Liên kết website

Một số mô hình PBGDPL điển hình của các cấp Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam

16/09/2022

Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) của các cấp Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) được triển khai trong thời gian qua đạt được những kết quả tích cực với nhiều mô hình sáng tạo, hiệu quả, cần được tham khảo, nhân rộng trong thời gian tới.

Mô hình Ngôi nhà Bình yên
Được đưa vào vận hành từ năm 2007 đã hỗ trợ kịp thời, khẩn cấp và toàn diện đối với nạn nhân là phụ nữ và trẻ em bị bạo lực gia đình và mua bán người, giúp phục hồi sức khỏe thể chất và tinh thần, bảo vệ quyền lợi hợp pháp, tạo điều kiện để tái hòa nhập an toàn và bền vững thông qua các dịch vụ hỗ trợ về kiến thức, kỹ năng và pháp lý. Ngôi nhà bình yên đã tổ chức nhiều hội thảo tăng cường mạng lưới các đơn vị cung cấp dịch vụ hỗ trợ phụ nữ, trẻ em; Tổ chức sự kiện Bữa sáng Ruy băng trắng-Nam giới hợp tác bảo đảm sự an toàn và công lý của phụ nữ, trẻ em bị bạo lực trên cơ sở giới, thu hút sự tham gia của hàng trăm đại biểu.

Mô hình “Tổ tư vấn cộng đồng tại Chi hội phụ nữ khu phố, ấp”
Đây là cách làm sáng tạo trong công tác PBGDPL của Hội LHPN thành phố Hồ Chí Minh. Mô hình này được thành lập từ năm 2012 tại 319 phường, xã, thị trấn trên địa bàn Thành phố. Đến tháng 6/2018, đã có 2.031 Tổ tư vấn cộng đồng/2.043 khu phố, ấp với 8.119 thành viên (trong đó có 6.901 nữ, chiếm 85%). Từ năm 2012 đến 2018, các thành viên Tổ Tư vấn trên địa bàn Thành phố đã tư vấn được 41.728 lượt trường hợp. Kết quả hoạt động của Tổ tư vấn đã đáp ứng một phần nhu cầu tư vấn của người dân tại khu phố, ấp. hòa giải về mâu thuẫn gia đình góp phần hạn chế những mâu thuẫn nhỏ phát sinh trong gia đình và cộng đồng.

Hiện nay, mô hình Tổ tư vấn cộng đồng đã được Hội LHPN một số tỉnh/thành tham khảo, học tập, nhân rộng (Đồng Nai, Bà Rịa Vũng Tàu, Tây Ninh…).  Bên cạnh đó, Hội LHPN một số tỉnh đã thành lập các mô hình Câu lạc bộ Nữ Thẩm phán -Nữ Luật gia-Nữ Hội thẩm nhân dân, Câu Lạc bộ Nữ làm công tác pháp luật, Câu lạc bộ Nữ hòa giải viên…trên địa bàn tỉnh/Thành phố là lực lượng nòng cốt trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, tư vấn pháp luật trực tiếp miễn phí tại địa phương.

Mô hình “Địa chỉ tin cậy tại cộng đồng”
Mô hình này được Hội LHPN tỉnh Bình Dương khảo sát và làm việc với cấp ủy Đảng thí điểm xây dựng mô hình này cho phụ nữ bị bạo hành năm 2013 tại xã Vĩnh Hòa, Huyện Phú Giáo, Tỉnh Bình Dương. Kết quả thành lập 01 địa chỉ chính và 08 địa chỉ phụ, mô hình điểm được thành lập đã tạo sự đồng thuận cao của cấp ủy Đảng, các ban, ngành đoàn thể địa phương và người dân, nhất là chị em phụ nữ bị bạo hành có nơi tạm lánh tạm thời để được giúp đỡ và tư vấn. Từ hiệu quả của mô hình thí điểm, đến nay toàn tỉnh đã xây dựng được 382 “Địa chỉ tin cậy cộng đồng” với 1.241 thành viên. Mô hình này đang được các tỉnh/thành khác áp dụng và nhân rộng do hiệu quả của mô hình mang lại (Bắc Kạn đã thành lập và duy trì hoạt động của 282 “Địa chỉ tin cậy tại cộng đồng”).

Xây dựng và thành lập mô hình Văn phòng dịch vụ một điểm đến (OSSO)
Chức năng của Văn phòng là tư vấn, hỗ trợ cho phụ nữ di cư hồi hương và gia đình của họ về các lĩnh vực pháp lý, tâm lý, việc làm, giáo dục – đào tạo. Đến nay đã thành lập được 05 Văn phòng tại 5 tỉnh/thành phố: Hà Nội, Hải Dương, Hải Phòng, Cần Thơ, Hậu Giang. Kết quả, 05 Văn phòng OSSO đã tư vấn và hỗ trợ cho gần 600 phụ nữ di cư hồi hương với trên 2,000 lượt tiếp cận dịch vụ.
Tô Thị Thu Hà
Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật 
Các tin đã đưa ngày: