Liên kết website

Họp Ban soạn thảo Dự án Luật  hòa giải cơ sở lần thứ ba

06/04/2012

Sáng ngày 05/04/2012, tại trụ sở Bộ Tư pháp, Ban soạn thảo Dự án Luật hòa giải cơ sở đã tổ chức cuộc họp Ban soạn thảo và Tổ biên tập lần thứ ba để cho ý kiến về Dự thảo 3 của Luật. Thứ trưởng Bộ Tư Pháp Nguyễn Thúy Hiền – Phó trưởng Ban soạn thảo chủ trì cuộc họp.

Thay mặt Tổ biển tập Dự án Luật, đồng chí Nguyễn Duy Lãm - Vụ trưởng Vụ Phổ biến giáo dục pháp luật, Bộ Tư pháp – thành viên thường trực, Tổ trưởng Tổ biên tập đã trình bày tóm tắt Dự thảo 3 của Luật hòa giải cơ sở với 05 chương và 37 điều, trong đó nhấn mạnh 4 vấn đề chính cần tập trung thảo luận tại cuộc họp lần này, gồm: Các loại vụ việc được hòa giải; Mô hình tổ chức hòa giải ở cơ sở; Giá trị pháp lý của biên bản hòa giải; Quản lý nhà nước về công tác hòa giải ở cơ sở. Bên cạnh đó, Vụ trưởng Nguyễn Duy lãm cũng đề nghị các thành viên Ban soạn thảo, Tổ biên tập và các đại biểu tham dự cuộc họp thảo luận, cho ý kiến về các nội dung khác trong Dự thảo Luật như: đối tượng áp dụng, mục đích hòa giải, giải thích từ ngữ, phạm vi, nguyên tắc hòa giải ở cơ sở, quyền và nghĩa vụ của hòa giải viên…

Tại cuộc họp, các đại biểu đã thảo luận một số nội dung chủ yếu như: Về bố cục, các đại biểu cho rằng Dự thảo Luật nên gồm 6 chương, trong đó các quy định về hòa giải viên được tách ra một chương riêng biệt. Về đối tượng áp dụng của Dự thảo Luật, các đại biểu đề xuất nên sửa đổi quy định theo hướng “ áp dụng cho các cơ quan, tổ chức và cá nhân có liên quan đến hoạt động hòa giải”. Cũng trong nội dung thảo luận tại cuộc họp, đa số các đại biểu đều đưa ra ý kiến không thành lập Trung tâm hòa giải cộng đồng, vì mô hình này chưa phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của Việt Nam và tính chất tự quản, tự nguyện của hoạt động hòa giải ở cơ sở. Trên cơ sở đó, các đại biểu đề xuất ý kiến bổ sung chức năng hòa giải của các trung tâm tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý của Hội Luật gia Việt Nam. Về văn bản hòa giải ở cơ sở, các đại biểu cho rằng hoạt động hòa giải ở cơ sở là hoạt động tự nguyện của các bên, tự nguyện tham gia hòa giải, tự nguyện thỏa thuận và tự nguyện thi hành các thỏa thuận đó, vì vậy không nên quy định mọi trường hợp hòa giải phải thành lập thành văn bản và có gí trị chứng cứ trước Tòa án.

Bên cạnh đó, nhiều vấn đề khác cũng được các đại biểu thảo luận và cho ý kiến như: nguyên tắc hòa giải, người tiến hành hòa giải, vấn đề bình đẳng giới trong công tác hòa giải, mức độ quản lý của nhà nước trong hoạt động hòa giải, xây dựng quy trình hòa giải…

   
Kết thúc cuộc họp, Thứ trưởng Nguyễn Thúy Hiền – Phó trưởng Ban soạn thảo Luật hòa giải ở cơ sở đã kết luận một số nội dung chính về mục tiêu, quan điểm chỉ đạo xây dựng Luật hòa giải; bố cục của Dự thảo Luật; tổ chức hòa giải ở cơ sở; người thực hiện hòa giải; quy trình hòa giải ở cơ sở; trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức nhà nước trong hoạt động hòa giải ở cơ sở.

Thay mặt Ban soạn thảo, Thứ trưởng cảm ơn những ý kiến đóng góp rất hữu ích của các đại biểu và đề nghị Tổ biên tập tiếp tục chỉnh lý, hoàn chỉnh Tờ trình, Dự thảo Luật và các tài liệu liên quan báo cáo Ban soạn thảo thời gian tới, đồng thời đánh giá những điểm kế thừa Pháp lệnh về tổ chức và hoạt động hòa giải ở cơ sở năm 1998 và Nghị định số 160/1999/NĐ-CP của Chính Phủ quy định chi tiết một số điều của Pháp lệnh hòa giải.

Các tin cũ hơn
Các tin đã đưa ngày: