Liên kết website

Kiểm tra thực hiện nhiệm vụ xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật tại tỉnh Đắk Lắk và tỉnh Lâm Đồng

02/10/2018

Thực hiện Quyết định số 2353/QĐ-BTP ngày 07/9/2018, Quyết định số 2388/QĐ-BTP ngày 19/9/2018 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp, từ ngày 24/9/2018 đến ngày 28/9/2018, Đoàn công tác của Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật do đồng chí Phan Hồng Nguyên - Phó Vụ trưởng làm Trưởng đoàn đã kiểm tra tình hình thực hiện nhiệm vụ xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật tại Đắk Lắk và Lâm Đồng.

Tại mỗi tỉnh, Đoàn đã kiểm tra tình hình thực hiện nhiệm vụ xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật tại một đơn vị cấp huyện (huyện Krông Pắk, tỉnh Đắk Lắk và huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng); làm việc với lãnh đạo Sở Tư pháp và lãnh đạo một số sở, ngành, tổ chức liên quan của hai tỉnh (Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Sở Tài chính, Văn phòng Điều phối nông thôn mới…). Riêng tại tỉnh Lâm Đồng, Đoàn công tác còn kiểm tra tình hình thực hiện nhiệm vụ xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật tại Ủy ban nhân dân, Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của Ủy ban nhân dân xã Phú Hội, huyện Đức Trọng.

Theo Chương trình, tại mỗi địa phương đến kiểm tra, Đoàn công tác đã nghe báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật trên địa bàn tỉnh năm 2017 và những tháng đầu năm 2018, trong đó tập trung đánh giá kết quả đã đạt được; tồn tại, hạn chế và nguyên nhân; xác định phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp, đồng thời đề xuất, kiến nghị với cơ quan, tổ chức có liên quan để thực hiện nhiệm vụ xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật hiệu quả, thiết thực. Bên cạnh đó, Đoàn công tác còn trực tiếp kiểm tra hồ sơ rà soát, đề nghị công nhận đạt chuẩn tiếp cận pháp luật năm 2017 của một số đơn vị cấp xã trên địa bàn 02 tỉnh.

Theo báo cáo của 02 địa phương, thực hiện Quyết định số 619/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Sở Tư pháp đã tham mưu Ủy ban nhân dân cùng cấp ban hành văn bản triển khai nhiệm vụ xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật (Quyết định số 1572/QĐ-UBND ngày 27/6/2017 và Công văn số 6459/UBND-NC ngày 17/8/2017 của Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk; Kế hoạch số 4224/KH-UBND ngày 04/7/2017 của Ủy ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng); hướng dẫn, giải đáp khó khăn, vướng mắc cho địa phương, cơ sở. Trên cơ sở hướng dẫn của tỉnh, các địa phương đã ban hành văn bản tổ chức triển khai thực hiện. Lãnh đạo Sở Tư pháp của hai tỉnh được bổ sung vào Ban Chỉ đạo xây dựng nông thôn mới cùng cấp. Hiện tất cả đơn vị cấp huyện của 02 tỉnh đã thành lập Hội đồng đánh giá tiếp cận pháp luật. Hai tỉnh đã tổ chức tập huấn, quán triệt, truyền thông về nhiệm vụ xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật; biên soạn, phát hành tài liệu hướng dẫn nghiệp vụ; hỗ trợ chỉ đạo điểm thực hiện nhiệm vụ này (Đắk Lắk). Kinh phí bố trí thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật và tiêu chí phổ biến, giáo dục pháp luật, hòa giải ở cơ sở năm 2018 được quan tâm hơn (tỉnh Đắk Lắk bố trí 100 triệu đồng cho nhiệm vụ quản lý nhà nước về xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật; tỉnh Lâm Đồng bố trí hơn 3,8 tỷ đồng cho các đơn vị cấp xã hỗ trợ hoạt động hòa giải ở cơ sở, một số đơn vị cấp huyện được bố trí kinh phí cho nhiệm vụ quản lý nhà nước về xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật). Kết quả đánh giá năm 2017, trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk có 72/184 đơn vị cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật (chiếm 39,13%); còn Lâm Đồng có 133/147 đơn vị cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật (chiếm 90,48%).
Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đã được, Đoàn công tác đã nêu những khó khăn, tồn tại trong thực hiện nhiệm vụ xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật như: một số cơ quan, đơn vị, địa phương chưa thực sự quan tâm tổ chức thực hiện; còn gặp khó khăn, lúng túng, trong đó có gắn kết với thực hiện xây dựng nông thôn mới tại địa phương. Sự phối hợp giữa cơ quan, đơn vị và công chức cấp xã một số nơi chưa chặt chẽ. Việc đánh giá, công nhận cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật tại một số nơi có biểu hiện hình thức, còn lúng túng về tài liệu kiểm chứng; sau khi đánh giá, chưa đề xuất, thực hiện giải pháp khắc phục khó khăn, hạn chế gắn với nâng cao hiệu quả thực hiện các chỉ tiêu, tiêu chí tiếp cận pháp luật. Kinh phí cho nhiệm vụ quản lý nhà nước về xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật nhìn chung còn hạn hẹp. Công chức tham mưu thực hiện nhiệm vụ xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật ở cơ sở còn mỏng.
Tại mỗi nơi đến kiểm tra, Đoàn công tác đã trao đổi, giải đáp các ý kiến của địa phương, cơ sở, đồng thời đề nghị Sở Tư pháp và các cơ quan, đơn vị tiếp tục quan tâm chỉ đạo, tổ chức thực hiện; truyền thông, nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của nhiệm vụ xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật gắn với xây dựng nông thôn mới; chú trọng bồi dưỡng nghiệp vụ xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật. Tổ chức đánh giá đối với tất cả đơn vị cấp xã một cách thực chất; nâng cao hiệu quả phối hợp giữa cơ quan, đơn vị và công chức theo dõi các tiêu chí, chỉ tiêu; kịp thời công khai kết quả đánh giá; chú trọng kiểm tra địa phương, cơ sở về tình hình đánh giá, công nhận, xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật. Sau khi đánh giá, cần quan tâm đến việc đề xuất và thực hiện các giải pháp khắc phục khó khăn, hạn chế trong thực hiện các tiêu chí, chỉ tiêu tiếp cận pháp luật. Bên cạnh đó, Đoàn công tác còn ghi nhận các đề xuất, kiến nghị của các địa phương để nghiên cứu, tham mưu giải quyết.
                                                   
                                                          Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật
Các tin đã đưa ngày: