Liên kết website

Nghị định số 55/2011/NĐ-CP ngày 04 tháng 7 năm 2011 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của tổ chức pháp chế

30/08/2011

Nghị định này quy định về vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy của tổ chức pháp chế ở Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh), doanh nghiệp nhà nước và quản lý nhà nước về công tác pháp chế.

Theo đó, tổ chức pháp chế ở Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh là đơn vị chuyên môn, có chức năng tham mưu, giúp Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Thủ trưởng cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện việc quản lý nhà nước bằng pháp luật trong phạm vi ngành, lĩnh vực được giao và tổ chức thực hiện công tác pháp chế quy định tại Nghị định này.

Tổ chức pháp chế ở doanh nghiệp nhà nước là đơn vị chuyên môn, có chức năng tham mưu, tư vấn cho Hội đồng thành viên, Hội đồng quản trị, Chủ tịch công ty, Tổng giám đốc, Giám đốc doanh nghiệp về những vấn đề pháp lý liên quan đến tổ chức, quản lý và hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

Về tổ chức pháp chế, Nghị định quy định ở Bộ, cơ quan ngang Bộ có Vụ Pháp chế; cơ quan thuộc Chính phủ có Ban Pháp chế hoặc Phòng Pháp chế trực thuộc Văn phòng; cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có Phòng Pháp chế. Điểm mới trong trong việc quy định về tổ chức pháp chế thể hiện ở những điểm sau:

- Căn cứ vào nhu cầu công tác pháp chế, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ trình Thủ tướng Chính phủ quyết định việc thành lập tổ chức pháp chế ở các Tổng cục và tương đương thuộc Bộ, cơ quan ngang Bộ.

Căn cứ vào nhu cầu công tác pháp chế, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ quyết định việc thành lập tổ chức pháp chế hoặc quyết định việc bố trí công chức pháp chế chuyên trách ở các Cục thuộc Bộ, cơ quan ngang Bộ.

- Quy định giao cho Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Công an quyết định thành lập và cơ cấu tổ chức pháp chế hoặc bố trí cán bộ pháp chế chuyên trách trong lực lượng quân đội, công an nhân dân.

- Quy định cứng về việc thành lập phòng pháp chế ở 14 cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, trừ Sở Tư pháp, Thanh tra, Văn phòng. Các cơ quan chuyên môn được thành lập theo đặc thù riêng của từng địa phương và ở các cơ quan chuyên môn khác thì do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định thành lập Phòng Pháp chế hoặc bố trí công chức pháp chế chuyên trách.

- Căn cứ vào nhu cầu công tác pháp chế, Chủ tịch Hội đồng thành viên, Chỉ tịch Hội đồng quản trị, Chủ tịch công ty, Tổng giám đốc, Giám đốc doanh nghiệp nhà nước quyết định việc thành lập tổ chức pháp chế hoặc quyết định việc bố trí nhân viên pháp chế chuyên trách.

Về người làm công tác pháp chế và tiêu chuẩn:

Người làm công tác pháp chế gồm: Công chức pháp chế được tuyển dụng, bổ nhiệm vào tổ chức pháp chế ở Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân cấp tỉnh; Cán bộ pháp chế được điều động, tuyển dụng vào tổ chức pháp chế ở các đơn vị quân đội, công an nhân dân; Viên chức pháp chế được tuyển dụng, bổ nhiệm vào tổ chức pháp chế ở đơn vị sự nghiệp công lập; Nhân viên pháp chế được tuyển dụng theo chế độ hợp đồng lao động, vào tổ chức pháp chế ở doanh nghiệp nhà nước.

Tiêu chuẩn: Công chức pháp chế phải là công chức từ ngạch chuyên viên và tương đương, có trình độ cử nhân luật trở lên; Viên chức pháp chế là viên chức có chức danh nghề nghiệp, có trình độ cử nhân luật trở lên. Đối với những người hiện đang làm công tác pháp chế mà chưa có trình độ cử nhân luật thì phải tham gia chương trình đào tạo về pháp luật và bồi dưỡng kỹ năng, chuyên môn, nghiệp vụ về công tác pháp chế do Bộ Tư pháp tổ chức. Sau 05 năm, kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực, người làm công tác pháp chế phải có trình độ cử nhân luật.

Một trong những điểm mới cơ bản của Nghị định là đã quy định về chế độ, chính sách cho người làm công tác pháp chế, theo đó công chức, cán bộ và viên chức pháp chế được hưởng phụ cấp ưu đãi theo nghề.

Riêng đối với doanh nghiệp nhà nước có thể vận dụng tiêu chuẩn, chế độ của cán bộ, công chức, viên chức pháp chế để lựa chọn, bố trí sử dụng và quyết định chế độ đối với nhân viên pháp chế.

Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 25/8/2011 và thay thế Nghị định số 122/2004/NĐ-CP ngày 18/5/2004 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức pháp chế các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan chuyên môn thuộc Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và doanh nghiệp nhà nước.

Các tin đã đưa ngày: