, nhưng các địa phương đã có những quan tâm bước đầu trong chỉ đạo, hướng dẫn, thực hiện gắn kết với xây dựng nông thôn mới trên địa bàn. Qua đó, góp phần nâng cao đời sống văn hóa, pháp luật của người dân ở cơ sở. Đến nay, các tỉnh đều đã ban hành Kế hoạch của Ủy ban nhân dân tỉnh để tổ chức thực hiện nhiệm vụ này. Tại tỉnh Bến Tre, trên cơ sở Kế hoạch, văn bản chỉ đạo của Ủy ban nhân dân tỉnh và Sở Tư pháp, đến nay các huyện, thành phố đã ban hành kế hoạch triển khai đến các xã. Tại tỉnh Tiền Giang, Sở Tư pháp đã tham mưu, giúp Ủy ban nhân dân tỉnh tăng cường thực hiện quán triệt, truyền thông, tập huấn (Sở Tư pháp đã tổ chức 02 lớp tập huấn cho 330 công chức tư pháp – hộ tịch; chọn xã chỉ đạo điểm và hỗ trợ, quán triệt, tập huấn tập huấn kiến thức pháp luật, kỹ năng nghiệp vụ PBGDPL, hòa giải cơ sở, xây dựng xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật cho các ngành, đoàn thể, hòa giải viên; hỗ trợ trang bị 08 tủ sách pháp luật tại các ấp và 4.000 tờ rơi pháp luật đến từng hộ gia đình. Tại cấp huyện, đã tổ chức 11 cuộc tập huấn chuyên đề, biên soạn 16.000 tài liệu hướng dẫn, thực hiện thông tin trên Đài Phát thanh truyền hình, Báo và hệ thống loa truyền thanh cấp huyện, cấp xã; tổ chức tập huấn Luật trợ giúp pháp lý và kỹ năng hòa giải ở cơ sở cho hòa giải viên (1.082 hòa giải viên) của 25 xã nông thôn mới thuộc 10 huyện trên địa bàn. 
Qua kiểm tra, khảo sát thực tế cho thấy việc triển khai thực hiện công tác hòa giải ở cơ sở và xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật còn gặp một số khó khăn, vướng mắc. Công tác hòa giải ở cơ sở có lúc còn thiếu sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, đầu tư kinh phí, cơ sở vật chất, chưa thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước; kinh phí còn khó khăn, hạn hẹp nên chưa bố trí, hỗ trợ, thực hiện đúng Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh; việc bầu hòa giải viên chưa thực hiện theo quy định; một số hòa giải viên còn hạn chế về kiến thức pháp luật và kỹ năng hòa giải… Nhiệm vụ xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật còn chậm triển khai, gặp một số lúng túng; thiếu nguồn lực thực hiện; một số chỉ tiêu trùng với nội dung của các tiêu chí khác trong Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới nhưng chưa có sự phối kết hợp trong thực hiện giữa các cơ quan, đơn vị có liên quan. Từ đó, các địa phương kiến nghị rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện một số quy định về hòa giải ở cơ sở, trong đó có việc đơn giản hóa quy trình bầu hòa giải viên theo Nghị quyết liên tịch số 01/2014/NQLT/CP-UBTUMTTQVN; quan tâm đầu tư kinh phí, tập huấn hòa giải viên; tổ chức giao lưu, trao đổi nhằm chia sẻ và học hỏi kinh nghiệm về hòa giải; tăng cường chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật; bảo đảm kinh phí, nguồn lực để tổ chức thực hiện có hiệu quả hơn các nhiệm vụ trên thực tế trong thời gian tới…
 
Các tin đã đưa ngày: