Liên kết website

Một số đề xuất nhằm áp dụng hiệu quả biện pháp hòa giải ở cơ sở trong xử lý chuyển hướng đối với người chưa thành niên phạm tội

06/08/2019

Trong những năm gần đây, tỷ lệ tội phạm do thanh thiếu niên thực hiện ở nước ta đang ngày càng gia tăng với nhiều vụ việc gây chấn động dư luận cả nước. Đối với các tội do người chưa thành niên gây ra thì cần áp dụng các biện pháp xử lý chuyển hướng với mục đích giáo dục để thay đổi nhận thức và hành vi của các đối tượng này chứ không chỉ dừng ở xử lý hình sự nhằm trừng phạt đơn thuần.

Một yêu cầu đặt ra đối với việc xử lý hình sự người chưa thành niên phạm tội là phải bảo đảm được quyền của người chưa thành niên phù hợp với Công ước của Liên hợp quốc về quyền trẻ em năm 1989 mà Việt Nam đang là thành viên. Hiện nay, pháp luật của một số nước như Anh, Nhật Bản, Thái Lan... đều đã thể hiện nguyên tắc khoan hồng đối với người chưa thành niên phạm tội thông qua giảm nhẹ hình phạt và không áp dụng hình phạt mà áp dụng biện pháp thay thế. Khi không áp dụng hình phạt thì người chưa thành niên ở Thái Lan được áp dụng các biện pháp thay thế xử lý hình sự như: Cảnh cáo, giám sát tại gia đình, giám sát tại nơi cư trú, đưa đến trường giáo dưỡng...
Ở Việt nam, pháp luật nước ta chưa có khái niệm cụ thể và xử lý chuyển hướng đối với người chưa thành niên phạm tội, tuy nhiên đã có những quy định cho phép chuyển người vi phạm pháp luật hành chính hoặc hình sự sang xử lý bằng các biện pháp không chính thức, thay vì áp dụng các chế tài hành chính hay hình sự là những biện pháp xử lý chính thức theo pháp luật xử lý hành chính và pháp luật xử lý hình sự. Hiểu theo tinh thần của Bộ luật hình sự 2015 thì xử lý chuyển hướng là một thuật ngữ chỉ quá trình thay thế nhằm xử lý các vi phạm của người chưa thành viên, quá trình này nằm ngoài hệ thống tư pháp chính thống. Các nhà làm luật đã không sử dụng lại thuật ngữ này trong Bộ luật hình sự 2015 để tránh sự trùng lặp, tạo sự thống nhất trong hệ thống pháp luật vì cụm từ này đã được đề cập tới trong Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012.
Việc quy định các biện pháp thay thế xử lý hành chính hay hình sự đã thể hiện sự thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng trong thực hiện chủ trương nhân đạo hóa, tăng tính thiện trong chính sách xử lý hình sự, hành chính theo tinh thần Nghị quyết số 49 của Bộ Chính trị về cải cách tư pháp, nhất là đối với đối tượng cần bảo vệ, đặc biệt là người chưa thành niên theo hướng hạn chế khả năng đưa người chưa thành niên vào vòng quay tố tụng. Việc bổ sung các quy định này của Bộ luật hình sự 2015 và Luật xử lý vi phạm hành chính 2012 đã khắc phục được nhiều bất cập của pháp luật trước đó, góp phần nâng cao hiệu quả giáo dục tại cộng đồng đối với người vi phạm pháp luật, nhất là người chưa thành niên phạm tội. Việc quy định các biện pháp thay thế là sự cụ thể hóa Hiến pháp năm 2013, đồng thời phù hợp với các đạo luật khác do Quốc hội ban hành. Cụ thể, khoản 2 Điều 58 Hiến pháp 2013 ghi nhận “nhà nước, xã hội và gia đình có trách nhiệm bảo vệ, chăm sóc trẻ em ...”; Điều 36 Luật Bảo vệ trẻ em 2004 quy định “Việc xử lý trẻ em có hành vi vi phạm pháp luật chủ yếu nhằm giáo dục, giúp đỡ”... Biện pháp thay thế hình sự hay hành chính đã tạo cơ hội cho người chưa thành niên phạm tội nhìn nhận lại xử sự của mình và chịu trách nhiệm với hành vi đó mà không để lại án tích - những hậu quả pháp lý bất lợi cho tương lai các em, từ đó ngăn ngừa được sự kỳ thị, thúc đẩy các em hòa nhập vào gia đình và xã hội. Việc quy định biện pháp thay thế xử lý hình sự hay hành chính còn thể hiện sự nội luật hóa các Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, trong đó có Công ước quốc tế về quyền trẻ em đã quy định “bất cứ khi nào xét thấy phù hợp và cần thiết thì phải khuyến khích thúc đẩy việc thiết lập các biện pháp xử lý người chưa thành niên vi phạm pháp luật mà không cần viện đến các thủ tục tư pháp với điều kiện phải bảo đảm quyền con người và sự nghiêm minh của pháp luật”.
Như vậy, xu hướng chung trong chính sách xử lý đối với người chưa thành niên phạm tội của nhiều nước trên thế giới là ưu tiên áp dụng các biện pháp xử lý chuyển hướng, việc đưa người chưa thành niên vào hệ thống xử lý chính thức chỉ khi không còn cách nào khác để bảo đảm sự an toàn của cộng đồng.
Theo Luật hòa giải ở cơ sở năm 2013 và Nghị định số 15/2014/NĐ-CP ngày 27/2/2014 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật hòa giải ở cơ sở quy định thì phạm vi hòa giải ở cơ sở được tiến hành đối với các vi phạm pháp luật hình sự trong các trường hợp sau đây, với điều kiện không bị xử lý vi phạm hành chính:
(i) Không bị khởi tố vụ án theo Điều 107 của BLTTHS;
(ii) Pháp luật qui định chỉ khởi tố vụ án theo yêu cầu của người bị hại, nhưng người bị hại không yêu cầu khởi tố;
(iii) Vụ án đã được khởi tố nhưng sau đó có quyết định của cơ quan tiến hành tố tụng về đình chỉ điều tra theo qui định của khoản 2 Điều 164 hoặc đình chỉ vụ án theo qui định của khoản 1 Điều 169 của Bộ luật tố tụng hình sự (bao gồm cả trường hợp người chưa thành niên được miễn trách nhiệm hình sự theo qui định của Điều 69 của Bộ luật hình sự năm 1999).
Ngoài ra, hòa giải có thể được tiến hành đối với các vi phạm pháp luật bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn hoặc có đủ điều kiện để áp dụng biện pháp thay thế xử lý vi phạm hành chính.
Pháp luật hiện hành về xử lý vi phạm hành chính và hình sự có các trường hợp có thể xử lý chuyển hướng bằng biện pháp hòa giải, cụ thể như sau:
* Các trường hợp có thể áp dụng biện pháp hòa giải đối với người chưa thành niên phạm tội hình sự, bao gồm:
- Các trường hợp được miễn trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 29 Bộ luật hình sự, đặc biệt khoản 3 Điều 29 là quy định mới bổ sung, theo đó, người thực hiện tội phạm nghiêm trọng do vô ý hoặc tội phạm ít nghiêm trọng gây thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm hoặc tài sản của người khác, đã tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại hoặc khắc phục hậu quả và được người bị hại hoặc người đại diện hợp pháp của người bị hại tự nguyện hòa giải và đề nghị miễn trách nhiệm hình sự, thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự. Đối tượng được miễn trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 29 là người phạm tội nói chung trong đó có cả người chưa thành niên.
- Các trường hợp được miễn trách nhiệm hình sự và áp dụng biện pháp giám sát, giáo dục đối với người dưới 18 tuổi phạm tội theo quy định tại khoản 2 Điều 91 Bộ luật hình sự (người dưới 18 tuổi phạm tội, có nhiều tình tiết giảm nhẹ, tự nguyện khắc phục phần lớn hậu quả, (nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 29 Bộ luật hình sự): người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi phạm tội ít nghiêm trọng, phạm tội nghiêm trọng, trừ tội phạm quy định tại các điều 134, 141, 171, 248, 249, 250, 251 và 252 của Bộ luật; người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phạm tội rất nghiêm trọng quy định tại khoản 2 Điều 12 của Bộ luật hình sự, trừ tội phạm quy định tại các điều 123, 134, 141, 142, 144, 150, 151, 168, 171, 248, 249, 250, 251 và 252 của Bộ luật hình sự; người đồng phạm nhưng đóng vai trò không đáng kể).
Khi miễn trách nhiệm hình sự theo quy định tại khoản 2 Điều 91 Bộ luật hình sự, cơ quan tiến hành tố tụng xem xét áp dụng một trong ba biện pháp: khiển trách, hòa giải tại cộng đồng hoặc giáo dục tại xã phường thị trấn đối với người chưa thành niên phạm tội và giao người chưa thành niên cho Ủy ban nhân dân cấp xã, phường, thị trấn thực hiện việc giám sát, giáo dục. Việc thi hành các biện pháp này được quy định chi tiết tại Nghị định số 37/2018/NĐ-CP năm 2018 của Chính phủ.
- Các trường hợp khởi tố theo yêu cầu của người bị hại theo quy định tại Điều 155 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 là tội phạm quy định tại khoản 1 Điều 134 (tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác); Điều135 (tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh); Điều 136 (tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng hoặc do vượt quá mức cần thiết khi bắt giữ người phạm tội); Điều 138 (tội vô ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác); Điều 139 (tội vô ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác do vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính); Điều 141 (tội hiếp dâm), 143 (tội cưỡng dâm), 155 (tội làm nhục người khác), 156 (tội vu khống) và Điều 226 (tội xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp) trong trường hợp người bị hại không yêu cầu khởi tố hoặc rút yêu cầu khởi tố.
* Các trường hợp người chưa thành niên vi phạm hành chính có thể áp dụng biện pháp hòa giải
- Người được áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn theo quy định tại Điều 90 Luật xử lý vi phạm hành chính ( người từ đủ 12 tuổi đến dưới 14 tuổi thực hiện hành vi có dấu hiệu của một tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý quy định tại Bộ luật hình sự; người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi thực hiện hành vi có dấu hiệu của một tội phạm nghiêm trọng do cố ý quy định tại Bộ luật hình sự; người từ đủ 14 tuổi đến dưới 18 tuổi 02 lần trở lên trong 06 tháng có hành vi trộm cắp, lừa đảo, đánh bạc, gây rối trật tự công cộng mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự; người nghiện ma túy từ đủ 18 tuổi trở lên có nơi cư trú ổn định; người từ đủ 18 tuổi trở lên thực hiện hành vi xâm phạm tài sản của cơ quan, tổ chức; tài sản, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm của công dân hoặc người nước ngoài; vi phạm trật tự, an toàn xã hội 02 lần trở lên trong 06 tháng nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự)
- Người chưa thành niên được áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng quy định tại Điều 139 và Điều140 Luật xử lý vi phạm hành chính.
Tuy nhiên, cần lưu ý rằng, chỉ có Điều 94 Bộ luật hình sự 2015 mới quy định một cách chính thức, đầy đủ về đối tượng áp dụng, điều kiện áp dụng, cơ quan có thẩm quyền áp dụng, trình tự thủ tục áp dụng các biện pháp hòa; còn hòa giải đối với các trường hợp khác thường được xem là một phần hoặc một điều kiện của biện pháp xử lý chuyển hướng, có thể bắt buộc hoặc không bắt buộc thực hiện tùy từng trường hợp cụ thể, có thể do đương sự tự thỏa thuận hoặc thông qua tổ hòa giải ở cơ sở.
* Một số vướng mắc, khó khăn khi áp dụng các biện pháp xử lý chuyển hướng hòa giải đối với người chưa thành niên vi phạm pháp luật hành chính hoặc hình sự
- Trước khi Bộ luật hình sự 2015 được ban hành và có hiệu lực thi hành, thì biện pháp áp dụng thay thế hòa giải đối với người thành niên vi phạm pháp luật hành chính hoặc hình sự vẫn chưa được ghi nhận chính thức trong hệ thống pháp luật về xử lý vi phạm hành chính và xử lý hình sự. Các quy định về xử lý chuyển hướng đối với người chưa thành niên phạm tội mới chỉ dừng lại ở những quy định mang tính nguyên tắc tại Bộ luật hình sự 1999. Tuy nhiên, trong bối cảnh Bộ luật hình sự 2015 mới được ban hành thì các quy định của Luật hòa giải ở cơ sở và Nghị định số 15/2014/NĐ-CP về phạm vi hòa giải ở cơ sở đã không còn phù hợp. Ngoài ra, Nghị định số 15/2014/NĐ-CP về quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật hòa giải ở cơ sở mới chỉ quy định việc xử lý một cách không chính thức đối với một số vi phạm pháp luật nhỏ do người chưa thành niên gây ra, trong đó, có những đối tượng được áp dụng các biện pháp thay thế xử lý hành chính hoặc miễn truy cứu trách nhiệm hình sự, mà chưa có quy định cụ thể, hướng dẫn về các nguyên tắc, thủ tục, kỹ năng khi tiến hành hòa giải có liên quan đến người chưa thành niên. Đặc biệt, về phía các cơ quan tiến hành tố tụng cũng chưa có những hướng dẫn cụ thể, chi tiết thủ tục, quy trình để thực hiện các quy định này, Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 cũng chủ quy định chung về thủ tục hòa giải.
- Theo quy định tại Điều 92 Bộ luật hình sự 2015 thì cơ quan điều tra, Viện kiểm sát hoặc Tòa án chỉ quyết định miễn trách nhiệm hình sự và áp dụng biện pháp khiển trách, hòa giải tại cộng đồng hoặc biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn, nếu người dưới 18 tuổi phạm tội hoặc người đại diện hợp pháp của họ đồng ý với việc áp dụng một trong các biện pháp này. Việc quy định điều kiện áp dụng biện pháp thay thế xử lý hình sự như vậy là chưa thực sự chặt chẽ, trường hợp người chưa thành niên phạm tội đã bị xử lý mà tiếp tục phạm tội thì có được áp dụng biện pháp này không? Nếu tiếp tục áp dụng thì tính răn đe pháp luật chưa cao, dễ dẫn đến tình trạng coi thường pháp luật và nguy cơ các quan hệ xã hội bị xâm hại là rất lớn. Điều này cũng dẫn đến những khó khăn nhất định trong việc áp dụng các biện pháp thay thế hòa giải đối với người chưa thành niên phạm tội.
- Việc lựa chọn phương pháp xử lý phù hợp là rất quan trọng trong việc bảo đảm sự phát triển bình thường của người chưa thành niên, cũng như bảo đảm hiệu quả giáo dục và phòng ngừa tội phạm. Hiện nay, trên thế giới tồn tại nhiều cách thức xử lý không viện dẫn đến các thủ tục tố tụng chính thức đối với người chưa thành niên vi phạm pháp luật, hay nói cách khác là xử lý chuyển hướng, đang được sử dụng phổ biến và đem lại nhiều hiệu quả trong việc giáo dục và phòng ngừa tội phạm vị thành niên. Ở nước ta, Bộ luật hình sự 2015 đã quy định các biện pháp xử lý chuyển hướng tại Điều 93, 94 và 95. Tuy nhiên, thực tiễn áp dụng các biện pháp thay thế hình sự đối với người chưa thành niên phạm tội theo quy định của Bộ luật hình sự 2015 sẽ gặp phải khó khăn, vướng mắc trong trường hợp người chưa thành niên phạm nhiều tội và xét từng tội đều thỏa mãn điều kiện để áp dụng biện pháp thay thế xử lý hình sự hoặc trường hợp một tội đủ điều kiện áp dụng biện pháp thay thế xử lý hình sự còn tội khác lại áp dụng hình phạt tù thì việc xử lý đối với người chưa thành niên phạm tội như thế nào?
-  Bộ luật hình sự 2015, Luật xử lý vi phạm hành chính 2012 và Luật hòa giải ở cơ sở 2013, các văn bản hướng dẫn thi hành mới tập trung quy định về điều kiện, phạm vi áp dụng, mối quan hệ và sự tự nguyện thỏa thuận giữa nạn nhân và phía người vi phạm, gia đình, đại diện của người vi phạm chứ chưa đề cập đến các vấn đề về hình thức, biện pháp hỗ trợ người chưa thành niên vi phạm khi bị áp dụng các biện pháp xử lý thay thế. Điều này dẫn việc phối hợp giữa gia đình, cơ quan, tổ chức liên quan trong giáo dục, giám sát người chưa thành niên còn chưa chặt chẽ, dễ dẫn đến trường hợp người chưa thành niên phạm tội tái phạm.
* Từ những vướng mắc, hạn chế nêu trên, tác giả mạnh dạn đề xuất một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả áp dụng hòa giải ở cơ sở trong xử lý chuyển hướng đối với người chưa thành niên phạm tội sau đây:
- Thứ nhất, để tạo hệ thống pháp luật thống nhất, phù hợp giữa các quy định của Bộ luật hình sự 2015, Bộ luật tố tụng hình sự 2015, Luật xử lý vi phạm hành chính 2012, Luật hòa giải ở cơ sở 2013 về áp dụng các biện pháp xử lý chuyển hướng (trong đó có biện pháp hòa giải ở cơ sở) đối với người vi phạm pháp luật, nhất là người chưa thành niên, cần thiết phải xây dựng các văn bản quy định về trình tự, thủ tục áp dụng các biện pháp giám sát, giáo dục đối với người chưa thành niên phạm tội nói chung, áp dụng biện pháp hòa giải nói riêng.
- Thứ hai, cần sớm sửa đổi, bổ sung Luật hòa giải ở cơ sở và các văn bản hướng dẫn thi hành nhằm bảo đảm sự phù hợp với quy định mới của Bộ luật hình sự 2015 và Bộ luật tố tụng hình sự 2015. Theo đó, cần thiết phải có những quy định về nguyên tắc, thủ tục, hướng dẫn chi tiết việc áp dụng biện pháp thay thế hòa giải ở cơ sở đối với người chưa thành niên vi phạm pháp luật hành chính hoặc hình sự.
- Thứ ba, xử lý chuyển hướng là một vấn đề mới và khó đối với Việt Nam, các quy định về xử lý chuyển hướng mới được tiếp cận ở khía cạnh ban hành các chính sách mới, quy định của pháp luật mới. Do đó, để việc áp dụng các biện pháp xử lý chuyển hướng thực sự có hiệu quả, cần phải đầu tư xây dựng các chương trình tập huấn, nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ có thẩm quyền áp dụng (cán bộ tiến hành tố tụng), đẩy mạnh công tác tuyên truyền pháp luật, tập huấn kỹ năng, nghiệp vụ cho hòa giải viên về hòa giải ở cơ sở, những quy định mới của Luật xử lý vi phạm hành chính, Bộ luật hình sự, Bộ luật tố tụng hình sự liên quan đến việc áp dụng biện pháp thay thế hòa giải trong xử lý vi phạm hành chính, hình sự... Cần từng bước phát triển các dịch vụ hỗ trợ như tư vấn, tham vấn, đào tạo kỹ năng sống và dạy nghề./.  
Đỗ Thị Nhẫn
Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật
Các tin đã đưa ngày: