Hội thảo này do Thứ trưởng Nguyễn Thuý Hiền chủ trì cùng với sự tham gia của Phó Giám đốc Dự án Judge, các đại biểu tham dự Hội thảo đến từ Uỷ ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam tại thành phố Hồ Chí Minh, Văn phòng Đại biểu Quốc hội, Cơ quan đại diện Bộ Tư pháp tại Hồ Chí Minh, một số Sở Tư pháp khu vực phía Nam.
Tại hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Thuý Hiền cho rằng công tác hòa giải cơ sở đóng vai trò quan trọng trong việc giải quyết những mâu thuẫn mới phát sinh tại cấp cơ sở, góp phần hạn chế những vi phạm pháp luật, hàn gắn quan hệ xóm giềng, duy trì tình làng nghĩa xóm. Với tinh thần pháp luật phải rõ ràng, thiết thực, là công cụ hữu hiệu quản lý xã hội, Bộ Tư pháp tổ chức hội nghị này nhằm xây dựng một dự thảo luật hoàn chỉnh, góp phần nâng cao chất lượng công tác hòa giải cơ sở.
Theo ông Nguyễn Duy Lãm, Vụ trưởng Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật: sau 13 năm thực hiện Pháp lệnh Hòa giải cơ sở, công tác hòa giải đã mang lại nhiều kết quả tích cực với số vụ việc hòa giải thành chiếm 82,3% số vụ việc đưa ra hòa giải. Tuy nhiên, công tác này vẫn còn nhiều hạn chế như: Lực lượng cán bộ chưa đáp ứng được yêu cầu; sự phối hợp giữa các cơ quan có liên quan chưa tốt, mạng lưới hòa giải cơ sở chưa trải khắp các đơn vị.
Các đại biểu đã thảo luận sôi nổi và đóng góp nhiều ý kiến quan trọng góp phần hoàn thiện dự thảo Luật Hòa giải cơ sở. Các đại biểu nhất trí cao với sự cần thiết phải ban hành Luật hòa giải cơ sở và đồng tình với việc nên quy định việc hòa giải cần phải được lập thành biên bản, vì biên bản đó có thể được xem như nguồn chứng cứ tại Tòa án nếu các bên tranh chấp khởi kiện vụ việc ra Tòa án. Bên cạnh đó, Luật cũng không nên điều chỉnh tranh chấp về lao động giữa người giúp việc gia đình với người sử dụng lao động; Cần quy định cụ thể chế độ chính sách với những Hòa giải viên cơ sở bị thương hoặc chết trong khi làm nhiệm vụ; Việc lưu giữ hồ sơ nên giao cho cá nhân hay cơ quan nào thực hiện và lưu giữ trong thời gian bao lâu cần quy định cụ thể, phù hợp với điều kiện cơ sở vật chất hiện nay của cấp cơ sở này. Riêng đối với thời gian hòa giải, hiện có hai luồng ý kiến trái ngược nhau: Một số ý kiến cho rằng cần rút ngắn thời gian hòa giải xuống còn khoảng 20 ngày để đảm bảo thời hiệu khởi kiện tranh chấp ra Tòa án, quyền và lợi ích hợp pháp của các bên trong tranh chấp. Mặt khác, một số khác lại có quan điểm nên kéo dài thời gian này hoặc không quy định thời gian hòa giải vì có những tranh chấp rất phức tạp, khó khăn, không thể hòa giải ngay trong “một sớm một chiều” được.