Liên kết website

Tài liệu phục vụ Hội nghị tổng kết đánh giá 03 năm thực hiện Quyết định số 09/2013/QĐ-TTg và Hội thảo góp ý dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ thay thế Quyết định số 09/2013/QĐ-TTg

13/06/2016

NHỮNG VẤN ĐỀ TRỌNG TÂM THẢO LUẬN
TẠI HỘI NGHỊ TỔNG KẾT 03 NĂM THỰC HIỆN QUYẾT ĐỊNH SỐ 09/2013/QĐ-TTg
 
1. Đánh giá hiệu quả, tác động kinh tế - xã hội của việc triển khai thực hiện nhiệm vụ đánh giá, công nhận, xây dựng địa phương đạt chuẩn tiếp cận pháp luật theo Quyết định số 09/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
2. Khó khăn, hạn chế, nguyên nhân của khó khăn, hạn chế và bài học kinh nghiệm qua thực tiễn triển khai thực hiện Quyết định số 09/2013/QĐ-TTg (các tiêu chí tiếp cận pháp luật, cơ chế đánh giá, quy trình, thẩm quyền công nhận đạt chuẩn; thi đua, khen thưởng; biện pháp bảo đảm thực hiện).
3. Đề xuất phương hướng, nhiệm vụ và giải pháp để đánh giá, công nhận, xây dựng địa phương đạt chuẩn tiếp cận pháp có hiệu quả, thực chất trong thời gian tới.
4. Góp ý kiến hoàn thiện Dự thảo Báo cáo tổng kết 03 năm thực hiện Quyết định số 09/2013/QĐ-TTg và 02 năm làm thử đánh giá triển khai làm thử việc đánh giá, công nhận địa phương đạt chuẩn tiếp cận pháp luật.
5. Sự cần thiết tiếp tục thực hiện đánh giá, công nhận xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật để góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước theo tinh thần chỉ đạo của Chính phủ mới theo hướng phục vụ người dân, doanh nghiệp.
NHỮNG VẤN ĐỀ TRỌNG TÂM THẢO LUẬN
TẠI HỘI THẢO GÓP Ý KIẾN DỰ THẢO QUYẾT ĐỊNH CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
QUY ĐỊNH CÁC TIÊU CHÍ TIẾP CẬN PHÁP LUẬT, QUY TRÌNH VÀ THẨM QUYỀN ĐÁNH GIÁ, CÔNG NHẬN XÃ, PHƯỜNG, THỊ TRẤN ĐẠT CHUẨN TIẾP CẬN PHÁP LUẬT
(THAY THẾ QUYẾT ĐỊNH SỐ 09/2013/QĐ-TTg)

 
Đề nghị các đồng chí dự Hội thảo cho ý kiến về các nội dung trong dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, trong đó tập trung vào các vấn đề sau đây:
1. Về tổ chức thí điểm
Có cần thiết phải tiếp tục tổ chức thí điểm đánh giá, công nhận, xây dựng xã, phường, thị trấn tại 05 địa phương được chọn làm thử theo Quyết định số 09/2013/QĐ-TTg (Cà Mau, Điện Biên, Thái Bình, Quảng Bình và TP. Hồ Chí Minh) và các xã của các tỉnh, thành phố còn lại trong trong toàn quốc như trong dự thảo Quyết định để có thời gian, điều kiện kiểm nghiệm, đánh giá toàn diện nhiệm vụ đánh giá, công nhận địa phương đạt chuẩn tiếp cận pháp luật? Hay nên triển khai thực hiện trong phạm vi cả nước và cả ở 3 cấp (tỉnh, huyện, xã)?
2. Về các tiêu chí tiếp cận pháp luật
- Có nên giao Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành Phụ lục quy định về số điểm, thang điểm chấm các tiêu chí để bảo đảm cho việc ban hành Phụ lục được linh hoạt, kịp thời, phù hợp với điều kiện thực tiễn hay trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Phụ lục kèm theo Quyết định này.
 - Số lượng, nội dung của các chỉ tiêu, tiêu chí tiếp cận pháp luật theo Dự thảo Quyết định đã phù hợp, khả thi hay chưa? Những chỉ tiêu nào vẫn còn định tính, khó hiểu, khó đánh giá, chấm điểm? Có đề xuất sửa đổi, bổ sung, thay thế tiêu chí, chỉ tiêu nào không?
- Mức điểm chấm cho từng tiêu chí, chỉ tiêu; cách chia thang điểm và số điểm tương ứng đã hợp lý chưa?
3. Về tiêu chí tiếp cận pháp luật đặc thù
Trong dự thảo Phụ lục có xây dựng Chỉ tiêu 10 thuộc Tiêu chí 2 về “Tỷ lệ đối tượng đặc thù theo quy định tại mục 2 Chương II Luật phổ biến, giáo dục pháp luật năm 2012 được phổ biến pháp luật” với số điểm tối đa là 6 và quy định theo hướng giao UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hướng dẫn và kiểm tra thực hiện để bảo đảm khách quan, thực chất.
Đề nghị Hội thảo cho biết có nên xây dựng chỉ tiêu đặc thù không? Nếu có thì việc xác định chỉ tiêu đặc thù trên, số điểm và quy định như trong dự thảo Phụ lục đã phù hợp chưa?
4. Về đánh giá sự hài lòng của người dân qua phiếu điều tra xã hội
Dự thảo Quyết định đã kế thừa cách thức tự đánh giá các tiêu chí tiếp cận pháp luật của Quyết định số 09/2013/QĐ-TTg. Tuy nhiên, để khắc phục việc đánh giá còn thiếu khách quan, công bằng, hình thức, chạy theo thành tích, tiếp thu ý kiến của một số đại biểu tham dự các đợt kiểm tra, khảo sát, tọa đàm tại địa phương trong 02 năm triển khai làm thử, Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật đề xuất kết hợp hình thức tự đánh giá với hình thức đánh giá sự hài lòng của người dân thông qua phiếu điều tra xã hội (Chỉ tiêu 17, 19, 21, 23, 25 và Tiêu chí 5).
Đề nghị Hội thảo cho ý kiến về:
- Sự cần thiết đánh giá sự hài lòng của người dân?
- Quy định tại Điều 8 của dự thảo Quyết định và các tiêu chí, chỉ tiêu tiếp cận pháp luật sử dụng hình thức đánh giá sự hài lòng của người dân được thiết kế có hợp lý, khả thi chưa; tập trung vào các nội dung sau:
+ Đối tượng trả lời phiếu điều tra xã hội;
+ Quy định về giao Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xây dựng mẫu phiếu điều tra xã hội và số lượng, định mức phiếu điều tra xã hội tối thiểu chung.
+ Số điểm tối đa; thang điểm chấm và số điểm tương ứng của tiêu chí, chỉ tiêu tiếp cận pháp luật sử dụng hình thức đánh giá sự hài lòng của người dân
+ Về cơ quan có trách nhiệm đánh giá, chấm điểm: Nên giao UBND cấp xã chủ trì, phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp tổ chức phát phiếu điều tra xã hội và tổng hợp phiếu như dự thảo Quyết định hay giao UBND cấp tỉnh (Sở Tư pháp tham mưu, giúp việc) thực hiện nhiệm vụ này để đảm bảo tính khách quan, phát huy trách nhiệm của UBND tỉnh không?
5. Về Hội đồng đánh giá tiếp cận pháp luật
Dự thảo Quyết định đã bỏ quy định về Hội đồng đánh giá tiếp cận pháp luật tại Điều 11 Quyết định số 09/2013/QĐ-TTg vì dự thảo chỉ quy định việc đánh giá, công nhận đạt chuẩn tiếp cận pháp luật đối với xã, phường, thị trấn (trước đây, đối tượng đánh giá, công nhận còn bao gồm cả cấp huyện, cấp tỉnh). Vì vậy, chỉ còn UBND cấp tỉnh là cơ quan có trách nhiệm xem xét, công nhận đạt chuẩn, nên dự thảo Quyết định đã quy định việc thành lập Hội đồng theo hướng “mở”, nếu thấy cần thiết thì Chủ tịch UBND cấp tỉnh quyết định thành lập Hội đồng để tư vấn thẩm định, đánh giá, công nhận xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật.
Đề nghị cho biết quy định về Hội đồng đánh giá tiếp cận pháp luật trong dự thảo Quyết định có phù hợp hay không?
6. Về điều kiện công nhận đạt chuẩn tiếp cận pháp luật
Bên cạnh kế thừa những quy định về điều kiện công nhận đạt chuẩn tiếp cận pháp luật trong Quyết định số 09/2013/QĐ-TTg, dự thảo Quyết định bổ sung tiêu chuẩn “không có chỉ tiêu nào bị điểm không (điểm 0)”.
Hội thảo cho ý kiến về điều kiện công nhận đạt chuẩn tiếp cận pháp luật; có bổ sung, chỉnh sửa nội dung gì không?
7. Biểu dương, khen thưởng tiêu biểu về tiếp cận pháp luật
Dự thảo Quyết định bỏ quy định việc đánh giá, công nhận, biểu dương, khen thưởng tiêu biểu về tiếp cận pháp luật căn cứ vào kết quả đánh giá, công nhận đạt chuẩn tiếp cận pháp luật. Việc biểu dương, khen thưởng tiêu biểu về tiếp cận pháp luật theo dự thảo Quyết định chủ yếu để động viên, khích lệ các xã, phường, thị trấn đạt chuẩn có số điểm cao. Quy định như dự thảo Quyết định đã phù hợp chưa, có cần bổ sung, chỉnh sửa không?
8. Về công nhận lại xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật
Quyết định số 09/2013/QĐ-TTg không quy định việc công nhận lại đạt chuẩn tiếp cận pháp luật. Trên cơ sở tiếp thu ý kiến của các địa phương, dự thảo Quyết định đề xuất quy định mới về xem xét, công nhận lại xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật 5 năm một lần để bảo đảm duy trì thường xuyên chất lượng tiếp cận pháp luật.
Đề nghị Hội thảo cho ý kiến về quy định mới này.
Các tin đã đưa ngày: