Liên kết website

Hội thi Hòa giải viên giỏi toàn quốc lần thứ III khu vực miền Trung - Tây Nguyên

30/09/2016

Kế thừa hiệu ứng tích cực, sức lan tỏa rộng lớn của Hội thi hòa giải viên giỏi toàn quốc lần thứ III khu vực miền Bắc, tối 29/9, tại Đà Nẵng, Bộ Tư pháp, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phối hợp với UBND TP. Đà Nẵng long trọng tổ chức lễ khai mạc Hội thi Hòa giải viên giỏi toàn quốc lần thứ III, khu vực miền Trung - Tây Nguyên.

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu - Trưởng Ban Tổ chức Hội thi và ông Đặng Việt Dũng, Phó chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng cùng đại diện lãnh đạo các Bộ, ban, ngành Trung ương; lãnh đạo Sở tư pháp Đà Nẵng, các hòa giải viên ưu tú của 16 đội thi thuộc khu vực miền Trung - Tây Nguyên cùng tham dự lễ khai mạc
Hội thi là một trong những hoạt động thiết thực hưởng ứng Ngày Pháp luật nước Cộng hòa XHCN Việt Nam (9/11) nhằm tiếp tục tôn vinh, khẳng định vị trí, vai trò, ý nghĩa của Hiến pháp và pháp luật trong quản lý Nhà nước và kiến tạo sự phát triển của xã hội.
Phát biểu khai mạc Hội thi, Thứ trưởng Phan Chí Hiếu nhấn mạnh, hoạt động hòa giải cơ sở nhằm giải quyết mâu thuẫn, tranh chấp, xung đột trong cộng đồng dân cư ngay tại địa bàn, góp phần giữ gìn tình làng, nghĩa xóm, tình đoàn kết, sự chia sẻ trong từng gia đình và toàn xã hội. Làm tốt công tác này vừa mang lại niềm vui, hạnh phúc cho mọi người, mọi nhà, vừa góp phần giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, giảm bớt các vụ việc phải giải quyết tại các cơ quan có thẩm quyền, tiết kiệm thời gian, công sức, chi phí cho Nhà nước và nhân dân. Bên cạnh đó, hoạt động hòa giải cơ sở cũng góp phần nâng cao hiểu biết pháp luật, ý thức chấp hành pháp luật của nhân dân.
Nhận thức được vai trò và ý nghĩa của công tác hòa giải cơ sở, năm 2013, Quốc hội đã thông qua Luật hòa giải cơ sở, đặt nên tảng pháp lý cho hoạt động này. Đặc biệt, năm 2016, Bộ Tư pháp xác định việc tổ chức thành công Hội thi Hòa giải viên giỏi toàn quốc lần thứ III là một nhiệm vụ trọng tâm của công tác tư pháp trong năm.
Nêu bật những ý nghĩa tích cực của Hội thi, Thứ trưởng mong muốn mỗi thí sinh và từng đội thi thật bình tĩnh, tự tin, sáng tạo, thể hiện hết mình để đạt được điểm số cao nhất và quan trọng hơn là để lại dấu ấn sâu sắc trong lòng khán giả.
Ngay sau màn khai mạc rực rỡ cờ hoa, các đội thi của 16 địa phương đã sôi nổi bước vào những phần tranh tài đầy quyết liệt. Mỗi đội đều trải qua 3 phần thi: Giới thiệu; Lý thuyết, Xử lý tình huống; Tiểu phẩm. Ngay ở phần mở đầu với màn Chào hỏi, các đội đã tạo ấn tượng mạnh cho khán giả. Tuy thời gian quy định chỉ có 5 phút nhưng mỗi đội, bên cạnh việc giới thiệu được những nét chính về địa phương mình và kết quả hòa giải tại đơn vị, đội hình dự thi còn thể hiện được đầy đủ nét đặc sắc, độc đáo của riêng mình.
Nếu với đội Đắk Lắk, Đắk Nông, Quảng Nam, Bình Định… có thể ghi điểm khi xuất hiện bằng trang phục, lời hát, biểu ngữ, lối dẫn dắt vào đề cho màn chào hỏi, thì Đà Nẵng, Khánh Hòa, Hà Tĩnh… lại lấy cảm hứng từ chính thực tế trong công việc của HGV để tạo được không khí sôi nổi cho Hội thi.
Trong phần thi trả lời câu hỏi trắc nghiệm, các thí sinh thể hiện rõ sự am hiểu pháp luật qua việc trả lời xuất sắc gói câu hỏi của Ban tổ chức đưa ra liên quan đến Luật Hòa giải cơ sở, Luật Hôn nhân và Gia đình, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Khiếu nại, tố cáo… Đối với phần Xử lý tình huống, bằng sự kết hợp hài hòa giữa cái lý, cái tình, bằng sự hiểu biết về kiến thức pháp luật cùng với sự khéo léo, kinh nghiệm của HGV, cũng đã thuyết phục và tạo được ấn tượng tốt đẹp đối với Ban Giám khảo cũng như đông đảo khán giả đến cổ vũ.
Hấp dẫn hơn cả, được nhiều người chờ đợi hơn cả là phần thi Tài năng. Tại khu vực miền Trung - Tây Nguyên, nhiều đội đã chú trọng chọn tiểu phẩm liên quan đến đời sống gia đình như bạo lực gia đình, trọng nam, kinh nữ. Ở các tiểu phẩm, các thí sinh không chỉ áp dụng pháp luật mà còn dùng phương pháp phân tích, thuyết phục, trên cơ sở quy định của pháp luật, phong tục, truyền thống, uy tín, nêu gương là chính để “tư vấn”, “hỗ trợ”, “xoa dịu” đương sự. 
Trong phần thi này phải kể đến tiểu phẩm “Đừng khinh việc nhỏ, lỗ nhỏ làm đắm thuyền” của tỉnh Thừa Thiên Huế, lấy từ câu chuyện có thật của ở huyện Phong Điền. Nhờ HGV am hiểu pháp luật, hơn nữa khôn khéo khuyên nhủ, chỉ ra thiệt, lợi trước mắt để giúp người trong cuộc tỉnh ngộ, tránh đổ vỡ một gia đình chỉ vì chuyện ghen tuông bóng gió, kéo theo cảnh “đá thúng đụng nia”. Hay tiểu phẩm của đội Đà Nẵng nói về việc HGV “xúi” người vợ sinh một bề con gái giúp chồng hết “khát” con trai…
Theo đánh giá của ông Đỗ Xuân Lân, Vụ trưởng Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật (Bộ Tư pháp) - Trưởng Ban giám khảo, các đội đã xây dựng những tiểu phẩm có nội dung rất thực tế, rất đời thường, sinh động, thiết thực, đậm tính nhân văn. Đặc biệt, cách giải quyết vấn đề trong các tiểu phẩm khá linh hoạt, chủ yếu bằng phương diện tình cảm nên dễ được các bên liên quan chấp thuận. Đây là yếu tố quan trọng, thể hiện bản chất của công tác hòa giải đã được các thí sinh thể hiện thành công. 
Ban Giám khảo Hội thi đã chọn được 11 giải Khuyến khích gồm: Bình Định, Đắk Lắk, Đắk Nông, Hà Tĩnh, Kom Tum, Khánh Hòa, Gia Lai, Phú Yên, Quảng Bình, Huế, Quảng Trị. 2 giải Ba gồm: Quảng Ngãi, Quảng Nam; 2 giải Nhì gồm: Lâm Đồng, Nghệ An; Giải nhất thuộc về đội Đà Nẵng.
Ba đội thi xuất sắc nhất khu vực miền Trung - Tây Nguyên (Lâm Đồng, Nghệ An, Đà Nẵng) sẽ tham dự Vòng chung khảo Hội thi HGV giỏi toàn quốc lần thứ III, được tổ chức vào tháng 11/2016 tại Hà Nội.
 
Vũ Vân Anh
Các tin đã đưa ngày: