Một trong những mục tiêu mà Nghị quyết 41-NQ/TW đề ra là phát triển đội ngũ doanh nhân tuân thủ pháp luật, có trách nhiệm xã hội, ý thức bảo vệ môi trường, đóng góp xứng đáng cho các mục tiêu phát triển đất nước. Gắn với mục tiêu này, Nghị quyết xác định một số nhiệm vụ, giải pháp như tuyên truyền, vận động đội ngũ doanh nhân thực hiện tốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước; hoàn thiện chính sách, pháp luật, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, an toàn, bình đẳng cho doanh nhân, doanh nghiệp phát triển và cống hiến; có chính sách tạo điều kiện cho doanh nghiệp nhỏ và vừa mở rộng quy mô, nâng cao sức cạnh tranh, năng lực sản xuất, phát triển mô hình kinh doanh dựa trên nền tảng đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học công nghệ, kinh tế số, kinh tế chia sẻ, kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, bảo vệ môi trường, biến đổi với khí hậu; lấy đạo đức, văn hóa kinh doanh làm cốt lõi, đề cao tinh thần thượng tôn pháp luật…
Để thực hiện Nghị quyết, ngày 19/02/2024, Bộ Tư pháp ban hành Kế hoạch số 170-KH/BCSĐ của Ban cán sự đảng, trong đó triển khai 08 nhóm nhiệm vụ chủ yếu gắn với công tác tư pháp bao gồm tổ chức nghiên cứu, học tập, quán triệt, tuyên truyền nội dung Nghị quyết số 41-NQ/TW; tham gia hoàn thiện thể chế, chính sách về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới; công tác kiểm tra, rà soát văn bản quy phạm pháp luật về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới; công tác quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật; hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp về công tác xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới; tăng cường công tác điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế trong công tác xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới; hoàn thiện chính sách, pháp luật về bổ trợ tư pháp, nâng cao chất lượng, vai trò của đội ngũ doanh nhân là luật sư, công chứng viên, đấu giá viên, thừa phát lại, giám định viên, trọng tài thương mại và củng cố, xây dựng tổ chức xã hội – nghề nghiệp trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp…
Trong đó nhiệm vụ hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp trong công tác xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam tập trung vào các nội dung: Cung cấp thông tin, bao gồm thông tin pháp luật trong nước, thông tin pháp luật nước ngoài, cảnh báo rủi ro pháp lý và chính sách có liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp, doanh nhân; Bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho doanh nghiệp về pháp luật cho doanh nghiệp, người làm công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp và mạng lưới tư vấn viên pháp luật; Thông qua mạng lưới Tư vấn viên pháp luật tư vấn pháp luật cho doanh nghiệp, doanh nhân, tổ chức đại diện cho doanh nghiệp về pháp luật nhằm giải quyết các vướng mắc pháp lý cho doanh nghiệp và các hoạt động tư vấn pháp luật khác phù hợp với các quy định của pháp luật trên cơ sở nhu cầu của doanh nghiệp, doanh nhân.
Với vai trò, trách nhiệm chủ trì nhiệm vụ hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật sẽ chú trọng và kịp thời triển khai gắn với Chương trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa giai đoạn 2021 – 2025, Đề án “Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp giai đoạn 2021 – 2030”, phối hợp với các đơn vị có liên quan thuộc Bộ Tư pháp đẩy mạnh công tác thông tin, truyền thông các chính sách, văn bản về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong tình hình mới./.
Nguyễn Thanh Tùng
Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật