Liên kết website

Họp góp ý dự thảo Đề án nâng cao năng lực đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở giai đoạn 2018-2022

08/10/2018

Ngày 04/10/2018, Bộ Tư pháp đã tổ chức cuộc họp với các cơ quan, đoàn thể trung ương, một số địa phương và chuyên gia để góp ý đối với dự thảo Đề án nâng cao năng lực đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở giai đoạn 2018-2022.

Tham dự cuộc họp có đại diện Vụ Pháp luật - Văn phòng Chính phủ, Trung ương Hội liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam, Hội Luật gia, Liên Đoàn Luật Sư, Vụ Tài chính - Hành chính sự nghiệp - Bộ Tài chính, Sở Tư pháp các tỉnh, thành phố như Hà Nội, Lạng Sơn, Hà Nam, Vĩnh Phúc, các chuyên gia có nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực nghiên cứu, tham mưu chính sách về hòa giải ở cơ sở và các đơn vị thuộc Bộ Tư pháp có liên quan như Vụ Pháp luật hình sự hành chính, Cục Kế hoạch Tài chính. Cuộc họp do Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu chủ trì.
  

Tại cuộc họp, các đại biểu đã tập trung thảo luận về các vấn đề sau:
1. Thời gian thực hiện Đề án từ năm 2019 đến năm 2022 hoặc đến năm 2023 (04 năm hay 05 năm).
2. Phạm vi thực hiện Đề án trên toàn quốc (như dự thảo Đề án) hay trong phạm vi hẹp tại một số tỉnh/thành phố chỉ đạo điểm
3. Tính khả thi của mục tiêu Đề án.
4. Đề xuất nhiệm vụ, giải pháp có tính đặc thù mang tính đột phá, hiệu quả cao, ngoài những nhiệm vụ, giải pháp đã nêu trong Dự thảo Đề án.
5. Về việc thực hiện chỉ đạo điểm:
+ Mô hình điểm thực hiện toàn bộ các nội dung của công tác hòa giải ở cơ sở hay chỉ thực hiện các nhiệm vụ mà Dự thảo Đề án đã đặt ra.
+ Xây dựng mô hình điểm tại 24 đơn vị cấp xã của 08 tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương theo Dự thảo Đề án hay tại 01 cấp xã của tất cả 63 tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương trên cả nước hay số lượng mô hình hình điểm chỉ đạo cụ thể khác.
6. Ý kiến về nội dung quy định về kinh phí thực hiện Đề án và những giải pháp cụ thể để Đề án có kinh phí hoạt động, để Đề án thực sự mang lại hiệu quả, đạt được mục tiêu đề ra.
Sau khi các đại biểu thảo luận, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu kết luận, nhất trí về tầm quan trọng của công tác hòa giải ở cơ sở trong đời sống kinh tế - xã hội. Thời gian qua, công tác hòa giải ở cơ sở đã được quan tâm, hỗ trợ và đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ song vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu của tình hình mới, nhất là về năng lực của đội ngũ hòa giải viên đòi hỏi phải cần thiết phải ban hành Đề án. Để tiếp tục hoàn thiện trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án, Thứ trưởng yêu cầu đơn vị soạn thảo trên cơ sở các ý kiến góp ý tại cuộc họp, cần sớm nghiên cứu tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Đề án và tập trung vào các nhóm giải pháp chính như rà soát đội ngũ hòa giải viên để bổ sung những người có đủ tiêu chuẩn, phẩm chất, uy tín tham gia công tác hòa giải ở cơ sở; các giải pháp nâng cao hiệu quả của hoạt động tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ cho hòa giải viên; Hội thi hòa giải viên giỏi; các hội nghị (diễn đàn) giao lưu, học hỏi, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm về thực tiễn công tác hòa giải ở cơ sở, vướng mắc, bất cập, những vấn đề mới phát sinh và giải pháp khắc phục, tháo gỡ; Ứng dụng công nghệ thông tin trong việc nâng cao năng lực đội ngũ hòa giải viên...; và một số giải pháp triển khai kế tiếp khi Đề án kết thúc nhằm tạo tính liên tục trong việc nâng cao năng lực cho đội ngũ hòa giải viên. Ngoài ra, Thứ trưởng yêu cầu cần xác định rõ mục tiêu trọng tâm của Đề án là “nâng cao năng lực đội ngũ hòa giải viên” chứ không phải là nâng cao hiệu quả công tác hòa giải ở cơ sở nói chung. Do đó, các chỉ tiêu đề ra cần sát thực và đảm bảo tính khả thi. Về phạm vi thực hiện, Đề án được thực hiện trên phạm vi toàn quốc, các hoạt động chỉ đạo điểm sẽ được thực hiện đồng thời với các hoạt động khác với thời gian thực hiện là 04 năm, từ năm 2019 đến năm 2022. Dự thảo Đề án cần quy định giao cụ thể trách nhiệm thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp cho cơ quan, tổ chức, đoàn thể và địa phương; khái toán kinh phí và có báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến của Phó thủ tướng Chính phủ tại Côngvăn số 8950/VPCP-PL ngày 18/9/2018.
Các tin đã đưa ngày: