Liên kết website

Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật

17/02/2017

Thạc sĩ Ngô Quỳnh Hoa Phó Vụ trưởng Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật

Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật được Đảng ta xác định là một bộ phận của công tác giáo dục chính trị, tư tưởng và là nhiệm vụ của toàn bộ hệ thống chính trị đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng. Tuy nhiên, trước yêu cầu trong quá trình xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa thì công tác phổ biến giáo dục pháp luật phải được thực hiện ở một tầm cao hơn, với một tư duy mới hơn, toàn diện hơn, thiết thực và khoa học hơn. Thực tiễn hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật thời gian qua cho thấy để nâng cao hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật thì nhân tố con người là quan trọng nhất, nó quyết định đến chất lượng, hiệu quả hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật. Điều đó đòi hỏi chúng ta phải tăng cường củng cố, kiện toàn và xây dựng đội ngũ làm công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, cán bộ quản lý hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật vững mạnh cả về số lượng và chất lượng, có phẩm chất chính trị tốt, trình độ chuyên môn vững vàng, có kỹ năng truyền đạt, am hiểu pháp luật và kiến thức xã hội. Ở nước ta, Đảng và Nhà nước luôn khẳng định quan điểm coi con người là trung tâm của sự phát triển, của công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, chính vì vậy, Nghị quyết Hội nghị lần thứ tư Ban chấp hành Trung ương Đảng khoá XII đã xác định: “Chú trọng phát triển nguồn nhân lực Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển và hội nhập của đất nước”;Nâng cao nhận thức và năng lực pháp lý, đặc biệt là luật pháp quốc tế, thương mại quốc tế, trước hết là của cán bộ chủ chốt các ngành và chính quyền các cấp, doanh nghiệp, cán bộ làm công tác tố tụng, đội ngũ luật sư và những người trực tiếp làm công tác hội nhập kinh tế quốc tế”. Bên cạnh đó, Văn kiện Đại hội XII của Đảng còn đề ra nhiều yêu cầu, nhiệm vụ đối với việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực “Đổi mới công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống cho cán bộ, đảng viên”; “Chú trọng đúng mức việc giáo dục đạo đức, lối sống và kỹ năng làm việc[1].
Trước yêu cầu đó, việc phát triển nhân lực nói chung và nguồn nhân lực thực hiện công tác PBGDPL nói riêng, hơn lúc nào hết, cần phải có tầm nhìn chiến lược phát triển tổng thể và dài hạn, nhưng đồng thời, trong mỗi thời kỳ nhất định, cần xây dựng những định hướng cụ thể, để từ đó đánh giá thời cơ, thách thức, những khó khăn, hạn chế và nguyên nhân… để đề ra mục tiêu và giải pháp phát triển thích hợp đáp ứng yêu cầu của công tác PBGDPL và đất nước trong tình hình mới.
I. Thực trạng nguồn nhân lực thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật hiện nay
Có thể khẳng định, trong thời gian qua, đội ngũ nguồn nhân lực thực hiện công tác PBGDPL khá dồi dào, số lượng ngày càng phát triển, phần lớn, đặc biệt đội ngũ nguồn nhân lực của trung ương và cấp tỉnh được đào tạo bài bản, tối thiểu có trình độ cử nhân, nhiều cán bộ có trình độ sau Đại học, số lượng biên chế dành cho cán bộ thực hiện công tác này khá ổn định. Theo báo cáo kết quả khảo sát về thực trạng đội ngũ cán bộ thực hiện công tác PBGDPL của Vụ PBGDPL, Bộ Tư pháp sau thời gian triển khai Đề án: “củng cố, kiện toàn, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thực hiện công tác PBGDPL đáp ứng yêu cầu đổi mới, phát triển của Đất nước” năm 2015 cho thấy số lượng biên chế của các Bộ, ngành, đoàn thể, địa phương chủ yếu ở mức từ 1 đến 3 biên chế chiếm tỷ lệ 51,21%. Số lượng biên chế được giao từ 3 đến 5 biên chế chiếm tỷ lệ 26,91% và trên 5 biên chế là 4,67% (cụ thể là 6 đến 7 biên chế). Cá biệt, có một tỷ lệ không nhỏ các Bộ, ngành, đoàn thể, địa phương chưa bố trí được biên chế cho công tác PBGDPL chiếm tỷ lệ khoảng 15,32%. Tuy nhiên, vẫn còn số lượng lớn cán bộ phụ trách công tác PBGDPL làm việc kiêm nhiệm (332/535 phiếu trả lời kiêm nhiệm chiếm tỷ lệ 62,05%, số lượng cán bộ thực hiện chuyên trách chỉ chiếm tỷ lệ 34,02% với 182/535 phiếu) đây cũng là một trong những nguyên nhân ảnh hưởng tới công tác PBGDPL.
Về trình độ, qua khảo sát cho thấy, đa phần đội ngũ PBGDPL đều có trình độ cử nhân luật trở lên, trong đó đối tượng là công chức lãnh đạo, công chức thực hiện công tác PBGDPL có số lượng cán bộ đạt trình độ từ cử nhân luật trở lên (cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ) lớn nhất với tỷ lệ 86,91%, tiếp theo là đội ngũ báo cáo viên pháp luật cấp tỉnh với tỷ lệ 80%; báo cáo viên pháp luật cấp huyện đạt tỷ lệ 71,4% và đội ngũ công chức tư pháp hộ tịch cấp xã đạt 52,15%. Báo cáo viên pháp luật cấp huyện và công chức tư pháp hộ tịch cấp xã không có cán bộ có trình độ tiến sĩ luật. Bên cạnh đó, số lượng cán bộ thực hiện PBGDPL học các chuyên ngành khác ngoài luật cũng chiếm tỷ lệ nhất định, 10,46% đối với đội ngũ công chức lãnh đạo, tỷ lệ báo cáo viên pháp luật cấp tỉnh có tỷ lệ 16,63% (cao nhất); báo cáo viên pháp luật cấp huyện đạt 6,91% (thấp nhất) và công chức tư pháp hộ tịch cấp xã có tỷ lệ cán bộ học chuyên ngành khác là 12,89%.
Việc cập nhật kiến thức pháp luật mới, tự trau dồi trình độ chuyên môn nghiệp vụ cũng như được các cơ quan quản lý nhà nước bồi dưỡng được thực hiện thường xuyên, liên tục; mạng lưới báo cáo viên của các Bộ, ngành, đoàn thể từ trung ương đến cấp huyện, đặc biệt là mạng lưới tuyên truyền viên pháp luật ở cấp xã được củng cố, kiện toàn, nâng cao chất lượng; cán bộ tham gia thực hiện PBGDPL ở những địa bàn vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số được tăng cường; từng bước thu hút đội ngũ luật gia, luật sư, trợ giúp viên pháp lý, tư vấn viên pháp luật, cán bộ, công chức ngành Tư pháp và các cơ quan thi hành pháp luật tham gia vào các hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật. Có thể khẳng định rằng, hiện nay, nguồn nhân lực đã được củng cố, kiện toàn một bước căn bản theo hướng vừa bảo đảm số lượng, vừa bảo đảm cho cả đội ngũ có bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức tốt và trình độ nghiệp vụ, kỹ năng về phổ biến, giáo dục pháp luật.
Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được trên, nguồn nhân lực thực hiện công tác PBGDPL đang còn có những tồn tại khó khăn. Trong đó, tồn tại lớn nhất là thiếu kiến thức chiều sâu về pháp luật và kỹ năng nghiệp vụ PBGDPL, đặc biệt là đội ngũ cán bộ cơ sở và lực lượng tuyên truyền viên pháp luật; tính chuyên nghiệp trong thực hiện công tác PBGDPL còn yếu, thiếu một cơ chế đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch lâu dài nguồn nhân lực cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật; nguồn lực đầu tư cho công tác này chưa tương xứng với yêu cầu; sự phối hợp giữa các ngành liên quan trong quá trình thực hiện các hoạt động phố biến, giáo dục pháp luật chưa chặt chẽ; Sự đầu tư của Nhà nước chưa đáp ứng được thực tiễn của công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, chế độ đãi ngộ chưa cao, chưa tạo ra cơ chế tốt để thu hút các nguồn lực xã hội tham gia công tác này.
Những hạn chế trên xuất phát từ nhiều nguyên nhân.Trong đó, phải nói đến nhận thức về vị trí, vai trò và tầm quan trọng của công tác phổ biến, giáo dục pháp luật của người đứng đầu ở một số cấp uỷ đảng, chính quyền cơ sở chưa đầy đủ, do đó chưa quan tâm đến việc củng cố, kiện toàn đội ngũ làm công tác phổ biến, giáo dục pháp luật. Mặt khác, lực lượng thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật tuy đông nhưng lại không tập trung, chủ yếu là những người làm kiêm nhiệm, chế độ đãi ngộ chưa cao, chưa có cơ chế thu hút họ tham gia công việc lâu dài, do vậy đã ảnh hưởng đến hiệu quả của công tác phổ biến, giáo dục pháp luật. Công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tham gia công tác phổ biến, giáo dục pháp luật từ tỉnh đến cơ sở còn quá ít, chưa đáp ứng yêu cầu đề ra, do nguồn kinh phí này ở rất nhiều địa phương còn rất eo hẹp.
II. YÊU CẦU VÀ GIẢI PHÁP NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG NGUỒN NHÂN LỰC THỰC HIỆN CÔNG TÁC PBGDPL
            1. Yêu cầu đối với đội ngũ thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trong thời gian tới
1.1.Trong ngắn hạn
- Hoàn thiện thể chế quản lý nguồn nhân lực thực hiện công tác PBGDPL, theo đó, kịp thời ban hành, sửa đổi, thay thế các văn bản hướng dẫn và bảo đảm thực hiện công tác này.
- Nâng cao tỷ lệ cán bộ  thực hiện công tác PBGDPL được tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng nghiệp vụ. Đồng thời, mở các chương trình bồi dưỡng giúp nâng cao trình độ tin học và ngoại ngữ cho đội ngũ này.
- Huy động mọi nguồn lực từ ngân sách nhà nước và thực hiện xã hội hóa trong việc hỗ trợ các cơ quan, đơn vị, địa phương còn thiếu kinh phí tổ chức tập huấn, bồi dưỡng và đãi ngộ cho đội ngũ thực hiện công tác PBGDPL
- Nâng cao tỷ lệ đội ngũ cán bộ chuyên trách thực hiện PBGDPL, bảo đảm đủ về số lượng, chất lượng, vững vàng về bản lĩnh chính trị, có phẩm chất đạo đức tốt đáp ứng được các yêu cầu của công tác PBGDPL trong thời tới.
1.2.Trong dài hạn
- Xây dựng nguồn nhân lực thực hiện hoạt động PBGDPL chuyên nghiệp, dồi dào, phát triển toàn diện cả về trí tuệ, ý chí, năng lực và đạo đức. Theo đó, đây là những người có trình độ, kiến thức pháp lý về lĩnh vực phổ biến tuyên truyền; kỹ năng hùng biện, thuyết phục; khả năng vận động, nêu gương người dân tuân thủ chấp hành pháp luật; phẩm chấm chính trị, đạo đức trong sạch; chủ động, sáng tạo, có khả năng chịu được áp lực trong công việc; có ý thức tự học, nâng cao trình độ, kỹ năng của bản thân; thích ứng nhanh với những thay đổi, đòi hỏi trong công việc.
- Xây dựng một hệ thống, cơ sở đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ thực hiện công tác PBGDPL triển khai thống nhất trong cả nước. Thông qua hệ thống này sẽ lựa chọn, tuyển chọn đội ngũ thực hiện công tác PBGDPL một cách chuyên nghiệp và có hiệu quả;
- Xây dựng tiêu chí đánh giá chất lượng đội ngũ thực hiện công tác PBGDPL công khai, minh bạch và có tính khả thi.
- Xây dựng một cơ chế bảo đảm nguồn kinh phí cho hoạt động của đội ngũ thực hiện công tác PBGDPL.
2. Giải pháp trong thời gian tới
- Một là, phải xác định nguồn nhân lực là khâu có tính chất quyết định dẫn tới sự thành công của công tác PBGDPL. Vì vậy, cần nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành về vai trò, trách nhiệm trong xây dựng và đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực thực hiện công tác này. Đồng thời, cần ý thức rằng đây là trách nhiệm của từng bản thân cán bộ, công chức, viên chức, cộng tác viên thực hiện PBGDPL, trách nhiệm của tổ chức, đơn vị quản lý, các cấp lãnh đạo và toàn xã hội.
- Hai là, tiếp tục xây dựng, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật có tính khả thi, đảm bảo các điều kiện về chính sách trọng dụng chuyên gia, người tài, chế độ đãi ngộ, khen thưởng và các điều kiện về cơ sở vật chất khác nhằm thu hút và tạo điều kiện thuận lợi cho đội ngũ thực hiện công tác PBGDPL nâng cao chất lượng chuyên môn nghiệp vụ, thực hiện nhiệm vụ PBGDPL hiệu quả. Đồng thời, tiến hành điều tra, khảo sát, thường xuyên về nhân lực, nhu cầu và chất lượng nguồn nhân lực thực hiện công tác PBGDPL; thực hiện các chương trình đối thoại, giải đáp, trao đổi kinh nghiệm về nghiệp vụ, kỹ năng PBGDPL…để từ đó có sự điều chỉnh trong thể chế cũng như trong công tác quản lý đội ngũ này.
- Ba là, bên cạnh việc xây dựng chiến lược đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thực hiện công tác PBGDPL đáp ứng yêu cầu đổi mới của công tác PBGDPL, cần xác định rõ nhiệm vụ, kế hoạch, giải pháp thực hiện xây dựng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thực hiện công tác PBGDPL định kỳ hàng năm.
- Bốn là, khẩn trương hoàn thiện và ban hành Bộ Tiêu chí đánh giá hiệu quả hoạt động PBGDPL; xây dựng Bộ tiêu chí riêng về đánh giá chất lượng nguồn nhân lực thực hiện công tác PBGDPL.
- Năm , xây dựng, quy hoạch đội ngũ cán bộ làm công tác phổ biến, giáo dục pháp luật chuyên sâu theo từng lĩnh vực pháp luật và được đào tạo, bồi dưỡng bài bản về nghiệp vụ phổ biến, giáo dục pháp luật. Tiến hành rà soát, phân loại, đánh giá, có kế hoạch định kỳ đào tạo, bồi dưỡng, cập nhật nâng cao kiến thức pháp luật, nghiệp vụ, kỹ năng phổ biến, giáo dục pháp luật cho đội ngũ này theo các quy định trong Luật phổ biến giáo dục pháp luật, Luật hòa giải ở cơ sở và các văn bản hướng dẫn thi hành. Thường xuyên cung cấp tài liệu hướng dẫn nghiệp vụ, tài liệu pháp luật cho đội ngũ thực hiện công tác phổ biến pháp luật.
- Sáu , bảo đảm kinh phí, cơ sở vật chất, trang thiết bị cần thiết, đẩy mạnh xã hội hoá, thu hút mọi nguồn lực cho việc củng cố, kiện toàn, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thực hiện công tác này; có kế hoạch cụ thể huy động các luật sư, luật gia và những người làm công tác pháp luật khác tham gia thực hiện trách nhiệm xã hội của mình đối với công tác phổ biến, giáo dục pháp luật.
- Bảy là, tăng cường hợp tác quốc tế về đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực, các hội thảo, tọa đàm, tài liệu nghiên cứu về xây dựng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nói chung cũng như nguồn nhân lực cho công tác PBGDPL nói riêng.
- Tám , hàng năm có sự tổng kết về lý luận và thực tiễn về nguồn nhân lực thực hiện công tác PBGDPL tại bộ, ngành, địa phương để đánh giá đúng mặt được, mặt chưa được, kịp thời rút kinh nghiệm, trên cơ sở đó phát huy những mặt tốt, khắc phục mặt chưa tốt. Đồng thời, động viên, khen thưởng kịp thời những người có thành tích xuất sắc trong công tác này.
Để thực hiện thành công các giải pháp trên, cần nâng cao nhận thức của các cấp uỷ Đảng, chính quyền, huy động sự vào cuộc của tất cả các cấp, các ngành, các tổ chức, cá nhân thực hiện về PBGDPL chuyên trách cũng như kiêm hiểu rõ về vai trò và thực trạng, yêu cầu đối với nguồn nhân lực trong thực hiện công tác PBGDPL hiện nay, từ đó biến thách thức về nhân lực thành lợi thế để củng cố, kiện toàn và nâng cao chất lượng của đội ngũ làm công tác này. Đảm bảo trong thời gian tới luôn có một đội ngũ thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật vững vàng về trình độ lý luận chính trị, chuyên môn pháp lý, kỹ năng và nghiệp vụ phổ biến, giáo dục pháp luật, chuyên nghiệp trong phương pháp làm việc, đáp ứng được yêu cầu, bối cảnh công tác PBGDPL trong giai đoạn mới.
 
 
[1] Sdd, tr.200; tr.114;
Các tin đã đưa ngày: