Thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật Trung ương (sau đây gọi là Hội đồng Trung ương) theo Luật phổ biến, giáo dục pháp luật; Quyết định số 27/2013/QĐ-TTg ngày 19/5/2013 của Thủ tướng Chính phủ quy định về thành phần và nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật, năm 2016, hoạt động của Hội đồng Trung ương đã đạt được nhiều kết quả trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL).
Hội đồng Trung ương đã bám sát nhiệm vụ, quyền hạn được giao, Kế hoạch công tác để thực hiện có hiệu quả chức năng tư vấn, tham mưu triển khai công tác PBGDPL, đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần nâng cao hiểu biết, ý thức trách nhiệm trong tôn trọng, chấp hành Hiến pháp, pháp luật; công tác phối hợp thực hiện nhiệm vụ PBGDPL ngày càng chặt chẽ, bài bản và hiệu quả hơn, Hội đồng và từng thành viên Hội đồng, Ban Thư ký và cơ quan thường trực hội đồng đã ý thức đầy đủ hơn về trách nhiệm được giao, phát huy được vai trò, tích cực triển khai các hoạt động, bước đầu huy động được các nguồn lực xã hội tham gia gắn với khai thác, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực. Cụ thể:
(1) Về hướng dẫn, xây dựng, ban hành và kiểm tra đôn đốc thực hiện các chương trình, kế hoạch về PBGDPL
Công tác chỉ đạo, hướng dẫn triển khai công tác PBGDPL của Hội đồng Trung ương ngày càng được quan tâm, chú trọng thực hiện. Ngày 31/12/2015, Bộ trưởng Bộ Tư pháp - Chủ tịch Hội đồng Trung ương đã ký Quyết định số 2285/QĐ-BTP ban hành Kế hoạch công tác PBGDPL, hòa giải ở cơ sở, chuẩn tiếp cận pháp luật, xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước năm 2016 để hướng dẫn Bộ, ngành, đoàn thể, địa phương tổ chức thực hiện công tác PBGDPL. Bên cạnh đó, Hội đồng Trung ương đã ban hành Kế hoạch thông tin, tuyên truyền, phổ biến về chủ trương, nhiệm vụ cải cách tư pháp và hoạt động tư pháp năm 2016, các kế hoạch triển khai thi hành các luật, pháp lệnh mới được ban hành, trong đó có nội dung tuyên truyền, phổ biến bám sát nhiệm vụ công tác xây dựng, thi hành và bảo vệ pháp luật gắn với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh của đất nước.
(2) Về công tác tư vấn, xây dựng và hoàn thiện thể chế, chính sách
Trong năm 2016, Hội đồng Trung ương đã tư vấn, cho ý kiến đối với dự thảo Chương trình PBGDPL của Chính phủ giai đoạn 2017-2021, dự thảo Đề án đổi mới công tác PBGDPL giai đoạn 2017-2021, dự thảo Bộ tiêu chí đánh giá hiệu quả công tác PBGDPL; cho ý kiến để tiếp tục đổi mới nội dung, hình thức PBGDPL và cách thức tổ chức triển khai các hoạt động của Hội đồng, Ban Thư ký. Bộ Tư pháp – cơ quan thường trực Hội đồng đã nghiên cứu, xây dựng trình Thủ tướng Chính phủ dự thảo Đề án “Tuyên truyền, phổ biến nội dung Công ước của Liên hợp quốc về chống tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người và pháp luật Việt Nam có liên quan cho cán bộ, công chức, viên chức và Nhân dân giai đoạn 2016-2020”; ký ban hành Thông tư số 10/2016/TT-BTP ngày 22/7/2016 quy định về báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên pháp luật. Một số Bộ, ngành, đoàn thể đã nghiên cứu, trình Thủ tướng Chính phủ các Đề án, Chương trình liên quan đến hoạt động thông tin, tuyền thông, vận động do Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội phát động hoặc để tổ chức thực hiện nhiệm vụ được giao trong các văn bản luật.
(3) Xác định nội dung pháp luật trọng tâm cần phổ biến
Hội đồng Trung ương đã tư vấn, định hướng về chủ đề, nội dung, hình thức PBGDPL cần tuyên truyền, phổ biến năm 2016, trọng tâm là PBGDPL đối với các luật, pháp lệnh, văn bản mới ban hành; tuyên truyền, phổ biến về nội dung văn kiện Đại hội XII của Đảng, về cuộc bầu cử Đại biểu Quốc hội khóa XIV và Đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2020 gắn với các Luật về tổ chức bộ máy nhà nước; về hôn nhân cận huyết, về nội dung cơ bản của Bộ luật dân sự, về an toàn, vệ sinh thực phẩm, ô nhiểm môi trường, trật tự an toàn xã hội, phòng chống cháy nổ; công tác PBGDPL trong nhà trường và các lĩnh vực khác liên quan mật thiết đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, đến quyền lợi hợp pháp của người dân, doanh nghiệp, các vấn đề mà dư luận quan tâm hoặc cần định hướng dư luận xã hội.
Bên cạnh đó, Hội đồng Trung ương đã có định hướng lựa chọn chủ đề, nội dung PBGDPL phù hợp trong việc giải quyết các vấn đề đột xuất, vướng mắc về thực tiễn thi hành pháp luật như an toàn thực phẩm, giao thông đường bộ, đất đai, giải phóng mặt bằng; khiếu nại, tố cáo; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng chống tham nhũng, gian lận thương mại, bảo vệ người tiêu dùng; pháp luật bảo vệ môi trường; Luật biển Việt Nam năm 2012 và các văn bản có liên quan.
(4) Các giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động phối hợp giữa các Bộ, ngành, địa phương về công tác PBGDPL
Các thành viên Hội đồng và Ban Thư ký Hội đồng đã thảo luận, đưa ra các giải pháp về đổi mới cơ chế, hình thức phối hợp; xác định rõ nội dung, nhiệm vụ trọng tâm thực hiện phối hợp; cơ chế bảo đảm thực hiện, đặc biệt về nguồn nhân lực và kinh phí. Bên cạnh đó, đề xuất nhóm giải pháp nâng cao vai trò, tính trách nhiệm của các thành viên Hội đồng trong tham mưu cho bộ, ngành, địa phương triển khai công tác PBGDPL.
(5) Tư vấn thực hiện xã hội hóa hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật
Hội đồng Trung ương đã quán triệt, phổ biến, tăng cường thông tin, truyền thông để nâng cao nhận thức của toàn xã hội về vị trí, vai trò, ý nghĩa của hoạt động xã hội hóa công tác PBGDPL. Bước đầu đã thu hút được các luật sư, luật gia, người có kiến thức pháp luật, các cơ sở nghiên cứu, đào tạo pháp luật tham gia các hoạt động PBGDPL; khai thác các tiềm năng về nhân lực, vật lực và tài lực trong xã hội. Hội Luật gia Việt Nam đã triển khai thực hiện Đề án “Xã hội hóa công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và trợ giúp pháp lý giai đoạn 2013-2016” mang lại hiệu quả tích cực.
Đặc biệt, trong năm 2016, Bộ Tư pháp đã phối hợp với Bộ Giáo dục và đào tạo hướng dẫn, chỉ đạo tổ chức thành công Cuộc thi trực tuyến tìm hiểu kiến thức pháp luật cho học sinh trung học phổ thông tại TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội và tỉnh Đồng Tháp dưới sự hỗ trợ về cơ sở vật chất, phần mềm miễn phí của Tập đoàn Egroup thu hút 30 ngàn học sinh trung học phổ thông tham gia, góp phần nâng cao nhận thức pháp luật cho học sinh trong nhà trường.
(6) Tư vấn hướng dẫn về nội dung, hình thức tổ chức Ngày pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam
Năm 2016, căn cứ yêu cầu nhiệm vụ chính trị, tình hình kinh tế - xã hội của đất nước, Hội đồng Trung ương đã tư vấn ban hành kế hoạch hưởng ứng Ngày pháp luật gắn với chỉ đạo, hướng dẫn triển khai tổ chức thành công Hội thi Hòa giải viên giỏi toàn quốc lần thứ III trên phạm vi cả nước, đồng thời có công văn hướng dẫn hưởng ứng Ngày Pháp luật năm 2016, trong đó xác định rõ chủ đề, khẩu hiệu, nội dung, hình thức tổ chức Ngày Pháp luật.
(7) Tư vấn triển khai công tác PBGDPL trong các cơ sở giáo dục của hệ thống giáo dục quốc dân
Để tăng cường và nâng cao chất lượng công tác PBGDPL trong các cơ sở giáo dục của hệ thống giáo dục quốc dân, Bộ Tư pháp đã ban hành công văn hướng dẫn công tác PBGDPL trong nhà trường; rà soát, đánh giá nội dung giáo dục pháp luật trong chương trình đào tạo, sách giáo khoa môn Giáo dục công dân, tài liệu môn học pháp luật và giáo trình Pháp luật đại cương; tổ chức tập huấn kiến thức pháp luật và nghiệp vụ PBGDPL cho đội ngũ giáo viên, giảng viên trong nhà trường, cán bộ quản lý giáo dục. Đồng thời, trong năm 2016, Bộ Tư pháp và Bộ Giáo dục và đào tạo đã phối hợp ban hành Kế hoạch tổ chức cuộc thi tìm hiểu pháp luật trực tuyến cho học sinh THPT trên địa bàn TP. Hà Nội, Hồ Chí Minh và tỉnh Đồng Tháp. Cuộc thi đã thu hút được sự quan tâm, tham gia của đông đảo các em học sinh trên địa bàn tổ chức. Nhiều Bộ, ngành đã có văn bản chỉ đạo các cơ sở giáo dục trực thuộc tổ chức các hoạt động PBGDPL. Các nhà trường đã tích cực, chủ động trong việc dạy và học pháp luật, tuyên truyền pháp luật đến giáo viên, học sinh, sinh viên thông qua các hoạt động chính khóa và ngoại khóa mang lại nhiều hiệu ứng tích cực.
(8) Củng cố, kiện toàn, nâng cao chất lượng đội ngũ làm công tác PBGDPL
Hội đồng Trung ương, Hội đồng các Bộ, ngành, đoàn thể đã tham mưu, tiếp tục rà soát, kiện toàn, bổ sung đội ngũ báo cáo viên theo quy định của Thông tư số 10/2016/TT-BTP quy định về báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên pháp luật. Công tác PBGDPL ngày càng thu hút được nhiều cá nhân, cơ quan, tổ chức tham gia, đặc biệt là các cá nhân, tổ chức có chuyên môn về luật. Theo đó, tính đến hết năm 2016, đã có 1552 báo cáo viên pháp luật Trung ương. Việc bồi dưỡng, tập huấn kiến thức pháp luật, kỹ năng, nghiệp vụ PBGDPL cung cấp tài liệu pháp luật nhằm nâng cao năng lực hoạt động cho đội ngũ làm công tác PBGDPL, đội ngũ giáo viên, giảng viên dạy môn Giáo dục công dân, môn pháp luật trong các cơ sở giáo dục được quan tâm thực hiện.
(9) Tư vấn triển khai thực hiện Luật PBGDPL và các Đề án về phổ biến, giáo dục pháp luật của Chính phủ
Năm 2016, Bộ Tư pháp – cơ quan thường trực Hội đồng Trung ương đã ban hành các công văn hướng dẫn sơ kết 03 năm thực hiện Luật PBGDPL, tổng kết 04 năm thực hiện Quyết định 09/QĐ-TTg ngày 09/4/2012 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Chương trình hành động thực hiện Kết luận số 04-KL/TW; hướng dẫn tổng kết các Đề án. Đến nay, hầu hết các Đề án thuộc Chương trình PBGDPL của Chính phủ giai đoạn 2011-2016 đã được các Bộ, ngành, đoàn thể chủ trì thực hiện tiến hành tổng kết và tổng hợp kết quả gửi Bộ Tư pháp.
(10) Công tác kiểm tra của Hội đồng
Thực hiện Kế hoạch hoạt động của Hội đồng Trung ương năm 2016 và định hướng 2016-2020, Hội đồng Trung ương đã tổ chức 04 Đoàn Kiểm tra tại Bộ Giao thông vận tải, Đài Tiếng nói Việt Nam, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam và 04 tỉnh (Gia Lai, Kon Tum, Lào Cai, Thanh Hóa). Nội dung kiểm tra tập trung vào đánh giá toàn diện kết quả triển khai thực hiện Luật PBGDPL và các văn bản hướng dẫn thi hành, Chỉ thị số 32/CT/TW ngày 09/12/2003 của Ban Bí thư Trung ương; Kết luận số 04-KL/TW ngày 19/4/2011 về kết quả thực hiện Chỉ thị số 32/CT/TW và các chương trình, đề án về PBGDPL.
Qua kiểm tra cho thấy các đơn vị được kiểm tra cơ bản thực hiện nghiêm túc các nhiệm vụ được giao theo Luật PBGDPL; bám sát kế hoạch công tác PBGDPL năm 2016, kế hoạch hoạt động của Hội đồng; công tác tuyên truyền, phổ biến, có trọng tâm, trọng điểm; nhiều mô hình, cách làm hiệu quả đã được nghiên cứu, tổng kết và nhân rộng.
Bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động của Hội đồng phối hợp PBGDPL năm 2016 vẫn còn tồn tại một số hạn chế như sau:
(1) Việc xây dựng, ban hành Kế hoạch PBGDPL và Kế hoạch hoạt động của Hội đồng còn chậm; vai trò tư vấn, tham mưu của Hội đồng chưa phát huy đầy đủ, nhất là trong tư vấn giải pháp tháo gỡ cơ chế, chính sách hỗ trợ về tài chính từ ngân sách Trung ương cho các địa phương chưa tự cân đối được ngân sách, kinh phí thực hiện các Chương trình, đề án về PBGDPL; chính sách xã hội hóa PBGDPL và công tác PBGDPL cho nhóm đối tượng đặc thù;
(2) Việc triển khai Luật PBGDPL và công tác PBGDPL chuyên ngành ở một số Bộ, ngành, địa phương chưa triệt để, có nơi còn hình thức, nội dung dàn trải, chưa đảm bảo tính trọng tâm, trọng điểm, chưa coi trọng phổ biến các chính sách, quy định mới; chưa tạo được sự chuyển biến rõ rệt trong ý thức tôn trọng, chấp hành pháp luật; việc ứng dụng công nghệ thông tin còn hạn chế;
(3) Một số thành viên Hội đồng, Ban Thư ký chưa phát huy đầy đủ vai trò, trách nhiệm tham gia hoạt động của Hội đồng; sự phối hợp còn thiếu chặt chẽ. Hoạt động của Hội đồng, Ban Thư ký chưa phong phú về nội dung, chậm phát hiện những điểm bất cập; chưa chú trọng tổng kết, rút kinh nghiệm để đề xuất các giải pháp nhân rộng;
(4) Chưa chú trọng đúng mức việc nghiên cứu, tổng kết xu hướng vận động, phát triển của công tác PBGDPL trên thế giới và một số nước có điều kiện tương đồng để kế thừa, phát triển. Chưa đề xuất được các giải pháp căn bản, toàn diện để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thực hiện các nhiệm vụ như: tư vấn triển khai chính sách xã hội hóa công tác PBGDPL; công tác PBGDPL cho đối tượng đặc thù; công tác giáo dục pháp luật trong nhà trường.
Nguyên nhân dẫn đến những hạn chế trên là do điều kiện đảm bảo cho công tác lập Kế hoạch, hướng dẫn, chỉ đạo triển khai, quản lý nhà nước chưa được quan tâm, bố trí đúng mức; khối lượng công việc ngày càng nhiều trong khi đó thành viên Hội đồng, Ban Thư ký chủ yếu làm việc kiêm nhiệm, chưa dành thời gian thỏa đáng cho các hoạt động của Hội đồng; một số thành viên Hội đồng, Ban Thư ký nhận thức chưa đầy đủ về trách nhiệm trong chỉ đạo, chưa thường xuyên tham gia hoạt động của Hội đồng; chất lượng tham mưu của cơ quan thường trực Hội đồng còn hạn chế; nguồn lực triển khai nhiệm vụ PBGDPL còn mỏng, chất lượng chưa cao; một bộ phận người dân, cán bộ, công chức, viên chức nhận thức pháp luật còn hạn chế, chưa có thói quen tự giác học tập, tìm hiểu, chấp hành pháp luật, việc xử lý vi phàm còn chưa nghiêm nên chưa tạo được sự chuyển biến rõ rệt trong ý thức tôn trọng, chấp hành pháp luật.
Trong thời gian tới, để nâng cao hiệu quả hoạt động của Hội đồng phối hợp PBGDPL, góp phần đẩy mạnh công tác PBGDPL, cần nâng cao chất lượng tư vấn của Hội đồng các cấp, xác định tư vấn thực hiện nhiệm vụ PBGDPL có trọng tâm, trọng điểm; nội dung pháp luật tuyên truyền cần gắn với nhu cầu của người dân, với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, nhiệm vụ chính trị, chuyên môn của Bộ, ngành, đoàn thể, địa phương./.