Thứ nhất, về công tác triển khai Quyết định số 270/QĐ-TTg ngày 27/02/2009 của Thủ tướng Chính phủ:
UBND tỉnh đã ban hành Quyết định 288/QĐ-UBND ngày 08/06/2009 về việc ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án “Củng cố, kiện toàn và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật đáp ứng yêu cầu đổi mới, phát triển của đất nước” giai đoạn 2009-2012 trên địa bàn tỉnh Gia lai; Kế hoạch số 2513/KH-UBND ngày 31/7/2013 thực hiện Đề án giai đoạn 2013-2016 trên địa bàn tỉnh. Ban chỉ đạo Đề án đã được thành lập theo quyết định số 1195/QĐ-UBND ngày 07/9/2009 của UBND tỉnh, và được kiện toàn theo Quyết định số 417/QĐ-UBND ngày 29/5/2014. Các huyện, thị, thành trên địa bàn tỉnh đều có văn bản triển khai thực hiện Đề án. Hoạt động đề ra đã bám sát nội dung và đối tượng của Đề án, xác định trọng tâm, trọng điểm, phân công trách nhiệm cụ thể cho các cơ quan thành viên.
Thứ hai, về đội ngũ làm công tác phổ biến gióa dục pháp luật:
Đến nay Đội ngũ thực hiện công tác PBGDPL đã được củng cố, kiện toàn. Hiện toàn tỉnh có 470 báo cáo viên pháp luật (BCVPL), trong đó 71 BCVPL cấp tỉnh và 399 BCVPL cấp huyện; 3.008 tuyên truyền viên pháp luật.
Đội ngũ công chức tư pháp thực hiện quản lý công tác PBGDPL có 415 người, trong đó: cấp tỉnh 03 người, cấp huyện 65 người, cấp xã 347 người. Trong đó, có 169 người có trình độ Đại học luật (chiếm 40,73%), 222 người có trình độ Trung cấp Luật (chiếm 53,49%), 24 người có trình độ đại học, cao đẳng, trung cấp khác (chiếm 5,78 %). Đã xây dựng và thành lập được 158 Câu lạc bộ trợ giúp pháp lý, 49 Câu lạc bộ Nông dân với pháp luật (trong đó xây dựng mới 10 CLB), 240 Câu lạc bộ Phụ nữ với pháp luật với 8.473 thành viên (trong đó xây dựng mới 82 CLB) và nhiều loại hình Câu lạc bộ khác có lồng ghép việc phổ biến, tìm hiểu pháp luật. Bên cạnh đó, lực lượng thực hiện công tác PBGDPL còn có đội ngũ Hòa giải viên, đội ngũ giáo viên giảng dạy môn Đạo đức, Giáo dục công dân trong các trường học…
Thứ ba, về công tác phối hợp thực hiện chương trình PBGDPL, đào tạo bồi dưỡng chính trị, chuyên môn pháp lý, nghiệp vụ PBGDPL:
Các đơn vị trong tỉnh phối hợp thực hiện 20 lớp tập huấn nghiệp vụ PBGDPL và nâng trình độ lý luận chính trị cho khoảng 1.600 cán bộ, hội viên, đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên cấp xã. Nội dung tập huấn tập trung vào các văn bản pháp luật mới ban hành liên quan trực tiếp đến người dân.
Thứ tư, về công tác bồi dưỡng tập huấn
Từ 2009-2016, cấp huyện đã tổ chức được 515 lớp tập huấn cho 55.7417 lượt người. Nội dung tập huấn chủ yếu tập trung vào việc nâng cao nghiệp vụ, trình độ lý luận chính trị, kỹ năng phổ biến pháp luật và những văn bản pháp luật mới cho đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên cấp xã, hòa giải viên, cán bộ Tư pháp - Hộ tịch cấp xã, cán bộ thôn, làng, người có uy tín tại cơ sở. Kinh phí mở lớp tập huấn chủ yếu là hỗ trợ của UBND huyện, của Hội đồng phối hợp công tác PBGDPL cấp huyện và kinh phí đào tạo, bồi dưỡng của Trung tâm giáo dục thường xuyên.
Tại cấp tỉnh tổ chức 24 lớp tập huấn nghiệp vụ phổ biến pháp luật cho 2.231 người là trợ giúp viên pháp lý, cán bộ tư vấn pháp luật, báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên và hòa giải viên cơ sở, cán bộ Tư pháp - Hộ tịch xã.
Thứ năm, về công tác biên soạn phát hành tài liệu tuyên truyền:
Biên soạn và phát hành 209.339 cuốn tài liệu phổ biến pháp luật ở thôn, làng, khu dân cư; 33.109 cuốn sách pháp luật; 235 cuốn tài liệu “Hỗ trợ kiến thức lý luận chính trị cho cán bộ Tư pháp và công an xã, phường, thị trấn; 42.209 tập đề cương phổ biến các văn bản pháp luật mới, bồi dưỡng kiến thức pháp luật, nghiệp vụ phổ biến giáo dục pháp luật và nâng cao trình độ lý luận chính trị cho đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên cấp xã và cán bộ Tư pháp - Hộ tịch xã; 8.000 Tờ thông tin của Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật cấp tỉnh; 71.460 tờ gấp pháp luật; 29.445 đĩa tuyên truyền, phổ biến pháp luật; Thực hiện chuyên mục trả lời bạn nghe đài trên sóng phát thanh và nhiều tài liệu tuyên truyền khác.
Thứ sáu, công tác thực hiện chính sách đối với người làm công tác PBGDPL:
UBND tỉnh ban hành Quyết định số 03/2015/QĐ-UBND ngày 21/01/2015 Quy định về mức chi đối với một số nội dung chi có tính chất đặc thù thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, chuẩn tiêp cận pháp luật của người dân tại cơ sở và hòa giải ở cơ sở trên địa bàn tỉnh. Theo đó các tuyên truyền viên, báo cáo viên, hòa giải viên trên địa bàn tỉnh khi thực hiện việc phổ biến pháp luật từ tỉnh đến các thôn, làng hầu hết đã được thanh toán tiền thù lao báo cáo viên và thực hiện các chế độ khác theo quy định cho học viên.
Nhìn chung nguồn nhân lực PBGDPL của tỉnh Gia Lai đã được củng cố, kiện toàn hoạt động tích cực hơn, trình độ pháp lý ngày một nâng cao, đội ngũ làm công tác PBGDPL thường xuyên được tập huấn để nâng cao trình độ, chuyên môn nghiệp vụ, được cập nhật văn bản pháp luật mới nhanh hơn so với giai đoạn trước khi thực hiện Đề án.
Tuy nhiên vẫn còn một số tồn tại và hạn chế:
- Mạng lưới báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật các cấp, đặc biệt là mạng lưới nguồn nhân lực làm công tác PBGDPL ở địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, vùng đồng bào dân tộc thiểu số chưa đáp ứng được yêu cầu. Chưa mở được lớp bồi dưỡng dành riêng cho báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật là người dân tộc thiểu số.
- Trình độ pháp lý, kiến thức pháp luật và kỹ năng tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật của đội ngũ thực hiện công tác này còn chưa được đảm bảo, nhất là ở cấp xã.
- Chưa kết hợp tốt giữa thực hiện các chương trình giáo dục lý luận chính trị của các cơ quan Đảng, Nhà nước, đoàn thể chính trị - xã hội với chương trình PBGDPL; chưa huy động và phát huy vai trò của đội ngũ luật gia, cán bộ Công đoàn trong tham gia PBGDPL trong các doanh nghiệp.
- Chi phí để tổ chức lớp tập huấn kiến thức pháp luật cao, nguồn kinh phí thực hiện đề án còn hạn hẹp (trong 3 năm từ 2012-2016 tỉnh chỉ bổ trí được 156.000.000đ cho việc thực hiện Đề án), nguồn tài liệu PBGDPL dành riêng cho các đối tượng là người làm công tác PBGDPL còn hạn chế.
Để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trên địa bàn tỉnh, cần tập trung triển khai thực hiện một số giải pháp sau:
Một là, Cần có sự chỉ đạo quyết liệt hơn, quán triệt đầy đủ và sâu sắc ý nghĩa, vai trò, tầm quan trọng của công tác PBGDPL đến từng cán bộ, đảng viên trong các tổ chức cơ sở Đảng, tổ chức chính quyền và nhân dân; Xây dựng, hoàn thiện đội ngũ làm công tác PBGDPL cả về số lượng và chất lượng đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong thời kỳ mới.
Hai là, Cần có cơ chế phối hợp thực hiện chặt chẽ và hiệu quả hơn nữa giữa các cơ quan, ban, ngành, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể, các cơ quan thành viên của Hội đồng phối hợp PBGDPL các cấp, các cơ quan thông tin đại chúng tạo nên sức mạnh tổng hợp, toàn diện để thực hiện công tác này.
Ba là, Phải có chương trình, kế hoạch tập huấn phù hợp với đối tượng, với trình độ chuyên môn, năng lực công tác của nguồn nhân lực thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, tạo môi trường và điều kiện làm việc tối ưu nhằm tạo sự phát triển của nguồn nhân lực để thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật ngày một tốt hơn.
Bốn là, Tổ chức đánh giá năng lực và công việc định kỳ, qua đó đánh giá mục tiêu công việc, mục tiêu phát triển nghề nghiệp của mỗi cá nhân đồng thời cũng là cơ sở nhằm quy hoạch nguồn nhân lực phổ biến, giáo dục pháp luật phù hợp với từng giai đoạn phát triển.
Cuối cùng, Đề nghị Bộ Tư pháp cần mở thêm các lớp tập huấn nghiệp vụ công tác PBGDP tại các địa phương nhất là các địa phương có đông người dân tộc thiểu số, tăng cường cấp phát tài liệu cho lực lượng làm công tác PBGDPL và bổ sung kinh phí cho các địa phương có nguồn kinh phí phân bổ cho Đề án còn hạn chế.