Trong cuộc sống hàng ngày, do sự khác biệt về lợi ích kinh tế, quan niệm, nhận thức, lối sống, tính cách… nên việc nảy sinh mâu thuẫn, tranh chấp, vi phạm pháp luật giữa các cá nhân, nhóm cá nhân, gia đình, nhóm gia đình, tổ chức với nhau trong cộng đồng dân cư là điều tất yếu không thể tránh khỏi. Những mâu thuẫn, tranh chấp, vi phạm pháp luật đó nảy sinh từ nhiều nguyên nhân khác nhau, nhưng nhìn chung đều xuất phát từ những điều rất nhỏ, song những người trong cuộc lại thường không đủ tỉnh táo để kiềm chế, hoặc chẳng ai chịu nhường ai. Và nếu những mâu thuẫn, tranh chấp, vi phạm pháp luật này không được giải quyết kịp thời thì "chuyện bé xé ra to", từ tranh chấp thuần tuý dân sự, kinh tế, có thể sẽ trở thành vụ án hình sự, gây mất đoàn kết trong nội bộ nhân dân. Những mâu thuẫn, tranh chấp, vi phạm pháp luật này có thể giải quyết bằng nhiều hình thức như các bên tự thoả thuận, thông qua trọng tài, toà án hoặc hoà giải. Từ thực tế cho thấy, chính tính cộng đồng đã hình thành trong con người Việt Nam nói chung đạo lý sống thiên về tình hơn, tình cảm giữa người với người luôn được coi trọng hơn, ý thức rất sâu sắc về sức mạnh đoàn kết cộng đồng, sống có tình có lý. Chính bởi vậy, khi có mâu thuẫn, xích mích, tranh chấp xảy ra, nhân dân ta đã biết hướng dẫn, giúp đỡ các bên tự thương lượng, điều đình "chín bỏ làm mười", vì " một điều nhịn, chín điều lành"… để giải toả những bất đồng, mâu thuẫn, tranh chấp. Hoạt động này được gọi là hoà giải ở cơ sở. Ngày nay, mặc dù dưới tác động của tiến trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước và hội nhập kinh tế quốc tế, đời sống kinh tế - xã hội của người Việt Nam đang có những biến đổi sâu sắc, mạnh mẽ song tinh thần đoàn kết cũng như lối sống trọng tình vẫn là căn nguyên, là mảnh đất cho hoạt động hoà giải vẫn tồn tại và ngày càng phát triển bền vững.
Một thực tế hiện nay, dù trình độ dân trí đã từng bước được nâng cao, song nhìn chung trình độ hiểu biết pháp luật của nhân dân ta còn thấp, đặc biệt là ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, đặc biệt khó khăn, còn ảnh hưởng nhiều phong tục tập quán, hương ước làng xã... nên trong cuộc sống hàng ngày nhiều người còn có những xử sự có tính chất tự phát không đúng pháp luật, không phù hợp với đạo lý, văn hóa truyền thống dẫn đến vi phạm pháp luật hoặc những mâu thuẫn, tranh chấp nhỏ không đáng có. Bởi vậy, việc hướng dẫn, giải thích các quy định pháp luật, chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước cho các bên tranh chấp, mâu thuẫn và những người có liên quan trong quá trình hòa giải là một trong những hình thức quan trọng và thiết thực. Hoà giải viên, trong khi tiến hành hoà giải có thể lồng ghép các nội dung pháp luật có liên quan đến việc hòa giải để phổ biến, giáo dục pháp luật cho nhân dân.
Như vậy, phổ biến, giáo dục pháp luật thông qua hoạt động hoà giải ở cơ sở là việc các hoà giải viên bằng hoạt động hoà giải của mình hướng dẫn, giải thích và cung cấp các kiến thức pháp luật, tình cảm pháp luật cho các bên tranh chấp, mâu thuẫn và những người khác trong cộng đồng dân cư nhằm mục đích hình thành trong mỗi cá nhân, sự hiểu biết pháp luật, ý thức chấp hành pháp luật, kỷ cương của Đảng và Nhà nước, từng bước xây dựng ý thức "sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật" trong nhân dân.
1.2. Ý nghĩa của việc phổ biến, giáo dục pháp luật thông qua hoạt động hòa giải ở cơ sở được thể hiện qua các khía cạnh sau:
- Thứ nhất: Hoà giải viên là người trực tiếp, giữ vai trò trung tâm trong việc phổ biến, giáo dục pháp luật thông qua hoạt động hoà giải hoặc những người được hoà giải viên mời tham gia hoà giải (Khoản 1 Điều 19 Luật hòa giải ở cơ sở quy định: Trong quá trình hòa giải, nếu thấy cần thiết, hòa giải viên và một trong các bên khi được sự đồng ý của bên kia có thể mời người có uy tín trong dòng họ, ở nơi sinh sống, nơi làm việc; người có trình độ pháp lý, có kiến thức xã hội; già làng , chức sắc tôn giáo, người biết rõ vụ, việc; đại diện của cơ quan, tổ chức hoặc người có uy tín khác tham gia hòa giải). Hoà giải viên là những người có uy tín, hiểu biết pháp luật, có kinh nghiệm sống, nhiệt tình, sống gần gũi với các bên tranh chấp với nhân dân hiểu được gia cảnh mỗi gia đình, nắm được phong tục tập quán ở địa phương nên có ảnh hưởng nhất định đối với các bên tranh chấp. Bởi vậy, hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật mà họ tiến hành là rất phù hợp với đối tượng cụ thể, dễ đi vào lòng người và có hiệu quả.
- Thứ hai: Đối tượng phổ biến, giáo dục pháp luật qua hoạt động hoà giải ở cơ sở rất rộng, khác với đối tượng trong trợ giúp pháp lý (Điều 7 Luật trợ giúp pháp lý năm 2017 quy định 07 nhóm đối tượng được trợ giúp pháp lý sau: (1) Người có công với cách mạng; (2) Người thuộc hộ nghèo; (3) Trẻ em; (4) Người dân tộc thiểu số cư trú ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; (5) Người bị buộc tội từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi; (6) Người bị buộc tội thuộc hộ cận nghèo; và (7) Người thuộc một trong các trường hợp sau đây có khó khăn về tài chính: (i) Cha đẻ, mẹ đẻ, vợ, chồng, con của liệt sĩ và người có công nuôi dưỡng khi liệt sĩ còn nhỏ; (ii) Người nhiễm chất độc da cam; (iii) Người cao tuổi; (iv) Người khuyết tật; (v) Người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi là bị hại trong vụ án hình sự; (vi) Nạn nhân trong vụ việc bạo lực gia đình; (vii) Nạn nhân của hành vi mua bán người theo quy định của Luật Phòng, chống mua bán người; và (viii) Người nhiễm HIV)). Đó là các cá nhân, nhóm cá nhân, gia đình, nhóm gia đình, tổ chức có mâu thuẫn, tranh chấp, vi phạm pháp luật theo quy định của Luật hòa giải ở cơ sở. Những người này đều rất quan tâm đến vụ việc tranh chấp, đến việc vận dụng pháp luật để giải quyết tranh chấp; cũng như hậu quả sẽ xảy ra nếu các bên tranh chấp không thực hiện thỏa thuận. Vì vậy, việc phổ biến, giáo dục pháp luật thông qua hoạt động hoà giải ở cơ sở rất phù hợp với đối tượng và có hiệu quả.
-Thứ ba: Lực lượng hoà giải viên rất đông đảo có mặt ở từng thôn, xóm, làng, bản, tổ dân phố, cụm dân cư... (gọi chung là tổ dân phố) sống gần gũi với nhân dân, nên mỗi khi xảy ra xích mích, tranh chấp, vi phạm pháp luật trong nhân dân thuộc phạm vi được hòa giải ở cơ sở, họ sẽ kịp thời đến giải quyết các tranh chấp ngay từ khi mới xảy ra, không để vụ việc tranh chấp kéo dài, phức tạp bằng việc hoà giải, giải thích, phân tích đúng, sai trên cơ sở "có tình, có lý" cho các bên tranh chấp, kết hợp với việc phổ biến, giải thích các điều luật có liên quan trực tiếp đến vụ việc tranh chấp, qua đó hướng dẫn các bên tự thương lượng, giải quyết vụ việc.
- Thứ tư: Thực tiễn cho thấy, thông thường chỉ những trường hợp liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích và nghĩa vụ của mình thì các bên mâu thuẫn, tranh chấp, những người liên quan đến các bên mâu thuẫn, tranh chấp mới quan tâm, tìm hiểu các văn bản pháp luật, tìm đến cán bộ trợ giúp pháp lý, luật sư và nhất là hoà giải viên để nhờ hướng dẫn, giải thích, giúp đỡ. Các tranh chấp, vi phạm pháp luật thuộc phạm vi hoà giải không chỉ phát sinh từ một mối quan hệ xã hội mà có thể phát sinh từ mọi quan hệ xã hội: quan hệ gia đình; quan hệ làng xóm, bạn bè, quan hệ tài sản,…Vì thế, khi tiến hành hoà giải, Hoà giải viên có thể lồng ghép nhiều lĩnh vực pháp luật như: pháp luật dân sự, pháp luật hình sự, pháp luật đất đai, pháp luật hôn nhân và gia đình… để phổ biến, giáo dục pháp luật cho các bên tranh chấp hiểu về quyền và nghĩa vụ của công dân trong từng mối quan hệ pháp luật cụ thể.
- Thứ năm: Việc phổ biến, giáo dục pháp luật thông qua hoạt động hoà giải góp phần giữ gìn tình làng, nghĩa xóm; ngăn ngừa mầm mống phát sinh tội phạm hình sự; hạn chế đơn thư khiếu kiện của dân; tiết kiệm công sức, tiền bạc của Nhà nước và nhân dân; củng cố và nâng cao niềm tin của nhân dân vào chủ trương, đường lối, chính sách của đảng, pháp luật của Nhà nước, giữ gìn kỷ cương xã hội, tạo lập môi trường thuận lợi để phát triển sản xuất, phát huy dân chủ và thực hiện công bằng xã hội ở cơ sở.
2. Phương thức thực hiện phổ biến, giáo dục pháp luật thông qua hoạt động hoà giải ở cơ sở
Phổ biến, giáo dục pháp luật thông qua hoà giải khác với tuyên truyền miệng về pháp luật ở chỗ chỉ khi nào có vụ việc vi phạm pháp luật hoặc tranh chấp, mâu thuẫn xảy ra thuộc phạm vi được hòa giải ở cơ sở thì hoà giải viên mới có lý do để tiến hành hoà giải và kết hợp với việc phổ biến, giáo dục pháp luật cho các bên tranh chấp và những người có liên quan. Vì vậy, phương thức phổ biến, giáo dục pháp luật thông qua hoạt động hòa giải ở đây là phương thức tác động trực tiếp từ chủ thể giáo dục (Hòa giải viên) đến đối tượng giáo dục (các bên tranh chấp và những người khác) với nội dung phổ biến, giáo dục pháp luật đã được xác định, gắn liền với từng tranh chấp, vi phạm pháp luật cụ thể... Do đó, hòa giải viên có thể lựa chọn phương pháp phổ biến, giáo dục pháp luật phù hợp với từng đối tượng.
Theo Bộ tài liệu bồi dưỡng kiến thức pháp luật, kỹ năng nghiệp vụ cho hòa giải viên thì để thực hiện tốt phương thức phổ biến, giáo dục pháp luật thông qua hoạt động hoà giải ở cơ sở, hoà giải viên cần thực hiện các bước sau đây:
Bước 1. Trực tiếp nắm rõ nội dung tranh chấp, nguyên nhân phát sinh tranh chấp và yêu cầu cụ thể của các bên tranh chấp, kết hợp việc phổ biến, tuyên truyền pháp luật .
- Khi có mâu thuẫn, tranh chấp xảy ra, hòa giải viên cần có mặt kịp thời để nắm rõ nội dung tranh chấp, tìm hiểu nguyên nhân phát sinh tranh chấp, mâu thuẫn. Việc nắm rõ nguyên nhân phát sinh tranh chấp sẽ tạo điều kiện để hoà giải viên có phương pháp hoà giải đúng, vận dụng, viện dẫn chính xác các điều luật phù hợp với nội dung tranh chấp xảy ra đồng thời có căn cứ giải thích, hướng dẫn các bên tranh chấp hiểu được hành vi của mình đúng hay sai, vi phạm pháp luật hay không vi phạm pháp luật… để các bên hiểu và tự giác điều chỉnh hành vi của mình cho phù hợp với pháp luật, đạo đức xã hội và phong tục tập quán tốt đẹp của địa phương.
Trong khi tiến hành hòa giải, trường hợp các bên tranh chấp có yêu cầu về cung cấp, giới thiệu các văn bản pháp luật liên quan đến tranh chấp, mâu thuẫn này để họ nghiên cứu, xem xét thì hoà giải viên giúp đỡ, hoặc hướng dẫn các bên tranh chấp hiểu đúng tinh thần của văn bản pháp luật, điều luật được viện dẫn, vận dụng. Nếu gặp những vấn đề khó, hoà giải viên có thể hỏi ý kiến các chuyên gia pháp lý, công chức Tư pháp - hộ tịch cấp xã… nhằm đảm bảo các quy định pháp luật, quy phạm đạo đức vận dụng vào vụ việc tranh chấp là đúng, chính xác. Trong bước này, hoà giải viên có thể khéo léo lồng ghép với việc phổ biến, giáo dục pháp luật cho các bên tranh chấp hiểu về quyền và nghĩa vụ của họ giúp họ hiểu đúng và tự giác thực hiện pháp luật. Ví dụ : Đối với trường hợp mâu thuẫn, tranh chấp giữa các thành viên trong gia đình liên quan đến thừa kế, hòa giải viên phải xem xét các quy định của Bộ luật dân sự liên quan đến thừa kế như quyền thừa kế của cá nhân, quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của người hưởng thừa kế; giá trị của di chúc; thủ tục lập di chúc, những quy định của thừa kế theo pháp luật;... thông qua các quy định này hòa giải viên khéo léo kết hợp với việc phổ biến, tuyên truyền pháp luật gắn với việc thực, người thực nên dễ đạt được hiệu quả hơn.
- Bước 2. Xác định tính chất của tranh chấp, lựa chọn văn bản có liên quan đến tranh chấp để vận dụng các quy định đó vào việc giải quyết tranh chấp.
Sau khi nắm rõ nội dung tranh chấp, hoà giải viên cần tìm hiểu xem quan hệ tranh chấp này được văn bản pháp luật nào điều chỉnh? Đây là một công việc khó, đòi hỏi hoà giải viên phải lựa chọn đúng điều luật để áp dụng vào vụ việc tranh chấp này. Nếu lựa chọn sai điều luật điều chỉnh có thể dẫn đến việc phổ biến, giáo dục pháp luật không đúng và chắc chắn là việc hoà giải các bên tranh chấp không thành công. Vì thế, để lựa chọn các văn bản pháp luật phù hợp hoà giải viên phải căn cứ vào tính chất của tranh chấp. Ví dụ : Đối với các mâu thuẫn, tranh chấp giữa các thành viên trong gia đình do khác nhau về quan niệm sống, lối sống, tính tình không hợp, hoà giải viên phải lựa chọn, áp dụng các quy định của Luật Hôn nhân và gia đình. Đối với tranh chấp, mâu thuẫn giữa các cá nhân, các gia đình trong quan hệ xóm giềng liên quan đến sử dụng lối đi qua nhà, sử dụng điện, nước sinh hoạt, công trình phụ thì hòa giải viên phải xem xét các quy định của Bộ Luật dân sự về tài sản và quyền sở hữu tài sản, về quyền sở hữu chung của cộng đồng; nghĩa vụ tôn trọng ranh giới giữa các bất động sản; quyền mắc đường dây tải điện, quyền về tưới nước, tiêu nước trong canh tác, Luật đất đai...
Ở bước này, khi đã rõ văn bản điều chỉnh cho vụ tranh chấp này, hoà giải viên tổ chức cho các bên tranh chấp gặp nhau để thảo luận, giải quyết tranh chấp. Tại buổi gặp hòa giải, hoà giải viên có thể đối chiếu, phân tích các quy định của pháp luật về vấn đề mà các bên đang tranh chấp cần biết, cần hiểu để họ tự điều chỉnh hành vi của mình cho phù hợp với pháp luật. Khi phân tích quy định pháp luật, hòa giải viên phải lưu ý ưu tiên áp dụng quy định trong văn bản có giá trị pháp lý cao; va không nên giải thích pháp luật theo suy diễn chủ quan của mình.
Trong trường hợp gặp những quy định pháp luật khó hiểu, hoặc có nhiều cách hiểu khác nhau cần tham khảo ý kiến của các chuyên gia pháp luật để được hướng dẫn, giải thích đúng, chính xác và đầy đủ.
- Bước 3. Hòa giải viên cần gặp gỡ từng bên tranh chấp để hòa giải kết hợp với việc giải thích pháp luật giúp họ nhận thức được các quyền và nghĩa vụ của mình.
Khi gặp gỡ từng bên tranh chấp, hòa giải viên cần lựa chọn thời điểm thích hợp để trao đổi, hướng dẫn thuyết phục các bên tranh chấp, việc lựa chọn thời điểm thích hợp có thể vào buổi tối, ngày nghỉ, ngày lễ,... sẽ tạo tâm lý thỏa mái giúp họ dễ tiếp thu ý kiến đóng góp và bình tĩnh phân tích sự việc hơn. Trong quá trình trao đổi, hòa giải viên cần kiên nhẫn lắng nghe ý kiến, hiểu tâm lý của các bên tranh chấp, cố gắng không dùng lời lẽ khó hiểu, thuật ngữ pháp lý chuyên ngành mà bằng lời giải thích pháp luật giản đơn, dễ hiểu, đi thẳng vào vấn đề, sau cùng dùng lời lẽ phân tích cho họ thấy các quy định của pháp luật liên quan đến tranh chấp, để mỗi bên tranh chấp nhận thức được cái đúng, cái sai của mình và đi đến phương án giải quyết đúng với pháp luật, phù hợp đạo đức xã hội và phong tục tập quán tốt đẹp của nhân dân.
Trong trường hợp cần thiết, hòa giải viên có thể cung cấp cho đối tượng những thông tin chính xác để xóa bỏ những quan điểm lệch lạc, sai trái, phiến diện, giúp đối tượng hiểu đúng, lựa chọn đưa ra những quyết định cụ thể, đúng pháp luật. Trường hợp, một trong hai bên tranh chấp có thái độ gay gắt, nóng nảy, bất hợp tác, hòa giải viên phải bình tĩnh, lắng nghe (không ngắt lời, khó chịu, sốt ruột...), giữ thái độ bình tĩnh, đúng mực, tỏ ra thông cảm, quan tâm đến yêu cầu của đối tượng... đồng thời, lựa chọn phương án xử lý linh hoạt, tiếp tục hòa giải hay để vào dịp khác nhằm giải tỏa không khí bớt căng thẳng mà mục tiêu của hòa giải vẫn đạt được.
Trong trường hợp, khi hòa giải nếu có những quy định pháp luật khó hiểu, hòa giải viên có thể đối chiếu, phân tích các quy định của pháp luật về các vấn đề đang tranh chấp, lấy ví dụ minh hoạ, liên hệ với những sự việc đã xảy ra ở địa phương mà các bên tranh chấp cũng biết rõ. Trên cơ sở các quy định của pháp luật, hòa giải viên có thể nêu các phương án giải quyết của mình để các bên tham khảo.
- Bước 4. Tổ chức cho các bên tranh chấp gặp gỡ để thảo luận với nhau việc giải quyết tranh chấp.
Sau khi gặp gỡ từng bên, hiểu rõ tâm tư, nguyện vọng của các bên về việc giải quyết mâu thuẫn, tranh chấp, hòa giải viên tổ chức cho các bên gặp nhau để thỏa thuận, thống nhất phương án giải quyết tranh chấp, mâu thuẫn.
Khi tiến hành hòa giải các bên mâu thuẫn, tranh chấp, hòa giải viên cố gắng duy trì không khí hiểu biết, thái độ hợp tác của họ. Để tạo thuận lợi cho việc hòa giải, hòa giải viên có thể nêu từng vấn đề đang tranh chấp, mâu thuẫn và đề nghị từng bên cho ý kiến giải quyết. Tùy từng điều kiện cụ thể, hòa giải viên có thể đối chiếu, phân tích các quy định của pháp luật về các vấn đề mà các bên đang tranh chấp để các bên hiểu và có thể áp dụng giải quyết tranh chấp. Trên cơ sở các quy định của pháp luật, hòa giải viên có thể nêu các phương án giải quyết của mình để các bên tham khảo. Khi các bên thống nhất được cách thức giải quyết tranh chấp, nếu cần thiết, hòa giải viên có thể giúp các bên tranh chấp lập văn bản ghi nhận sự thỏa thuận của các bên làm cơ sở cho việc thi hành sau này, cũng như là cơ sở để yêu cầu Tòa án công nhận kết quả hòa giải thành. Tuy nhiên, trong quá trình hướng dẫn các bên về thời hạn, thủ tục công nhận kết quả hòa giải thành ngoài Tòa án, hòa giải viên nên phân tích, động viên các bên chủ động, thiện chí và có trách nhiệm trong việc thực hiện các thỏa thuận đạt được, tránh phải đưa vụ việc đến Tòa án vừa tốn tiền của, công sức lại ảnh hưởng đến mối quan hệ giữa các bên.
Như vậy, trong khi tiến hành hòa giải, hòa giải viên có rất nhiều cơ hội để lồng ghép việc phổ biến, giáo dục pháp luật, nhấn mạnh những quy định mấu chốt của pháp luật nếu các bên mâu thuẫn, tranh chấp nghiêm chỉnh trong ứng xử của mình thì sẽ tránh được mâu thuẫn, tranh chấp xảy ra. Đồng thời, qua đó các bên mâu thuẫn, tranh chấp và những người có liên quan có thể được nâng cao hiểu biết pháp luật và hình thành ý thức tôn trọng pháp luật từ đó hạn chế những vi phạm pháp luật và tranh chấp xảy ra.
3. Các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả phổ biến giáo dục pháp luật trong công tác hoà giải ở cơ sở
Trong tình hình hiện nay, việc nâng cao trình độ hiểu biết pháp luật và ý thức chấp hành pháp luật trong cán bộ và nhân dân ngày càng được coi trọng. Nhận thức được tầm quan trọng, ý nghĩa thiết thực của công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trọng đời sống xã hội, ngày 25/5/2017, Chính phủ đã ban hành Chương trình phổ biến, giáo dục pháp luật giai đoạn 2017 - 2021. Tại điểm d mục 5 Phần III của Chương trình có quy định về việc hướng mạnh hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật về cơ sở, lồng ghép với hòa giải ở cơ sở, tư vấn pháp luật và trợ giúp pháp lý, các hoạt động sinh hoạt văn hóa, văn nghệ, học tập tại cộng đồng và các phong trào vận động Nhân dân tuân thủ, chấp hành pháp luật, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, hiện đại. Theo đó, để phát huy vai trò tích cực của loại hình này cần tiến hành các giải pháp sau đây:
Thứ nhất, cần thường xuyên bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho đội ngũ hoà giải viên
Có thể thấy, đây là nhiệm vụ quan trọng, phải được thực hiện thường xuyên để nâng cao nhận thức cho các hòa giải viên về đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong từng lĩnh vực của đời sống xã hội mà thường xuyên xảy ra mâu thuấn, tranh chấp và vi phạm pháp luật thuộc phạm vi hòa giải ở cơ sở; đồng thời nâng cao kỹ năng, nghiệp vụ hòa giải. Vì thế hàng năm, tư pháp các cấp cần có kế hoạch tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng về đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước cho đội ngũ hòa giải viên. Việc tổ chức bồi dưỡng kiến thức pháp luật có thể tổ chức định kỳ mỗi năm ít nhất 1 lần, hoặc tổ chức theo chuyên đề để cập nhập kịp thời những văn bản pháp luật mới vừa được thông qua, các văn bản pháp luật này liên quan chặt chẽ đến đời sống nhân dân địa phương. Nội dung tập huấn nên xây dựng mềm dẻo, linh hoạt và phù hợp với đặc thù công tác hoà giải ở địa phương, trên cơ sở nội dung Bộ tài liệu bồi dưỡng kiến thức pháp luật, kỹ năng hòa giải ở cơ sở do Bộ tư pháp ban hành năm 2016.
Thứ hai, tổ chức các hội thi tìm hiểu pháp luật, hội thi hoà giải viên giỏi, tuyên truyền viên pháp luật giỏi với những nội dung phong phú, đa dạng và sinh động
Các hội thi tìm hiểu pháp luật, hội thi hòa giải viên là một trong các hoạt động tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật có sức hấp dẫn, lan tỏa cao. Thông qua các hội thi, những nội dung pháp luật được truyền tải đến các đối tượng một cách đơn giản, ngắn gọn, dễ hiểu, dễ nhớ, sinh động hơn, tránh được sự cứng nhắc, khô khan; đối tượng của hội thi rất rộng rãi, tiếp nhận các kiến thức pháp luật một cách thỏa mái và hoàn toàn chủ động qua đó khả năng áp dụng pháp luật của đối tượng được nâng cao. Vì vậy, pháp luật có điều kiện lan tỏa, phát huy rộng rãi trong cuộc sống người dân.
Bên cạnh đó, các hội thi này còn góp phần khuyến khích, động viên phong trào hoà giải trong cả nước nói chung và từng địa phương nói riêng, mặt khác còn là dịp tốt để các hoà giải viên gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm hoạt động hoà giải. Ngoài ra, có thể tổ chức những buổi sinh hoạt chuyên môn định kỳ cho các hoà giải viên, đưa công tác hoà giải lồng vào các hoạt động phong trào khác của địa phương, như: phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng cuộc sống văn hóa ở khu dân cư; phong trào xây dựng nếp sống văn minh, gia đình văn hóa; phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc, trật tự an toàn xã hội...
Thứ ba, cung cấp tài liệu hướng dẫn nghiệp vụ, tài liệu pháp luật cho đội ngũ hoà giải viên.
Việc cung cấp thông tin pháp luật, tài liệu văn bản pháp luật là một trong những nhiệm vụ quan trọng nhằm tăng cường hiệu quả của công tác phổ biến, giáo dục pháp luật thông qua hoạt động hoà giải ở cơ sở. Tài liệu nghiệp vụ, tài liệu pháp luật đầu tiên cần phải kế đến là Bộ tài liệu bồi dưỡng kiến thức pháp luật, kỹ năng hòa giải ở cơ sở do Bộ tư pháp ban hành năm 2016, ngoài ra còn có thể gồm các đề cương tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật; Sổ tay nghiệp vụ hoà giải; báo chí về pháp luật; Sách hỏi - đáp pháp luật phổ thông; tờ rơi, tờ gấp và các tài liệu cần thiết khác. Vì vậy, các cơ quan tư pháp ở địa phương cần có kế hoạch và biện pháp cụ thể để cung cấp đầy đủ các tài liệu, văn bản pháp luật liên quan đến hoạt động hoà giải ở cơ sở cho các tổ hoà giải. Cần đẩy mạnh công tác xây dựng, quản lý tủ sách pháp luật xã, phường, thị trấn để có nguồn văn bản cho các hoà giải viên tra cứu, sử dụng trong quá trình tham gia hòa giải.
Thứ tư, tổ chức hội nghị sơ kết, tổng kết hay toạ đàm trao đổi kinh nghiệm về hoạt động hoà giải ở cơ sở và công tác phổ biến, giáo dục pháp luật thông qua hoạt động hoà giải
Đây là công việc cần thiết phải làm thường xuyên, một mặt theo dõi tổng hợp, đánh giá về tổ chức và đội ngũ hòa giải viên của các tổ hòa giải, mặt khác đây còn là diễn đàn để các hoà giải viên có thể trao đổi kinh nghiệm, học tập lẫn nhau, giúp nhau tháo gỡ những tòn tại, khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn công tác hoà giải. Đồng thời, qua việc sơ kết, tổng kết về hoạt động hòa giải ở cơ sở sẽ giúp chính quyền địa phương có điều kiện hiểu rõ những thuận lợi, khó khăn, kết quả cũng như kiến nghị về công tác hòa giải nói riêng và công tác phổ biến, giáo dục pháp luật nói chung cho cơ quan, cấp có thẩm quyền.
Thứ năm, bảo đảm kinh phí cho công tác hòa giải ở cơ sở và phổ biến, giáo dục pháp luật.
Để nâng cao vai trò và hiệu quả của công tác hòa giải ở cơ sở trong tình hiện nay. Ngày 30/7/2014, Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp đã có Thông tư liên tích số 100/2014/TTLT-BTC-BTP quy định việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí ngân sách nhà nước thực hiện công tác hòa giải ở cơ sở. Căn cứ vào điều kiện kinh tế cụ thể của địa phương và Thông tư liên tịch số 100/2014/TTLT-BTC-BTP nêu trên, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chỉ đạo UBND cấp huyện, cấp xã dành khoản kinh phí nhất định để chi cho các hoạt động hòa giải như: chế độ thù lao cho Hòa giải viên; kinh phí cho việc kiện toàn tổ chức; bồi dưỡng nghiệp vụ hòa giải; sơ kết, tổng kết thi đua khen thưởng công tác hòa giải; tài liệu nghiệp vụ cho hòa giải viên; tổ chức thi hòa giải viên giỏi;... nhằm góp phần nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác hòa giải ở cơ sở và công tác phổ biến, giáo dục pháp luật ở địa phương.