Phải rõ nét các chính sách hỗ trợ.
Đưa ra lấy ý kiến lần đầu tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIII, các quy định về xã hội hóa công tác PBGDPL là một chủ trương được các Đại biểu Quốc hội tán thành đưa vào dự thảo luật. Tuy nhiên, cũng nhiều ý kiến cho rằng, quy định về xã hội hóa còn chung chung, chưa đưa ra được những quy định về các chính sách hỗ trợ cụ thể có thể huy động được các nguồn lực xã hội dành cho công tác này.
Còn theo Ủy ban Pháp luật, các quy định như dự thảo chưa thể hiện rõ nét các chính sách hỗ trợ cụ thể để có thể huy động được các nguồn lực cho công tác PBGDPL. Mặt khác, các chính sách hỗ trợ phải được áp dụng hết sức linh hoạt và phụ thuộc vào điều kiện thực tế cũng như nhiều yếu tố khác.
Do vậy, Ủy ban Pháp luật đề nghị bổ sung thêm một điều quy định riêng về xã hội hóa công tác PBGDPL trong đó, giao Chính phủ tùy theo từng điều kiện từng thời kỳ để có các chính sách ưu đãi, hỗ trợ phù hợp cho các đối tượng tham gia công tác này.
Nạn nhân bạo lực gia đình, mua bán người cần coi là đối tượng đặc thù.
Theo dự thảo Chính phủ trình, các đối tượng đặc thù để PBGDPL đó là người dân miền núi, vùng sâu, xa, hải đảo, vừng đặc biệt khó khăn; người lao động trong doanh nghiệp, người khuyết tật. Theo Ủy ban Pháp luật, bên cạnh đối tượng chung là công dân thì có một nhóm đối tượng là người ít có khả năng, điều kiện thực tế để tiếp cận pháp luật hoặc những người trực tiếp làm công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cần có những kiến thức pháp luật chuyên sâu và kỹ năng để thực hiện việc lồng ghép phổ biến giáo dục, pháp luật hoặc những người cần phải giáo dục nhằm thay đổi hành vi để nâng cao ý thức chấp hành pháp luật. Vì vậy, Ủy ban Pháp luật đề nghị bổ sung một số đối tượng đặc thù khác bao gồm “ngư dân”, “cán bộ, công chức và viên chức, cán bộ, chiến sỹ trong lực lượng vũ trang nhân dân”, “người đang bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục, cơ sở chữa bệnh”.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tỏ ra phân vân khi đưa cán bộ, viên chức, chiến sỹ trong lực lượng vũ trang vào đối tượng đặc thù “như vậy khác nào chúng ta nói họ không hiểu biết pháp luật”. Tuy nhiên, Chủ tịch Hội đồng dân tộc K’So Phước lại ủng hộ phương án này, vì ông cho rằng, lực lượng vũ trang phải hiểu biết pháp luật thì mới phổ biến pháp luật được cho người khác.
Riêng đối tượng là nạn nhân của bạo lực gia đình, mua bán người, Ủy ban Pháp luật đề nghị loại bỏ khỏi đối tượng đặc thù nhưng Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thúy Hiền thì “xin giữ nguyên”. “Phụ nữ là nạn nhân bạo lực gia đình, bị mua bán vẫn là số đông; trình độ hiểu biết pháp luật hạn chế. Họ không chỉ yếu thế trong xã hội mà còn yếu thế ngay trong gia đình mình. Phổ biến pháp luật để họ tự bảo vệ mình ngay cả khi chưa bị bạo hành, mua bán mà còn cả trước đó, nếu thấy có nguy cơ” - Thứ trưởng nhấn mạnh.
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu tán thành với ý kiến này “cần đưa phụ nữ bị bạo lực gia đình, mua bán người vào diện đối tượng đặc thù, vì họ là nạn nhân chịu nhiều thiệt thòi do không hiểu biết pháp luật”.
Dự kiến, Dự án Luật PBGDPL sẽ được thông qua tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIII khai mạc vào tháng 5 tới đây.
Thu Hằng (nội chính)