Liên kết website

Xã hội hóa công tác phổ biến, giáo dục pháp luật: Cần giải pháp quyết liệt

26/07/2016

Luật phổ biến, giáo dục pháp luật năm 2013 đã quy định về xã hội hóa công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, được đánh giá là một trong những chính sách quan trọng, có tính đột phá nhằm huy động nguồn lực xã hội cho công tác này. Tuy nhiên, để chính sách này phát huy hiệu quả trên thực tế cần có các giải pháp thực hiện mang tính quyết liệt, đột phá hơn nữa.

1. Xã hội hóa – một giải pháp cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật
Có thể nói, trong điều kiện yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đang ngày càng trở nên cấp thiết, công tác phổ biến, giáo dục pháp luật lại càng đóng vai trò quan trọng làm cầu nối để đưa các chủ trương, chính sách, pháp luật của Nhà nước đi vào cuộc sống. Để thực hiện nhiệm vụ này, đòi hỏi phải có lực lượng “cầu nối” ở mọi nơi, mọi lúc với trình độ, năng lực pháp lý vững vàng; cùng với nguồn kinh phí đầu tư tương xứng để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Tuy nhiên, đây là vấn đề khó khăn khi điều kiện nguồn ngân sách Nhà nước của nhiều địa phương còn eo hẹp, khó có thể đầu tư lớn.
Trong rất nhiều báo cáo tổng kết công tác phổ biến, giáo dục pháp luật qua các giai đoạn, các năm, của các ngành, các cấp, vấn đề khó khăn muôn thủa của công tác phổ biến, giáo dục pháp luật là vấn đề về nguồn lực, bao gồm nguồn nhân lực và cơ sở vật chất, kinh phí. Đây được xem là khó khăn, là nguyên nhân làm hạn chế hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật nhưng chưa có giải pháp khả thi nào để tháo gỡ.
Để góp phần giải quyết vấn đề trên, xã hội hóa công tác phổ biến, giáo dục pháp luật được xem là một giải pháp hiệu quả nhằm huy động các nguồn lực xã hội. Không những thế, xã hội hóa còn mang lại những lợi ích khác, như: Nâng cao chất lượng công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, giảm chi ngân sách Nhà nước, thu hút được đông đảo lực lượng những người có tâm huyết, có chuyên môn tham gia phổ biến, giáo dục pháp luật cho nhân dân…
2. Cần thêm những giải pháp triển khai thực hiện
Xã hội hóa công tác phổ biến, giáo dục pháp luật là một xu thế khách quan, phù hợp với yêu cầu phát triển của xã hội và đã được Luật phổ biến, giáo dục pháp luật ghi nhận. Vấn đề này được cụ thể hóa tại Nghị định số 28/2013/NĐ-CP ngày 04 tháng 4 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật. Tuy nhiên, qua thời gian thời gian triển khai thực hiện đến nay, dấu ấn về công tác này có thể nói vẫn chưa rõ nét. Để thật sự “mở đường” cho xã hội hóa phổ biến, giáo dục pháp luật tiến xa hơn nữa, các cơ quan Nhà nước cần thêm cơ chế và những giải pháp thực hiện mang tính quyết liệt.
Thứ nhất, cần xác định rõ phạm vi xã hội hóa công tác phổ biến, giáo dục pháp luật. Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật và Nghị định số 28/2013/NĐ-CP đã nêu về xã hội hóa phổ biến, giáo dục pháp luật. Tuy nhiên, phạm vi và mức độ xã hội hóa công tác này đến đâu, như thế nào thì chưa được đề cập. Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật quy định chung chung Nhà nước khuyến khích và có chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện đối với cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân tham gia thực hiện phổ biến, giáo dục pháp luật; huy động các nguồn lực xã hội đóng góp cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật”. Rõ ràng, phổ biến, giáo dục pháp luật là nhiệm vụ chính trị vô cùng quan trọng, tác động trực tiếp đến ý thức, hành động của người dân. Do đó, việc xác định mức độ xã hội hóa như thế nào, đâu là những việc mà tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân (không phải Nhà nước) được thực hiện để đảm bảo cho công tác quản lý cũng như sự kiểm soát của Nhà nước, trán tình trạng lợi dụng của những tổ chức, cá nhân có động cơ không đúng.
Thứ hai, cần chính sách thu hút hơn nữa tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân tham gia thực hiện phổ biến, giáo dục pháp luật. Vấn đề về chế độ, chính sách đã được Nghị định số 28/2013/NĐ-CP quy định nhưng còn mang tính định hướng, như: Tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân được cấp phát tài liệu pháp luật, cung cấp thông tin miễn phí về chính sách, pháp luật liên quan đến lĩnh vực pháp luật được phổ biến, giáo dục, được thực hiện hoạt động quảng cáo, được khen thưởng… Trong khi đó, phổ biến, giáo dục pháp luật là hoạt động vì cộng đồng, hướng đến lợi ích của cộng đồng, của nhân dân, là hoạt động không thu phí, không đưa lại lợi ích tức thời trước mắt. Do đó, cần những chính sách cụ thể hơn để thu hút sự quan tâm, đầu tư của các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân cho công tác này.
Thứ ba, xác định lộ trình thực hiện đồng bộ trong phạm vi cả nước. Phổ biến, giáo dục pháp luật và hiệu quả của công tác này được ví như “mưa dầm thấm lâu”, nói cách khác, là nhiệm vụ hết sức lâu dài, lợi ích trước mắt sẽ khó thấy. Xã hội hóa công tác phổ biến, giáo dục pháp luật lại càng là nhiệm vụ khó khăn vì những đặc thù của công tác này. Vì vậy, để triển khai thực hiện Nhà nước cần xác định lộ trình thực hiện đồng bộ trong phạm vi cả nước. Giai đoạn nào thực hiện nhiệm vụ gì, mức độ như thế nào. Chúng ta chưa có mô hình, kết quả cụ thể nào về xã hội hóa phổ biến, giáo dục pháp luật, mà đang trong giai đoạn “vừa làm vừa rút kinh nghiệm”. Vì vậy, cần có lộ trình rõ ràng với các hoạt động cụ thể để vạch ra “con đường” xã hội hóa phù hợp.
Thứ tư, xác định rõ trách nhiệm của từng cơ quan chức năng trong công tác xã hội hóa phổ biến, giáo dục pháp luật. Trong Luật cũng như Nghị định chưa xác định rõ trách nhiệm của các cơ quan trong thực hiện xã hội hóa công tác phổ biến, giáo dục pháp luật. Vì vậy, một số trách nhiệm còn bỏ ngõ, như: Quy định tổ chức, doanh nghiệp tham gia thực hiện phổ biến, giáo dục pháp luật hoặc hỗ trợ kinh phí, cơ sở vật chất, phương tiện cho hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật được cơ quan nhà nước cấp phát tài liệu pháp luật, cung cấp thông tin miễn phí về chính sách, pháp luật liên quan đến lĩnh vực pháp luật được phổ biến, giáo dục… Nhưng cơ quan nào sẽ cung cấp tài liệu pháp luật, cơ quan nào cung cấp thông tin miễn phí về chính sách, pháp luật? Cách thức thực hiện như thế nào? Cơ quan nào có trách nhiệm theo dõi việc thực hiện sự tham gia của tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân vào công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và cơ chế kiểm soát việc này như thế nào? Rõ ràng, cần các quy định cụ thể hơn nữa để thực hiện các chính sách xã hội hóa công tác phổ biến, giáo dục pháp luật.
Thứ năm, tăng cường sự quan tâm, vào cuộc của các ngành, các cấp. Nói đến xã hội hóa công tác phổ biến, giáo dục pháp luật hầu hết mọi người đều có thể hình dung ra công tác này. Tuy nhiên, phải thực hiện như thế nào thì không phải ai cũng quan tâm. Công tác này từ trước đến nay được mặc định là nhiệm vụ của Nhà nước, xã hội hóa hay kêu gọi sự đầu tư, hỗ trợ từ các nguồn lực bên ngoài mới dừng ở khẩu hiệu, sự khuyến khích. Do đó, để xã hội hóa phổ biến, giáo dục pháp luật thật sự trở thành động lực của công tác này cần sự quan tâm, chung tay, vào cuộc một cách quyết liệt hơn nữa của các cấp, các ngành.
………………………………….
Nguyễn Thị Đào – Sở Tư pháp TT. Huế
Các tin đã đưa ngày: