Liên kết website

Bộ Tư pháp phối hợp với UNDP triển khai hoạt động khảo sát, đánh giá thực trạng giải quyết tranh chấp thông qua hòa giải ở cơ sở

23/08/2019

Ở Việt Nam, hoà giải ở cơ sở là hình thức hoà giải ngoài toà án (hay còn gọi là ngoài tố tụng) phổ biến để giải quyết tranh chấp phát sinh từ các mối quan hệ gia đình, dân sự trong cộng đồng dân cư. Theo báo cáo năm 2018 của Chỉ số Hiệu quả Quản trị và Hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam (chỉ số PAPI) có 45% số người được khảo sát sẽ không đến toà án để giải quyết các mâu thuẫn dân sự, thay vào đó, họ sẽ nhờ người có uy tín trong cộng đồng địa phương giải quyết tranh chấp.

Kể từ khi Luật Hoà giải cơ sở được ban hành năm 2013, đến nay, cả nước có hơn 100.000 tổ hoà giải được thành lập, với hơn 650.000 hoà giải viên trên khắp cả nước. Trong đó, số hoà giải viên là nữ giới chiếm hơn 28%, số hoà giải viên là người dân tộc thiểu số cũng chiếm 25%. Gần 800.000 vụ, việc tranh chấp đã được giải quyết bằng hòa giải ở cơ sở kể từ năm 2014 đến năm 2018. Hoạt động hòa giải ở cơ sở là một phương thức giải quyết tranh chấp tại cộng đồng mang tính nhân đạo và nhân văn sâu sắc, không chỉ hàn gắn mối quan hệ hàng xóm, láng giềng mà còn giúp các bên xóa bỏ bất đồng, chính kiến, tiếp tục duy trì và phát triển mối quan hệ ngày càng bền vững, tiến tới xây dựng cộng đồng, khu dân cư ổn định, bình yên, hòa thuận và hạnh phúc. Hòa giải ở cơ sở đã kịp thời hóa giải những tranh chấp, bất đồng ngay từ khi mới phát sinh tại cơ sở, không để tranh chấp kéo dài, khó xử lý, góp phần giữ gìn an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội.
Tuy nhiên, thực trạng hoà giải ở cơ sở tại Việt Nam còn đặt ra nhiều thách thức như năng lực hòa giải viên ở cơ sở còn hạn chế, trong khi đó các tranh chấp ở cơ sở ngày một phức tạp; trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu, rộng, tính chất, mức độ tranh chấp rất đa dạng và thậm chí có cả tranh chấp thuộc phạm vi hòa giải ở cơ sở có yếu tố nước ngoài. Đội ngũ hòa giải viên ở Việt Nam chưa chuyên sâu, chuyên môn trong từng lĩnh vực (như đất đai, hôn nhân và gia đình, dân sự…), chưa có hòa giải viên chuyên biệt để hòa giải các tranh chấp giữa những người khiếm thính, người khiếm thị…  
Từ những vấn đề nêu trên cho thấy, việc đánh giá thực trạng công tác hoà giải ở cơ sở để nâng cao hiệu quả công tác này đảm bảo thực sự có “sức sống” bền vững là hết sức quan trọng và cần thiết. Nhận thức tầm quan trọng đó, trong khuôn khổ chương trình “Tăng cường pháp luật và tư pháp tại Việt Nam” (EU JULE), Bộ Tư pháp phối hợp với UNDP triển khai hoạt động “Khảo sát, đánh giá thực trạng giải quyết tranh chấp thông qua hòa giải ở cơ sở”. Để hoạt động khảo sát đạt mục tiêu là đo lường được chất lượng, hiệu quả, vai trò của thiết chế hòa giải ở cơ sở đối với giải quyết tranh chấp trong cộng đồng dân cư, đo lường được mức độ niềm tin của người dân đối với hoạt động hòa giải ở cơ sở thì cần có Bộ công cụ thật chuẩn, thật chất lượng. Vì vậy, sáng ngày 22/8/2019, Bộ Tư pháp và Chương trình phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) đã phối hợp tổ chức Hội thảoGóp ý Bộ công cụ khảo sát, đánh giá thực trạng giải quyết tranh chấp thông qua hoà giải ở cơ sở”.
Hội thảo do Tiến sĩ Lê Vệ Quốc, Vụ trưởng Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật, Bộ Tư pháp và bà Sitara Syed, Phó Trưởng đại diện thường trú của UNDP tại Việt Nam đồng chủ trì. Tham dự Hội thảo có hơn 50 đại biểu đến từ các cơ quan Chính phủ, viện nghiên cứu pháp luật, đại biểu địa phương, các hòa giải viên và các cơ quan báo chí.

Quang cảnh Hội thảo
Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Lê Vệ Quốc đánh giá cao sự nỗ lực, cố gắng của nhóm chuyên gia, các tác giả xây dựng Dự thảo Bộ công cụ khảo sát. Dự thảo Bộ Công cụ khảo gồm 08 mẫu phiếu, đã được thiết kế chi tiết, cẩn thận, nhiều nội dung, nhiều thông tin. Ông Quốc đề nghị các đại biểu tập trung góp ý, nhận xét Dự thảo Bộ công cụ đã đáp ứng được mục tiêu chưa; Bộ công cụ cần giải quyết những nhóm vấn đề gì để đáp ứng mục tiêu đặt ra. Trên cơ sở đó, cần đề xuất Dự thảo Bộ công cụ sửa theo hướng nào để đáp ứng mục tiêu, giúp nhóm tác giả hoàn thiện Bộ công cụ để phục vụ hoạt động khảo sát bảo đảm thực chất.
Phát biểu tại Hội thảo, bà Sitara Syed, Phó Trưởng đại diện thường trú của UNDP tại Việt Nam cho rằng các cơ chế giải quyết tranh chấp chính thức có thể kém hiệu quả hơn việc hoà giải ở cơ sở vì bị quá tải, tốn kém hoặc ở quá xa. Do đó, hòa giải ở cơ sở có thể trở thành một biện pháp thay thế vì hình thức này gần gũi hơn với người dân, tiết kiệm, kịp thời và thân thiện. So với các cơ chế giải quyết tranh chấp chính thức, hòa giải ở cơ sở giúp tiết kiệm chi phí, dễ tiếp cận và bảo mật tốt hơn... Trong một số trường hợp, hòa giải ở cơ sở đã được chứng minh là một biện pháp tối ưu hơn để giải quyết tranh chấp. “Tôi muốn nhấn mạnh một lần nữa lý do tất cả chúng ta tập trung ở đây hôm nay, đó là hợp tác để xây dựng một bộ công cụ khảo sát hữu hiệu để đánh giá thực trạng công tác hòa giải ở cơ sở hiện nay” - bà Sitara Syed nhấn mạnh khi kết thúc bài phát biểu.
Hội thảo đã nghe 02 chuyên gia trình bày bài tham luận chuyên sâu, nhận xét, góp ý Bộ công cụ và 09 ý kiến phát biểu góp ý để nhóm chuyên gia nghiên cứu, chỉnh sửa cho phù hợp với thể chế và tình hình thực tế của công tác này.

Đại diện Trung ương Hội Cựu chiến binh Việt Nam trình bày tham luận
Kết thúc Hội thảo, ông Lê Vệ Quốc đã tổng kết các ý kiến phát biểu, đề nghị nhóm chuyên gia thuộc Học viện phụ nữ, Trung ương Hội phụ nữ Việt Nam tiếp thu ý kiến đại biểu, tiếp tục phối hợp với Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật hoàn thiện dự thảo Bộ công cụ khảo sát, đánh giá thực trạng giải quyết tranh chấp thông qua hoà giải ở cơ sở, để bảo đảm chất lượng của các cuộc khảo sát, thu được những thông tin hữu ích phục vụ cho việc nghiên cứu, đề xuất giải pháp nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác hòa giải ở cơ sở trong thời gian tới./.
Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật
Các tin đã đưa ngày: