Liên kết website

Phiên họp lần thứ 19 của Hội đồng Phối hợp công tác phổ biến giáo dục pháp luật của Chính phủ

04/03/2011

Ngày 04/3/2011, tại trụ sở Bộ Tư pháp, Hội đồng Phối hợp công tác phổ biến, giáo dục pháp luật của Chính phủ tổ chức phiên họp toàn thể Hội đồng lần thứ 19 dưới sự chủ trì của đồng chí Hà Hùng Cường - Bộ trưởng Bộ Tư pháp, Chủ tịch Hội đồng.

Tại phiên họp, các thành viên Hội đồng đã nghe trình bày và tập trung thảo luận, trao đổi về dự thảo các văn bản như: Báo cáo kết quả công tác của Hội đồng Phối hợp các cấp năm 2010 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2011; Hướng dẫn khen thưởng công tác PBGDPL từ năm 2005 đến năm 2010; Kế hoạch kiểm tra của Hội đồng năm 2011.

Về cơ bản, Phiên họp thống nhất với những kết quả chủ yếu đạt được trong công tác của Hội đồng các cấp. Trong năm vừa qua, Hội đồng Phối hợp công tác phổ biến, giáo dục pháp luật các cấp từ Trung ương đến địa phương đã khẳng định hiệu quả hoạt động của mình, sâu sát, kịp thời trong chỉ đạo, hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật. Tổ chức của Hội đồng Phối hợp các cấp về cơ bản được quan tâm củng cố, kiện toàn; đội ngũ cán bộ thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật tiếp tục được củng cố, kiện toàn, nâng cao năng lực hoạt động. Bên cạnh phát huy các hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật truyền thống, Hội đồng các cấp đã chỉ đạo, tổ chức triển khai những hình thức, biện pháp phổ biến, giáo dục pháp luật mới, trong đó có mô hình “Ngày pháp luật”, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và thực hiện phổ biến pháp luật kịp thời, thường xuyên trên các phương tiện thông tin đại chúng. Hội đồng các cấp cũng đã chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức phối hợp phổ biến nội dung pháp luật về các lĩnh vực đang được dư luận xã hội quan tâm như: an toàn giao thông, vệ sinh an toàn thực phẩm, giải phóng mặt bằng… đã tác động tích cực đến nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân, góp phần hạn chế vi phạm pháp luật, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở các địa phương. Hoạt động phối hợp được tăng cường không chỉ giữa các thành viên Hội đồng mà còn giữa các thành viên của các Ban và phối hợp giữa các đơn vị thuộc Bộ, ngành nhằm tăng cường trao đổi thông tin, nâng cao hiệu quả phổ biến, giáo dục pháp luật. Hoạt động kiểm tra của Hội đồng các cấp được duy trì thường xuyên, nề nếp.

  

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, Phiên họp cũng đã thẳng thắn đánh giá những tồn tại, hạn chế trong hoạt động của Hội đồng Phối hợp các cấp như: Hoạt động phối hợp giữa các thành viên ở một số Hội đồng các cấp còn chưa thường xuyên, hiệu quả; nhìn chung các hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật mang tính hấp dẫn chưa có điều kiện tổ chức rộng rãi, thường xuyên nên chưa thu hút được sự quan tâm của đông đảo cán bộ, nhân dân ở cơ sở; tài liệu tuyên truyền pháp luật còn chưa thực sự đáp ứng được nhu cầu của cán bộ, nhân dân, chưa hoàn toàn phù hợp với từng đối tượng; đầu tư về nhân sự, điều kiện, ngân sách cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật còn chưa đồng đều, một số cơ quan bộ, ngành và địa phương, nhất là cấp xã gặp nhiều khó khăn trong việc bố trí kinh phí cho hoạt động của Hội đồng cũng như công tác phổ biến, giáo dục pháp luật.

Cũng tại phiên họp, các thành viên Hội đồng của Chính phủ đã thống nhất phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm của Hội đồng các cấp năm 2011, trong đó tập trung vào một số nhiệm vụ sau:

- Chỉ đạo đẩy mạnh hoạt động phổ biến pháp luật về tổ chức bộ máy nhà nước, pháp luật về bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIII và bầu cử Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2011-2016; những chủ trương phát triển kinh tế lớn của Chính phủ và những giải pháp nhằm ngăn chặn lạm phát, duy trì tăng trường kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội; tổ chức phổ biến, giới thiệu các văn bản pháp luật mới được Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội thông qua và các văn bản quy phạm pháp luật quan trọng, trong đó tập trung vào Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2007; Luật Trách nhiệm bồi thường của nhà nước năm 2009; Luật Lý lịch tư pháp năm 2009; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự năm 2009; Luật Cán bộ, công chức năm 2008, Luật Viên chức năm 2010, Luật An toàn thực phẩm năm 2010; pháp luật về giao thông đường bộ, bình đẳng giới, giải phóng mặt bằng, tranh chấp đất đai, khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tệ nạn xã hội, gian lận thương mại; pháp luật bảo vệ môi trường, phòng chống tham nhũng... phù hợp với từng đối tượng, địa bàn.  

  

- Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện thể chế về PBGDPL, đặc biệt là thực hiện việc xây dựng dự án Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật bảo đảm chất lượng và tiến độ.

- Xây dựng Bộ tiêu chí đánh giá chất lượng công tác phổ biến, giáo dục pháp luật.

- Đẩy mạnh thực hiện Chương trình phổ biến, giáo dục pháp luật của Chính phủ từ năm 2008 đến năm 2012 (ban hành theo Quyết định số 37/2008/QĐ-TTg ngày 12/3/2008 của Thủ tướng Chính phủ), Quyết định số 06/2010/QĐ-TTg ngày 25/01/2010 về xây dựng, quản lý, khai thác Tủ sách pháp luật, Quyết định số 2160/QĐ-TTg ngày 26/11/2010 phê duyệt Đề án ”Tăng cường công tác phổ biến, giáo dục pháp luật nhằm nâng cao ý thức pháp luật cho thanh thiếu niên”.

- Tiếp tục đa dạng hoá các hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật, bảo đảm sự kết hợp hài hoà giữa hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật truyền thống và những hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật mới đang được áp dụng có hiệu quả trong thực tiễn; đẩy mạnh PBGDPL trên các phương tiện thông tin đại chúng.

- Chỉ đạo, theo dõi, đôn đốc và đánh giá hiệu quả mô hình “Ngày pháp luật”; bảo đảm đến hết năm 2011, 100% các bộ, ngành, địa phương thực hiện “Ngày pháp luật”.

- Tăng cường chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra và tự kiểm tra công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, nhất là ở những địa bàn còn nhiều khó khăn, kịp thời phát hiện, khen thưởng, nhân rộng các điển hình tiên tiến về công tác phổ biến, giáo dục pháp luật. 

Phạm Thị Lan Anh

Các tin đã đưa ngày: