Liên kết website

Hội Luật gia Việt Nam: Kết quả 10 năm thực hiện Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật

23/09/2022

Thực hiện Quyết định số 1196/QĐ-BTP ngày 20/5/2022 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành Kế hoạch tổng kết thực hiện Luật Phổ biến, giáo dục pháp, ngày 15/9/2022, Hội Luật gia Việt Nam đã ban hành Báo cáo số 260/HLGVN về tổng kết thực hiện Luật phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL).

Nhìn chung, sau 10 năm triển khai thực hiện Luật PBGDPL, ý thức học tập và tìm hiểu pháp luật của cán bộ, hội viên của Hội Luật gia các cấp đã được nâng cao. Việc học tập, cập nhật kiến thức pháp luật đã trở thành nhiệm vụ thường xuyên, hằng năm của cán bộ, hội viên. Sự tham gia PBGDPL cho Nhân dân trong thời gian qua của các cấp Hội Luật gia đã góp phần nâng cao ý thức tuân thủ, chấp hành pháp luật của Nhân dân; ổn định tình hình an ninh chính trị; giữ gìn trật tự, an toàn xã hội; thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và tăng cường quản lý nhà nước bằng pháp luật.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, trong quá trình thực hiện các quy định của Luật PBGDPL, nhiều tồn tại, bất cập đã được chỉ ra, cụ thể:
1. Nội hàm khái niệm PBGDPL chưa được nhận thức đầy đủ, cả từ góc độ lý luận, thực tiễn và pháp lý nên còn nhiều cách hiểu chưa thống nhất. Do chưa làm rõ sự tương đồng và khác biệt giữa thông tin pháp luật với giáo dục pháp luật, truyền thông chính sách, tuyên truyền chính trị nên các vấn đề này vẫn nằm chung trong cơ chế điều chỉnh của Luật PBGDPL và chưa có sự phân định rõ sự khác biệt về nội dung, mức độ và phạm vi điều chỉnh; thậm chí vẫn còn có sự trùng lắp trong điều chỉnh pháp luật giữa Luật PBGDPL với Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (liên quan đến công bố luật, pháp lệnh, Công báo, truyền thông chính sách); Luật Tiếp cận thông tin (về quyền được thông tin của công dân và các biện pháp bảo đảm thực hiện quyền); Luật Giáo dục, Luật Giáo dục đại học và Luật Giáo dục nghề nghiệp (trong đó có giáo dục pháp luật).

2. Vấn đề xã hội hóa công tác PBGDPL mặc dù đã được Luật PBGDPL, Nghị định số 28/2013/NĐ-CP ngày 04 tháng 4 năm 2013 của Chính phủ quy định, tuy nhiên các quy định này vẫn còn khá chung chung, vì vậy nên chưa thu hút được các nguồn lực xã hội tham gia vào phổ biến, giáo dục pháp luật. Chính sách hỗ trợ tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân tham gia thực hiện PBGDPL hoặc hỗ trợ kinh phí, cơ sở vật chất, phương tiện cho hoạt động PBGDPL còn khá mờ nhạt như: được cấp phát tài liệu pháp luật, thông tin miễn phí, được thực hiện quảng cáo, được khen thưởng. Đối với một số tổ chức hành nghề về pháp luật và tổ chức xã hội nghề nghiệp về pháp luật thì mới dừng lại ở việc khuyến khích tham gia PBGDPL.

3. Tính hiệu lực, hiệu quả của Hội đồng phối hợp PBGDPL ở một số cấp, ngành còn hạn chế; sự phát huy trách nhiệm, vai trò của các thành viên Hội đồng chưa được chú trọng; một số cấp ủy Đảng và cá nhân thành viên Hội đồng ở một số cấp, ngành chưa thực sự quan tâm đến công tác PBGDPL.

4. Nội dung và hình thức PBGDPL: Cách thức tiếp cận, triển khai các hoạt động của các chủ thể vẫn nặng tính truyền thống, chủ yếu xuất phát từ ý chí, mong muốn từ phía cơ quan quản lý nhà nước mà chưa xuất phát từ nhu cầu, mong muốn của người dân, gắn với quyền, nghĩa vụ của các chủ thể trong tình huống, sự kiện pháp lý cụ thể. Vì vậy, việc lựa chọn nội dung để thực hiện PBGDPL ở nhiều nơi vẫn còn mang tính chủ quan, chưa thực sự xuất phát từ nhu cầu thực thực tiễn của người dân. Một số nơi hoạt động PBGDPL bị trùng lặp về nội dung cũng như đối tượng được phổ biến. Một số tài liệu, đề cương PBGDPL biên soạn chất lượng chưa sâu; hình thức chưa đa dạng và phong phú; chủ yếu tập trung vào giới thiệu sự cần thiết phải ban hành, quan điểm xây dựng, mục tiêu chính sách lớn của văn bản và một số nội dung cơ bản, nhất là điểm mới, sửa đổi, bổ sung mang tính định hướng, dành cho báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên pháp luật, cán bộ, công chức thi hành văn bản mà chưa gắn với các hành vi bị nghiêm cấm, biện pháp và chế tài xử lý đối với hành vi vi phạm; quyền, nghĩa vụ của các chủ thể, thậm chí còn thiếu sự phân hóa về nội dung và phương pháp dựa trên đặc điểm, tính chất của từng nhóm đối tượng, địa bàn, lĩnh vực; chưa gắn kết và đặt trong sự điều chỉnh chung của hệ thống pháp luật nên rất khó cho người dân trong áp dụng, nhất là khi người dân chưa có đủ kỹ năng nghiên cứu, cập nhật các quy định pháp luật và vận dụng, sử dụng pháp luật.

5. Sau 10 năm thực hiện Luật PBGDPL, nhận thức về trách nhiệm của các cấp, các ngành và toàn xã hội trong việc tham gia PBGDPL đã được nâng lên một bước. Tuy nhiên, vẫn còn chưa đầy đủ, chưa thực sự tích cực và chủ động, vẫn còn tâm lý chờ đợi sự chỉ đạo, hướng dẫn, giao việc. Một số cơ quan, tổ chức, địa phương triển khai chưa quyết liệt, thường xuyên và liên tục. Một bộ phận người dân chưa ý thức đầy đủ và thực hiện trách nhiệm của công dân trong việc chủ động tìm hiểu, nghiên cứu, học tập pháp luật.

6. Thông tư số 10/2016/TT-BTP ngày 22/7/2016 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp quy định số lượng báo cáo viên pháp luật do các cơ quan, địa phương quyết định bảo đảm mỗi lĩnh vực pháp luật thuộc phạm vi quản lý chuyên sâu có ít nhất 01 báo cáo viên pháp luật kiêm nhiệm thực hiện hoạt động PBGDPL. Tuy nhiên, thực tiễn nhiều lĩnh vực chuyên sâu thiếu báo cáo viên pháp luật; một số cơ quan không có báo cáo viên pháp luật hoặc chỉ có 01 báo cáo viên pháp luật nên khó có thể đảm bảo tính toàn diện các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý theo ngành, lĩnh vực, địa phương; chưa có quy định và cơ chế phù hợp để xây dựng báo cáo viên pháp luật chuyên biệt để PBGDPL cho những nhóm đối tượng đặc thù, đáp ứng toàn diện yêu cầu công tác này (đối tượng là người khuyết tật, người dân tộc thiểu số không biết tiếng phổ thông...). Việc phân cấp báo cáo viên pháp luật (Trung ương, tỉnh, huyện) đã phát sinh tâm lý chung là khi có nhu cầu phổ biến pháp luật thì các cơ quan, tổ chức thường muốn mời báo cáo viên pháp luật ở cấp cao hơn thay vì cấp tương đương hoặc báo cáo viên của địa phương. Điều 35 Luật phổ biến, giáo dục pháp luật quy định báo cáo viên pháp luật phải là cán bộ, công chức, viên chức và sỹ quan trong lực lượng vũ trang nhân dân nên không huy động được những người có kiến thức pháp luật tham gia PBGDPL như những người đã nghỉ hưu, luật gia, luật sư.

7. Về điều kiện bảo đảm cho công tác PBGDPL: Các mức chi quy định tại Thông tư liên tịch số 14/2014/TTLT-BTC-BTP ngày 27/01/2014 của Bộ trưởng Bộ Tài chính, Bộ trưởng Bộ Tư pháp quy định việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí ngân sách nhà nước bảo đảm cho công tác PBGDPL và chuẩn tiếp cận pháp luật của người dân tại cơ sở (Thông tư liên tịch số 14) hiện còn thấp so với yêu cầu của công tác PBGDPL. Các quy định liên quan đến hướng dẫn về ngân sách Trung ương hỗ trợ ngân sách địa phương còn chưa khả thi, chưa đảm bảo được thực hiện trên thực tế. Một số bộ, ngành địa phương trong quá trình áp dụng các quy định của Thông tư liên tịch số 14 còn gặp nhiều lúng túng trong xây dựng dự toán, áp dụng các quy định cụ thể của Thông tư liên tịch do nội dung các quy định dẫn chiếu áp dụng rất nhiều văn bản hướng dẫn tài chính về các công việc, hoạt động, lĩnh vực khác có tính chất, nội dung tương tự. Một số nội dung chi, mức chi dành cho những nhiệm vụ mới trong công tác PBGDPL chưa được quy định trong Thông tư liên tịch số 14.
Lưu Công Thành
Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật
Các tin đã đưa ngày: