Liên kết website

Nâng cao hiệu quả phổ biến, giáo dục pháp luật trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp

31/08/2018

Ngày 30/8, thực hiện Kế hoạch công tác của 2 cơ quan, Bộ Tư pháp đã phối hợp với Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội tổ chức Hội thảo “Các giải pháp tăng cường công tác phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp”.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Phó Vụ trưởng Vụ PBGDPL (Bộ Tư pháp) Uông Ngọc Thuẩn đề cao vị trí, vai trò quan trọng của công tác PBGDPL, là bộ phận của công tác chính trị - tư tưởng và là trách nhiệm của toàn bộ hệ thống chính trị, Nhà nước giữ vai trò nòng cốt. Những năm qua, nhất là sau khi Luật PBGDPL được ban hành, công tác này luôn được Đảng, Nhà nước, cấp ủy, lãnh đạo các bộ, ngành, đoàn thể, địa phương quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện, trong đó có công tác PBGDPL trong các cơ sở giáo dục của hệ thống giáo dục quốc dân nói chung và trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp nói riêng.
Theo đánh giá của ông Thuẩn, hoạt động PBGDPL trong các cơ sở giáo dục của hệ thống giáo dục quốc dân, trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã và đang được triển khai có hệ thống, từng bước phát huy hiệu quả, góp phần nâng cao nhận thức pháp luật, xây dựng ý thức tuân thủ, chấp hành pháp luật trong đội ngũ cán bộ, giáo viên, giảng viên và đặc biệt là đối tượng học sinh, sinh viên trong các nhà trường. Qua đó, thiết thực phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, tăng cường quản lý xã hội bằng pháp luật.
Tuy nhiên, công tác PBGDPL trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp vừa qua cũng bộc lộ một số tồn tại, hạn chế, cả về nhận thức, chính sách, cơ chế tổ chức thực hiện và các điều kiện bảo đảm. Những tồn tại, hạn chế này đã phần nào được nhận diện trong quá trình theo dõi, triển khai, sơ kết, tổng kết việc thực hiện công tác PBGDPL trong nhà trường. Vì vậy, ông Thuẩn mong muốn các đại biểu tham dự Hội thảo sẽ cùng nhau thảo luận, đánh giá chính xác, khách quan và toàn diện về kết quả đã đạt được, chỉ ra tồn tại, hạn chế, nguyên nhân và rút ra bài học kinh nghiệm để đề xuất các giải pháp đẩy mạnh công tác PBGDPL trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả công tác này trong thời gian tới.
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) Đỗ Năng Khánh nhấn mạnh mục tiêu “đào tạo con người Việt Nam phát triển toàn diện, có đạo đức, tri thức, sức khỏe, thẩm mỹ và nghề nghiệp, trung thành với lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; hình thành và bồi dưỡng nhân cách, phẩm chất và năng lực của công dân, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”. Mục tiêu này gắn với yêu cầu của công cuộc đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục, đào tạo của nước ta, đòi hỏi phải có những giải pháp tăng cường hiệu quả triển khai công tác PBGDPL trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Hơn nữa, theo ông Khánh, chúng ta vẫn nêu cao khẩu hiệu “Sống và làm việc theo Hiến pháp, pháp luật” nên hoạt động PBGDPL trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp là hoạt động then chốt trong giáo dục tinh thần thái độ, ý thức, hành động đúng mực cho thế hệ trẻ ngay từ trên ghế nhà trường.
Tại Hội thảo, các đại biểu đã thẳng thắn phân tích, nhận định kết quả công tác PBGDPL trong cơ sở giáo dục nghề nghiệp thuộc phạm vi quản lý; chia sẻ những mô hình hay, cách làm hiệu quả tại cơ quan, đơn vị mình. Đồng thời, sôi nổi “hiến kế” nhiều giải pháp đẩy mạnh công tác PBGDPL trong cơ sở giáo dục nghề nghiệp như các giải pháp tiếp tục đổi mới nội dung, đa dạng hóa các hình thức PBGDPL tại cơ sở giáo dục nghề nghiệp gắn với ứng dụng công nghệ thông tin; các giải pháp nâng cao quản lý nhà nước về PBGDPL trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp; các giải pháp phát huy vai trò chủ động, tự giác học tập, tìm hiểu pháp luật trong đội ngũ cán bộ, giáo viên, giảng viên, học sinh, sinh viên trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.
P.V
Các tin đã đưa ngày: