Liên kết website

Bộ Tư pháp tổ chức Hội thảo đánh giá 05 năm thực hiện Luật Hòa giải ở cơ sở tỉnh Sóc Trăng

25/04/2019

Triển khai Kế hoạch số 370/KH-BTP ngày 29/01/2019 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp về tổng kết 05 năm thi hành Luật Hòa giải ở cơ sở, sáng ngày 23/4/2019, tại thành phố Sóc Trăng, Bộ Tư pháp tổ chức Hội thảo đánh giá 05 năm thực hiện Luật Hòa giải ở cơ sở. Hội thảo do đồng chí Ngô Hùng, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Sóc Trăng và đồng chí Lê Vệ Quốc, Vụ trưởng Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật chủ trì.

Tham dự hội thảo có đại diện lãnh đạo Sở Tư pháp, lãnh đạo và chuyên viên phòng phổ biến, giáo dục pháp luật thuộc Sở Tư pháp, báo cáo viên pháp luật cấp tỉnh của 19 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (cấp tỉnh) khu vực phía Nam: Bình Phước, Tây Ninh, Bình Dương, Đồng Nai, thành phố Hồ Chí Minh, Bà Rịa –Vũng Tàu, Tiền Giang, Long An, Đồng Tháp, An Giang, Cần Thơ, Vĩnh Long, Bến Tre, Hậu Giang, Trà Vinh, Kiên Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau; đại diện Cục Công tác phía Nam; Đại diện một số Sở, ngành của tỉnh Sóc Trăng (Tòa án nhân dân, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc, Hội Liên hiệp phụ nữ, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh, Hội người cao tuổi, Ban Dân tộc; một số hòa giải viên của tỉnh Sóc Trăng. Tại Hội thảo, các đại biểu đã được nghe đồng chí Ngô Quỳnh Hoa – Phó Vụ trưởng Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật phát biểu khai mạc Hội thảo và gợi mở những vấn đề cần thảo luận.

Đồng chí Ngô Quỳnh Hoa – Phó Vụ trưởng Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật
phát biểu khai mạc Hội thảo
Tại Hội thảo, các đại biểu tham dự đã thảo luận, trao đổi sôi nổi về thực tiễn triển khai Luật Hòa giải ở cơ sở, trong đó, tập trung vào các nhóm vấn đề lớn: chỉ đạo, hướng dẫn của các tỉnh, thành phố đối với hoạt động của các tổ hòa giải; thủ tục bầu và lựa chọn hòa giải viên; chất lượng của đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở; thực trạng thực hiện các vụ việc hòa giải; cơ chế phối hợp giữa ngành Tư pháp và Ủy ban Trung ương MTTQ; phối hợp với Tòa án nhân dân công nhận hòa giải thành ở cơ sở; các mô hình, cách làm hay, điều kiện đảm bảo cho công tác hòa giải ở cơ sở…
Các đại biểu tham dự Hội thảo trao đổi, thảo luận
Kết luận hội thảo, đồng chí Lê Vệ Quốc, Vụ trưởng Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật đã có sự ghi nhận, chia sẻ với các đại biểu về vị trí, vai trò, ý nghĩa, thực trạng của công tác hòa giải ở cơ sở, phân tích, làm rõ hơn các quy định của pháp luật về hòa giải ở cơ sở, thực tiễn triển khai Luật và phương hướng, giải pháp nâng cao hiệu quả công tác này trong thời gian tới. Đồng thời, đồng chí Lê Vệ Quốc cũng ghi nhận ý kiến của tất cả các đại biểu tham dự Hội thảo để Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật tiếp tục nghiên cứu, đánh giá toàn diện trong quá trình tổng kết 05 năm thực hiện Luật Hòa giải ở cơ sở và tích cực phối hợp với Tòa án nhân dân tối cao trong việc hướng dẫn thực hiện việc yêu cầu Tòa án công nhận hòa giải thành ở cơ sở. Ngoài ra, đồng chí cũng đề nghị các địa phương tiếp tục thực hiện Kế hoạch về tổng kết 05 năm Luật Hòa giải ở cơ sở; quan tâm, bố trí kinh phí cho công tác hòa giải ở cơ sở, phát hiện những khó khăn, vướng mắc và đề xuất các giải pháp khắc phục.
Trong thời gian tiếp theo, Bộ Tư pháp cũng đề nghị các địa phương phối hợp triển khai Đề án “Nâng cao năng lực đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở giai đoạn 2019-2022” theo Quyết định số 428/QĐ-TTg ngày 18/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ. Đồng thời, để động viên những cố gắng, nỗ lực của hòa giải viên ở cơ sở, Bộ Tư pháp đề nghị các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quan tâm, chú trọng công tác khen thưởng, vinh danh những hòa giải viên ở cơ sở có đóng góp cho công tác hòa giải ở cơ sở trên địa bàn.
Hội thảo đã mở ra nhiều vấn đề mà cơ quan quản lý nhà nước phải tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện để công tác hòa giải ở cơ sở tiếp tục khẳng định vị trí, vai trò, góp phần giải quyết có hiệu quả tranh chấp, mâu thuẫn, vi phạm pháp luật, tiết kiệm thời gian, chi phí, công sức; củng cố đoàn kết trong nội bộ nhân dân, phòng ngừa, hạn chế vi phạm pháp luật, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội./.
Các tin đã đưa ngày: