Có thể nói, đây là cuộc thi đạt được nhiều cái “nhất” so với các cuộc thi trực tuyến tìm hiểu pháp luật do Bộ Tư pháp tổ chức từ trước đến nay. Trong 30 ngày diễn ra, Cuộc thi đã thu hút số lượt người tham gia dự thi kỷ lục, với hơn 856.000 lượt người dự thi với số lượt người dự thi trả lời đúng phần lớn số câu hỏi cũng đạt khá cao với gần 128.000 lượt người. So với tổng số lượt người tham gia dự thi của 04 cuộc thi trực tuyến được Bộ Tư pháp tổ chức năm 2019, Cuộc thi này tăng gấp 6,76 lần; gần gấp 03 lần cuộc thi trực tuyến “Pháp luật học đường” được Bộ Tư pháp phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và Tập đoàn Egroup tổ chức từ cuối năm 2019 đến giữa năm 2020. Điều đó cho thấy sức hút của cuộc thi khá lớn, đã huy động được một phong trào tìm hiểu, học tập pháp luật sôi nổi, rộng rãi, tích cực, nhiệt tình trong các tầng lớp nhân dân tham gia cuộc thi.
Qua theo dõi và trực tiếp tương tác, trả lời hướng dẫn người dự thi trong quá trình diễn ra cuộc thi cũng cho thấy, đây là cuộc thi có lượng người tham gia đa dạng nhất về thành phần, lứa tuổi, giới tính, từ các cụ già, đến các em học sinh nhỏ tuổi, từ người lao động trong các doanh nghiệp, đến các chiến sỹ trong lực lượng vũ trang, lan toả đến các tầng lớp nhân dân trên khắp mọi miền đất nước, trong đó các nhà trường là khối đơn vị có số lượng giáo viên, học sinh tham gia đông đảo nhất. Với khối lượng người dự thi đông và phong phú như vậy, nên đây cũng là cuộc thi mà Ban Tổ chức, Tổ thư ký giúp việc hoạt động “bận rộn” nhất khi phải tiếp nhận, xử lý, trả lời thông tin cho người dự thi bất kể thời gian nào trong ngày, từ sáng sớm đến đêm khuya, mang đến niềm vui không nhỏ khi chứng kiến con số lượt người tham gia tăng lên từng ngày, càng về cuối càng gia tăng theo cấp số nhân…
Cuộc thi năm nay cũng đã chứng kiến sự hưởng ứng tích cực nhất khi 63/63 tỉnh, thành phố đều tích cực tham gia, trong đó một số địa phương có số lượt thí sinh tham gia đông đảo như: Bắc Giang (242.287 lượt), Nghệ An (150.324 lượt), Hà Nội (102.393 lượt), Vĩnh Phúc (44.043 lượt), Hà Giang (29.096 lượt); Hà Tĩnh (19.065 lượt), Cần Thơ (16.697 lượt), Yên Bái (16.478 lượt), Đồng Nai (14.702 lượt); Nam Định (13.632 lượt).
Để đạt được những con số ấn tượng nêu trên, bên cạnh việc Ban Tổ chức đã xây dựng kế hoạch, hướng dẫn chỉ đạo tổ chức cuộc thi một cách bài bản, khoa học, công tác truyền thông tạo sức lan tỏa mạnh mẽ về mục đích, ý nghĩa của Cuộc thi cũng đã được đặc biệt quan tâm chú trọng nhất. Theo đó, Ban Tổ chức và Tổ thư ký giúp việc đã tiến hành gửi thông tin phát động, hưởng ứng tham gia Cuộc thi đến các Sở Tư pháp, cơ quan pháp chế các bộ ngành và đông đảo các phương tiện thông tin đại chúng để phối hợp tuyên truyền, phát động thông tin hưởng ứng cuộc thi đến các cơ quan, tổ chức và người dân. Nhờ vậy đã tạo ra được chuỗi hoạt động truyền thông về cuộc thi có hiệu ứng lớn nhất thông qua việc đăng tải thông tin, truyền tải thông điệp về cuộc thi trên báo điện tử, báo giấy, trên kênh VOV giao thông, VOV1 của Đài Tiếng nói Việt Nam... và trên Cổng/Trang thông tin điện tử của các Sở Tư pháp, cơ quan, đơn vị, trường học thuộc nhiều địa phương trên cả nước…
Ban Tổ chức cuộc thi đã làm việc với tinh thần chủ động, nâng cao trách nhiệm phối hợp của các thành viên Ban Tổ chức từ khâu xây dựng kế hoạch, xây dựng bộ câu hỏi, tổ chức truyền thông về cuộc thi đến việc rà soát, chọn lọc và lựa chọn người đạt giải trên cơ sở kết quả dự thi. Trong đó, sự hiệu quả, chặt chẽ trong công tác phối hợp giữa các đơn vị trực tiếp tham gia Ban Tổ chức cuộc thi như Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật, Cục Công nghệ thông tin, Báo Pháp luật Việt Nam cũng đã giúp tạo nên sản phẩm “make in Bộ Tư pháp” để tổ chức cuộc thi, trên tinh thần phát huy và tận dụng triệt để những công cụ, lợi thế cũng như khả năng của từng đơn vị, từ việc thiết kế giao diện cuộc thi, phần mềm dự thi, xây dựng các infographic hướng dẫn thể lệ, cách thức tham gia dự thi đến việc thường xuyên đăng tải, cập nhật thông tin truyền thông về cuộc thi trên các phương tiện của Báo Pháp luật Việt Nam (báo giấy, báo điện tử), Trang thông tin điện tử PBGDPL…
Kết thúc cuộc thi, Ban Tổ chức đã lựa chọn được 19 cá nhân đạt thành tích xuất sắc để trao giải thưởng,trong đó gồm 01 giải Nhất, 03 giải Nhì, 05 giải Ba và 10 giải Khuyến khích. Ngày 31/12/2020, Ban Tổ chức Cuộc thi đã ban hành Quyết định số 2640/QĐ-BTC công nhận và trao giải thưởng kết quả Cuộc thi trực tuyến “Pháp luật với mọi người”. Thông qua cuộc thi đã cung cấp kiến thức về một số lĩnh vực pháp luật thiết thực với cuộc sống người dân; khuyến khích, phát huy tinh thần chủ động học tập, tìm hiểu pháp luật, góp phần nâng cao ý thức tuân thủ, chấp hành và bảo vệ pháp luật trong các tầng lớp Nhân dân. Đồng thời, đây cũng là hoạt động thiết thực hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam năm 2020 và hiện thực hoá mục tiêu đổi mới, đa dạng các hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật thông qua việc ứng dụng rộng rãi công nghệ thông tin, tiến tới chuyển đổi số trong thời gian tới.
Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật