Liên kết website

Tọa đàm “Mô hình phổ biến, giáo dục pháp luật hiệu quả nhằm nâng cao ý thức chấp hành pháp luật cho thanh, thiếu niên” tại Thành phố Hồ Chí Minh

14/08/2018

Thực hiện Đề án “Tăng cường công tác phổ biến, giáo dục pháp luật nhằm nâng cao y thức chấp hành pháp luật cho thanh, thiếu niên”, sáng ngày 10/8/2018, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Bộ Tư pháp tổ chức Tọa đàm “Mô hình phổ biến, giáo dục pháp luật hiệu quả nhằm nâng cao ý thức chấp hành pháp luật cho thanh, thiếu niên”. Tham dự Tọa đàm có đại diện Sở Tư pháp 19 tỉnh, thành phố khu vực phía Nam, đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh các tỉnh, thành phố: Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Tây Ninh và đại diện một số Phòng Tư pháp, công chức Tư pháp – Hộ tịch, Đoàn TNCSHCM cấp huyện, cấp xã; một số trường đại học, cao đẳng, trung học phổ thông trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh. Đồng chí Phan Hồng Nguyên – Phó Vụ trưởng Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật, Bộ Tư pháp chủ trì Tọa đàm.

Báo cáo dẫn đề của Tọa đàm đã khẳng định vai trò quan trọng, sự cần thiết của công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cho thanh, thiếu niên, bởi đây là lực lượng xã hội to lớn, chiếm 24,5% dân số cả nước. Việc nghiên cứu, áp dụng, nhân rộng  các mô hình phổ biến, giáo dục pháp luật cho thanh, thiếu niên có hiệu quả là giải pháp quan trọng góp phần đổi mới, đa dạng hóa các hình thức PBGDPL, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác PBGDPL từ đó nâng cao hiểu biết, ý thức chấp hành pháp luật của thanh, thiếu niên.

Các tham luận, ý kiến phát biểu tại Tọa đàm đã cung cấp thông tin về các mô hình phổ biến, giáo dục pháp luật cho thanh, thiếu niên có hiệu quả như: Mô hình “4 kèm 1” tại tỉnh An Giang, mô hình “Giáo dục pháp luật – trải nghiệm thực tế” ở Sóc Trăng dành cho đối tượng thanh, thiếu niên chậm tiến, có nguy cơ vi phạm pháp luật cao. Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bình Phước triển khai mô hình “Phiên tòa giả định” áp dụng đối với đối tượng thanh, thiếu niên là học sinh trong các nhà trường. Bến Tre duy trì mô hình “Phiên tòa giả định” do Sở Tư pháp phối hợp với Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tổ chức cho đối tượng thanh, thiếu niên là đoàn viên, thanh niên ở các xã, phường, thị trấn với những cách thức tổ chức phong phú, đa dạng phù hợp với từng đối tượng. Ứng dụng công nghệ thông tin trong phổ biến, giáo dục pháp luật, đại diện Ban Tuyên giáo – Thành đoàn Hồ Chí Minh giới thiệu đến các đại biểu mô hình phổ biến, giáo dục pháp luật cho thanh, thiếu nhi qua trang cộng đồng mạng facebook “Tuổi trẻ pháp luật Thành phố Hồ Chí Minh với pháp luật”. Ngoài ra, nhiều mô hình tại các địa phương được giới thiệu như mô hình “100 ly cà phê pháp luật miền phí” (Tây Ninh), mô hình “Phiên tòa lưu động” (Đồng Tháp, Cà Mau), mô hình “Đổi luật lấy vàng”  (Sóc Trăng)…

Qua Tọa đàm, các đại biểu đã trao đổi, thảo luận sôi nổi chỉ ra các ưu điểm, hạn chế của từng mô hình, đề ra các giải pháp, kinh nghiệm để nhân rộng các mô hình hay, hiệu quả tại địa phương. Các ý kiến phát biểu đều cho rằng việc xây dựng các mô hình PBGDPL cho thanh, thiếu niên phải xuất phát từ nhu cầu, địa bàn, lấy đối tượng thanh, thiếu niên làm trung tâm. Để đảm tính hiệu quả, ổn định, bền vững của các mô hình cần phải có sự quan tâm chỉ đạo, sự phối hợp chặt chẽ của các cấp, các ngành và sự vào cuộc cả gia đình và xã hội. Các mô hình PBGDPL cho thanh, thiếu niên có hiệu quả được giới thiệu tại Tọa đàm là cơ sở để Bộ Tư pháp nghiên cứu, xây dựng tài liệu để giới thiệu, nhân rộng ở các địa phương trong thời gian tới./.
                             Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật
Các tin đã đưa ngày: